17 câu truyện về Bác Hồ - Phần 2

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    7. Bác có phải là vua đâu

    05.jpg

    Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.

    Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hoà mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

    Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khoẻ, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.

    Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

    – Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?

    Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hằng đoạn Bạch Hạc – Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:

    – Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

    Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.

    – Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!

    Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

    Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoác tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:

    – Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?

    Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!
     
  2. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    8. Từ đôi dép đến chiếc ô tô

    06.jpg


    Đôi dép của Bác ”ra đời” vào năm 1947, được ”chế tạo” từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.

    Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác.

    Trên đường công tác, Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng:

    – Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa… Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.

    Chẳng những khi ”hành quân” mà cả mùa đông, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân, tiếp khách trong nước, khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi đôi dép ấy.

    Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép…

    Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy… Các đồng chí cảnh vệ cũng đã đôi ba lần ”xin” Bác đôi dép nhưng Bác bảo ”vẫn còn đi được”.

    Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì anh em lập mẹo dấu dép đi, để sẵn một đôi giầy mới…

    Máy bay hạ cánh xuống Niu Đê-li. Bác tìm dép. Anh em thưa:

    – Có lẽ đã cất xuống khoang hàng của máy bay rồi… Thưa Bác….

    Bác ôn tồn nói:

    – Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn. Nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự…

    Thế là các ông “tham mưu con” phải trả lại dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi…

    Trong suốt thời gian ở Ấn Độ, các chính khách, nhà báo, quay phim, chụp ảnh lại rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi ghi chép chép… làm anh em cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ “đôi hài thần kỳ” ấy.

    Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên ấy”. Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Cán bộ và chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác, Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:

    – Thôi, các cháu dẫm làm tụt quai dép của Bác rồi…

    Nghe Bác nói, cả đám dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:

    – Thưa Bác, cháu, để cháu sửa…

    – Thưa Bác, cháu, cháu có “rút dép” đây…

    Nhao nhác, ầm ĩ như thế, nhưng đồng chí cảnh vệ chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh rồi; có “rút” cũng vô ích…

    Bác cười nói:

    – Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ!

    Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra, “thách thức”:

    – Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác…

    Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến…

    Bác phải giục:

    – Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ. Anh chiến sĩ, lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:

    – Tôi, để tôi sửa dép…

    Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong.

    Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:

    – Tại dép của Bác cũ quá, Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ…

    Bác nhìn các chiến sĩ nói:

    – Các cháu nói đúng… nhưng chỉ có đúng một phần… Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn ”thọ” lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên… Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…

    Đôi dép cá nhân đã vậy, còn ”đôi dép” ô tô của Bác cũng thế!

    Chiếc xe ”Pa-biết-đa” sản xuất tại Liên Xô Bác vẫn đi, đã cũ, Văn phòng xin ”đổi” xe khác, ”đời mới” hơn, tốt hơn, nhưng Bác không chịu:

    – Xe của Bác hỏng rồi à?

    Anh em thưa rằng chưa hỏng, nhưng muốn thay xe để Bác đi nhanh hơn, êm hơn.

    Bác nói:

    – Ai thích nhanh, thích êm thì đổi…

    Hôm sau đến giờ đi làm, không biết là xe hỏng thật hay ”ai” xui mà Bác đứng đợi bên xe mà xe cứ ”ì” ra. Bác cười bảo đồng chí lái xe:

    – Máy móc có trục trặc, chú cứ bình tĩnh sửa. Sửa xong Bác cháu ta đi cũng kịp…

    Vài phút sau, xe nổ máy..

    Bác lại cười nói với đồng chí lái xe, cảnh vệ:

    – Thế là xe vẫn còn tốt!
     
  3. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    9. Chú sang xông nhà cho Bác

    07.jpg

    Vào các dịp lễ tết, vẫn có một số anh chị em “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” ở lại trực cơ quan.

    Mồng một tết âm lịch (năm 1956), nhường anh em khác về quê, tôi ở lại bảo vệ cơ quan.

    Khoảng 9 giờ sáng, khi mọi người đã rộn ràng đi chúc tết, thì Bác tới.

    Thấy nhà vắng lặng, chỉ có mỗi mình tôi ngồi ở bàn, Bác mừng tuổi tôi một chiếc bánh chưng, một gói kẹo, chúc tôi nhân dịp năm mới, rồi Bác hỏi:

    – Mồng một tết chú khai bút cái gì đó?

    – Thưa Bác, cháu đang viết báo cáo tổng kết công tác năm 1955 của đội ạ.

    Bác khen:

    – Các chú thật cần cù, chịu khó, quanh năm vất vả. Những ngày mưa dầm gió bấc, Bác ngủ trên nhà, còn các chú phải thức suốt đêm ở dưới vườn. Tết còn phải làm việc.

    Bác nói tiếp:

    – Chú viết báo cáo ngắn thôi. Kết luận là: toàn đội hết lòng bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ được an toàn. Không nên nói: bảo vệ Hồ Chủ tịch, vì trong Trung ương Đảng và Chính phủ là có đủ mọi người rồi.

    Bác nắm tay tôi:

    – Chú sang xông nhà cho Bác đi.

    Bác phân công tôi rửa ấm chén, còn Bác thì lau bàn ghế và cắm hoa để đón các đồng chí trong Bộ Chính trị sang chúc tết.

    Tết năm ấy, tôi lại là người vui nhất.
     
  4. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    10. Nước nóng, nước nguội

    08.jpg

    Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sỹ. Đồng chí này đã từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

    Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

    Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ “đồng chí Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa.

    Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

    Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

    – Chú uống đi.

    Đồng chí cán bộ kêu lên:

    – Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

    Bác mỉm cười:

    – À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

    – Dạ có ạ.

    Bác nghiêm nét mặt nói:

    – Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hoà nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

    Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…
     
  5. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    11. Chú ngã có đau không?

    09.jpg

    Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rét. Gió bấc thổi mạnh, mưa phùn lâm râm gây nên cái lạnh buốt, Bác vẫn làm việc rất khuya. Bác khoác chiếc áo bông đã cũ, miệng ngậm điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại hồng lên, tiếng máy chữ lách tách, lách tách đều đều…

    Trời lạnh, nhưng được đứng gác bên Bác, tôi thấy lòng mình như được sưởi ấm lên. Tôi nhẹ bước chân đi vòng quanh lán. Một lần vừa đi, vừa nghĩ, tôi bị thụt chân xuống một cái hố tránh máy bay. Tôi đang tìm cách để lên khỏi hố, chợt nghe có tiếng bước chân đi về phía mình. Có tiếng hỏi:

    – Chú nào ngã đấy?

    Chưa kịp nhận ra ai, thì tôi đã thấy hai tay Bác luồn vào hai nách, chòm râu của Bác chạm vào má tôi. Tôi cố trấn tĩnh lại để nói một lời thì giật mình khi thấy Bác không khoác áo bông, Bác đi tất, một chân có guốc, một chân không, nước mắt tôi trào ra. Vừa kéo, Bác vừa hỏi:

    – Chú ngã có đau không?

    Bác sờ khắp người tôi, nắn chân, nắn tay tôi. Rồi Bác nói:

    – Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống!

    Tôi bàng hoàng cả người, không tin ở tai mình nữa. Có thật là Bác nói như vậy không! Bác ơi! Bác thương chúng cháu quá!

    Tôi trả lời Bác:

    – Thưa Bác, cháu không việc gì ạ. Rồi tôi cố gắng bước đi để Bác yên lòng.

    Bác cười hiền hậu và căn dặn: “Bất cứ làm việc gì chú cũng phải cẩn thận”. Rồi Bác quay vào.

    Tôi đứng nhìn theo Bác cho đến lúc lại nghe tiếng máy chữ của Bác kêu lên lách tách, đều đều trên nhà sàn giữa đêm Việt Bắc.
     
  6. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    12. Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sỹ

    10.jpg

    Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất.

    Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ.

    Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”. “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”.

    Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị ho, mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! ( Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm).

    Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

    – Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

    Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm.

    Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi:

    – Các đồng chí có nước ngọt uống không?

    – Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt!

    Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:

    – Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

    Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu.

    Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả.

    Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân.

    Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:

    – Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng).

    Bác bảo:

    – Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

    Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!