Cách để Nuôi dế

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Chuẩn bị, Bắt đầu quy trình nuôi dế, Hoàn thành quá trình sinh sản của dế

    Bạn bắt đầu chán cảnh tuần nào cũng phải đến cửa hàng bán đồ thú cưng mua dế để làm thức ăn cho những anh bạn nhỏ mình đầy vẩy, lông lá và bò ngoằn ngoèo của mình? Nếu là người thích-tự-làm-lấy, có thể bạn sẽ quan tâm đến việc tự nuôi dế. Bạn sẽ có nguồn cung cấp dế ổn định mà lại không tốn tiền ngay tại nhà, tiện lợi quá phải không?

    Phần 1: Chuẩn bị

    1.jpg

    1. Mua nhiều thùng hoặc hộp lớn. Bạn sẽ cần thùng hoặc hộp để nuôi dế bên trong. Cách dễ nhất là sử dụng hai hộp, một hộp để nuôi dế giống trưởng thành, hộp kia nuôi dế đang lớn. Bạn hãy xác định số lượng dế cần nuôi và mua một (hoặc nhiều) hộp có kích thước phù hợp.

    • Đảm bảo hộp nuôi dế phải đủ rộng cho cả đàn dế. Một sai lầm lớn mà người nuôi dế thường mắc phải là không mua hộp đủ rộng. Khi được nuôi trong không gian quá chật hẹp, lũ dế có thể ăn thịt lẫn nhau, kết quả là nguồn cung cấp dế sẽ ít đi, và hẳn là bạn không mong muốn điều này. Nhớ mua hộp đủ rộng!
    • Mua hộp nhựa đựng đồ gia dụng trong suốt có nắp đậy chắc chắn để nhốt dế bên trong. Hộp nhựa có thành cao là lựa chọn thích hợp. Hộp dung tích 53 lít có thể nuôi một tổ dế trên 500 con kèm với đủ số lượng hộp các-tông hoặc vỉ đựng trứng để cho dế leo trèo. Bề mặt trơn nhẵn của hộp nhựa sẽ giúp giảm số dế trốn thoát ra ngoài.

    2.jpg

    2. Tạo sự thông thoáng trong hộp. Cắt một hoặc hai lỗ có đường kính khoảng 15 cm trên nắp hộp để không khí lưu thông. Đậy lưới chống muỗi lên trên để dế khỏi bò ra ngoài, vì chúng có khả năng gặm thủng lưới nhựa. Bạn có thể dùng súng bắn keo nóng để gắn cố định lưới. Nếu muốn kiểm soát thêm về nhiệt độ, bạn có thể thử nghiệm với nhiều loại lỗ thoát khí.

    3.jpg

    3. Lót đáy hộp bằng một lớp đá vermiculite. Rải một lớp đá vermiculite xuống đáy hộp nhựa. Như vậy, dế sẽ có lớp nền để bò và hộp nuôi dế sẽ được giữ khô ráo để ngăn ngừa vi khuẩn và giảm mùi hôi. Đặc biệt đối với những tổ dế đông đúc, lớp đá vermiculite phải được thay cách 1-6 tháng một lần, vì vậy bạn hãy mua nhiều hơn một chút.

    4.jpg

    4. Đặt một hộp nhựa đựng lớp đất mặt tơi xốp và thật ẩm vào trong hộp nuôi dế. Dế cái cần hộp đất này để đẻ trứng. Chiếc hộp chỉ nên cao hơn lớp đá vermiculite một chút để dế có thể vào dễ dàng. Đảm bảo lớp đất mặt không có phân bón và thuốc trừ sâu.

    • Bạn có thể đặt lưới lên trên mặt đất để dế khỏi đào hoặc ăn trứng. Dế cái có thể đẻ trứng lọt qua lưới bằng bộ phận sinh sản của chúng (máng đẻ trứng).

    5.jpg

    5. Mua 50 con dế hoặc nhiều hơn. Đảm bảo số lượng dế đủ cho thú cưng của bạn ăn và còn dôi ra 30-50 con dế để làm giống. Điều quan trọng là bạn cần có cả dế đực và dế cái, nhưng số lượng dế cái nhiều hơn thì tốt.

    • Dế cái có ba chiếc kim dài ở sau đuôi, và chiếc kim chính (gọi là máng đẻ trứng) được dùng để đẻ trứng xuống đất. Cánh dế cái mọc dài hết cỡ.
    • Dế đực chỉ có hai chiếc kim sau đuôi. Đôi cánh ngắn và không mọc hết cỡ giúp chúng tạo ra âm thanh quen thuộc của dế mà ta thường nghe thấy vào ban đêm.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Bắt đầu quy trình nuôi dế

    6.jpg

    1. Thiết lập tổ dế và cho chúng ăn. Cho toàn bộ dế vào hộp nuôi dế đã chuẩn bị sẵn. Đặt vào hộp một đĩa nông đựng thức ăn bán sẵn dành cho dế hoặc loại khác (thức ăn khô chất lượng cao của mèo cũng tốt), đặt xa hộp đất một chút.

    • Bạn có thể cho dế ăn thêm hoa quả, khoai tây cắt lát, rau xanh và các loại rau củ khác để bổ sung cho chế độ ăn của chúng. Nhớ dọn dẹp các thức ăn thừa trước khi bị mốc hoặc thối rữa.
    • Một số thức ăn khác có thể cho dế ăn gồm thức ăn viên cho cá nước ngọt, thức ăn cho thỏ (cỏ linh lăng viên) hoặc bất cứ loại thức ăn nào có hàm lượng protein cao.[1]
    • Cố gắng pha trộn các loại thức ăn cho dế thích thú. Dế khỏe mạnh thì thú nuôi của bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Bạn nên cố gắng bổ sung cho thức ăn khô bằng các mẩu rau củ và hoa quả cộng với rau xanh như rau diếp. Điều này đảm bảo lũ dế sẽ trở thành món ăn vặt bổ dưỡng cho thú nuôi của bạn.

    7.jpg

    2. Nhớ cung cấp đủ nước cho dế. Dế cần nguồn cung cấp nước ở gần và liên tục để sống và khỏe mạnh. Bạn cứ xem đàn dế xúm lại khi bạn phun sương cho hộp nuôi dế thì sẽ thấy. Sau đây là vài cách mà những người nuôi dế sáng tạo ra để giúp cho dế dễ chịu và có đủ nước:
    Dùng máng uống cho bò sát có gắn chai nước lộn ngược, đặt một miếng mút vào bên trong lòng máng. Miếng mút sẽ chống nước tràn ra gây ngập bên trong hộp.

    • Cắt lõi của cuộn giấy vệ sinh theo chiều dọc rồi mở ra thành hình chữ nhật. Dùng giấy có độ thấm hút tốt, chẳng hạn như khăn giấy, quấn xung quanh miếng bìa và dựng đứng lên vào một góc để tạo thành một “pháo đài”.
    • Một chiếc đĩa đựng gel nước (còn được bán như chất thay thế cho đất, chẳng hạn như "polyacrylamide") hoặc một loại thạch không hương vị cũng là một nguồn cung cấp nước tuyệt vời.

    8.jpg

    3. Sưởi ấm cho dế. Để kích thích dế sinh sản và ấp trứng dế, bạn cần giữ ấm cho chúng. Bạn có thể sưởi ấm cho dế bằng nhiều phương pháp như đèn sưởi dành cho bò sát, đệm sưởi, hoặc bóng đèn. Lò sưởi dùng trong phòng cũng có thể cung cấp nguồn nhiệt cho dế và ấp trứng dế.

    • Vào mua giao phối, dế đực chỉ gáy khi nhiệt độ nằm trong khoảng 13-38 độ C. Dế sinh trưởng tốt nhất trong nhiệt độ 27-32 độ C.

    9.jpg

    4. Dành thời gian cho dế sinh sản. Nếu được cung cấp đủ thức ăn, nước uống và được sưởi ấm, nói chung là được chăm sóc tốt, lũ dế sẽ sinh sôi đông đúc. Chờ khoảng hai tuần cho dế giao phối và đẻ trứng. Dế sẽ đào xuống đất khoảng 2,5 cm bên dưới lớp đất mặt để đẻ trứng.[2] Sau hai tuần, lớp đất mặt sẽ đầy trứng dế có hình dáng thuôn thuôn với kích thước bằng nửa hạt gạo. Bạn hãy lấy những hộp đất này ra và cho vào hộp ấp trứng.

    • Trong khi chờ dế đẻ trứng, bạn cần đảm bảo giữ độ ẩm trong đất. Trứng dế khi bị khô kiệt sẽ hỏng và trở thành vô dụng. Bạn có thể rót nước vào bình xịt và thỉnh thoảng phun sương lên bề mặt đất để đảm bảo sức nóng không làm khô kiệt đất.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 3: Hoàn thành quá trình sinh sản của dế

    10.jpg

    1. Ấp trứng. Trứng dế cần được ấp bằng nhiệt độ cho đến khi nở. Bạn cần đặt hộp trứng dế vào một vật đựng lớn hơn có nắp đậy kín và đặt ở nơi có nhiệt độ 29-32 độ C. Sau khoảng hai tuần (thời gian sẽ lâu hơn nếu nhiệt độ thấp hơn), những con dế con nhỏ bằng hạt cát sẽ nở ra hàng trăm con mỗi ngày.

    11.jpg

    2. Gom lũ dế con và thả vào hộp nuôi dế con. Bạn cần cung cấp thức ăn và nước uống đầy đủ sao cho lũ dế con nhỏ bằng đầu đinh ghim phát triển đến khi đạt kích cỡ phù hợp để trở về hộp nuôi dế chính – thông thường thời gian này mất thêm 7-10 ngày nữa.

    • Nhớ làm ẩm hộp nuôi dế con thường xuyên để đảm bảo dế có đủ nước.
    • Cân nhắc đặt hộp nuôi dế con lên đệm sưởi ở nhiệt độ 27-32 độ C.

    12.jpg

    3. Lặp lại quá trình nuôi dế. Tiếp tục thực hiện các bước trên với lứa dế mới để cho ra hàng trăm đến hàng ngàn con dế, và bạn sẽ có nguồn cung cấp dồi dào cho thú nuôi của mình, thậm chí còn có thể cho thú nuôi của bạn bè nữa. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ trở thành tay nuôi dế đầy kinh nghiệm! Nếu dế bị chết, bạn hãy chú ý đặc biệt đến những yếu tố sau:

    • Không gian quá chật. Dế cần nhiều không gian để sống và sinh sản. Nếu lũ dế trở nên quá đông đúc chật chội, chúng sẽ bắt đầu ăn thịt lẫn nhau để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong hệ sinh thái.
    • Không đủ/dư thừa nước. Có thể dế cần nhiều nước hơn bạn tưởng – việc phun sương và bổ sung nước vào máng uống cho dế hai ngày một lần là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên bạn cũng đừng dìm chết lũ dế của mình. Phun sương thường xuyên và bổ sung nước là đủ để giữ độ ẩm trong hộp nuôi dế.
    • Không đủ ấm. Dế ưa sống và sinh sản trong môi trường có nhiệt độ cao. Bạn nên cố gắng duy trì nhiệt độ tối ưu trong hộp nuôi dế vào khoảng 27- 32 độ C.

    Lời khuyên
    • Loại bỏ dế chết – dế sẽ ăn những con bị chết và lan truyền vi khuẩn, cuối cùng gây hại cho cả tổ dế.
    • Nếu thiếu thức ăn và nước cho dế, bạn có thể thay thế cả hai thứ bằng một lát khoai tây.
    • Một dải băng dính dán bên trong hộp nuôi dế có thể ngăn chặn dế thoát ra ngoài vì độ trơn của băng dính khiến dế không bò lên được.
    • Thay miếng mút trong đĩa nước hai tuần một lần hoặc khi thấy bẩn để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi trong nước.
    • Tìm hiểu thêm về chế độ ăn và cách chăm sóc dế. Điều này sẽ giúp bạn chăm sóc dế tốt hơn và thành công trong việc nuôi dế.
    • Băng dính xốp dùng để bít khe cửa có thể dùng để bịt kín nắp hộp nuôi dế, đề phòng dế thoát ra ngoài.
    • Cách mỗi 6 tháng, bạn nên mua lứa dế mới để bắt đầu lại quy trình nuôi dế. Điều này sẽ giúp giảm các vấn đề có thể xảy ra do sinh sản đồng huyết. Đây cũng là dịp tốt để thay lớp đá vermiculite mới.
    • Dế hô hấp qua da, do đó chúng sẽ không thở được nếu thiếu không gian.
    • Trứng dế sẽ nở trong khoảng 7-13 ngày. Nhiệt độ tối ưu cho quá trình này là khoảng 29 độ C.
    • Cho dế ăn cam để bổ sung vitamin C.
    • Nếu muốn bắt một nắm dế ra khỏi hộp, bạn có thể dùng các cuộn khăn giấy dựng sát thành hộp, sau đó lấy ra và lắc cho dế rơi xuống chuồng thú nuôi hoặc chuyển sang nơi bạn muốn.
    • Nếu nuôi dế cho loài thú cưng cần nhiều can-xi (ví dụ như tắc kè vốn cần bột can-xi), bạn có thể cho dế ăn thức ăn chứa nhiều can-xi như rau bina hoặc phô mai. Các loại thức ăn này cũng giải quyết được mối lo thiếu hụt vitamin. Những thức ăn cho dế cũng sẽ tác động đến thú cưng của bạn.
    Cảnh báo
    • Lưu ý đến các loài dịch hại tấn công dế như mốc, ve, ruồi và vi khuẩn. Bạn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa và loại bỏ các loài dịch hại để giữ cho dế khỏe mạnh.
    • Không nên duy trì độ ẩm quá cao. Bạn cần đặt các đĩa nước uống cho dế, nhưng cố gắng giữ độ ẩm thấp để giảm độ tử vong, mốc, ve và ruồi.
    • Dế đực có thể gây nhiều tiếng ồn khi chúng gáy. Bạn nên cân nhắc để chúng ở nơi nào đó để khỏi bị làm phiền vì tiếng dế gáy.
    • 50 con dế giống có thể cho ra hơn 2000 dế con trong chu kỳ sinh sản. Có thể bạn sẽ có nhiều dế hơn dự định và không biết phải làm gì với chúng.
    • Nếu bạn có nuôi mèo thì điều này không thành vấn đề. Mèo thích săn đuổi và/hoặc ăn dế! Sẽ không hại hại gì khi mèo ăn dế, trừ khi chúng ăn quá nhiều đến mức khó tiêu.
    • Chỉ sử dụng loại đất mặt không có phân bón và thuốc trừ sâu để đảm bảo dế và trứng khỏi bị ngộ độc.
    • Khi mới nở, dế con chỉ có kích thước bằng hạt cát. Bạn cần chú ý đừng để chúng chui ra khỏi hộp. (Chúng không có khả năng bò lên thành hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa trong).
    • Thế nào rồi cũng có vài con dế thoát được ra ngoài. Nếu không thích cho lũ dế tự do chạy khắp nhà, bạn có thể đặt bẫy dế.