Bài thơ Từ ấy – Tố hữu

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Bài thơ Từ ấyTố hữu


    01.jpg
    • Vài nét về tác giả Tố Hữu
    – Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh Nguyễn Kim Thành
    – Quê: Làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, Quảng Điền – Thừa Thiên Huế
    – Năm 1937, Tố Hữu được kết nạp ĐCS.
    – Sự nghiệp thơ ca gắn liền với sự nghiệp cách mạng  Tố Hữu là lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam
    – Ngày đầu được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tác giả đã sáng tác bài thơ để ghi lại kỉ niệm đáng nhớ
    – Tập thơ Từ ấy gồm 71 bài được chia làm 3 phần : Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng. Bài thơ Từ ấy nằm trong phần Xiềng xích.
    • Phân tích văn bản:
    Thể thơ : thất ngôn trường thiên
    Bố cục: 3 khổ – 3 phần
    + Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng, của cách mạng
    + Khổ 2: Nhận thức mới về lẽ sống
    + Khổ 3: Sự chuyển biến trong tình cảm
    • Phân tích:
    Khổ thơ 1:

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lý chói qua tim
    Hồn tôi là một vườn hoa lá
    Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
    “Từ ấy”
    là khi tác giả được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được phấn đấu vì lí tưởng cách mạng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ.
    Cách sử dụng động từ mạnh mẽ: “bừng” , “chói” (tỏa sáng) gợi tả sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ của lí tưởng cách mạng đối với tác giả
    Phép ẩn dụ: “nắng hạ” (niềm vui sướng), “mặt trời chân lí” (lí tưởng cách mạng), “chói qua tim” (giác ngộ) khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ.
    Phép so sánh – ẩn dụ: hồn tôi – vườn hoa lá (đậm hương, rộn tiếng chim) Diễn tả tâm hồn tràn ngập niềm vui sướng, say mê, nồng nhiệt của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng mới.

    Khổ thơ 2:

    Tôi buộc lòng tôi với mọi người
    Để tình trang trải với trăm nơi
    Để hồn tôi với bao hồn khổ
    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

    Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống, cách sống và gắn mình với dân tộc, với đất nước. Đó là sự gắn bó tự nguyện, hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của xã hội, đặc biệt là những người lao động nghèo khổ: Lòng tôi – mọi người, tình – trang trải trăm nơi, hồn tôi – với bao hồn khổ.
    Điệp từ để: mục đích của việc gắn kết cái tôi và cái ta. Từ “buộc” (tự nguyện trói buộc mình) thể hiện ý thức tự nguyện, quyết tâm gắn kết cao độ. Trang trải nghĩa là trải rộng tâm hồn với cuộc đời, ý thức đồng cảm sâu sắc. Phép hoán dụ: “trăm nơi” chỉ mọi người sống ở mọi nơi. Khối đời là ẩn dụ khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết chặt chẽ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung
    Nhà thơ đã đặt mình vào giữa cuộc đời rộng lớn của quần chúng lao khổ. Ở đó, Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu của trái tim nhân ái

    Khổ thơ 3:

    Tôi đã là con của vạn nhà
    Là em của vạn kiếp phôi pha
    Là anh của vạn đầu em nhỏ
    Không áo cơm, cù bất cù bơ…

    Điệp từ “là” : định nghĩa mối quan hệ giữa cái tôi và cái ta Điệp từ “vạn”: số nhiều chỉ đông đảo quần chúng nhân dân lao khổ. Điệp từ “của”: đặt mình vào mọi người, thuộc về mọi người
    Tác giả xưng hô: “con”, “em”,”anh” thể hiện sự thân mật, gần gũi như máu thịt. Ý thơ nhấn mạnh và khẳng định một tình cảm gia đình đầm ấm, thân thiết, gắn bó ruột thịt. Sự cảm nhận sâu sắc mình là thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Sự biểu hiện xúc động, chân thành khi nói về những kiếp người bất hạnh, dãi dầu sương gió
    • Tổng kết
    – Bài thơ Từ ấy là tuyên ngôn về lí tưởng và nghệ thuật của Tố Hữu
    – Giọng điệu chân thành, cảm xúc hồ hởi, náo nức đã nêu bật một quan niệm mới mẻ và nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân và quần chúng lao khổ.