Bài 27: Lựa chọn trật tự từ trong câu - Ngữ văn 8

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt bài
    1. Thế nào là trật tự từ trong câu
    Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

    Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.

    Gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ:

    - Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!

    (Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

    Có thể thay đổi trật tự từ trong câu in đậm theo những cách nào mà không làm thay đổi nghĩa cơ bản của câu?

    • Có thể thay đổi câu in đậm theo các cách sau:
      • (1) Cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ.
      • (2) Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất.
      • (3) Gõ đầu roi xuống đất, bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ thét.
      • (4) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét.
      • (5) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét.
      • (6) Thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất.
    Vì sao tác giả chọn trật tự từ như trong đoạn trích?

    • Tác giả chọn trật từ từ trên là để đảm bảo sự liên kết với các câu trước và sau câu đó. Đồng thời cách sắp xếp như vậy cũng có tác dụng nhấn mạnh sự hung hãn của nhân vật tên cai lệ.
    Hãy thử chọn một trật tự từ khác và nhận xét về tác dụng của sự thay đổi ấy.

    • Có thể rút ra nhận xét: mỗi trật tự từ sẽ cho một hiệu quả biểu đạt ý khác nhau.
    2. Một số tác dụng của sự lựa chọn, sắp xếp trật tự từ
    a. Trật tự từ trong nững bộ phận in đậm dưới đây thể hiện điều gì?

    (1) Người nhà lí trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái dây thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu.

    Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn.

    (Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

    (2) Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.

    (Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

    • Trong ví dụ (1), trật tự từ trong cả hai phần in đậm đều thể hiện thứ tự trước sau của các hành động.
    • Trong ví dụ (2), trật tự từ trong phần in đậm thứ nhất thể hiện thứ bậc cao thấp của các nhân vật (cũng có thể trật tự ấy thể hiện thứ tự xuất hiện của các nhân vật). Còn trong cụm từ in đậm còn lại, trật tự từ tương ứng với cụm từ đứng trước đó, tương ứng với những vận dụng mà các nhân vật, trước đó mang theo (cai lệ mang roi, người nhà lí trưởng mang thước và dây thừng).
    b. So sánh tác dụng của những cách sắp xếp trật tự từ trong các bộ phận câu in đậm dưới đây:

    (1) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người.

    (Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

    (2) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, giữ làng, giữ nước. Tre hi sinh để bảo vệ con người.

    (3) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, giữ nước. Tre hi sinh để bảo vệ con người.

    • Trong những cách nêu trên, cách nào gợi âm hưởng, tiết tấu, nhịp điệu hay hơn là cách viết của nhà văn Thép Mới.
    3. Ghi nhớ
    Việc lựa chọn trật tự từ trong câu không làm thay đổi ý nghĩa cơ bản của câu. Nó có tác dụng đem lại cho câu một ý nghĩa bổ sung nào đó, như:

    • Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động.
    • Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.
    • Có tác dụng liên kết với các câu khác trong văn bản
    • Trật tự từ đảm bảo sự hài hoà về ngữ âm và lời nói.