Chiều tối – Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Chiều tốiHồ Chí Minh

    I. Tìm hiểu chung

    1. Giới thiệu tập thơ Nhật ký trong tù:

    Tháng 8 – 1942 Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng đi bộ, vừa đến Túc Vĩnh, tỉnh Quảng Tây, người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong suốt mười ba tháng ở tù, tuy bị đày ải vô cùng cực khổ nhưng Hồ Chí Minh vẫn làm thơ. Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong một cuốn sổ tay, đặt tên là Ngục trung nhật kí (Nhật ký trong tù). Tập thơ được dịch ra tiếng Việt và in lần đầu năm 1960.

    2. Bài thơ: Chiều tối

    Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác.

    Chiều tối là bài thơ thư 31 của tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Bài thơ được ra đời trên đường Bác bị chuyển lao từ nhà ngục Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo, qua một vùng sơn cước vào lúc chiều tối.

    Nội dung và nghệ thuật (ghi nhớ)

    Bài thơ Chiều tối cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển mà hiện đại.


    II. Tìm hiểu văn bản.

    1. Bức tranh thiên nhiên nơi rừng núi trong buổi chiều tối (hai câu thơ đầu):


    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
    Cô vân mạn mạn độ thiên không.

    (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)

    Cảnh thiên nhiên lúc chiều tàn được hiện lên thật đẹp, mênh mông nhưng buồn và tĩnh lặng. Hình ảnh cánh chim chiều vừa mang ý nghĩa không gian, vừa mang ý nghĩa thời gian. khung cảnh gợi sự liên tưởng đến hoàn cảnh của người tù đang trên đường bị giải đi trong trạng thái rã rời, mệt mỏi.
    Hình ảnh chòm mây trôi chậm giữa bầu trời gợi nên cái cao rộng, trong trẻo, êm ả của một chiều thu miền sơn cước.
    Chỉ bằng vài nét chấm phá, Bác đã vẽ nên một không gian bát ngát, cao rộng, gợi không khí êm ả, thanh bình vào lúc trời chiều.
    Lời thơ có sự kết hợp hài hòa giữa vả đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại:
    Thi liệu cổ điển: cách dùng điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh độc đáo của thơ cổ: chỉ một cánh chim,… mà gợi ra một không gian êm đềm, tĩnh lặng của không gian tạo vật. Chỉ một chòm mây,… mà gợi nên cái bát ngát thi vị của bầu trời.
    Tinh thần hiện đại: hình ảnh thơ cổ nhưng gần gũi, vận động hướng về sự sống.
    Tâm trạng nhà thơ buồn, cô đơn, mệt mỏi nhưng không bi lụy mà vẫn thiết tha giao hòa, đồng cảm với thiên nhiên bằng những cảm nhận tinh tế. Thể hiện một tâm hồn ung dung thư thái, tự chủ, hoàn toàn tự do.
    Nhận xét: hia câu thơ vừa ghi lại bức tranh thiên nhiên cao rộng, yên ả của cảnh trời chiều, vừa thể hiện tâm hồn giàu cảm xúc trước thiên nhiên và sự sống của nhà thơ

    2. Bức tranh về cuộc sống và con người tràn đầy sức sống:

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

    (Cô em xóm núi xay ngô tối,
    Xay hết, lò than đã rực hồng)

    Hình ảnh cô gái xay ngô: gợi tả cảnh lao động của cô gái Trung Hoa nghèo nhưng khỏe khoắn, đáng yêu vào lúc chiều tối nơi núi rừng heo hút. Nó đem lại cho người đi đường chút hơi ấm của sự sống, chút niềm vui trong hạnh phúc lao động vất vả mà tự do của người dân.
    Hình ảnh lò than rực hồng ở cuối bài thơ thành điểm hội tụ của bức tranh, kết tinh ánh sáng của toàn bài thơ đây là tứ thơ và cũng là nhãn tự, tạo nên cái thần của bài thơ.
    Cách dùng điệp ngữ: “ma bao túc – bao túc ma hoàn” theo lối vắt dòng từ câu 3 sang câu 4, có tác dụng diễn tả động tác lao động nặng nhọc, đều đều liên tục của cô gái xay ngô. Đso là sự kiên nhẫn, bền bỉ, lam làm và đời sống vất vả của con người.
    Không gian thu nhỏ dần từ bầu trời cao rộng vào trong bếp lửa hồng. Thời gian tự nhiên vận chuyển từ chiều sang tối qua những vòng của cối ngô xay.
    Ý thơ có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại: lấy sáng để tả tối (ấy lò than hồng để nói trời tối); lấy cảnh tả tình (cảnh sinh hoạt đầm ấm của người dân → sự quan tâm và niềm tin yêu vào cuộc sống của tác giả…)
    Cảnh được miêu tả trong sự chuyển động từ sáng sang tối, từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo, cô đơn sang ấm nóng tình người.

    Nhận xét: hai câu thơ thể hiện tình cảm lạc quan yêu đời và tình yêu thương nhân dân của Bác trong hoàn cảnh tù đày.
    • Nghệ thuật
    – Từ ngữ cô đọng hàm súc…
    – Thủ pháp đối lập, điệp liên hoàn,…
    • Câu hỏi ôn tập:
    1. So sánh câu thơ dịch “chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” với nguyên tác “cô vân mạn mạn độ thiên không”, bản dịch chưa diễn tả được điều gì?
    2. Hình ảnh lò than rực hồng ở cuối bài thơ có ý nghĩa như thế nào trong bức tranh chiều tối của tác giả? Điều này thể hiện điều gì về tâm hồn Hồ Chí Minh.
    3. Có ý kiến cho rằng “thơ Hồ Chí Minh đậm chất Đường thi mà lại rất hiện đại”. Có thể nhận thấy điều này trong bài chiều tối như thế nào.
    4. Qua bài thơ chiều tối, anh/chị cảm nhận được gì về vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh
    5. Cảm nhận của anh chị về bài thơ chiều tối.
    6. So sánh hình ảnh cánh chim trong các câu thơ sau đây:

    Lạc hà dữ cô lộ tề phi
    Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
    (Cánh cò với ráng chiều cùng bay
    Mặt nước và bầu trời một sắc)

    (Vương Bột)

    Chim hôm thoi thóp về rừng
    (Nguyễn Du)

    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
    (Hồ Chí Minh)