Cách để Huấn luyện chó Husky

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Huấn luyện chú chó Husky của bạn, Tập dùng cũi, Tiếp xúc với trẻ em

    Chó Husky Sibir (hay gọi tắt là chó Husky) là giống chó tuyệt đẹp, độc lập, ưa vận động và thông minh. Mặc dù loài chó này có tính tình khá dịu dàng và tình cảm, việc huấn luyện Husky không hề dễ dàng. Chó Husky có tập tính bầy đàn, do đó chúng sẽ luôn thách thức vị trí "lãnh đạo" cũng như giới hạn của bạn. Husky sẽ phá phách nếu không được cho vận động. Để tránh những trải nghiệm không mong muốn khi nuôi một chú chó Husky, điều quan trọng là bạn phải hiểu tính khí của chúng để có biện pháp huấn luyện phù hợp trong mọi hoàn cảnh.

    Phương pháp 1: Huấn luyện chú chó Husky của bạn

    1.jpg

    1. Cho chúng biết bạn là “con đầu đàn.” Husky nổi tiếng là giống chó khó huấn luyện. Chúng là loài chó sống bầy đàn với hệ thống thứ bậc chỉ huy rõ ràng, do đó chúng rất cứng đầu, quyết liệt và độc lập. Nếu Husky không được huấn luyện tử tế, một vài nét tính cách tự nhiên của loài này sẽ khiến chúng đặc biệt phá phách. Vì vậy, điều quan trọng là phải sớm hạn chế tối đa những hành vi xấu của Husky và thiết lập nền tảng của một chú chó biết nghe lời.[1]

    • Điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được tính khí của loài chó Husky. Sự tự tin và quyết liệt là những đức tính quan trọng của người nuôi Husky để buộc chó vâng lời. Husky sẽ chỉ tôn trọng hoặc tuân lệnh “con đầu đàn.”
    • Đối xử bình đẳng với Husky không phải là một ý hay, vì Husky là loài chó sống theo cấp bậc bầy đàn và chỉ tuân lệnh chỉ huy. Bạn phải chứng tỏ mình là người chỉ huy trong mọi thời điểm, thể hiện qua việc ăn trước, bước qua cửa trước khi chó vào, hoặc bắt chó tránh đường để bạn đi. Việc thiết lập mối quan hệ cấp bậc như vậy là vô cùng quan trọng.
    • Đôi khi Husky sẽ trở nên hung hăng nhằm mục đích tấn công chỉ huy bằng cách cắn, tỏ thái độ, hoặc thể hiện những hành vi hung hăng khác. Trong trường hợp này, bạn buộc phải thể hiện sự thống trị của mình với tư cách “con đầu đàn” để kiềm chế chúng. Việc bỏ qua hoặc cho phép chú Husky của bạn tiếp tục những hành vi như vậy sẽ chỉ khuyến khích chó thêm hung hăng đối với những chú chó khác cũng như với mọi người.
    • Đôi lúc Husky sẽ có những hành vi mang tính bản năng đối với chúng nhưng gây khó chịu cho con người. Vị trí “con đầu đàn” sẽ khiến bạn có quyền huấn luyện Husky không thực hiện những hành vi xấu, ví dụ như nhảy chồm lên người khác, đào hố, cắn và gặm đồ. Husky sẽ chỉ tuân lệnh “con đầu đàn”.

    2.jpg

    2. Thưởng cho hành vi tốt. Cách hành xử tốt là nền tảng của một chú chó ngoan. Sử dụng thức ăn ngon và giọng điệu khích lệ là sự kết hợp hiệu quả giúp chó lặp lại hành vi tốt. Phương pháp này gọi là “củng cố tích cực” hoặc “huấn luyện tôn trọng.”[2]

    • Hãy thưởng ngay để chó biết nên lặp lại hành vi nào. Trì hoãn quá lâu sẽ khiến Husky rối trí. Một khi chó đã học được một câu lệnh, bạn không cần phải thưởng quà nữa.
    • Chuyển hướng hành vi xấu thành hành vi tốt. Thu hút sự tập trung của chó từ việc phá phách sang hành vi ngoan ngoãn. Cách này giúp chó hiểu điều gì được làm hoặc không được làm mà không dùng hình phạt.
    • Phương pháp khuyến khích và thưởng là an toàn vì Husky sẽ không sợ hãi, hung hăng hay căng thẳng vì bị đánh. Thay vì hành động bạo lực với chú Husky của bạn, bạn chỉ cần lấy lại quà thưởng nếu chó làm sai.
    • Giữ cho bài tập đơn giản và đề ra các mục tiêu. Chú Husky của bạn, cũng như bất cứ loài động vật nào, có một tốc độ tiếp thu nhất định. Hãy bắt đầu với những câu lệnh nhỏ, sau đó tăng dần độ phức tạp và thưởng cho chó ở mọi giai đoạn.

    3.jpg

    3. Phạt Husky theo cách thức không bạo lực. Đi kèm với lời khen và quà thưởng, chó Husky cũng cần phải bị phạt khi có những hành vi xấu. Tương tự như khi thưởng, những biện pháp khắc phục cần phải được thực hiện ngay tức thì, có sự nhất quán, và hướng về mục đích khuyến khích chó thực hiện hành vi tốt. Để tránh lạm dụng kỷ luật bằng bạo lực đối với chó dẫn đến việc chó không còn tự nguyện vâng lời, bạn hãy kiểm soát nguồn vui của chó, ví dụ như quà thưởng, đồ chơi, đùa vui và nựng nịu cho đến khi chó khắc phục hành vi.[3]

    • Hãy kiên quyết kỷ luật chó. Sử dụng những câu như “không” hoặc “thôi” với giọng điệu quyết đoán nhưng không tỏ ra giận dữ.
    • Trong mọi thời điểm, hãy chắc chắn bạn giữ vững vị thế chỉ huy như một con đầu đàn bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc huấn luyện và ra mệnh lệnh cho chó.
    • Mệnh lệnh đưa ra phải được tuân theo. Nếu Husky không vâng lời, hãy bỏ đi, mặc kệ chó và không cho chó thứ chúng muốn. Sau vài phút, ra lệnh lần nữa – hãy kiên trì và kiên nhẫn cho đến khi chó tuân phục.
    • Nếu chó vẫn tiếp tục bướng bỉnh và không vâng lời dù đã ra lệnh nhiều lần, hãy đưa chó vào “chỗ phạt” mà chó không thể tiếp xúc với ai cho đến khi nó ổn định lại.

    4.jpg

    4. Xây dựng hệ thống từ vựng hữu ích với Husky. Tương tự giao tiếp với con người, vốn từ vựng hữu ích là cơ sở cho sự hiểu biết cũng như mối quan hệ tốt giữa chó và bạn. Một hệ thống từ vựng tốt sẽ giúp chú Husky của bạn trở nên thông minh, ngoan ngoãn, và quan trọng nhất là hiểu điều bạn muốn chúng làm.[4]

    • Những từ đơn giản như đúng, không, ngồi, đứng yên, đến đây, hoặc những câu ngắn là lựa chọn tốt nhất khi bạn muốn giao tiếp với Husky.
    • Những từ và câu quen thuộc sẽ xây dựng lòng tin – Husky có được sự tự tin khi chúng biết chỉ huy của chúng là ai và chúng cần phải làm gì.
    • Hệ thống từ vựng tốt sẽ giúp chó hiểu biết, dần dần chó sẽ học được cách ghép nhiều từ cũng như câu để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn.

    5.jpg

    5. Hãy nhất quán và cân bằng khi huấn luyện. Dù Husky nổi tiếng thông minh, bạn vẫn cần thiết lập điều kiện lặp đi lặp lại trong một môi trường nhất quán để duy trì hành vi tốt của Husky. Thiết lập một lịch sinh hoạt là cách tốt nhất để duy trì tính nhất quán. Lịch trình sẽ tốt cho cả chó lẫn chủ, bởi một lịch trình cụ thể hóa thời gian huấn luyện, chơi đùa, đi vệ sinh và tập thể dục sẽ tận dụng được tối đa thời gian tiếp xúc giữa chó và chủ, đồng thời giảm nhẹ kỳ vọng của bạn.[5]

    • Tuân thủ đúng lịch trình sinh hoạt hằng ngày là chướng ngại lớn nhất của bạn khi huấn luyện chó Husky. Nên hiểu rằng những thay đổi bất chợt trong lịch trình có thể khiến chó bực tức và bối rối, chúng sẽ có xu hướng phá các luật lệ mà bạn đã đặt ra trong quá trình huấn luyện.
    • Hãy chắc chắn các món đồ dùng, ví dụ như thức ăn, đồ chơi, vòng cổ, dây xích, quà thưởng và các dụng cụ vệ sinh đều có sẵn để lịch trình hằng ngày không bị gián đoạn hay gây căng thẳng cho cả chủ và chó.
    • Luôn giữ bình tĩnh và lên kế hoạch hướng đến thành công. Chó Husky phải hiểu ai là người làm chủ, đảm bảo mệnh lệnh cần được tuân theo mà không đơn thuần chỉ là câu gợi ý suông. Hãy chắc chắn mức thưởng và phạt tương ứng với thành tích hay vi phạm. Tình thương và sự dịu dàng luôn luôn là một đức tính tốt để cùng chia sẻ với người bạn thân nhất của bạn.

    6.jpg

    6. Đặt ra một số luật lệ và tuân theo chúng. Dù Husky nổi tiếng thông minh, bạn vẫn cần thiết lập điều kiện lặp đi lặp lại trong một môi trường nhất quán để duy trì hành vi tốt của Husky. Vì vậy, bạn cần đặt ra luật lệ và nghiêm túc thực hiện, đồng thời truyền đạt lại những nguyên tắc này với tất cả các thành viên trong gia đình có tiếp xúc với Husky. Thông thường, Husky sẽ không tuân theo những mệnh lệnh không nhất quán hay khó hiểu.

    • Xác định chó được phép vào phòng nào, được trèo lên món đồ nội thất nào và được ngủ ở đâu.
    • Sẽ có những lúc bạn buộc phải để chó ở một mình. Trong tình huống này, hãy chắc chắn bạn đã thiết lập ranh giới để bảo vệ tài sản của mình khỏi một chú Husky quá nghịch ngợm hay quá buồn chán. Cân nhắc một nơi dễ lau chùi, ít rủi ro bị phá hoại và gần gũi với sinh hoạt của gia đình để chó khỏi cảm thấy cô đơn, ví dụ như nhà bếp.

    7.jpg

    7. Ngoài giờ chơi đùa, bạn nên cho chó vận động ít nhất ba mươi phút mỗi ngày để đốt cháy năng lượng dư thừa. Hãy nhớ rằng Husky đã được huấn luyện suốt vài trăm năm, nếu không nói là vài nghìn năm, để trở thành chó kéo xe, điều đó đã tích tụ sức chịu đựng trong chúng. Việc thiếu vận động không những khiến chó béo phì và lười biếng mà còn đem lại động cơ để phá phách, ví dụ như chạy trốn, tru hú, gặm đồ, kêu ca hay đào hố.[6]

    • “Dắt chó đi bộ” là không đủ đối với một chú Husky. Từng được nuôi dạy để chạy mỗi ngày nhiều dặm đường, do đó chó Husky cần vận động nhiều. Ở mức tối thiểu, bạn nên chuẩn bị cho một quãng đường chạy dài mỗi ngày hoặc ít nhất là đi bộ nhanh để chó tiêu bớt năng lượng.
    • Husky thích tru hơn là sủa. Chó tru quá nhiều sẽ làm phiền hàng xóm và bạn còn có thể phải nhận những lời than phiền. Việc cho chó vận động sẽ giúp chúng giải tỏa năng lượng tích tụ bên trong và giảm bớt những tiếng tru.
    • Husky nổi tiếng là những “nghệ sĩ đào tẩu.” Husky rất sáng tạo khi chúng muốn tìm cách trốn khỏi sân nhà. Trong phần lớn trường hợp, chó của bạn sẽ chỉ tìm cách “trốn thoát” nếu chúng không được vận động đủ hoặc buồn chán.
    • Một số hoạt động ngoài trời khác như đạp xe chó kéo (bikejoring), leo núi, hay thậm chí là chơi ném đồ vật, flyball (tạm hiểu là trò chơi chạy vượt rào và lấy bóng) hoặc ném đĩa sẽ giúp chó giải tỏa năng lượng, thay thế cho hình thức chạy bộ thông thường.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phương pháp 2: Tập dùng cũi

    8.jpg

    1. Cho chó làm quen với cũi. Bạn không được dùng cũi để phạt chó, không nên coi cũi là chuồng nhốt, nhà giam hoặc nơi mà chó không được tiếp xúc với ai. Thay vào đó, hãy để Husky thoải mái với cũi bằng cách để cửa mở. Luôn luôn dùng giọng nói nhẹ nhàng và khen thưởng khi chó vào trong cũi hay ở gần cũi, giúp chó không cảm thấy sợ hãi. Tránh ép buộc chó hoặc lừa chó vào trong cũi.

    • Nếu chú Husky của bạn không chịu hoặc sợ bước vào cũi, hãy đặt một ít thức ăn ngon trong cũi để khuyến khích. Để chó tự đi tìm mẩu thức ăn. Lặp lại vài lần một ngày nếu cần.[7]
    • Kết nối giữa việc vào cũi và các từ đi kèm là rất quan trọng. Hãy sử dụng một từ duy nhất khi Husky vào trong cũi để tạo mối liên kết tích cực giữa từ này và hành động vào cũi. Phương pháp tốt nhất là dùng từ khóa hoặc câu nói này như một món quà thưởng, đồng thời là cách gọi Husky vào cũi.
    • Đặc biệt vào ngày đầu tiên, hãy lặp lại các thao tác này thường xuyên để Husky hiểu và trở nên thoải mái xung quanh chiếc cũi.

    9.jpg

    2. Chuẩn bị đóng cửa cũi. Vào cuối ngày, hãy đặt một món thưởng quen thuộc bên trong cũi và đóng cửa sau khi chó đã vào trong cũi. Để giảm căng thẳng, hãy đặt thêm một món đồ chơi mới thú vị bên trong cũi, giúp đánh lạc hướng chó khỏi cánh cửa đã đóng. Tiếp tục ở cùng chó bên ngoài cũi cho đến khi tiếng rên hay ỉ ôi đã dứt. Giữ Husky bên trong cũi cho đến khi Husky đã yên lặng ít nhất từ 30 tới 60 giây. Tránh cho chó ra khỏi cũi trước khi đạt được mốc thời gian yên lặng trên, hoặc bạn có thể ra lệnh chó yên lặng.

    • Luôn luôn có đồ chơi dự phòng nếu thức ăn và đồ chơi ban đầu không giúp chó thôi rên rỉ hoặc ỉ ôi. Điều quan trọng là đánh lạc hướng chó khỏi cánh cửa đóng.
    • Một chiến lược tốt sẽ là vận động hoặc chơi đùa cùng chó Husky cho đến khi chúng mệt và đưa chúng vào bên trong cũi khi chúng buồn ngủ. Nếu chó ngủ trong cũi, hãy để chúng ngủ qua đêm.
    • Hãy lưu ý không khen chó vào buổi sáng vì đã ngủ ngoan trong cũi. Hành động này sẽ khiến chó hiểu nhầm rằng bước ra ngoài thì tốt hơn là trong cũi. Do vậy, đừng quan tâm nhiều đến chó một lúc sau khi chó bước ra ngoài cũi để giảm khả năng này.

    10.jpg

    3. Đặt cũi bên trong phòng bạn nếu Husky sợ ở một mình. Husky là loài chó sống theo bầy đàn và thích gần gũi với “con đầu đàn” của chúng, điều này cũng khiến chúng an tâm rằng mình không bị bỏ rơi. Hãy sử dụng giọng nói hoặc thò ngón tay vào trong cũi để chó bớt sợ hãi. Trừ khi Husky phải đi vệ sinh, hãy đóng cửa cũi ít nhất trong bốn tiếng đồng hồ.

    • Điều quan trọng nhất là sự thoải mái. Do đó, đừng la mắng hoặc trừng phạt nếu Husky làm bẩn cũi.
    • Đặt cũi trong phòng ngủ vài ngày cho đến khi chó đã quen thuộc với việc ngủ trong cũi. Một khi Husky không còn rên rỉ hay làm bẩn cũi, bạn có thể chuyển cũi tới nơi khác trong nhà.

    11.jpg

    4. Hãy rời khỏi nhà mà không đưa Husky đi cùng. Đây không phải là trường hợp đặc biệt; thay vào đó, bạn nên rời đi khi chó không để ý, giúp chó không hoang mang.

    • Tập luyện cho đến khi thành thói quen. Tăng khoảng thời gian bạn giả vờ ra khỏi nhà trong quá trình huấn luyện cho đến khi đạt ngưỡng hai tiếng đồng hồ. Hãy nhớ, nếu bạn nuôi cún con, chúng cần phải được cho đi vệ sinh bốn tiếng đồng hồ một lần. Do đó, trong quá trình huấn luyện, hãy sắp xếp thời gian để về nhà hoặc nhờ hàng xóm mở cửa cũi cho cún đi vệ sinh.
    • Việc thông báo cho hàng xóm rằng bạn đang tập cho Husky dùng cũi là một ý hay, bởi Husky sẽ “tru” nhiều khi cảm thấy cô đơn.
    • Husky là những bậc thầy đào tẩu. Khi bạn rời khỏi nhà, hãy chắc chắn tất cả những món đồ chơi không an toàn, vòng cổ và dây điện đã được dọn sạch khỏi cũi và khu vực xung quanh cũi để Husky không bị thương.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phương pháp 3: Tiếp xúc với trẻ em

    12.jpg

    1. Tạo dựng sự tôn trọng lẫn nhau giữa chó và trẻ nhỏ. Husky nhìn chung khá thân thiện với trẻ nhỏ, nhưng chúng cần có những giới hạn nhất định – không được nhảy chồm, vồ, rượt đuổi, chạy trốn, hay kéo giật. Trẻ nhỏ cũng cần có giới hạn tương tự – không được trêu ghẹo, có hành vi thô bạo, rượt đuổi, bứt lông, nắm đuôi hoặc tai, hay kéo co.[8]
    Trẻ em cũng nên hỗ trợ huấn luyện Husky khi có sự giám sát của người lớn để Husky trở nên thoải mái và quen thân với tất cả thành viên trong gia đình.
    Dạy trẻ cách nhẹ nhàng vuốt ve và chạm vào một chú Husky, thay vì nắm lông hay đánh chó. Hãy giúp trẻ xây dựng một tình bạn đáng tin cậy cũng như tình thương với chó.

    13.jpg

    2. Xác định những rủi ro tiềm tàng. Ngoài việc đưa cún về nhà, bạn cũng nên cân nhắc liệu môi trường mới có xa lạ đối với chó Husky không khi nhà có trẻ nhỏ. Hãy tìm hiểu xem chó Husky đã được nuôi dưỡng, làm quen với trẻ hay chưa trước khi đưa chó về. Kiểm tra xem chó có từng được huấn luyện giao tiếp với trẻ hay không. Quan sát khi chó ở gần trẻ để nhận biết chó có khó chịu, căng thẳng, hay gầm gừ không.[9]
    Husky có bản năng săn bắt con mồi nhỏ và đôi khi cả trẻ con. Nếu Husky coi động vật nhỏ, ví dụ như mèo, là thức ăn, chúng có thể sẽ hiểu nhầm em bé hoặc trẻ sơ sinh là một phần của bầy đàn (gia đình) và tấn công nhầm vào các bé.
    Luôn đeo xích cho chó khi có trẻ nhỏ để bạn luôn kiểm soát được chó và ngăn ngừa thương tích.

    14.jpg

    3. Nhận biết ngôn ngữ cơ thể của chó. Một vài trẻ nhỏ không thể hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể chó, trừ khi chúng được dạy cách nhận biết các hành vi hung hăng. Chó khi giận dữ thường sẽ sủa, gầm gừ, nhe răng và nhìn chằm chằm vào đối tượng. Trẻ nhỏ không bao giờ được tiếp cận chó trong những tình huống này. Thay vào đó, trẻ nên ngay lập tức đứng yên một chỗ, đứng thẳng lưng, tay để xuôi hai bên hông và khép chân lại, quay đi chỗ khác để tránh nhìn thẳng vào mắt chó. Nếu chó vẫn tấn công, trẻ nên ngồi xuống đất, gối khép ngang ngực, dùng cánh tay che mặt và hai nắm tay để che tai. Đối phó bằng cách giữ yên lặng.[10]

    15.jpg

    4. Giúp Husky sẵn sàng đón em bé mới sinh. Việc huấn luyện nên bắt đầu từ vài tuần hoặc vài tháng trước khi đón em bé về. Huấn luyện chó vâng lời – từ cách ngồi, nghiêm, nằm, cho đến cách tiếp cận – nên được thực hiện ngay và liên tục cho đến khi bạn có thể tin tưởng chó.

    • Luyện tập trước ở nhà với búp bê để mô phỏng tình huống, mùi hương và âm thanh mới, nếu việc đó là cần thiết để luyện Husky vâng lời. Hãy chắc chắn rằng bạn không ngay lập tức yên tâm về độ an toàn đối với chó. Nếu Husky không tuân lệnh hoàn toàn và thường xuyên, tốt nhất bạn nên tìm sự trợ giúp của chuyên gia hoặc trường huấn luyện.
    • Để tránh việc chó nhảy chồm, hít ngửi thô bạo, hoặc phá phách nói chung, người mẹ nên gặp chú Husky trước trong vài phút mà không có em bé cho đến khi sự phấn khích đã giảm xuống. Điều này cũng đem đến cơ hội để chó có thể ngửi được mùi mới trên quần áo người mẹ. Một khi chó Husky đã điềm tĩnh lại, bạn có thể giới thiệu em bé.
    • Lẽ tự nhiên là bạn sẽ dành nhiều sự quan tâm cho em bé mới chào đời hơn là chó cưng. Dù vậy, đừng bỏ mặc chó hoặc khiến chó ghen tỵ. Hãy chuẩn bị trước bằng cách giảm dần sự quan tâm đến chó từ một vài tuần trước khi đón em bé về.
    • Trẻ sơ sinh khác với trẻ nhỏ. Chó thường coi trẻ nhỏ là con người nhưng đối với trẻ sơ sinh có thể khác. Hãy quan sát hành vi cũng như phản ứng “thông thường” của chó xung quanh trẻ nhỏ. Kiểm tra để chắc chắn chó cũng lặp lại hành vi tương tự đối với trẻ sơ sinh.[11]