Cách để Kết nối hai máy tính bằng cáp USB

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Kết nối hai PC bằng cáp USB, Kết nối hai máy tính Mac bằng cáp USB

    Với hai máy tính (PC) có cổng USB, bạn có thể kết nối chúng với nhau bằng cáp USB đặc biệt - cáp “cầu nối”. Về mặt kỹ thuật, chúng ta cũng có thể kết nối hai máy tính Mac thông qua cáp USB, nhưng bạn sẽ cần thêm bộ chuyển đổi USB-to-Ethernet và cáp Ethernet. Sau khi thiết lập kết nối, bạn có thể chia sẻ tập tin từ máy tính này sang máy tính khác một cách nhanh chóng.

    Phương pháp 1: Kết nối hai PC bằng cáp USB

    1.jpg

    1. Chuẩn bị cáp cầu nối USB-to-USB.[1] Vì có rất nhiều loại nên quan trọng là bạn cần sử dụng đúng cáp USB-to-USB. Chỉ có cáp USB-to-USB mới có thể kết nối hai PC (thường gọi là “cáp cầu nối”, đôi khi gọi là “cáp chia sẻ dữ liệu USB”, “cáp mạng USB” hay “cáp nối USB”). Cáp chuẩn sẽ có mạch điện tử phình lên ở giữa và đầu nối USB đực ở hai đầu.

    2.jpg

    2. Cài đặt phần mềm trên hai máy tính.[2] Bạn cần thực hiện việc này trước khi cắm cáp vào các máy tính. Cáp cầu nối thường đi kèm đĩa CD hoặc DVD chứa phần mềm. Bắt đầu bằng cách cho đĩa vào máy tính và khởi chạy trình cài đặt khi cửa sổ hiện ra trên màn hình. Nếu phần mềm không tự khởi chạy, bạn cần nhấn ⊞ Win+E để mở File Explorer, sau đó đi đến ổ đĩa CD/DVD ROM ở bên trái màn hình. Nhấp đúp vào tập tin “setup” hoặc “installer”.

    • Nếu cáp không đi kèm phần mềm, bạn có thể truy cập website của nhà sản xuất và tìm mục “Software” (Phần mềm) hoặc “Drivers” (Trình điều khiển). Sau đó, hãy tải phần mềm dành riêng cho cáp của bạn về cả hai máy tính.
    • Nếu có cơ hội chọn chế độ (mode), bạn hãy chọn “link” (tên khác là “bridge” hoặc “transfer”).

    3.jpg

    3. Cắm mỗi đầu cáp USB vào cổng USB trên từng máy tính. Hạn chế kéo quá căng sợi cáp. Nếu bạn phải kéo căng dây cáp để kết nối thì nên di chuyển máy tính lại gần nhau hơn nhằm tránh làm hỏng cáp.

    4.jpg

    4. Khởi chạy phần mềm chia sẻ dữ liệu trên cả hai máy tính. Cho dù phần mềm đã được cài đặt như thế nào thì cũng sẽ có biểu tượng shortcut hiển thị trong trình đơn Start. Hãy nhấp vào “Start”, đi đến “All Programs” hoặc “All Apps” và chọn phần mềm từ trong trình đơn. Từ lúc này, bạn không phần phải chuyển đổi qua lại giữa hai máy tính để chia sẻ tập tin vì tất cả thao tác sẽ được thực hiện trên một máy.

    5.jpg

    5. Duyệt tìm tập tin của một máy tính trên máy tính còn lại. Lưu ý: phần mềm sẽ trông giống trình quản lý tập tin với hai cửa sổ (tên là “local” và “remote”), mỗi cửa sổ dành cho một máy tính. Cửa sổ Local hiển thị tập tin trên máy tính mà bạn đang sử dụng, còn Remote hiển thị tập tin trên máy tính còn lại.

    6.jpg

    6. Chia sẻ tập tin. Nếu bạn muốn sao chép nội dung trên máy tính từ xa sang máy đang sử dụng, hãy kéo tập tin mong muốn từ cửa sổ Remote vào thư mục đích trong cửa sổ Local. Bạn cũng có thể kéo dữ liệu từ máy tính cục bộ sang máy tính còn lại theo cách tương tự.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phương pháp 2: Kết nối hai máy tính Mac bằng cáp USB

    7.jpg

    1. Chuẩn bị những thiết bị cần thiết.[3] Về mặt kỹ thuật, máy Mac không thể kết nối với nhau thông qua cáp USB, cách khả dĩ nhất để tạo ra kết nối USB-to-USB trên Mac là nối cáp từ cổng USB trên máy tính này sang cổng Ethernet trên máy tính kia.

    • Đầu nối USB-to-Ethernet: Những đầu nối này thuộc loại phổ quát, nghĩa là bạn không phải mua một đầu nối dành riêng cho máy tính Apple. Một đầu của bộ chuyển đổi có đầu nối USB đực, đầu kia là cổng RJ-45 cái dành cho cáp Ethernet.
    • Cáp Ethernet 10/100BASE-T: Cáp này thuộc loại chuẩn với đầu nối RJ-45 và được bán ở hầu hết các cửa hàng đồ điện tử.
    • Bạn có thể tìm trên mạng về cách chia sẻ tập tin giữa hai máy tính Mac để biết thêm những phương pháp đơn giản khác.

    8.jpg

    2. Kết nối bộ chuyển đổi USB vào cổng USB trên Máy tính 1. Nếu chỉ một trong hai máy có cổng Ethernet, bạn hãy cắm bộ chuyển đổi USB vào máy tính đó. Nếu không thì bạn cắm vào máy nào trước cũng được.

    9.jpg

    3. Cắm đầu còn lại của cáp Ethernet vào cổng RJ-45 trên Máy tính 2. Cổng này thường nằm bên hông hoặc phía sau máy tính.

    10.jpg

    4. Cắm đầu còn lại của cáp Ethernet (đã kết nối với Máy tính 2) vào bộ chuyển đổi USB. Quá trình kết nối vật lý đã hoàn thành.

    11.jpg

    5. Mở tùy chỉnh Sharing (Chia sẻ) trên cả hai máy tính. Trên mỗi máy tính, hãy mở trình đơn Apple, nhấp vào “System Preferences” (Tùy chỉnh hệ thống) rồi chọn “Sharing”. Khi các tùy chỉnh Sharing hiện ra trên màn hình, bạn cũng sẽ thấy tên máy tính đang dùng.

    12.jpg

    6. Sử dụng Finder trên một máy tính để kết nối với máy còn lại. Chọn một trong hai máy tính tùy ý để bắt đầu quá trình này. Bắt đầu bằng cách mở Finder, chọn “Go” rồi nhấp vào “Connect to server” (Kết nối với máy chủ), sau đó nhấp vào “Browse” (Duyệt tìm) để hiển thị danh sách máy tính kết nối. Hãy tìm và nhấp đúp vào tên của máy tính thứ hai hiện ra trong danh sách kết quả rồi tiến hành nhập mật khẩu (nếu được nhắc).

    13.jpg

    7. Sao chép tập tin qua lại giữa hai máy tính. Danh sách tập tin của máy tính thứ hai sẽ hiện ra trên máy tính thứ nhất. Bạn có thể kéo và thả tập tin giữa hai máy tính bằng cửa sổ Finder.

    Lời khuyên
    • Nếu cả hai máy tính đều có cổng Ethernet mà bạn thì không muốn mua thêm phần cứng, hãy xem Cách để kết nối hai máy tính với nhau bằng cáp mạng để biết thêm những tùy chọn khác (có khả năng tiết kiệm chi phí hơn).
    • Nếu muốn tìm hiểu thêm cách khác để chia sẻ dữ liệu giữa hai máy tính, bạn có thể xem Cách để chuyển tập tin giữa hai laptop.