Cảm Thụ Văn Học Qua Đoạn Thơ/ Văn Hay Dành Cho Học Sinh Lớp 3 - Phần III

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    27.jpg
    Bài 1:
    Trong khổ thơ sau:

    Mùa thu của em
    Là vàng hoa cúc
    Như nghìn con mắt
    Mở nhìn trời êm.
    (Quang Huy)
    Có hình ảnh so sánh nào? Hình ảnh so sánh đó đã góp phần diễn tả nội dung thêm sinh động, gợi cảm như thế nào?

    Bài làm:


    Các hình ảnh so sánh trong đoạn thơ là "...như nghìn con mắt mở nhìn trời êm".
    Hình ảnh so sánh trong đoạn thơ đã góp phần vẻ lên vẻ đẹp tươi sáng, dịu dàng của hoa cúc; gợi lên trong người đọc cảm xúc yêu mến mùa thu.

    Bài 2: Đọc bài thơ sau: Trận bóng trên không
    Ông trời ngoi lên mặt biển
    Tròn như quả bóng em chơi
    Bóng được thủ môn sóng sút
    Lên sân vận động bầu trời.
    Hậu vệ gió thường thận trọng
    Ý đồ trong mỗi đường chuyền
    Ngay phút đầu đã chủ động
    Kèm người thật chặt trên sân.
    Mưa là trung phong đội bạn
    Đoạt banh dốc xuống ào ào
    Sóng truy cản đầy quyết liệt
    Gió chồm phá bóng lên cao…
    a. Trong bài thơ trên, những sự vật nào được nhân hóa?
    b. Dựa vào đâu mà em biết những sự vật ấy được nhân hóa?
    c. Biện pháp nhân hóa đã góp phần diễn tả điều gì trong bài thơ?

    Bài làm:


    a) Sự vật được nhân hóa - Từ ngữ thể hiện sự nhân hóa:
    Trời - Ông, ngoi lên mặt biển.
    Sóng - Thủ môn, sút, truy cản đầy quyết liệt.
    Gió - Hậu vệ, ý đồ trong mỗi đường chuyền, chồm phá bóng lên cao, chủ động, kèm người.
    Mưa - Trung phong, đoạt banh dốc xuống ào ào.
    c) Biện pháp nhân hóa góp phần diễn tả trận đấu sôi nổi, quyết liệt, hấp dẫn, đầy kịch tính.

    Bài 3: Nhà thơ Nguyễn Duy ca ngợi cây tre trong Bài thơ Tre Việt Nam như sau:
    Nòi tre đâu chịu mọc cong
    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
    Lưng trần phơi nắng phơi sương
    Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
    Hình ảnh cây tre trong đoạn thơ trên gợi cho em nghĩ đến những phẩm chất gì tốt đẹp của con người Việt Nam?

    Bài làm:


    Hình ảnh "Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường" gợi cho ta nghĩ đến những phẩm chất của con người Việt Nam: ngay thẳng, trung thực “Đâu chịu mọc cong”; kiên cường, bất khuất trong chiến đấu “nhọn như chông”.
    Hình ảnh "Lưng trần phơi nắng phơi sương/Có manh áo cộc, tre nhường cho con" gợi cho ta nghĩ đến những phẩm chất của con người Việt Nam: sẵn sàng chịu đựng mọi thử thách “phơi nắng phơi sương”, biết yêu thương chia sẻ và nhường nhịn tất cả con cái, cho đồng loại “có mạnh áo cộc tre nhường cho con”.

    Bài 4: Trong bài thơ Quạt cho bà ngủ, nhà thơ Thạch Quỳ có viết:
    Bàn tay bé nhỏ
    Vẫy quạt thật đều
    Ngấn nắng thiu thiu
    Đậu trên tường trắng
    Căn nhà đã vắng
    Cốc chén nằm im
    Đôi mắt lim dim
    Ngủ ngon bà nhé.
    Trong 2 khổ thơ trên mọi vật được nói tới có nét chung gì? Tình cảm của người cháu thương bà được thể hiện như thế nào?

    Bài làm:

    Trong 2 khổ thơ, Mọi vật được nói tới trong hai khổ thơ có nét chung là: Dưới hơi mát nhè nhẹ từ bàn tay vẫy quạt của cô bé, mọi vật xung quanh dường như cũng buồn ngủ lây (nắng thiu thiu, căn nhà vắng, cốc chén nằm im…).
    Tình cảm của người cháu thương bà được thể hiện rất rõ nét qua một số chi tiết: Cô bé ngồi quạt rất lâu để cho bà ngủ vì bà đang bị mệt, đang cần yên tĩnh. Cô bé dường như dồn tình thương yêu đối với bà vào đôi bàn tay vẫy quạt đều đặn, rất kiên trì của mình.

    Bài 5: Đoạn thơ dưới đây tả những sự vật và con vật nào? Cách gọi và miêu tả chúng gợi cho em điều gì?
    Những chị lúa phất phơ bím tóc
    Những cây tre bá vai nhau thì thầm đứng học bài
    Đàn cò áo trắng
    Khiêng nắng
    Qua sông
    Cô gió chăn mây trên đồng
    Bác mặt trời đạp xe qua ngọn núi
    (Trần Đăng Khoa)
    Bài làm:

    Các sự vật, con vật được miêu tả trong đoạn thơ là: lúa, tre, đàn cò, gió, mặt trời.
    Các sự vật, con vật được gọi là: Chị lúa, cậu tre, cô gió, bác mặt trời. Chúng được miêu tả với hình dáng và hoạt động như con người.
    Tác giả đã sử dụng biện nghệ thuật nhân hóa để gọi và tả các sự vật, làm cho chúng trở nên thân thuộc và đáng yêu như những cô bé, cậu bé ngây thơ nhưng chăm chỉ học hành.

    Bài 6: Bằng cách nhân hóa, nhà thơ Võ Quảng đã viết về anh Đom Đóm trong bài “Anh Đom Đóm” như sau:
    Mặt trời gác núi
    Bóng tối lan dần
    Anh Đóm chuyên cần
    Lên đèn đi gác.
    Theo làn gió mát
    Đóm đi rất êm
    Đi suốt một đêm
    Lo cho người ngủ.
    Đọc đoạn thơ trên, em có suy nghĩ gì về công việc của anh Đom Đóm?

    Bài làm:


    Đọc đoạn thơ, em thấy Anh Đom Đóm chuyên cần lên đền đi gác vào lúc “Mặt trời xuống núi/ Bóng tối lan dần” đây là lúc mọi người đã kết thúc một ngày lao động và chuẩn bị nghỉ ngơi trong đêm. Anh Đom Đóm đã làm việc rất chuyên cần, cẩn thận “Đi rất êm” theo làn gió mát; “đi suốt một đêm” để canh giấc ngủ cho mọi người, giúp mọi người yên tâm ngủ ngon.
    Từ những điều trên, em thấy công việc của anh Đom Đóm mang ý nghĩa rất đẹp: luôn vì cuộc sống và hạnh phúc của mọi người.

    Bài 7: Trong bài “Tiếng chim buổi sáng”, nhà thơ Định Hải viết:
    Tiếng chim lay động lá cành
    Tiếng chim đánh thức trời xanh dậy cùng
    Tiếng chim vỗ cánh bầy ong
    Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm…
    Theo em, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả tiếng chim buổi sáng? Biện pháp nghệ thuật đó giúp em cảm nhận được tiếng chim buổi sáng có ý nghĩa như thế nào?

    Bài làm:


    Tác giả dùng biện pháp nhân hóa để miêu tả tiếng chim buổi sáng. Các động từ “lay”, “đánh thức” gợi cho ta nghĩ đến những hoạt động của con người. Biện pháp nhân hóa giúp ta cảm nhận được tiếng chim buổi sáng có ý nghĩa thật sâu sắc: Tiếng chim không chỉ làm cho những vật xung quanh trở nên tràn đầy sức sống (lay động lá cành, đánh thức chồi xanh) mà còn thôi thúc chúng đem lại những lợi ích thiết thực cho con người (vỗ cánh bầy ong đi tìm mật cho đời, tha nắng rải dồng vàng thơm – làm nên những hạt lúa nuôi sống con người).