Apple bị kiện vi phạm bằng sáng chế liên quan camera trên iPhone X và tính năng không làm phiền khi

  1. Tác giả: LTTK CTV20
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hai đơn kiện vừa được trình lên hai toà án liên bang vào hôm nay, cáo buộc các sản phẩm mới nhất của Apple đã vi phạm nhiều bằng sáng chế liên quan cụm camera kép trên smartphone và báo động trên thiết bị thông minh.

    Đơn kiện đầu tiên được trình tại Toà án Quận Bắc California do công ty chuyên về camera tại Israel là Corephotonics đệ trình, cáo buộc Apple đã sử dụng công nghệ quan trọng đã được cấp bằng sáng chế của họ để tạo ra cụm camera kép trên iPhone X.
    Corephotonics được thành lập vào năm 2012 để phát triển công nghệ camera smartphone thế hệ tiếp theo, dưới sự dẫn dắt của Tiến sỹ David Mendlovic, một giáo sư tại Đại học Tel Aviv và là cựu Giám đốc Khoa học của Bộ Khoa học Israel.
    Tài sản trí tuệ của công ty này tập trung vào công nghệ camera khẩu độ kép, tiêu cự cố định để mang lại khả năng zoom mở rộng trên các ống kính telephoto. Bên cạnh đó, Corephotonics còn tạo ra các thuật toán hỗ trợ cho phần cứng camera của họ nhằm đảm bảo khả năng chuyển đổi qua lại lượt mà giữa hai module camera.

    [​IMG]

    Cụm camera kép do Corephotonics phát triển còn được sử dụng trên OnePlus 5T
    Apple cũng quảng cáo các tính năng gần như tương đồng khi giới thiệu hệ thống camera kép đầu tiên trên iPhone với chiếc iPhone 7 Plus vào năm 2016.
    Corephotonics vào cuối năm ngoái cũng đã đâm một đơn kiện liên quan chiếc iPhone 7 Plus này, và trong đơn kiện hiện tại, công ty này có cung cấp một số thông tin bổ sung về những hoạt động giữa họ với Apple trước khi sản phẩm này ra mắt.
    Cụ thể, vào năm 2012, các lãnh đạo và kỹ sư Apple đã gặp lãnh đạo của Corephotonics và xem qua tài sản trí tuệ của công ty này, đặc biệt là các giải pháp phần cứng và phần mềm dành cho hệ thống camera đa ống kính. Trong nhiều tháng sau đó, Apple đã gửi một số nhóm phần cứng và phần mềm đến trụ sở Corephotonics ở Tel Aviv để khảo sát các linh kiện mẫu và nghiên cứu về các phương thức xử lý quang học của công ty, cũng như thảo luận các cơ hội hợp tác tiềm năng.
    Tháng 6/2014, Apple bày tỏ mong muốn được cấp phép sử dụng thuật toán camera kép của Corephotonics và tổ chức một cuộc họp để thảo luận về thoả thuận kinh doanh. Sau cuộc họp, Apple yêu cầu được xem các ống kính telephoto mẫu, đề xuất rằng hai công ty có thể sẽ hợp tác trên lĩnh vực thiết kế phần cứng.
    Nhưng các cuộc đàm phán kinh doanh đã bị đình lại vào tháng 8/2014, dù các cuộc thảo luận kỹ thuật giữa các nhóm kỹ sư của Apple và Corephotonics vẫn tiếp tục trong vài tuần tiếp theo. "Khoảng lặng" giữa hai công ty tiếp tục cho đến năm 2016, khi Mendlovic liên hệ với một lãnh đạo phần cứng cấp cao để đề nghị hợp tác thảo luận về các dự án smartphone trong tương lai.
    Một cuộc họp đã được tổ chức sau đó, và Apple một lần nữa bày tỏ mong muốn chính thức hoá thoả thuận kinh doanh và yêu cầu thông tin liên quan việc cấp phép tài sản trí tuệ. Đó là vào tháng 8/2016, chỉ một tháng trước khi iPhone 7 Plus ra mắt. Đến tháng 10, các buổi đàm phán lại một lần nữa bị trì hoãn, và hai cuộc họp liên quan đến các thoả thuận cấp phép sau đó không cho kết quả nào.

    [​IMG]

    Sau khi nghiên cứu chiếc iPhone 7 Plus, Corephotonics kết luận rằng thiết bị này đã vi phạm các bằng sáng chế của mình, và cả chiếc iPhone X với công nghệ camera smartphone tối tân cũng vậy. Đánh giá sâu hơn về các bằng sáng chế cụm camera kép của Apple cho thấy nhiều thứ liên quan đến tài sản trí tuệ của Corephotonics và trong một số trường hợp, các thông số còn hoàn toàn giống nhau.
    Trong đơn kiện của mình, Corephotonics nêu ra tên 3 chiếc điện thoại của Apple là iPhone 7 Plus, iPhone 8 Plus và iPhone X, yêu cầu Táo khuyết bồi thường thiệt hại và các chi phí liên quan vụ kiện, đồng thời yêu cầu toà án cấm bán các sản phẩm nêu trên.
    Không làm phiền khi lái xe
    Trong một vụ kiện khác được đệ trình tại Toà án Quận Đông Texas, Alert Signal Intellectual Property cáo buộc Apple vi phạm 4 bằng sáng chế liên quan đến điều kiện tiếp nhận các thông báo, tin nhắn và các hình thức liên lạc khác trên các thiết bị thông minh. Cụ thể hơn, đó là các phương thức để tắt thông báo dựa trên tốc độ của thiết bị.

    [​IMG]

    Theo đó, tài sản trí tuệ này bao gồm các kỹ thuật sử dụng cảm biến tốc độ để xác định tốc độ của một thiết bị cụ thể. Ví dụ, nếu tốc độ đó gần với tốc độ của một chiếc xe đang di chuyển, thì hệ thống sẽ tự động tắt âm các thông báo đến. Ngoài ra, tính năng này còn có thể cho phép hệ thống đồng ý thông báo của các tin nhắn có mức độ ưu tiên cao, như các tin nhắn có dòng chữ "urgent" (khẩn cấp). Hệ thống này sẽ tự động tắt đi khi tốc độ trở về bình thường.
    Đơn kiện này trực tiếp nhắm vào công nghệ "Do Not Disturb While Driving" của Apple, được giới thiệu cùng với iOS 11 vào năm ngoái. Khi tính năng này được kích hoạt, iPhone sẽ theo dõi trạng thái của nó để phát hiện khi người dùng đang ngồi trong xe, liệu máy có được kết nối với xe qua cổng USB hay Bluetooth không, hay có đang chuyển động không.
    Nếu thiết bị được phát hiện là đang ở trong xe đang chuyển động, nó sẽ tắt âm mọi tin nhắn đến và gửi các trả lời tự động để người gửi biết người nhận đang đi trên đường. Người gửi có thể đánh dấu tin nhắn là "urgent" để giúp vượt qua hàng rào bảo vệ của Do Not Disturb While Driving. Các cuộc gọi cũng được xử lý tương tự, trừ cuộc gọi từ các liên hệ trong danh sách Favorite hay từ những người cố thực hiện hai cuộc gọi liên tiếp trong một thời gian ngắn.
    Các bằng sáng chế được cho là đã bị vi phạm này được cấp cho nhà phát minh Gary Shuster trong thời gian từ năm 2012 đến 2016, sau đó được chuyển sang cho công ty cấp phép tài sản trí tuệ Cerinet. Cerinet sau đó lại chuyển sang cho tổ chức Alert Signal Intellectual Property, và tổ chức này đã từng kiện AT&T hồi cuối năm 2015 với 3 trong số 4 bằng sáng chế mà họ dùng trong vụ kiện lần này với Apple (kết quả vụ kiện AT&T là tổ chức khởi kiện rút đơn sau hai tháng).
    Lần này, Alert Signal Intellectual Property yêu cầu bồi thường thiệt hại, tiền lãi và chi phí liên quan vụ kiện từ Apple.
    Tham khảo: AppleInsider
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/5/18