Cách để Xác định các loại giun sán khác nhau ở chó

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Nhận biết chó bị nhiễm giun sán, Phân biệt các loại giun sán, Ngăn ngừa hoặc điều trị giun sán

    Có nhiều loại giun sán khác nhau có thể lây nhiễm cho chó. Loại giun sán gây mối lo ngại lớn nhất là giun đũa, sán dây, giun chỉ, giun móc và giun tóc. Mỗi loại giun có vòng đời hơi khác nhau nhưng triệu chứng nhiễm giun sán ở chó có thể giống nhau ở các trường hợp nhiễm các loại giun khác nhau. Vì vậy, không thể xác định được loại giun sán chỉ dựa trên triệu chứng ở chó mà cần đến xét nghiệm.[1] Tuy nhiên, nhận biết các triệu chứng chung, nguy cơ và đặc điểm của từng loại giun khác nhau có thể giúp điều trị và chăm sóc cho chú chó của bạn.

    Phần 1: Nhận biết chó bị nhiễm giun sán

    1.jpg

    1. Cảnh giác với triệu chứng. Nhiều triệu chứng nhiễm giun sán chỉ chung chung và không cụ thể. Vì vậy, bạn không thể chẩn đoán loại giun sán mà chó nhiễm phải nếu chỉ dựa trên triệu chứng. Tuy nhiên, các dấu hiệu ở chó chưa được tẩy giun gần đây có thể làm tăng nghi ngờ rằng chó đã nhiễm giun sán và bạn nên tìm hiểu xem chó nhiễm loại giun nào.

    2.jpg

    2. Quan sát giun sán trong phân. Đôi khi, thậm chí ở những con chó không có triệu chứng bệnh, bạn cũng có thể thấy các dấu hiệu xuất hiện của giun sán trong phân của chó. Nếu không hoàn toàn tự tin trong việc nhận dạng giun sán, bạn nên thu mẫu giun sán vào hộp đựng có nắp vặn rồi mang đến phòng khám thú ý để xác định.

    • Thu mẫu giun sán có ích hơn nhiều so với việc mô tả chúng cho bác sĩ vì hầu hết giun sán đều có vẻ ngoài giống nhau khi nhìn bằng bắt thường.

    3.jpg

    3. Xác định dấu hiệu đường tiêu hóa. Mặc dù vòng đời khác nhau nhưng mọi loại giun sán sẽ đều di chuyển qua đường ruột. Nếu số lượng giun sán ít, chó sẽ không có dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi lượng giun sán lớn đi vào đường ruột, chúng có thể gây kích ứng niêm mạc, gây ra các triệu chứng như bệnh tật, tiêu chảy (đôi khi có dịch nhầy và/hoặc máu), ăn không ngon và sụt cân.[2]

    4.jpg

    4. Thu gom mẫu phân. Giun sán có thể sống trong hoặc di chuyển qua đường ruột nên tại một số giai đoạn nhất định trong vòng đời của chúng, dấu hiệu nhiễm giun sán có thể được đẩy ra ngoài trong phân của chó. Ở trường hợp nhiễm giun sán nặng, bạn có thể thấy giun sán thật trong phân chó, nhưng tình trạng này ít gặp hơn trong các trường hợp nhẹ. Thay vào đó, trứng hoặc ấu trùng giun sán có thể xuất hiện trong phân mà mắt thường khó phát hiện.[3]

    • Dùng que kem hoặc thìa dùng một lần để xúc lấy mẫu phân rồi cho vào hộp đựng sạch, có nắp vặn vừa kín (bác sĩ thú y có thể cho bạn hộp đựng chuyên dùng cho mục đích này nếu bạn không có vật dụng phù hợp).
    • Bảo quản mẫu phân ở nhiệt độ dưới 30 độ C và mang đến phòng khám thú y khi có thể (mẫu phân không cần phải mới để xác định dấu hiệu của giun sán).
    • Nếu bác sĩ thú y yêu cầu mẫu phân thu gom, bạn cần lấy mẫu phân chó một lần mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp và cho vào cùng hộp đựng. Bước này có thể cần thiết trong trường hợp nghi ngờ kết quả "âm tính sai". Mẫu phân thu gom giúp giảm nguy cơ nhận kết quả không đáng tin cậy.
    • Bác sĩ thú y có thể tiến hành phân tích phân, tức quá trình kiểm tra mẫu phết của phân dưới kính hiển vi để tìm trứng hay ấu trùng của giun sán. Hoặc bác sĩ thú y có thể gửi mẫu phân đến phòng thí nghiệm bên ngoài để tiến hành đánh giá.

    5.jpg

    5. Hỏi bác sĩ thú y về xét nghiệm máu. Một số loại giun sán (như giun tròn hoặc giun chỉ) có thể gây bệnh tật nghiêm trọng và cần có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Bác sĩ thú y sẽ chích lấy một lượng nhỏ (1-2 ml) máu của chó để làm mẫu xét nghiệm.[4]

    • Hiện có nhiều xét nghiệm có sẵn nhưng trong thực tế, xét nghiệm ELISA là phổ biến nhất. Xét nghiệm này tìm sự hiện diện của kháng thể giun chỉ và gây đổi màu nếu dương tính.
    • Hầu hết bác sĩ thú y ở khu vực nguy cơ nhiễm giun chỉ cao đều yêu cầu xét nghiệm hàng năm như một phần của chu kỳ khám sức khỏe cho chó trước khi đổi mới hoặc kê đơn phương pháp phòng ngừa hàng tháng.

    6.jpg

    6. Tránh tiếp xúc với phân và giun sán. Một số loại giun sán, ví dụ như giun đũa, có thể truyền từ chó sang người. Trẻ nhỏ nhiễm giun tròn có thể bị thương tổn thị lực.

    • Cần loại bỏ giun sán hoặc phân nhiễm giun sán khỏi khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
    • Mang găng tay khi xử lý hoặc thu gom phân nhiễm giun sán.
    • Luôn rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi xử lý phân động vật.

    7.jpg

    7. Nhận biết yếu tố rủi ro của từng loại giun cụ thể. Vì giun sán có thể trông rất giống nhau nên cách tốt nhất để xác định loại ký sinh trùng ở chó là hiểu rõ về yếu tố môi trường hay yếu tố tình huống có thể gây ra loại giun nào nhiều nhất. [5]

    • Giun đũa thường lây qua chó con từ chó mẹ nhiễm giun đũa vì trứng và ấu trùng đi qua nhau thai để gây nhiễm giun cho chó con trong dạ con và trứng giun sán cũng được tiết ra trong sữa mẹ. Chó con nên được tẩy giun như một điều hiển nhiên.
    • Sán dây là do chó ăn thịt động vật đã nhiễm sán dây hoặc từ ve chó chứa trứng sán dây. Vì vậy, chó săn hay chó bị ve dễ bị nhiễm sán dây.
    • Giun móc và giun tóc phát triển mạnh trong đất ẩm và chó có nguy cơ cao nhất nếu được thả ngoài vườn cỏ, đặc biệt là trong điều kiện ẩm và ấm. Chó nhốt cũi được thả ra ngoài vườn cỏ có nguy cơ cao nhiễm hai loại giun này.
    • Giun chỉ lây lan thông qua các loại côn trùng như muỗi và do đó mang tính đặc thù ở những khu vực nhiều côn trùng. Những khu vực có nguy cơ cao là Đông Nam, Trung Tây Hoa Kỳ và dọc theo bờ biển Đại Tây Dương.
    • Giun tròn dần trở nên phổ biến hơn và lây lan thông qua phân cáo, sên và ốc sên. Tiếp xúc với các đối tượng này được xem là yếu tố nguy cơ.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Phân biệt các loại giun sán

    8.jpg

    1. Thu thập thông tin về bất kỳ triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ nào áp dụng được cho chó nhà bạn. Đôi khi, cách tốt nhất để chẩn đoán loại giun sán là ghi chép thông tin về yếu tố nguy cơ nhiễm giun sán ở chó. Ghi chép thông tin về điều kiện môi trường, khí hậu và thói quen của chó. Cần đảm bảo ghi chép thông tin về mức độ nghiêm trọng và thời gian xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh tật nào để cung cấp thông tin này cho bác sĩ thú y nếu nghi ngờ chó nhiễm giun sán.

    9.jpg

    2. Quan sát đặc điểm của loại giun sán. Nếu nhìn thấy trong phân hoặc chất thải nôn mửa của chó có giun sán hoặc các đoạn giun sán, bạn có thể xác định được loại giun. Mặc dù nhiều loại giun sán trông giống nhau nhưng mỗi loại sẽ có một số đặc điểm giúp bạn phân biệt.[6]

    • Giun đũa nhìn giống như sợi mì ống nấu chín. Chúng dài từ 8-10 cm nhưng cũng có thể đạt đến độ dài 18 cm. Giun đũa có thân tròn và nhẵn.
    • Gián dây được phân biệt bởi thân phẳng từ các đoạn tạo thành. Chiều dài sán dây khác nhau tùy từng loài nhưng trung bình là từ 50-250 cm. Nếu nhìn thấy sán dây trong phân hoặc chất thải nôn mửa, chúng thường là từng đoạn rời chứ không phải toàn thân sán dây.
    • Giun móc và giun tóc nhỏ hơn nhiều so với giun đũa và sán dây. Chúng thường dài từ 0,5-2 cm và cực kỳ mỏng, giống như một sợi chỉ hoặc sợi tóc. Kích thước nhỏ khiến chúng giống như trong suốt và khó nhìn thấy nếu không kiểm tra kỹ.

    10.jpg

    3. Kiểm tra dấu hiệu đường hô hấp hoặc tim. Giun tròn và giun chỉ gây nhiễm trùng mạch máu và tim hoặc phổi. Chúng có thể gây ra triệu chứng như ho, thở nặng nhọc hoặc thở nhanh, thiếu năng lượng, hoặc thậm chí là ngất xỉu và tử vong.[7]

    • Giun tròn và giun chỉ có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và một số con chó có thể biểu hiện triệu chứng đáng báo động như xuất huyết mất kiểm soát sau chấn thương nhỏ.
    • Đưa chó đến bác sĩ thú y khám ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên. Mặc dù quy trình điều trị tốn kém nhưng điều trị ngay sẽ mang đến kết quả tốt hơn.

    11.jpg

    4. Kiểm tra ổ sán dây. Dấu hiệu chắc chắn của sán dây là ổ sán dây dính ở phần lông gần hậu môn của chó. Điều này xảy ra khi sán dây trưởng thành đẻ trứng vào trong ruột, sau đó trứng sán dây sẽ lúc nhúc chui ra hậu môn của chó, có thể gây ngứa quanh hậu môn.[8]

    • Ổ sán dây giống như hạt vừng hoặc các hạt gạo nhỏ mắc trong lông gần hậu môn của chó.
    • Nếu quan sát cẩn thận, đôi khi bạn có thể thấy trứng sán dây màu kem, giống hạt nhỏ đang lúc nhúc.

    12.jpg

    5. Kiểm tra thể trạng của chó. Giun sán, đặc biệt là sán dây, hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn của chó và gây thiếu hụt dưỡng chất có sẵn cho vật chủ. Vì vậy, chó nhiễm giun sán có thể có ít mỡ che phủ xương nhưng bụng sưng lên do giun sán nhiều trong đường ruột. Thông thường, chó con bị nhiễm giun sán thường gầy trơ xương sườn, bụng phệ và lông xỉn màu.

    13.jpg

    6. Mang giun sán hoặc trứng giun sán đến bác sĩ thú y. Cách tốt nhất để chẩn đoán loại giun sán cụ thể là đến nhờ chuyên gia. Chuyên gia có thể xác định giun sán hoặc trứng giun bằng kính kiển vi và họ có kinh nghiệm phân biệt những điểm khác biệt nhỏ giữa các loại giun sán.[9]

    • Đối với trứng giun, sự khác biệt có thể khó phát hiện, ví dụ như hình ô-van thay vì hình tròn, có nút nhày ở một hoặc cả hai đầu.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 3: Ngăn ngừa hoặc điều trị giun sán

    14.jpg

    1. Xác định và điều trị giun sán nhanh chóng. Nhiễm giun sán thường trở nặng nếu để lâu không được điều trị. Nhiễm số lượng lớn giun sán trưởng thành, gọi là nhiễm giun sán nặng, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể của chó. Vì vậy, xác định giun sán trước khi tình trạng trở nặng là cách tiếp cận tốt nhất.

    • Một số trường hợp nhiễm giun sán ở chó có thể gây vấn đề đường tiêu hóa như tiêu chảy.
    • Một số trường hợp nhiễm giun sán có thể khiến chó tử vong, đặc biệt là nhiễm giun chỉ và giun tròn.

    15.jpg

    2. Cho chó uống thuốc ngừa giun chỉ hàng tháng. Đặc biệt nếu sống ở khu vực nguy cơ cao có nhiều muỗi, bạn nên cho chó uống thuốc ngừa giun chỉ hàng tháng. Thuốc ngừa giun chỉ cần có đơn thuốc của bác sĩ.

    • Hầu hết bác sĩ thú y đều yêu cầu xem kết quả xét nghiêm âm tính với giun chỉ trước khi kê đơn thuốc uống ngừa giun chỉ.
    • Nhiều thuốc uống ngừa giun chỉ có vị thịt và nhai được nên bạn dễ dàng cho chó uống.

    16.jpg

    3. Giữ cho chó sạch chấy rận. Vì một số loại giun sán có thể lây truyền thông qua chấy rận nên việc giữ cho chó sạch bằng phương pháp diệt chấy rận thông thường có thể giúp ngăn ngừa nhiễm giun sán.

    • Một số công ty sản xuất ra sản phẩm viên uống nhai được kết hợp điều trị giun chỉ với điều trị chấy rận.
    • Bạn cũng có thể dùng sản phẩm thoa ngoài điều trị chấy rận hàng tháng cho chó. Sản phẩm này thường được thoa lên gáy, tức phần sau cổ của chó.

    17.jpg

    4. Hạn chế cho chó tiếp xúc với môi trường gây hại. Đảm bảo giữ chó tránh xa môi trường dễ sinh giun sán có thể giúp bạn không cần tẩy giun cho chó.

    • Không để chó đến gần các khu vực ấm, nhiều cỏ với những con chó khác chưa được tẩy giun.
    • Không để chó tiếp xúc với động vật hoang dã hay con mồi.
    • Tránh khí hậu ẩm, ấm có số lượng lớn côn trùng như chấy rận hoặc muỗi.
    • Không để chó ăn hoặc lăn mình trên phân của các con chó khác hoặc động vật hoang dã.

    18.jpg

    5. Cho chó uống thuốc tẩy giun nếu cần. Nếu chó bị nhiễm giun sán, bạn có thể cần cho chó uống thuốc tẩy giun. Công thức tẩy giun chính xác sẽ phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ của từng con chó và tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y.[10]

    • Hầu hết thuốc tẩy giun đều ở dạng bột mà bạn có thể hòa vào thức ăn của chó hoặc các thực phẩm khác như sữa chua trắng (trao đổi với bác sĩ thú y trước khi cho chó ăn thức ăn của người).
    • Hầu hết thuốc tẩy giun chỉ cần cho uống một lần. Nhưng nếu bác sĩ thú y kê đơn thuốc Fenbendazole, bạn sẽ cần cho chó uống lặp lại nhiều ngày. Fenbendazole là thuốc tẩy giun rất nhẹ thường được dùng cho chó con.
    • Cần đảm bảo đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì thuốc tẩy giun và tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi cho chó uống bất kỳ loại thuốc nào.

    19.jpg

    6. Đưa chó đến bác sĩ thú y khám đều đặn. Thói quen này giúp duy trì sức khỏe tốt cho chó. Bác sĩ thú y có thể xác định vấn đề trước khi tình trạng trở nặng và gây hậu quả kéo dài cho chú chó của bạn.

    Lời khuyên
    • Thu gom mẫu phân của chó trong khi dắt chó đi dạo.
    • Kiểm soát chấy rận là bước cần thiết vào mọi thời điểm trong năm.
    • Tránh để chó ngửi hoặc ăn phân và những thứ bẩn khác. Điều này thường xảy ra ở chó con và chắc chắn sẽ khiến chó nhiễm giun sán không mong muốn.
    • Cảnh báo
    • Giun móc và giun đũa có thể lây truyền từ chó sang người nên bạn cần cẩn thận và cần biết cách xử lý phân chó đúng cách. Trao đổi với bác sĩ nếu lo lắng rằng bản thân hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình có thể bị nhiễm giun sán.
    • Bất kỳ tình trạng nhiễm giun sán nào nếu để lâu không điều trị cũng đều dẫn đến tử vong.
    • Giun chỉ có thể khiến chó lên cơn đau tim nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
    • Nếu chó có dấu hiệu mệt mỏi hoặc tiêu chảy và nôn mửa, bạn cần đưa chó đến bác sĩ thú y khám ngay.