Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê)

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Soạn bài: Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê)
    Bố cục

    Chia làm ba phần:

    - Phần 1 (từ đầu đến "mà vắng mặt con"): Quang cảnh trên đường đến trường và cảnh ở trường qua sự quan sát của Phrăng.


    - Phần 2 (tiếp tới "buổi học cuối cùng này"): Diễn biến của buổi học cuối cùng.

    - Phần 3 (còn lại): Cảnh kết thúc buổi học cuối cùng

    Câu 1:

    Câu chuyện được kể diễn ra tại lớp học ở một xã thuộc vùng An-dát của nước Pháp. Thời gian sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ nước Pháp thua trận phải cắt vùng An-dát cho nước Phổ. Theo lệnh của chính quyền Phổ, trường học ở đây không được dạy tiếng Pháp nữa. "Buổi học cuối cùng" là buổi học bằng tiếng Pháp cuối cùng, chứ không phải là buổi học kết thúc niên học.


    Câu 2:

    - Ngôi kể: Ngôi thứ nhất --> Nhân vật Phrăng.

    - Tác dụng: cách kể tạo ấn tượng về một câu chuyện có thật, đồng thời cũng thể hiện được tâm trạng, ý nghĩ của nhân vật kể chuyện.

    - Nhân vật chính: Cậu bé Prăng và thầy giáo Ha-men. Ngoài ra còn một số nhân vật phụ khác(cụ Hô-de, các học trò, dân làng, …) Nhân vật gây ấn tượng nổi bật ở đây là thầy Ha-man. người đã phụng sự đất nước bốn mươi năm bằng nghề dạy học, người đã thể hiện sâu sắc tình yêu nước Pháp bằng cả tấm lòng.

    Câu 3:

    Vào sáng hôm diễn ra buổi học cuối cùng, chú bé Phrăng đã nhìn thấy những điều khác lạ. Trên đường đến trường: có nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị. Trường học không ồn ào với những âm thanh quen thuộc mà "Bình lặng như một buổi sáng chủ nhật".

    Trong lớp không khí trang trọng, thầy Hamen mặc lễ phục, thầy dịu dàng chứ không giận dữ. Có thêm cụ Hôde, bác phát thư và nhiều người dân làng ngồi ở cuối lớp. Những điều đó báo hiệu đây là buổi học bằng tiếng Pháp cuối cùng như là điều được niêm yết ở trụ sở xã.

    Câu 4:

    - Khi nghe thầy Ha-men thông báo đây là buổi học cuối cùng, thái độ của Phrăng:

    • Lúc đầu thấy choáng váng vì đột ngột.

    • Thấy tiếc nuối vì mình mới chỉ biết viết tiếng Pháp "tập toạng"

    • Thấy ân hận về sự lười học, ham chơi của mình.
    - Khi bị thầy giáo gọi lên đọc bài hình ảnh của Phrăng hiện:

    • Lúng túng, đung đưa người trước ghế dài vì không thuộc bài.

    • Lòng rầu rĩ không dám ngẩng đầu lên.
    Có thể nhận thấy rằng lúc này Phrăng lúc này xấu hổ, giận mình đã không thuộc quy tắc phân từ, hối hận vì đã không chăm chỉ học tiếng Pháp.

    - Khi thầy đọc và giảng bài Phrăng thấy dễ hiểu và rõ ràng đến thế, thấy chưa bao giờ mình lại chăm chú nghe đến thế.

    - Nguyên nhân: Tình yêu tiếng Pháp, tình yêu nước Pháp được bùng lên khi nghe tiếng Pháp bị cấm đoán, bị thay thế bằng thứ tiếng khác.

    Có thể nói rằng Phrăng là một chú bé hồn nhiên, chân thật, biết lẽ phải, yêu tiếng Pháp, quý trọng và biết ơn thầy .


    Câu 5: Nhân vật thầy giáo Hamen trong buổi học cuối cùng

    – Thầy ăn mặc bộ lễ phục chỉ dùng vào những ngày đặc biệt khi có thanh tra hoặc phát thưởng: áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu.

    – Thầy nói năng với học sinh dịu dàng, không giận dữ quát mắng. Thầy kiên nhẫn giảng bài, chuẩn bị bài học rất chu đáo.

    – Thầy ca ngợi tiếng Pháp, tự phê bình mình và mọi người có lúc đã sao nhãng việc học tập và dạy tiếng Pháp. Thầy coi tiếng Pháp là vũ khí, là chìa khóa của chốn lao tù.

    – Buổi học kết thúc, thầy xúc động mạnh, người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu. Thầy đã viết thật to lên bảng: "Nước Pháp muôn năm".

    Tóm lại: Thầy Hamen là người yêu nghề dạy học, yêu tiếng mẹ đẻ, và người yêu nước sâu sắc.

    Câu 6:

    - Một số câu văn dùng phép so sánh:

    + Tất cả những cái đó (nghe sáo hót, nhìn lính Phổ tập) cám dỗ tôi hơn là các quy tắc về phân tử.

    + Tiếng ồn ào như vỡ chợ.

    + Mọi sự đều bình lặng y như buổi sáng chủ nhật.

    + Dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi.

    - Những so sánh này làm cho lời văn thêm tính hình tượng cụ thể, tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt, biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.

    Câu 7:

    Câu nói của thầy Ha-men "... khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa của chốn lao tù ...". Câu nói này khẳng định giá trị to lớn của tiếng nói dân tộc. Còn giữ vững được tiếng nói là còn phương tiện để đấu tranh giành lại độc lập tự do, thoát khỏi vòng nô lệ. Yêu quý, học tập, giữ gìn tiếng nói của dân tộc là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước.

    III. LUYỆN TẬP
    Câu 1: Tóm tắt

    Chuyện kể về buổi học tiếng Pháp cuối cùng ở vùng An-dát qua lời kể của cậu học trò Phrăng. Sáng hôm ấy, cậu bé Phrăng đến lớp hơi muộn và ngạc nhiên khi thấy lớp học có vẻ khác thường. Cậu thực sự choáng váng khi nghe thầy Ha-men nói đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Cậu thấy tiếc nuối và ân hận vì bấy lâu nay đã bỏ phí thời gian, đã trốn học đi chơi và ngay sáng nay cậu cũng phải đấu tranh mãi mới quyết định đến trường. Trong buổi học cuối cùng đó không khí thật trang nghiêm. Thầy Ha-men đã nói những điều sâu sắc về tiếng Pháp, đã giảng bài say sưa cho đến khi đồng hồ điểm 12 giờ. Kết thúc buổi học, thầy nghẹn ngào không nói nên lời, thầy cố viết thật to lên bảng: "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM".

    Câu 2: Viết một đoạn văn miêu tả thầy Ha-men hoặc chú bé Phrăng trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp.

    Gợi ý: Cần tập trung miêu tả các đặc điểm như: trang phục, giọng nói, thái độ,… của thầy Ha-men trong buổi lên lớp cuối cùng (nếu bài viết miêu tả thầy Ha-men).

    Hoặc miêu tả hành động, thái độ, những suy nghĩ,... của cậu bé Phrăng khi chứng kiến cảnh thầy Ha-men phải từ bỏ những giờ lên lớp (nếu là bài viết miêu tả cậu bé Phrăng). Đoạn văn cần miêu tả ngắn ngọn, chỉ nên chú ý và những nét tiêu biểu có khả năng làm nổi bật được tính cách của đối tượng.