Cảm nhận bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Cảm nhận bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

    Bài làm:
    • Mở bài:
    Trần Tế Xương, thường gọi là Tú Xương. Ông là một trong những tên tuổi nổi bậc nhất của nền văn học thế kỉ 18. Cuộc đời ông nằm gọn trong giai đoạn nước mất, nhà tan. Khi đất nước hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp, nền kinh tế tư bản phát triển ở một nước thuộc địa làm đảo lộn trật tự xã hội. Đời sống tinh thần của nhân dân cũng bị tác động hết sức mãnh liệt. Nhà thơ đã ghi lại rất sinh động, trung thành bức tranh xã hội buổi giao thời ấy và thể hiện tâm trạng của mình.
    Người ta thấy trong thơ Tú Xương là tiếng nói đả kích sâu cay, quyết liệt vào cái xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát, mục ruỗng và tàn bại. Tuy nó không đậm như Nguyễn Khuyến, không cay như Ðồ Chiểu nhưng lại hết sức thiết tha. Ta còn thấy trong thơ Tú Xương là tiếng nói tâm tình trĩu nặng đau xót. Đặc biệt là đối với người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên thật đáng thương. Họ không những khổ sở về vật chất mà còn bị đau đớn về mặt tinh thần. Thương vợ của Tú Xương là một bài thơ đặc sắc viết về đề tài này:

    Quanh năm buôn bán ở mom sông,
    Nuôi đủ năm con với một chồng.
    Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
    Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
    Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
    Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
    Có chồng hờ hững cũng như không!

    • Thân bài:
    Trong các nhà Nho xưa, ít ai viết về vợ mình tha thiết như Tú Xương. Bởi trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không có thân phận. Họ không được nhìn nhận hay đề cao. Họ bị xem là người ở phía sau mọi điều cao quý. Nữ nhi thường tình thuộc loại thấp hèn trong xã hội. Có chăng, các nhà Nho chỉ viết về vợ khi họ đã mất để ghi nhớ và tôn vinh nỗi vất vả, gian truân của họ trong cuộc đời làm người. Nguyễn Khuyến đã Từng khóc vợ hết sức cảm động trong câu đối viếng vợ:

    Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm,
    thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng,
    tất tưởi chân nam chân xiêu,
    vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
    Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng,

    búi tóc củ hành, buông quần lá tọa,
    gật gù tay đũa tay chén,
    cùng ai kể lể chuyện trăm năm?

    (Khóc vợ – Nguyễn Khuyến)

    Tú Xương đã làm điều đó sớm hơn Nguyễn khuyến. Ông không đợi đến khi bà Tú nhắm mắt xuôi tay mới có lời ngợi ca và ghi nhận công đức của bà. Ông viếng bà ngay khi còn sống trong lời thơ vừa đùa cợt vừa hết sức chân thành.
    Mở đầu bài thơ, Tú Xương ghi lại một cách chân thực người vợ tần tảo, đảm đang của mình:

    Quanh năm buôn bán ở mom sông,
    Nuôi đủ năm con với một chồng.

    Thủ pháp thơ xưa tả ít gợi nhiều. Hai câu thơ đầu không nhắc gì đến bà Tú. Thế mà cũng có thể làm hiện hình bà Tú hết sức rõ ràng, chân thực đầy sinh động trong cơ cảnh cuộc đời. Đầu tiên là công việc mưu sinh vất vả, cực nhọc. “Quanh năm buôn bán” là cảnh làm ăn đầu tắt mặt tối cơ cực, vất vả. Thời gian kéo dài từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Bà vẫn đều đặn đi về bất chấp ngày nắng ngày mưa. Kể cả ngày khỏe mạnh hay ngày ốm đau bà cũng phải bươn chải. Không một ngày nào bà nghỉ ngơi.
    Nơi bà Tú buôn bán là một “mom sông”. Đó là vị trí mảnh đất nhô ra mé bờ sông chênh vênh đầy nguy hiểm. Chỉ hai chữ “mom sông” thôi cũng đủ gợi về cuộc đời tần tảo, chịu thương, chịu khó của bà. Tất cả những cơ cực của cuộc đời hiện hình trên chiếc nón lá nhuốm màu nắng mưa. Đôi vai gầy guộc trĩu xuống vì gánh nặng cuộc đời. Bà Tú thầm lặng đi sớm về khuya như chiếc bóng. Bà thầm lặng bươn chải đêm ngày trên dòng đời tấp nập để thực hiện thiên chức cao quý của người phụ nữ:
    “Nuôi đủ năm con với một chồng”.
    Câu thơ vừa cân đói vừa hết sức chênh vệnh. Thì ra cái gánh nặng cuộc đời của bà là gánh nặng chồng con. Tú Xương cũng thật là hóm hỉnh khi đã cân đếm mình và các con trên chiếc đòn cân số phận. Trách nhiệm một người đàn ông là phải lo được cho vợ cho con chu tất, vẹn toàn. Trách nhiệm của người chồng là làm cho gia đình ấm êm, hạnh phúc.
    Thế mà, giờ đây, bổn phận ấy Tú Xương cũng không thể làm được. Sinh ra trên đời, ông cũng thực hiện bổn phận làm trai theo đuổi sự nghiệp, công danh như bao người đàn ông khác. Cái chí khí của người trai đứng giữa đất trời không ngừng thôi thúc ông:

    Đã mang tiếng ở trong trời đất
    Phải có danh gì với núi sông.

    (Nguyễn Công Trứ)

    Hay những lời nhắc nhở nhỏ nhẹ nhưng hào khí biết bào:

    Hơn nhau hai chữ anh hùng

    (Nguyễn Công Trứ)

    Hai mươi năm đi thi nhưng không đỗ đạt. Cái chí làm trai của Tú Xương dường như cũng tan nát. Ông chê cuộc đời nhiễu nhương, giả trá nhưng cũng không thể vượt lên cái nghiệp khoa cử.

    Ông nghè ông thám vô mây khói
    Đứng lại văn chương một tú tài

    (Xuân Diệu)

    Tú tài chỉ là cái danh hảo mà thôi. Còn thực tế thì thật phũ phàng. Ông đứng giữa lằn ranh mờ ảo của thành công và thất bại. Ông đứa ở cái thế chênh vênh của kẻ sĩ và kể bất tài, vô dụng. Tuy có tiếng tăm, được người đời tôn trọng nhưng chẳng làm được gì. Và thế là, ông trở thành một đầu gánh nặng trong gia đình. Bà Tú đã suốt đời cơ nhọc cũng chỉ mong một tiếng công danh của chồng. Bà luôn mong có một ngày được nở mày, nở mặt với thiên hạ. Bà mong đợi một ngày có thể bước ra khỏi sự bần hàn tăm tối.
    Vậy mà, nào có được đâu. Đức tính cam chịu, hi sinh vì chồng vì con đã khiến bà mạnh mẽ. Chưa bào giờ bà buông lời oán trách, than vãn điều gì. Tú Xương thấu hiểu sâu sắc điều đó. Càng thấu hiểu ông càng yêu kính bà hơn. Vừa thương vợ lại vừa tự trách mình vô tâm. Câu thơ chua chát như một tiếng thở dài bất lực của ông trước cuộc đời. Càng ngẫm càng thấy đau.
    Hình ảnh bà Tú vì thế mà được tô đậm rõ ràng hơn:

    Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
    Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
    Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
    Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

    Bà Tú, mỗi sáng mỗi tối đi đi về về “lặn lội” làm ăn như “thân cò” nơi “quãng vắng” đìu hiu. Lấy hình ảnh thân cò để biểu đạt cái dáng còm cỏi của bà Tú, quả thật Tú Xương rất tinh tế. Tuy phép ẩn dụ ấy không có gì xa lạ nhưng ta nhận ra cái thực tâm của nhà thơ.
    Hình ảnh “con cò”, “cái cò” trong ca dao cổ vốn đã nhỏ bé, thảm thương:

    Con cò lặn lội bờ sông
    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
    Hay:
    Cái cò đi đón cơn mưa
    Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.

    Nay lại được tái hiện trong thơ Tú Xương qua hình ảnh “thân cò” lầm lũi, đáng thương thay. Câu thơ đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động về bà Tú. Đó cũng là thân phận vất vả, cực khổ của biết bao người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
    Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tú Xương mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú. Có điều hình ảnh con cò trong ca dao đầy tội nghiệp mà hình ảnh con cò trong thơ Tú Xương còn tội nghiệp hơn. Con cò trong thơ Tú Xương không chỉ xuất hiện trong cái rợn ngợp của không gian (như con cò trong ca dao) mà cái rợn ngợp của thời gian.
    Ngôn ngữ thơ tăng cấp tô đậm thêm nỗi cực nhọc của người vợ. Câu chữ như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, bổ trợ và gia tăng. Đã “lặn lội” lại “thân cò”, rồi còn “khi quãng vắng”. Nỗi cực nhọc kiếm sống ở “mom sông” tưởng như không thể nào nói hết được.
    Chỉ bằng ba từ “khi quãng vắng”, tác giả đã nói lên được cả thời gian, không gian heo hút. Ngôn ngữ chứa đầy lo âu, cái rợn ngợp của thời gian. Từ “Con cò lặn lội bờ sông” trong ca dao đến “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” của Tú Xương là cả một sự sáng tạo. Cách đảo ngữ độc đáo làm tăng sức biểu đạt cho câu thơ. Nhà thơ đưa ra từ “lặn lội” lên đầu câu nhằm tô đậm cái vất vả, cơ cực. Lại thay từ “con cò” bằng “thân cò” càng làm tăng nỗi vất vả, gian truân của bà Tú. Từ “con cò” gợi lên kiếp đời nhỏ bé. So với từ “thân cò” của Tú Xương lại càng thêm đáng thương bội lầm.
    “Buổi đò đông” gợi cảnh chen chúc, bươn chải trên sông nước của những người buôn bán nhỏ. Sự cạnh tranh chưa đến mức sát phạt nhau nhưng cũng không thiếu lời qua tiếng lại.“Buổi đò đông” lại càng thêm nguy hiểm hơn “khi quãng vắng”. “Buổi đò đông” không chỉ có những lời phàn nàn, cáu gắt. Những sự chen lấn, xô đẩy mà còn chứa đầy bất trắc hiểm nguy.
    Nhà thơ như rưng rưng nước mắt khi dõi theo hình ảnh bà Tú một mình sớm tối đi về. Dõi theo ánh mắt Tú Xương, ta có cảm giác như nhà thơ chực muốn khóc. Giọt nước mắt như cứ muốn tuôn ra, vừa nghẹn ngào, vừa uất ức.
    Không gian cũng được mở ra rộng lớn hơn. Càng rộng lớn càng hoang vắng, đìu hiu, mờ mịt đến đáng sợ. Buổi đò đông “eo sèo” như tiếng nước tan, như dòng đời đang tàn rã. Âm thanh đìu hiu khiến lòng người não nề, buồn thảm khôn cùng.
    Hai câu thực đối nhau về ngữ (khi quãng vắng đối với buổi đò đông) nhưng lại thừa tiếp nhau về ý để làm nổi bật sự vất vả gian truân của bà Tú. Đã vất vả, đơn chiếc, lại thêm sự bươn chải trong hoàn cảnh chèn chúc làm ăn. Hai câu thực nói thực cảnh bà Tú đồng thời cho ta thấy thực tình của Tú Xương, đó là tấm lòng xót thương da diết
    Tú Xương đã rất tinh tế khi dùng từ “eo sèo” để diễn tả cảm giác ấy:

    “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

    Dường như có cái lạnh như đang thấm vào chiếc áo cũ sờn vai của bà Tú. Có cái tủi hổ đang cấu vào lòng ông trong nỗi thương vợ se sắt trong lòng.
    Tú Xương thật dũng cảm đã vượt lên trên cái tự cao của người đàn ông để nói lời thương vợ đến thế. Ông đã cố giấu nó đi nhưng càng cố giấu giếm nó lại càng tuôn trào mãnh liệt hơn. Hai tiếng “eo sèo” tan ra như kiếp đời một con người tài hoa nhưng bất lực trước thời thế. Càng suy ngẫm càng thấy đớn đau.
    Đến đây, ông dừng lại để lí giải cái nguyên cớ sự nhẫn chịu, đức hi sinh của bà Tú:

    Một duyên hai nợ, âu dành phận,
    Năm nắng mười mưa dám quản công.

    “Duyên”
    là duyên số, duyên phận, “nợ” là cái nợ đời mà bà Tú phải cam phận, chịu đựng. “Nắng”, “mưa” tượng trưng cho mọi vất vả và khổ cực. Các số từ trong câu thơ tăng dần lên: “một … hai… năm… mười…” làm nổi rõ đức hy sinh thầm lặng của bà Tú. Nó như tạc khắc hình ảnh một người phụ nữ chịu thương chịu khó vì sự ấm no hạnh phúc của chồng con và gia đình. Cụm từ “Âu đành phận”.. dám quản công”… khiến cho giọng thơ nhiều xót xa thương cảm.
    “Âu đành phận” là chấp nhận cái số đời đã an bài. Đó cũng là tiếng nói trân trọng của Tú Xương đối với vợ mình. Đó là lời tri ân đối với biết bao người phụ nữ Việt Nam đã một lòng vì chồng vì con mà tảo tần, thủy chung, son sắc. Bởi thế, nhìn lại thơ Tú Xương, bức tranh hiện thực trong thơ ông chưa hẳn là một bức tranh xám xịt hay đau buồn. Ngoài những lúc ông mạnh miệng chửi cái xã hội thối nát thì ta cũng thường bắt gặp tiếng nói đồng cảm, thắm thiết, sâu xa.
    Thơ ông còn phản ánh đúng tâm trạng đau đớn, bi quan của một trí thức bất đắc chí. Họ bế tắc trước hoàn cảnh của đất nước trong buổi giao thời khi người Pháp vừa hoàn thành xong quá trình xâm lược Việt Nam. Họ bất lực khi nnền tảng đạo đức xã hội ngày càng suy đồi. Họ đau đớn khi những giá trị tốt đẹp của xã hội cũ bị mất uy tín và mai một dần. Thời thế thay đổi đẩy người đi học vào tình thế bi đát đến thảm thương. Gắn liền với họ, ở phía sau lưng họ là người phụ nữ, là một gia đình cũng phải cùng chung số phận.
    Cảm hứng trong thơ Tú Xương vì thế hầu như không hướng nhiều về phía phản ánh những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà thường lệch về phản ánh những điều đau thương như một tiếng cười ngạo thế.

    Cơm hai bữa: cá kho rau muống
    Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô

    (Thầy đồ dạy học)

    Kết thức bài thơ, niềm ấm ức dường như dâng trào đến đỉnh điểm, khiến cho ông thốt nên lời oán trách:
    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
    Có chồng hờ hững cũng như không.
    Cứ ngỡ ông trách ai. Ai ngờ ông chỉ trách cái thói đời bạc bẽo. Rồi ông trách mình hờ hững bấy lâu. Trách mình “ăn lương vợ”“ăn ở bạc”. Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì. Và thế thành ra vô tích sự. Thậm chí còn “hờ hững” với vợ con.
    Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đây buồn thương. Đó là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con mà gia cảnh nghèo. Tú Xương thương vợ cũng chính là thương chính mình vậy.
    • Kết bài:
    Tình thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong văn học trung đại. Cảm xúc mới mẻ đó lại được diễn tả bằng hình ánh và ngôn ngữ quen thuộc của văn học dân gian. Điều đó chứng tỏ hồn thơ Tú Xương dù mới lạ, độc đáo vẫn rất gần gũi với mọi người, vẫn có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc. Bởi thế mà Nguyễn Khuyến đã có lời thơ ca ngợi đủ sức hãnh diện về cái tâm của Tú Xương ở trên đời:

    Kìa ai chín suối xương không nát
    Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn

    (Nguyễn Khuyến)