Bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) của Nguyễn Trãi)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giớibài 43) của Nguyễn Trãi)
    19.jpg
    Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43)​


    I. Tìm hiểu chung

    Giới thiệu tập thơ “quốc âm thi tập”

    Gồm 254 bài, là tập thơ nôm sớm nhất hiện còn.
    Về nội dung, phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi: người anh hùng với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân, nhà thơ với tình yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống…
    Về nghệ thuật, thể thơ thất ngôn Đường luật của Trung Quốc đã được Nguyễn Trài sử dụng thuần thục như một thể thơ dân tộc, có khi chen vào chỗ thích hợp một số câu lục ngôn.
    Được chia thành bốn phần: Vỏ đề, Môn thì lệnh, môn hoa mộc, môn cầm thú.
    Phần vô đề gồm những bài thơ không có tựa đề, được sắp xếp thành một số mục: Ngôn chí, mạn thuật, tự thán, tự thuật, bảo kính cảnh giới…

    Xuất xứ văn bản.

    Cảnh ngày hè là bài số 43 trong mục “Bảo kính cảnh giới” có 61 bài, thuộc phần “Vô đề” của “Quốc âm thi tập”

    II. Tìm hiểu văn bản

    1. Cảnh thiên nhiên ngày hè:

    Rồi hóng mát thuở ngày trường,

    “Rồi” là rỗi rãi, tâm hồn thư thái, thanh thản cảm nhận cảnh ngày hè, cảm nhận cảnh vật thanh bình, yên vui. “Ngày trường” là ngày dài, ngày rảnh rỗi.
    Khi từ quan về quê ở ẩn, Nguyễn Trãi có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống với cỏ cây. Ông thực sự hòa mình vào với thiên nhiên rộng lớn, một thú vui tao nhã, thanh cao của nhà nho xưa.
    Cảnh thiên nhiên được cảm nhận là bức tranh sinh động, tràn đầy sức sống, mang vẻ đẹp rực rỡ. Màu sắc tươi tắn, đậm đà: màu lục của lá hòe “hèo lục”: màu đỏ của hoa thạch lựu “thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”, màu hồng của hoa sen “hồng liên trì”.

    Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

    Hình ảnh nên thơ, sống động: hòe lục đùn đùn, rợp mát như giương ô che rợp, thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang độ thơm nức, ngát mùi hương.
    Bên cạnh sác màu của ngày hè rạo rực sức sống, âm thanh cuộc sống bình dị vang vọng thổn thức:

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

    Âm thanh của chợ cá từ xa vọng lại, âm thanh inh ỏi của tiếng ve khiến cho không gian thêm phần rộn rã. Thế nhưng, hình ảnh hiện lên có phần cô tịc, đìu hiu. Tiếng chợ làng xa chỉ lao xao thưa thót vọng lại. Tiếng ve kêu cầm chừng, đứt đoạn trên lầu cao vắng vẻ. Tiếng ve đơn đọc lạnh lẽo giữa không gian. Có lẽ, ẩn sâu bên trong ấy là nỗi lòng lo âu của tác giả đối với cuộc đời, đối với đất nước.

    Nhận xét:

    Tác giả sử dụng các động từ mạnh, hình ảnh gợi tả: đùn đùn, giương, phun thức đỏ, tiễn mùi hương. Dường như, có một cái gì thôi thút tự bên trong, đang tràn căng, đang ứ đầy, không kìm hãm lại được, chỉ chờ bực phát ra bên ngoài. Nhà thơ đón nhận cảnh vật ngày hè với nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và cả sự liên tưởng.
    Cảnh vật ngày hè được miêu tả với đường nét, màu sắc, âm thanh rất đặc trưng, gợi tả. Qua đó ta thấy vẻ đẹp thanh bình của bức tranh đời sống con người.

    2. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi

    Qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người ngày hè đều tràn đầy sức sống, ta thấy được sự giao cảm mạnh mẽ của tác giả đối với cảnh vật. Điều đó cho thấy một tâm hồn khát sống, yêu thiên nhiên, yêu đời mãnh liệt và tinh tế, giàu chất nghệ sĩ của tác giả.

    Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
    Dân giàu đủ khắp đồi phương.

    Tác giả ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để tấu lên khúc Nam Phong, cầu mưa thuận gió hòa để “dân giàu đủ khắp đồi phương”.
    Lấy vua Nghiêu, Thuấn làm “gương báu răn tình”, Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: luôn khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân. Ông luôn mong muoond xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc, một đất nước thái bình, thịnh vượng. Thế nhưng, chí nguyện ấy đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Quan trường điên đảo, ông từ quan là để giữ mình trong sạch, tránh tai họa chứ không phải là để lánh đời. Bởi thế, tâm nhàn mà thân không nhà, vẫn canh cánh lo âu cho vận nước, cho muon dân bách tính.
    Chí nguyện ấy cũng là ước mong của Đỗ Phủ năm xưa:

    Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
    Khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
    Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn
    Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
    Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

    (Mao ốc vị phong thu sở phá ca)

    Tác giả yêu thiết tha nhân dân, đất nước, mong dân được ấm no, hạnh phúc, giàu có, sung túc

    • Nghệ thuật:
    – Cách ngắt nhịp ¾ khá mới mẻ, sáng tạo.
    – Thơ thất ngôn xen lục ngôn.
    – Dùng những từ mạnh: đùn đùn, giương, phun.
    – Cảm nhận thiên nhiên bằng các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác.
    – Từ láy độc đáo: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi.
    – Ngôn từ giản dị, xen lẫn từ Hán và điển tích.

    • Ý nghĩa văn bản.
    Tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp trước tác của Nguyễn Trãi – tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân – được thể hiện qua những run động trữ tình dạt dòa trước cảnh thiên nhiên ngày hè.

    • Câu hỏi ôn tập:
    1. Giới thiệu ngắn gọn về tập thơ “quốc âm thi tập”?
    2. Nêu xuất xứ của bài thơ “cảnh ngày hè”?
    3. Trình bày khái quát nội dung, nghệ thuật của bài thơ?
    4. Nêu những nét chính về nghệ thuật của bài thơ?
    5. Bài thơ “cảnh ngày hè” giúp em hiểu gì về Nguyễn Trãi?
    6. Nguyễn Trãi đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, em thấy Nguyễn Trãi là người có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên?
    7. Hai câu thơ cho em hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với dân, với nước như thế nào?
    Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
    Dân giàu đủ khắp đòi phương
    8. Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
    9. Cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè.