Cách để Chăm sóc rùa tai đỏ

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Cân nhắc xem nuôi rùa tai đỏ có phù hợp với bạn hay không, Chuẩn bị bể nuôi rùa, Mang rùa về nuôi, Chăm sóc rùa hằng ngày

    Nếu bạn đang muốn nuôi rùa làm thú cưng, hãy cân nhắc chọn một chú rùa trượt tai đỏ (gọi tắt là rùa tai đỏ). Loài vật dễ thích nghi này ưa sống ở môi trường ấm, nhưng cũng có thể phát triển tốt trong các bể rộng. Tên gọi của rùa trượt tai đỏ xuất phát từ hai vạch đỏ ngay phía sau mắt và cách chúng trượt từ các tảng đá xuống nước. Khi được chăm sóc đúng cách, rùa tai đỏ có thể sống tới 30 năm! Nếu bạn có hứng thú với một người bạn gắn bó lâu dài thì rùa tai đỏ chính là một lựa chọn tuyệt vời.

    Phần 1: Cân nhắc xem nuôi rùa tai đỏ có phù hợp với bạn hay không

    1.jpg

    1. Tìm hiểu về loài rùa tai đỏ. Nếu có quen ai đó nuôi rùa tai đỏ, bạn có thể hỏi họ về những lợi ích cũng như khó khăn khi nuôi rùa làm thú cưng. Hoặc bạn cũng có thể đến cửa hàng bán rùa và nhờ nhân viên ở đó tư vấn. Tốt hơn hết là bạn nên dành thời gian tiếp xúc với một chú rùa tai đỏ ở cửa hàng để biết được bạn sẽ cần làm những gì nếu chọn chăm sóc cho nó.

    2.jpg

    2. Cân nhắc quãng thời gian gắn bó. Tuổi thọ trung bình của rùa tai đỏ là khoảng 20 - 30 năm, một số con còn có thể sống lâu hơn. Do vậy, hãy đảm bảo là bạn có thể điều chỉnh lối sống trong tương lai để có thể gắn bó với một người bạn rùa lâu như vậy. Nếu bạn chỉ muốn nuôi rùa để làm thú cưng cho các con thì cũng cần lưu ý rằng nó sẽ là thú cưng của gia đình bạn trong quãng thời gian rất dài.

    3.jpg

    3. Nghĩ đến việc chuẩn bị tất cả vật dụng cần thiết để nuôi rùa. Cũng giống như các loài sinh vật khác, rùa tai đỏ lúc bé thì rất nhỏ nhưng sẽ phát triển kích thước khi trưởng thành. Một chú rùa tai đỏ hoàn toàn trưởng thành cần sống trong bể có sàn rộng bằng ít nhất là bốn lần kích thước mai của nó, bạn hãy tính đến điều này khi mua rùa con về nuôi.

    • Nếu muốn nuôi nhiều rùa thì bạn cũng cần chuẩn bị nhiều bể để tách chúng ra khi cần thiết. Rùa đực tai đỏ rất hay quấy rầy rùa cái, đôi khi còn khiến rùa cái bỏ ăn. Chính vì vậy mà bạn nên nuôi chúng ở các bể riêng biệt.

    4.jpg

    4. Tính toán các chi phí. Chi phí bao gồm những thứ như tiền điện để sưởi bể nuôi, máy điều nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ nước, máy bơm sục khí, thiết bị lọc nước phù hợp và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là thức ăn. Mặc dù giá mua rùa tai đỏ khá thấp nhưng để nuôi chúng thì cũng không rẻ chút nào.

    • Nếu lo lắng về chi phí nuôi rùa tai đỏ, bạn có thể làm một danh sách ước tính những chi phí cần thiết trước khi mua rùa, sau đó quyết định có nên đầu tư hay không.

    5.jpg

    5. Cân nhắc nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột salmonella khi tiếp xúc với rùa. Rùa có thể mang trên mình vi khuẩn salmonella mà không bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chúng vẫn ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm sang người. Cách duy nhất để giữ an toàn khi nuôi rùa là hãy vệ sinh cá nhân, rửa tay thật kỹ cả trước và sau khi tiếp xúc với chúng.

    • Do nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn salmonella nên bạn cần có một bộ đồ dùng dành riêng để chăm sóc rùa được rửa sạch, khử trùng thường xuyên và để tách riêng với các vật dụng khác trong gia đình.

    6.jpg

    6. Cân nhắc đến tính cách của rùa. Rùa tai đỏ không phải là loài vật hoà đồng. Những con rùa hoang dã bắt từ tự nhiên có thể sẽ rất hung hăng và khó gần. Dù một số loài động vật được nuôi nhốt sẽ dần quen việc tiếp xúc với con người, tuy vậy bạn cũng đừng hy vọng chú rùa cưng của mình sẽ trở nên vô cùng thân thiện.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Chuẩn bị bể nuôi rùa

    7.jpg

    1. Mua bể nuôi. Bạn cần chiếc bể có dung tích khoảng 38L nước cho mỗi 2,5 cm chiều dài mình rùa, cộng thêm 15% diện tích cho rùa tắm nắng. Trong năm đầu tiên, bạn có thể dùng một chiếc bể khoảng 190L để nuôi rùa con nhưng sau đó thì cần dùng bể có dung tích ít nhất là 455L.[1] Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua bể to vừa đủ. Khi chọn bể hãy cân nhắc các yếu tố sau:

    • Độ sâu của nước: Rùa thích lặn và săn mồi nên mực nước cần đủ sâu cho nó làm điều đó.
    • Không gian: Rùa là loài phân chia lãnh thổ nên không gian trong bể cần đủ rộng để chúng ở cách xa nhau, hoặc bạn sẽ cần cho chúng ở riêng bể.
    • Chất thải. Chất thải của rùa rắn hơn chất thải của cá. Chúng cần nhiều nước để pha loãng và/hoặc bạn có thể dùng thiết bị lọc nước dành cho rùa.

    8.jpg

    2. Dùng bể tiết kiệm chi phí. Loại bể lý tưởng nhất để nuôi rùa là bể kính nuôi cá loại lớn, tuy nhiên bể này khá đắt đỏ. Bạn có thể dùng loại bể chứa thông thường rẻ tiền hơn. Bể chứa thường với dung tích khoảng 380L có giá không quá đắt, dù vậy bạn không nên mua bể nhựa, bể nhựa còn rẻ hơn nữa nhưng sẽ dễ bị móng rùa cào xước.[2]

    • Nếu sống ở vùng có khí hậu ấm và có sân vườn phù hợp, bạn có thể đào một cái ao và dùng bạt lót để nuôi rùa tai đỏ. Cách này giúp rùa được sống trong môi trường tự nhiên hơn, tuy nhiên khả năng kiểm soát các điều kiện của môi trường lại hạn chế hơn nên đôi khi bạn sẽ cần mang rùa vào trong nhà khi thời tiết khắc nghiệt.

    9.jpg

    3. Mua máy lọc nước. Máy thống lọc nước giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong bể nuôi rùa. Bạn không nhất thiết phải dùng máy lọc nước nếu có thể thay nước bể nuôi thường xuyên. Công việc này sẽ khá vất vả nên lựa chọn một thiết bị lọc dành riêng cho rùa cũng không phải ý tồi. Có nhiều loại máy lọc nước khác nhau cho bạn lựa chọn tùy vào nhu cầu và kinh phí:

    • Máy lọc đáy (Undergravel filter). Loại máy này cần diện tích lớp nền lớn và chỉ nên sử dụng khi bạn nuôi từ một đến hai chú rùa. Nếu máy dùng thiết bị sục khí để đẩy nước lên thì chỉ phù hợp để nuôi rùa con hoặc rùa mới nở. Bạn nên dùng thêm máy bơm gắn ngoài nếu muốn dùng máy lọc này cho rùa lớn hơn.
    • Máy lọc trong bể (Internal canister filter): Máy lọc này được lắp trong bể, giá thành vừa hợp lý lại vừa hiệu quả. Bạn nên chọn mua một chiếc có thể dễ dàng làm sạch, chẳng hạn như loại có lớp bông trong bộ lọc.
    • Máy lọc ngoài (External canister filter): Loại máy lọc này được lắp đặt ngoài bể, giá thành khá đắt, tuy nhiên lại có khả năng lọc vượt trội giúp hạn chế đáng kể số lần bạn cần thay nước. Một loại máy lọc ngoài được rất nhiều người nuôi rùa cảnh tin dùng là Rena Filstar Xp3 hoặc Xp4.

    10.jpg

    4. Trang trí bể nuôi. Trang trí giúp cho môi trường sống của rùa phong phú và thú vị hơn. Lớp nền được trải dưới đáy bể giúp rùa dễ dàng di chuyển từ nước lên đá để tắm nắng. Bạn có thể cho thêm đá ở sông suối vào bể để cung cấp không gian tắm nắng cho rùa, hoặc làm chỗ tắm nắng bằng cách gắn một tấm thủy tinh nhựa dẻo lên thành bể. Lưu ý dùng loại keo gắn không độc hại.[3]

    • Tránh dùng sỏi rải đáy bể cá làm lớp nền vì có thể gây nguy hại cho sức khoẻ của rùa––rùa có thể bị tắc ruột nếu nuốt phải chúng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi cho thực vật thủy sinh vào bể. Mặc dù các cây này vừa giúp lọc nước vừa khiến bể trông rất đẹp nhưng rùa có thể sẽ ăn chúng. Nếu phát hiện rùa ăn cây, bạn hãy loại bỏ cây và rửa sạch bể.
    • Đặt một tấm chắn vừa vặn trên nóc bể để ngăn rùa leo ra ngoài hoặc ăn phải những thứ vô tình rơi xuống bể.

    11.jpg

    5. Đặt nhiệt độ hợp lý. Nhiệt độ nước nên dao động trong khoảng 26.5 - 27.5 °C đối với rùa mới nở hoặc bị ốm; khoảng 25.5 - 26.5 °C đối với rùa khỏe mạnh trên một năm tuổi. Khu vực tắm nắng (diện tích khô) cần ấm hơn 6 °C so với nhiệt độ nước để rùa có thể làm ấm mình. Nhiệt độ không khí trong bể cần ở quanh mức 24 - 28 °C.[4]

    12.jpg

    6. Dùng loại ánh sáng phù hợp. Rùa nhờ vào ánh sáng UVA, UVB để hấp thụ các loại vitamin và sưởi ấm. Tia UV không đi qua kính nên bạn cần sử dụng đèn có 5% tia UV hoặc hơn. Bóng đèn cần được thay định kỳ 6 tháng một lần. Đèn sưởi cần giữ cho nhiệt độ khu vực tắm nắng cao hơn 10 °C so với nhiệt độ nước.[5]

    • Không để rùa chạm tới bóng đèn để tránh bị bỏng. Hãy đảm bảo bạn lắp bóng đèn ngoài tầm với của rùa và lưu ý không để bể kính hay bể nhựa trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để tránh bể nhanh trở nên quá nóng.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 3: Mang rùa về nuôi

    13.jpg

    1. Mua rùa. Bạn không nên bắt rùa hoang dã về nuôi vì như vậy không chỉ độc ác, không công bằng với chúng mà ở nhiều nơi đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu vẫn muốn bắt rùa, bạn cần được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Bạn có thể nhận nuôi một con rùa trưởng thành bị ruồng bỏ, có rất nhiều chú rùa bị bỏ rơi và đang cần một mái nhà.[6] Hãy liên hệ với các tổ chức cho nhận nuôi, tìm chủ mới hoặc cứu hộ rùa. Bạn cũng có thể liên hệ với những người bán rùa giống nổi tiếng để mua rùa.[7]

    • Cẩn trọng với các cửa hàng thú cưng nuôi rùa trong điều kiện không tốt. Rất nhiều rùa sẽ bị ốm từ trước khi bạn mua chúng. Hãy đi tham quan và quan sát hành vi của rùa cũng như điều kiện sống của chúng. Nếu nước trong bể nuôi bốc mùi thì chứng tỏ bể không được dọn dẹp thường xuyên và rùa rất có thể sẽ bị ốm. Bạn không nên mua rùa ở những nơi nhân giống số lượng lớn vì ở đó rùa thường có điều kiện sống không tốt và không được chăm sóc y tế đầy đủ.

    14.jpg

    2. Cho rùa không gian riêng. Chú rùa có thể sẽ hơi nhút nhát khi bạn mới mang nó về nhà. Sẽ mất khoảng một vài ngày rùa mới cảm thấy đủ an toàn để chui ra khỏi mai và khám phá nơi ở mới.[8] Bạn hãy để rùa tự làm quen với nhà mới và đợi nó trở nên mạnh dạn hơn.

    15.jpg

    3. Xác định giới tính của rùa. Bạn sẽ không thể xác định được giới tính của rùa cho đến khi nó trưởng thành, khoảng từ 2 đến 4 tuổi. Rùa đực sẽ có móng và đuôi dài hơn rùa cái, còn rùa cái thì nhìn chung sẽ có kích thước lớn hơn.[9]
     
  4. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 4: Chăm sóc rùa hằng ngày

    16.jpg

    1. Cho rùa tai đỏ ăn thức ăn phù hợp. Khẩu phần ăn hợp lý cho rùa tai đỏ (và các loài rùa nước khác) cần có tỷ lệ như sau: 50% rau và thực vật thủy sinh, 25% thức ăn tổng hợp, 25% protein sống. Rùa tai đỏ thích ăn thức ăn cho rùa chế biến sẵn và thức ăn bạn chuẩn bị cho chúng.
    Các loại rau thích hợp bao gồm: bồ công anh (có thể hái ở vườn nếu không có thuốc trừ sâu), lá cà rốt, lá mù tạt, rau diếp, cà rốt, ớt chuông và bí đao.

    • Các loại thực vật thủy sinh phù hợp bao gồm: anacharis (rong biển của Brazil), lục bình, rau diếp, bèo nhật, rêu sừng và bèo tấm. Các loài cây này được bán ở các cửa hàng thú cưng với giá khá đắt, tuy nhiên chúng rất dễ trồng trong bể hoặc ao, và nếu bạn đặt mua trực tuyến với số lượng lớn thì giá cũng sẽ rẻ hơn.
    • Trong môi trường hoang dã rùa tai đỏ thường không ăn trái cây nên bạn tránh cho rùa ăn trái cây, trừ khi cho nó phần thưởng. Bạn có thể dùng chuối thưởng cho rùa.
    • Với thức ăn tổng hợp, bạn nên chọn các loại có hàm lượng protein và chất béo thấp. Tuyệt đối không cho rùa ăn tôm khô. Rùa thích vị tôm khô nhưng chúng không có chất dinh dưỡng và rùa có thể sẽ chê các loại thức ăn khác trong nhiều tuần.

    17.jpg

    2. Kiểm tra dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe. Rùa có thể mắc rất nhiều bệnh nếu nước bể bẩn, thức ăn kém chất lượng hoặc do các nguyên nhân khác. Một số vấn đề rùa thường gặp phải mà bạn cần lưu ý bao gồm:[10]

    • Nhiễm trùng mắt: Mắt rùa sẽ nhắm nghiền, sưng tấy, phồng lên hoặc chảy gỉ. Bạn có thể sẽ thấy những mảnh gỉ mắt từ mắt rùa chảy ra. Bệnh nhiễm trùng mắt gây ra bởi vi khuẩn, rùa sẽ cần được bác sĩ thú y thăm khám, có thể cần dùng thuốc kháng sinh và bạn sẽ cần nâng cấp hệ thống lọc nước cho bể.
    • Mai mềm: Nếu mai rùa mềm hơn bình thường thì nhiều khả năng rùa không nhận đủ ánh sáng từ trên cao. Vấn đề này có thể do chỗ tắm nắng của rùa quá nhỏ, nước quá sâu hoặc rùa quá yếu nên không thể bò lên chỗ nằm tắm nắng. Nếu gặp vấn đề này, bạn cần liên hệ với bác sĩ thú y hoặc cửa hàng thú cưng nhờ tư vấn. Đôi khi rùa cũng có thể mắc bệnh rối loạn chuyển hóa xương.
    • Tưa miệng và bỏ ăn: Triệu chứng cho thấy rùa bị nhiễm khuẩn và cần nhanh chóng được bác sĩ thú y thăm khám để điều trị bằng kháng sinh.
    • Yếu, thở khò khè, lờ đờ và nghiêng đầu bất thường: Có thể đó là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi. Bạn cần lập tức đưa rùa đến phòng khám thú y.
    • Bị thương: Bạn hãy kiểm tra xem trong bể có vật sắc hay rùa có đánh nhau không, loại bỏ nguyên nhân, rửa vết thương cho rùa bằng dung dịch povidone-iodine và giữ vết thương sạch sẽ. Bạn có thể tham khảo thêm chỉ dẫn của bác sĩ thú y.

    18.jpg

    3. Thỉnh thoảng cho rùa ra ngoài tắm nắng. Bạn cần theo dõi rùa trong thời gian ở ngoài để tránh rùa bị quá nóng. Bạn có thể mua một chiếc bể bơi phao trẻ em, đổ đầy nước và để vật gì đó vào trong cho rùa leo lên tắm nắng; đồng thời tạo cho rùa một khoảng bóng râm để nó không bị quá nóng.

    19.jpg

    4. Dành thời gian cho rùa. Chú rùa giờ là thú cưng của bạn và cũng giống như những thú cưng khác, giữa bạn và rùa sẽ hình thành sự gắn kết khi dành thời gian cùng nhau. Dù vậy bạn hãy cẩn thận khi tiếp xúc với rùa––không phải tất cả chúng đều thích bị bế lên hay chạm vào.
    Một số chú rùa thích được gãi nhẹ vào mai, giống như gãi lưng hay gãi tai cho những chú chó vậy. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn thận, không phải tất cả chúng đều thích điều đó và chúng có thể sẽ quay ra cắn bạn. Lưu ý rằng mai rùa có các đầu dây thần kinh nên chúng có thể cảm nhận được mọi thứ. Bạn hãy nhẹ nhàng thôi nhé!

    Lời khuyên
    • Khi một chú rùa bị bệnh thì tất cả rùa trong bể đều có thể đã bị lây bệnh. Bạn cần để bác sĩ thú y khám cho tất cả chúng vì biết đâu chúng cũng cần được điều trị.
    • Rùa thích được thưởng món dế.
    • Khi bạn đi xa, đừng để lũ rùa một mình. Hãy gửi chúng cho ai đó bạn tin tưởng và dạy họ cách chăm sóc cho rùa tai đỏ.
    • Những chú rùa này thích ăn rận gỗ.
    • Tốt hơn hết thì trước tiên bạn nên nuôi một chú rùa thôi. Có thể sau đó bạn sẽ thấy chỉ nuôi một con là đủ hoặc một con là đã quá bận rộn rồi.
    • Rùa tai đỏ thích ăn đồ ăn giàu protein, điều này khiến những người mới nuôi thường cho chúng ăn protein quá nhiều. Bạn không nên làm vậy vì quá nhiều protein có thể khiến mai rùa bị biến dạng, cơ quan nội tạng tổn thương và tuổi thọ bị giảm. Rùa con thường có xu hướng thích ăn thịt còn rùa đã trưởng thành sẽ ăn tạp.
    • Nhiều người nuôi rùa tai đỏ thích cho chúng ăn ở một bể riêng. Điều này giúp giữ cho nước bể sạch nhưng bạn sẽ phải canh để chuyển rùa về bể cũ khi chúng ăn xong.
    • Nếu không dùng máy lọc nước, bạn cần thay nước cho bể có dung tích 38L từ hai đến 3 lần một tuần, bể 190L một lần một tuần. Lời khuyên là bạn vẫn nên đầu tư một chiếc máy lọc nước.
    • Để giảm lượng nitrat trong bể, bạn nên thay 10% nước hàng tuần hoặc 20% hai tuần một lần.
    • Nếu rùa trốn ra khỏi bể, bạn đừng hoảng sợ. Hãy nhốt lũ rùa còn lại cẩn thận sau đó đặt một bát nước và một bát thức ăn ở nơi dễ thấy để thu hút chú rùa đang trốn. Khi đã tìm thấy rùa, bạn cần kiểm tra xem trên mình nó có vết thương nào không, vệ sinh cho rùa dưới vòi nước và đưa đến chỗ bác sĩ thú y nếu cần.
    • Đừng ngay lập tức cầm nắm rùa để nó có thể thích nghi với môi trường sống. Bạn nên đợi một tuần rồi hãy bế nó.
    • Nước trong bể không được bốc mùi, nếu không thì có nghĩa là bạn chưa dọn dẹp thường xuyên và rùa có thể sẽ bị ốm.
    • Cố gắng không làm rùa giật mình. Rùa sẽ không chỉ sợ hãi mà mai của nó còn có thể sẽ bị mềm.
    Cảnh báo
    • Không nên để trẻ em 10 tuổi hoặc dưới 10 tuổi chăm sóc rùa tai đỏ mà không có bố mẹ giúp đỡ. Như vậy rất nguy hiểm cho cả trẻ em và cả rùa. Móng của rùa rất sắc, chúng có thể làm cô/cậu chủ nhỏ bị thương và làm rơi rùa xuống đất.
    • Chỉ nhấc rùa lên khi cần thiết và khi nhấc bạn nên đặt rùa trong lòng bàn tay để không làm chúng sợ hãi.
    • Nếu nuôi cả thú cưng khác, bạn không nên để chúng tiếp xúc với rùa. Rùa có thể mang trên mình vi khuẩn salmonella và lây nhiễm chúng sang động vật khác cũng như con người.
    • Đừng bao giờ bỏ rơi thú cưng. Nếu gặp khó khăn trong việc tiếp tục nuôi và chăm sóc rùa tai đỏ, bạn hãy liên hệ với tổ chức bảo vệ động vật địa phương để tìm cho nó một ngôi nhà mới an toàn. Bỏ rơi thú cưng không những rất nhẫn tâm mà còn có thể khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng. Thú cưng thả về tự nhiên và trở thành động vật hoang dã gây thiệt hại rất lớn cho hệ sinh thái tự nhiên.[11]
    • Luôn luôn rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với rùa. Hơn nữa nếu bạn cầm vào nắm cửa hay chạm vào những chỗ khác khi cầm nắm rùa thì hãy dùng xịt khử trùng để tiệt trùng các khu vực đó. Tránh sờ lên tóc hoặc quần áo khi bế rùa.[12]