Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình - Ngữ văn 7

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt bài
    1. Tìm hiểu chung
    a. Ca dao, dân ca là gì?
    • Ca dao, dân ca là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.

    [​IMG]

    b. Một số làn điệu dân ca các vùng miền
    • Hát quan họ Bắc Ninh
    • Hát ghẹp Phú Thọ
    • Hát dậm Nghệ Tĩnh
    • Hát bài chòi Quảng Nam
    • Hát xẩm
    • Ca trù
    • Ca Huế
    • Hò Huế
    • Dân ca Nam Bộ
    • Hát ru
    2. Đọc - hiểu văn bản
    a. Đọc, giải nghĩa từ khó

    • Đọc: Chú ý đọc diễn cảm, thể hiện cảm xúc.
    • Chú thích (SGK/35): Chú ý những từ khó
      • "Cù lao chín chữ" (Phân biệt với cù lao: bãi nổi trên sông)
      • "Nuộc lạt"
      • "Bác mẹ"
      • "Hai thân"
    b. Phân tích
    Bài 1

    "Công cha như núi ngất trời

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

    Núi cao, biển rộng mênh mông

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi"

    Bài 4

    "Anh em nào phải người xa

    Cùng chung bác mẹ, một nhà tình thân

    Yêu nhau như thể tay chân

    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy"

    • Hai bài ca dao thuộc chủ đề tình cảm gia đình
      • Bài 1: Lời của mẹ ru con nói với con
      • Bài 4: Lời của ông bà, cha mẹ, cô bác nói với con cháu hoặc của anh em ruột thịt nói với nhau
    • Cụ thể

    [​IMG]
    3. Tổng kết
    a. Nội dung

    • Tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, anh em và tình cảm của ông bà, cha mẹ đối với con cháu luôn là những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng nhất trong đời sống mỗi con người.
    • Nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, coi trọng gia đình.
    b. Nghệ thuật
    • Sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ, đối xứng, tăng cấp ...
    • Có giọng điệu ngọt ngào mà trang nghiêm.
    • Diễn tả tình cảm qua những mô típ.
    • Thể thơ lục bát và lục bát biến thể gợi âm điệu tâm tình, nhắn nhủ.
    • Ngôn ngữ thơ nhưng vẫn rất gần với lời nói hằng ngày của nhân dân và mang màu sắc địa phương.
    • Dùng hình ảnh phủ định để khẳng định.
    • Các vế trong bài có quan hệ nhân - quả.
    c. Ghi nhớ: SGK/ 36
    • Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca.
    • Những câu thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời ru của mẹ cha, ông bà với con cháu, lời con cháu nói với cha mẹ và ông bà.
    • Thường dùng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ quen thuộc. Mục đích:
      • Bày tỏ tâm tình
      • Nhắc nhở về công ơn sinh thành dưỡng dục, tình mẫu tử.
      • Ca ngợi tình anh em ruột thịt.

    Bài tập minh họa
    Ví dụ

    Đề bài 1: Sưu tầm một số bài ca dao, dân ca về tình yêu quê hương, đất nước và con người

    Gợi ý làm bài

    "Cần Thơ gạo trắng nước trong,

    Ai đi đến đó lòng không muốn về".



    "Cà Mau hãy đến mà coi,

    Muỗi kêu như sáo thổi,

    Đỉa lội lềnh tựa bánh canh".



    "Cần Thơ là tỉnh,

    Cao Lãnh là quê,

    Anh đi lục tỉnh bốn bề,
    Mải đi buôn bán chẳng về thăm em".




    "Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No,

    Anh có thương em, xin sắm một con đò,

    Để em qua lại mua cò gởi thơ.

    Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,

    Anh có thương em, cho bạc cho tiền,

    Đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay".



    "Con trai trong Quảng ra thi,

    Thấy con gái Huế chân đi không đành".



    "Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,

    Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.

    Viết thư thăm hết mọi nhà,

    Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em".



    "Chỉ điều xe tám, đậu tư,

    Anh đi Gia Định thư từ cho em".



    "Chị Hươu đi chợ Đồng Nai

    Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò".



    "Chợ Sài Gòn cẩn đá

    Chợ Rạch Giá cẩn xi măng

    Giã em xứ sở vuông tròn

    Anh về xứ sở không còn ra vô".



    "Dù ai đi ngược về xuôi

    Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

    Dù ai buôn bán gần xa

    Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười"



    "Đường vô xứ Huế quanh quanh

    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ".



    "Gió đưa cành trúc la đà

    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

    Mịt mù khói tỏa ngàn sương

    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"



    "Khen ai khéo họa dư đồ,

    Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn gươm"



    "Lục tỉnh có hạt Ba Xuyên,

    Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày.

    Mậu Thìn vốn thiệt năm nay,

    Một ngàn hai tám, tiếng rày nổi vang.

    Phong Thạnh vốn thiệt tên làng,

    Giá Rai là quận, chợ làng kêu chung.

    Anh em Mười Chức công khùng,

    Bị tranh điền thổ, rùng rùng thác oan"



    "Lênh đênh ba mũi thuyền kề,

    Thuyền ra Kẻ Chợ, thuyền về sông Dâu".



    "Làng tôi có lũy tre xanh,

    Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng".



    "Bên bờ vải nhãn hai hàng,

    Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng".

    Đề bài 2: Em hãy giải thích câu ca dao sau (có liên hệ với cuộc sống thực của em). Phát biểu cảm nghĩ của em đối với công ơn của cha mẹ.

    "Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

    Gợi ý làm bài

    1. Mở bài

    • Ca dao có nhiều câu hay nói về tình cảm gia đình
    • Nói về công ơn của cha mẹ với con cái, câu ca dao sau đây tình ý thật thấm thía:
    "Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

    Một lòng thờ mẹ kính cha

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

    2. Thân bài

    a. Ý nghĩa câu ca dao

    • "Công cha như núi Thái Sơn"
      • Thái Sơn là tên một ngọn núi bên Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi lớn nhất, mà họ gọi nó là “Ngũ Nhạc”.
      • Ví công cha với núi Thái Sơn là ví công ơn sinh dưỡng của cha chồng chầt như núi non, sừng sững và bất diệt.
      • Công ơn của cha hiện hữu thực tế và bất biến trong đời thường, trong xương máu của từng đứa con.
    • "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
      • Nước trong nguồn” khác với nước mưa, nước hồ ở chỗ nó tuôn chảy mãi mãi. Mưa có lúc tạnh, hồ có lúc khô. Nhưng dù dòng nước ấy nhỏ như một khe suối, nó vẫn tuôn chảy quanh năm. Đó chưa kể nếu đó là nguồn thác, nguồn sông, thì nước ấy mênh mông tuôn hòa vào biển cả.
      • Ví nghĩa mẹ với nước trong nguồn là ví tình mẹ bao la vô tận, không giới hạn, không đo đếm được. Đúng như một câu ca dao:
    “Chim trời ai dễ đếm lông

    Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”
    • “Đạo”
      • “Đạo” là con đường.
      • “Đạo làm con” là con đường đúng nhất mà người làm con phải tuân theo cho đúng luân lí đạo đức xã hội. Con đường ấy là “thờ mẹ, kính cha”.
      • Người ta còn dùng chữ đạo để chỉ một tôn giáo.
        • Mỗi tôn giáo có một giáo chủ và những điều lệ, những lời răn về đạo đức.
        • Người theo tôn giáo nào thì tôn thờ vị giáo chủ đứng đầu tôn giáo ấy.
        • Nhiều người thờ Phật kính Chúa mà lại không thờ cha kính mẹ thì thật là lỗi đạo làm con.
    b. Làm thế nào để tròn chữ hiếu, tròn đạo con?

    • Ở đây, lời khuyên của ông bà là: hãy “thờ Mẹ, kính Cha”. Vậy thế nào là thờ mẹ kính cha?
      • Thờ Mẹ kính Cha không chỉ là chữ dành cho người đã khuất.
        • Khi cha mẹ còn sống, thờ kính có nghĩa là vâng lời cha mẹ răn dạy, sống đúng đạo nghĩa, làm tốt những bổn phận người con, người học sinh, người công dân xã hội, mang danh thơm tiếng tốt, mang sự thành đạt của mình về để làm mát lòng cha mẹ. Dù nụ cười của cha không làm mẹ trẻ lại. Dù niềm vui của mẹ không làm tóc trắng hóa tóc xanh, nhưng sự thành đạt của con cái luôn là niềm hạnh phúc của cha mẹ.
        • Khi cha mẹ đau ốm, miếng ăn, viên thuốc, bàn tay của con là nguồn an ủi cho cha mẹ đỡ đớn đau, đỡ buồn và hiu quạnh. Đó là nguồn sức mạnh tăng sinh lực, giúp cha mẹ chống chọi với cơn bệnh và vượt qua cơn bệnh.
      • Khi cha mẹ qua đời, con cái cần ma chay chu đáo, tuy không xa hoa, nhưng cần đầy đủ. Ngày thất, ngày giỗ không quên cúng kiến thành tâm.
      • Hơn thế, người con có hiếu là người biết sống theo đạo đức của mẹ, cha. Lấy mẹ, cha là tấm gương noi theo để sống một đời trong sạch và hữu ích.
    c. Phát biểu cảm nghĩ của em đối với công lao to lớn của cha mẹ

    • Tùy từng học sinh, phần này sẽ có nội dung khác nhau. Sau đây là một số câu gợi ý:
      • Qua sự phân tích trên, em thấy ngay từ khi còn nhỏ, bổn phận của em đối với cha mẹ phải như thế nào? Từ trước đến nay em có làm được như thế không? Vì sao?
      • Từ bây giờ về sau và sau này khi lớn lên, em sẽ làm gì để đền đáp công lao to lớn đó của cha mẹ?
    3. Kết bài

    • Tình cảm và cách cư xử của bản thân mỗi người đối với cha mẹ là thước đo đầu tiên đánh giá tư cách đạo đức của mỗi người.
    • Cha mẹ có công lao to lớn đối với bản thân ta, chúng ta phải kính yêu cha mẹ, vâng lời cha mẹ, học tập và làm việc tốt để cha mẹ vui lòng, lớn lên phai trông nom săn sóc cha mẹ.
    • Nếu ta không chăm sóc cha mẹ chu đáo, thì sau này đừng trách sao con cháu bất hiếu với chúng ta.