Bài 3: Xây dựng đoạn văn trong văn bản - Ngữ văn 8

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt bài
    1. Thế nào là đoạn văn
    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

    Ngữ liệu SGK trang 34

    Câu hỏi:

    Câu 1: Văn bản trên gồm mấy ý? Mỗi ý được viết thành mấy đoạn văn?

    • Văn bản gồm có hai ý, mỗi ý được viết thành một đoạn:
      • Ý một: giới thiệu về tiểu sử của Ngô Tất Tố.
      • Ý hai: giới thiệu nội dung tác phẩm Tắt đèn.
    Câu 2: Em thường dựa vào dấu hiệu hình thức nào để nhận biết đoạn văn?

    • Dấu hiệu hình thức để nhận biết đoạn văn:
      • Đoạn văn bắt đầu từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng, và kết thúc đến chỗ chấm xuống hàng
      • Đoạn văn thường gồm có nhiều câu.
    Câu 3: Hãy khái quát các đặc điểm cơ bản của đoạn văn và cho biết thế nào là đoạn văn.

    • Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, diễn đạt một nội dung nhất định (nội dung logic hay nội dung biểu cảm), được mở đầu bằng chỗ lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn. Như vậy, về mặt nội dung, đoạn văn có thể hoàn chỉnh ở mức độ nhất định (phù hợp với cách hiểu truyền thống) hoặc không hoàn chỉnh. Chỉ có văn bản có sự hoàn chỉnh trọn vẹn nội dung, còn mọi đơn vị bậc dưới nó, trong đó có đoạn văn, không phải lúc nào cũng có và cần phải có sự hoàn chỉnh về nội dung.
    2. Từ ngữ và câu trong đoạn văn
    a. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề của đoạn văn
    Câu a: Đọc đoạn văn thứ nhất của văn bản trên và tìm các từ ngữ có tác dụng duy trì đối tượng trong đoạn văn (từ ngữ chủ đề)

    • Những từ ngữ chủ đề của đoạn văn một: “Ngô Tất Tố quê ở Bắc Ninh là một học giả có nhiều công trình khảo cứu về triết học... một nhà báo nối tiếng, một nhà văn hiện thực xuất sắc”.
    Câu b: Đọc đoạn văn thứ hai của văn bản và tìm câu then chốt của đoạn văn (câu chủ đề). Vì sao em biết đó là câu chủ đề của đoạn?

    • Câu chủ đề của đoạn văn thứ hai “Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố”.
    Câu c: Từ các nhận thức trên, em hiểu từ ngữ của chủ đề và câu chủ đề là gì? Chúng đóng vai trò gì trong văn bản?

    • Câu chủ đề là câu nêu ý chung, ý khái quát của toàn đoạn “tác phẩm tiêu biểu” các câu sau chứng minh giải thích sự tiêu biểu về mặt nội dung và tiêu biểu về mặt nghệ thuật của tác phẩm Tắt đèn.
    • Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ lặp lại nhiều lần nhằm duy trì ý (đối tượng) được biểu đạt
    b. Cách trình bày nội dung đoạn văn
    Câu a: Nội dung đoạn văn có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau. Hãy phân tích và so sánh cách trình bày ý của hai đoạn văn trong văn bản nêu trên.

    • Phân tích cách trình bày đoạn văn ở văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm Tắt đèn
      • Đoạn một: Không có câu chủ đề, yếu tố để duy trì đối tượng trong đoạn văn là những từ ngữ then chốt, quan hệ các câu trong đoạn văn là quan hệ song hành mỗi câu trình bày một khía cạnh trong tiểu sử của tác giả, nội dung của đoạn văn triển khai theo trình tự từ tiếu sử (quê quán, tên tuổi) đến sự nghiệp (những thành tựu đạt được) song hành.
      • Đoạn hai: Câu chủ đề của đoạn thứ hai được đặt ở vị trí đầu câu, ý của đoạn văn được triển khai theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, diễn dịch.
    Câu b: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

    Ngữ liệu SGK trang 35

    • Đoạn văn có câu chủ đề không? Nếu có thì nó ở vị trí nào?
      • Câu chủ đề của đoạn văn trên nằm ở cuối đoạn.
    • Nội dung của đoạn văn được trình bày theo trình tự nào?
      • Nội dung đoạn văn được trình bày theo trình tự móc xích, câu này giải thích cho câu kia.
    Soạn bài: Xây dựng đoạn văn trong văn bản
    I. Về khái niệm đoạn văn

    Câu 1:

    Văn bản có hai ý chính: Khái quát về tác giả Ngô Tất Tố và khái quát giá trị nổi bật của tác phẩm Tắt đèn.


    Câu 2: Có thể dựa vào dấu hiệu hình thức để nhận diện đoạn văn: Chữ đầu đoạn viết lùi vào đầu dòng, kết đoạn chấm xuống dòng, mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu. Như vậy, văn bản trên gồm hai đoạn văn. Về mặt nội dung, mỗi đoạn văn thể hiện một ý tương đối trọn vẹn. Hai đoạn văn trong văn bản trên tương ứng với hai ý.

    Câu 3: Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, diễn đạt một nội dung nhất định (nội dung logic hay nội dung biểu cảm), được mở đầu bằng chỗ lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn. Như vậy, về mặt nội dung, đoạn văn có thể hoàn chỉnh ở mức độ nhất định (phù hợp với cách hiểu truyền thống) hoặc không hoàn chỉnh. Chỉ có văn bản có sự hoàn chỉnh trọn vẹn nội dung, còn mọi đơn vị bậc dưới nó, trong đó có đoạn văn, không phải lúc nào cũng có và cần phải có sự hoàn chỉnh về nội dung.


    II. Từ ngữ và câu trong đoạn văn

    a. Các từ ngữ đảm bảo duy trì ý của toàn đoạn: "Ngô Tất Tố", "Ông là…", "nhà văn", "Tác phẩm chính của ông".

    Những từ ngữ có tác dụng duy trì ý của đoạn văn chính là những từ ngữ chủ đề.

    Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ lặp lại nhiều lần nhằm duy trì ý (đối tượng) được biểu đạt.

    b. Câu "Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố." khái quát nội dung của đoạn văn. Đây là câu chủ đề (câu then chốt) của đoạn. Trong trường hợp này, câu chủ đề đứng ở đầu đoạn.

    Câu chủ đề là câu khái quát nội dung của đoạn, có hình thức ngắn gọn và thường đủ hai thành phần chính, có thể đứng ở đầu hoặc cuối câu (trường hợp câu chủ đề đứng ở cuối câu ta sẽ tìm hiểu sau).

    c. Về mặt hình thức (dấu hiệu nhận biết đoạn), hai đoạn văn trong văn bản trên giống nhau. Về nội dung, mỗi đoạn văn có cách trình bày nội dung khác nhau:

    - Đoạn thứ nhất không có câu chủ đề;

    - Đoạn thứ hai có câu chủ đề;

    Tuy nhiên, dù có câu chủ đề hay không thì đoạn văn nhất thiết phải có chủ đề. Chủ đề trong đoạn văn thứ nhất được đảm bảo duy trì bằng các từ ngữ chủ đề. Các câu trong đoạn văn triển khai, làm sáng tỏ chủ đề của đoạn. Chủ đề trong đoạn văn thứ nhất được trình bày theo phép song hành. Chủ đề của đoạn văn thứ hai được trình bày theo phép diễn dịch (câu chủ đề đứng đầu đoạn).

    - "Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào." là câu chủ đề của đoạn văn.

    - So sánh về vị trí của câu chủ đề ở đoạn văn thứ hai trong văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm "Tắt đèn" với vị trí của câu chủ đề ở đoạn văn trên.

    Trong trường hợp trên, câu chủ đề đứng ở cuối đoạn. Đây là cách triển khai chủ đề theo kiểu quy nạp.


    III. Luyện tập

    Câu 1: Văn bản đã cho gồm hai đoạn văn tương ứng với hai ý chính của văn bản: Thầy đồ chép văn tế của ông thân sinh để tế người khác; Gia chủ có người chết trách thầy đồ viết nhầm, thầy đồ cãi là người chết nhầm.

    Câu 2: Trước hết, hãy xác định từ ngữ chủ đề hoặc câu chủ đề của các đoạn văn. Sau đó nhận xét về cách triển khai chủ đề của từng đoạn.

    - Đoạn (a): Câu chủ đề (Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương) đứng ở đầu đoạn; chủ đề được triển khai theo kiểu diễn dịch (đi từ khái quát đến cụ thể).

    - Đoạn (b): Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề (mưangớt - tạnh, trời), các câu được tổ chức theo kiểu song hành.

    - Đoạn (c): Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề (Nguyên Hồng, …), các câu được tổ chức theo kiểu song hành.

    Câu 3: Tham khảo đoạn văn sau:

    Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta.Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

    (Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)

    Tham khảo đoạn văn sau:

    Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã được khẳng định trong những cuộc kháng chiến vĩ đại, gắn với những tên tuổi ấy.

    Câu 4: Giải thích câu tục ngữ "Thất bại là mẹ thành công":

    Thành công là gì? Đó là mục tiêu chúng ta đạt được mà trước đó đã đặt ra trong cuộc sống của mình. Bạn mong muốn năm nay bạn sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi, cuối năm bạn đã được điều đó. Vậy là bạn thành công rồi đấy! Ngược lại, thất bại là khi chúng ta không đạt được mục đích đã đề ra. Thành công và thất bại, chúng đối lập nhau sâu sắc, tưởng chừng giữa chúng không có mối quan hệ nào. Nhưng kinh nghiệm của dân gian ta đã chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Nghĩa là giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Nói theo cách khác: thất bại là nhân tố tạo ra thành công.