Con đường rơi vào hoàn cảnh bế tắc và tuyệt vọng của nhân vật Chí Phèo

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Con đường rơi vào hoàn cảnh bế tắctuyệt vọng của nhân vật Chí Phèo


    05.jpg
    Bước đường cùng của nhân vật Chí Phèo

    • Mở bài:
    Chí Phèo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Không những có giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo mới mẻ, truyện ngắn Chí Phèo còn chứng tỏ trình độ khắc họa nhân vật bậc thầy của một nhà văn Nam Cao.
    Nhân vật Chí Phèo trở nên nổi bậc không những nhờ lớp ngôn ngữ miêu tả sống động, nghệ thuật khắc họa tâm lí tinh tế của nhà văn mà còn ở số phận đầy bi đát. Nhà văn đã thể hiện trọn vẹn con đường rơi vào hoàn cảnh bế tắc và tuyệt vọng của Chí Phèo bằng niềm cảm thông sâu sắc. Số phận tăm tối của Chí Phèo cũng là số phận đầy bi thương của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám ở nước ta.
    • Thân bài:
    Lần đầu tiên trên trang văn, người ta nhìn thấy một kẻ dị hợm, gớm ghiếc ngất ngưỡng đi về trong cơn say cùng những lời chửi bới và tiếng gào thét điên cuồng. Lần đầu tiên người ta thấy một kẻ bị biến dạng cả nhân hình lẫn nhân tính quằn quại trong đớn đau tuyệt vọng.
    Hắn nổi tiếng không kém cạnh bất kì nhân vật sừng sỏ nào trong xã hội. Hắn cũng oai quyền không khác chi ông bá hộ hay vị chức sắc nào ở trong làng. Hắn gieo rắc nỗi sợ hãi từ đầu thôn đến cuối làng mà có lẽ hễ ai bất ngờ gặp hắn cũng phải đều lảng tránh đi đường khác. Đó là Chí Phèo – con quỷ dữ làng Vũ Đại. Cái tên ấy mỗi khi nhắc tới, cả làng Vũ Đại từ trẻ con cho đến người già cả đều lắc đầu ngao ngán.
    Chí Phèo đi về trên trang văn như một kẻ độc hành, cô đơn và lạnh lẽo. Thực sự, tâm hồn hắn đang rất lạnh lẽo. Có lẽ mọi thứ trong hắn đã khô cứng lại. Nó lạnh lẽo đến nỗi hắn cũng không còn nhận ra hắn đang lạnh lẽo. Còn mọi người xung quanh, vì quá sợ hãi và căm ghét hắn nên đâu còn nghĩ đến điều đó.
    Thế nhưng, cuộc đời sinh ra Chí đâu phải thế. Trời sinh ra hắn bất hạnh. Nhưng trời cũng thương hắn nên cho hắn một bản tính hiền lành, cần cù và lương thiện. Người ta nói hắn hiền như cục đất, không giận, không hờn ai bao giờ. Hắn cứ lầm lũi vô danh giữa cuộc đời.
    Mãi năm hai mươi tuổi, Chí vào làm công cho nhà Bá Kiến. Đây là một bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời Chí. Ở nhà Bá Kiến, Chí vẫn hiền lắm. Hắn không ăn cắp vặt bao giờ dù đồ đạc của chủ nhà vẫn để bừa bộn ra đấy. Hắn cũng có lòng tự trọng cao quý của một kẻ cùng đinh, mạt hạng. Dù cơ cực, đói khổ nhưng lúc nào cũng giữ gìn lấy cái danh dự làm người. Nhưng bàn tay tạo hóa đã sẵn bày nghịch cảnh. Hắn muốn lương thiện cũng đâu có được.
    Chuyện bắt đầu bằng cái thói lăng nhăng của bà Ba. Lão Bá Kiến đã già quá rồi mà bà Ba thì còn khá trẻ. Chao ôi, cái tuổi hồi xuân phơi phới nó cứ làm khổ bà. Nhìn thấy anh nông dân lực lưỡng lại hết sức hiền lành, nói đâu nghe đấy như Chí Phèo, bà Ba đã sinh lòng cảm mến. Mỗi buổi trưa, sau công việc, bà nhờ Chí đến bóp chân cho đỡ mỏi. Cái ý của bà Ba nhìn vào là biết. Chí Phèo cũng xấu hổ lắm. Hắn miễn cưỡng làm cái việc ô nhục ấy bao ngày.
    Việc ấy cũng đến tai Bá Kiến. Lão già háo sắc và tinh quái ấy sao để Chí yên được. Lão ngấm ngầm toan tính kĩ lưỡng. Thế là một ngày, người ta thấy có người đến giải Chí lên huyện. Từ đó Chí Phèo bặt vô âm tính. Không ai ngạc nhiên đến việc không có mặt của hắn.
    Đi tù bảy, tám năm sau hắn trở lại làng, mặt mày trông khác hẳn. Trông hắn gớm ghiếc như một thằng săng đá! Cái đầu cạo trọc lóc, hàm răng trắng hớn, trên mặt chằng chịt những vết sẹo rỗ. Mọi người thấy hơi kinh ngạc nhưng cũng không mấy quan tâm. Bởi Chí Phèo chẳng có gì để họ phải quan tâm. Dù hắn sống hay chết, tốt hay xấu cũng chẳng liên quan gì đến ai. Mà cái thứ côn đồ như Chí ở làng này đâu hiếm. Sống chết mặc ai, tốt xấu kệ nó.
    Chỉ bấy nhiêu đó thôi, Nam Cao đã tài tình gợi lên cái tình cảnh điêu đứng đáng thương của cả xã hội Việt Nam thời bấy giời. Một xã hội lạnh lẽo, thiếu vắng tình thương. Một xã hội đang chìm vào sự vô cảm đến đáng sợ. Ở đó, mỗi người tự lo cho bản thân mình cũng không xong thì lấy gì lo cho kẻ khác. Mà ai lại đi lo cho một kẻ gớm ghiếc và dữ dằn như Chí bao giờ. Lòng yêu thương của con người cũng có giới hạn. Một khi nó bị đẩy đến tận cùng đau đớn thì những sự tàn độc sẽ xuất hiện.
    Bi kịch cuộc đời Chí Phèo bắt đầu bằng sự hủy hoại đáng sợ cả nhân hình lẫn nhân tính. Chí Phèo không những bị sỉ nhục, bị tước đoạt quyền làm người mà cả tinh thần cũng bị méo mó, biến dạng đến đáng sợ. Hắn về làng và sa vào những cuộc rượu triền miên. Say rồi hắn đi rạch mặt ăn vạ nhà Bá Kiến như Năm Thọ, Binh Chức đã từng làm. Không biết hắn học cái thới côn đồ, lưu manh ấy ở đâu. Chỉ biết hắn trở về làng thì cái thói ấy đã có rồi. Chính nhà tù thực dân đã tiếp tay cho cường hào thâm độc để giết chết phần “người” trong con người Chí Phèo, biến Chí (cái tên của hắn) thành Phèo (cái nghề của hắn) , biến người nông dân lương thiện thành con quỷ dữ tợn.
    Chí biết rõ ai đã đẩy Chí vào tù. Chí muốn trả thù nhưng bất lực không dám trả thù. Đó là tâm lí thường thấy trong xã hội lúc bấy giờ. Người nông dân vẫn tồn tại nỗi sợ hãi cố hữu đối với giai cấp thống trị phong kiến. Cường quyền đủ sức khuất phục họ, không cho họ cơ hội phản kháng.
    Chí một mình thống khổ nỗi đau đớn của số phận khắc nghiệt. Đó là nỗi thống khổ của một người được sinh ra nhưng không được làm người, không được xã hội thừa nhận. Hắn ra đời không cha mẹ, không họ hàng thân thích. Tâm hồn của hắn đã bị tổn thương từ lúc sơ khai. Nỗi thống khổ bởi cái nguồn gốc không rõ ràng là điều tủi nhục ghê gớm. Hắn biết nên hắn sống hiền lành. Hiền lành để người ta còn thương. Hắn chăm chỉ làm việc để được sống. Hắn luôn muốn được sống và sống đúng nghĩa.
    Thế nhưng, sự hiền lành của hắn bị bà Ba, Bá Kiến lợi dụng. Để rồi họ, những kẻ vô nhân tính lại nhẫn tâm cướp đi cái quyền làm người, cướp đi quyền sống của hắn.
    Bất hạnh này đè lên bất hạnh khác. Nếu nhìn nhận từ điểm ấy, thì sự tồn tại của Chí Phèo đã là phi thường rồi. Hắn luyến tiếc cái thời xa xưa của mình nhưng không còn ai thừa nhận hắn nữa. Hắn muốn chết nhưng không có lí do để chết. Thế là hắn tìm đến cơn say. Say để quên mình đi. Say để quên mình đang sống. Nhưng hắn lại không thể quên được.
    Thế nhưng dù say rượu đến điên khùng, Chí Phèo vẫn như cảm nhận thấm thía “nông nỗi” khốn khổ của thân phận mình. Hắn muốn điên. Điên nên hắn chửi trời, chửi đời; rồi chuyển sang chửi tất cả làng Vũ Đại. Cuối cùng hắn chửi thằng cha con mẹ nào đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Hắn chửi tất cả những gì có liên hệ với hắn. Tiếng chửi vang lên từng ngày trong cơn say thật không khỏi khiến cho con người ta thấm thía bi kịch tinh thần của kẻ bị cả xã hội phủ nhận, bị cự tuyệt quyền làm người.
    Con đường dẫn đến sự bế tắc và tuyệt vọng của nhân vật Chí Phèo được đảy lên mọt bước cao hơn khi hắn trở thành tay sai đắc lực và lợi hại của Bá Kiến. Giờ đây, hắn không những là kẻ “ồn ào” ở làng Vũ Đại mà trở thành một kẻ thực sự hung ác, lì lợm, ngang ngược vô cùng. Bị Bá Kiến lợi dụng, Chí Phèo đã đẩy cuộc đời mình đi đến chỗ tàn ác. Trông hắn không còn có lòng thương xót, không có tình người.
    Hắn thực sự trở thành một con thú dữ, một ác quỷ gieo rắc nỗi kinh hoàng. Trên miệng hắn giờ đây không phải là tiếng chửi bới mà là tiếng gào thét hung tợn, dữ dằn. Hắn sẵn sàng ra tay tàn bạo với bất kì kẻ nào cản trở hắn hay cản trở nhà Bá Kiến. Đến lúc này, Chí Phèo thực sự chìm vào bóng tối. Cuộc đời hắn bây giờ chỉ có rượu và máu. Kẻ không dám ăn cắp ngày nào giờ vung dao không biết sợ. Anh nông dân hiền như cục đất, lúc nào cũng im lặng ngày nào giờ không ngán bất cứ một kẻ nào trong làng.
    Chí Phèo không bán linh hồn cho quỷ dữ như kiểu của các nhân vật đồng dạng khác. Không có một giao kèo nào giữa hắn và quỷ dữ. Linh hồn của Chí Phèo thực sự bị cướp đi một cách trắng trợn. Cái mần lương thiện, cái bản năng sống vẫn còn âm ỉ cháy ở đâu đó trong tría tim lạnh lẽo và đầy đau đớn ấy. Dù nó đã bị vằm nát, bị hủy hoại khiến hắn phải sống như một con vật lạ.
    Nam Cao đã đẩy con đường tha hóa của Chí Phèo lên đến tận cùng. Cón gười cho rằng ông đã quá tàn nhẫn khi miêu tả nhân vật với một trạng thái tồi tệ đến vậy. Nhưng đó là“cái sự thật ở đời”. Đã là “sự thật ở đời” thì có gì là tàn nhẫn. Nam Cao đã hết sức cảm thông cho cái số kiếp đáng thương của người nông dân và trân trọng cái tốt đẹp vẫn còn hiện diện ở con người dù nó đã biến dạng khủng khiếp. Và khi cơ hội đến, nó cựa mình hồi sinh một cách mãnh liệt, bất chấp tất cả. Đó là sức mạnh sinh tồn trong con người mà các nhà nhân đạo khác đã không nhìn thấy được.
    Thị Nở đến với Chí Phèo như một phép màu. Lúc đầu hoàn toàn là do cái bản năng của người đàn ông. Nhưng sau đó là rung động và khao khát thực sự nghiêm túc. Bản năng sống tốt đẹp của Chí Phèo hồi sinh ngay lúc người ta đã không ngờ tới. Một cơm ốm khiến hắn cần có sự chăm sóc và yêu thương. Hành động của Thị Nở đáp ứng được khao khát ấy. Nếu Thị Nở bỏ đi thì mọi chuyện đã khác. Nhưng Thị Nở đã ở đây, bên cạnh hắn, ngay lúc lương tri của hắn sống lại. Thj Nở đã kịp thời vun vén, nâng đỡ nó đứng vững lên.
    Chỉ có sự hồn nhiên thánh thiện của Thị Nở mới khuất phục được con quỷ dữ trong người Chí Phèo. Tình yêu của Thị Nở tưới một dòng nước mát lên tâm hồn vốn đã khô khan, nức nẻ của Chí Phèo, khiến những mầm sống nhỏ nhoi rục rịch chuyển mình. Quá trình chuyển mình âm thầm nhưng vô cùng mạnh mẽ. Bát cháo hành của Thị như một liều thuốc tiên hóa giải mọi mội điều ân hận, mọi thù oán, mọi khổ đau trong Chí, cho hắn niềm khao khát sống. Hắn cảm thấy yêu vô cùng, yêu cái người đàn bà kia và yêu cuộc đời. Không một sự ố bẩn hay nhơ nhuốc nào còn có trong đầu hắn nữa. Tinh thần hắn bây giờ sạch sẽ như mặt nước hồ trong xanh, mát rượi.
    Thị Nở thực sự là cơ hội duy nhất dẫn bước Chí Phèo trở lại với cuộc đời. Nhưng đáng tiếc thay, cũng chính Thị lại là người đóng sầm cánh cửa ấy trước mắt hắn. Chỉ vì lòng ích kỷ và thái độ sống đơn độc của bà cô mà Thị Nở đã đoạn tuyệt với Chí. Nguyên nhân chỉ vì “lấy ai không lấy lại đi lấy một thàng không cha”, “cái thằng chỉ biết rạch mặt ăn vạ”. Sợi dây dẫn hướng bị cắt đứt. Lần thứ hai, Chí Phèo bị tước đoạt quyền làm người và rơi vào bóng tối tuyệt vọng khốn cùng.
    Những lời cuối cùng của Chí nói với Bá Kiến không khỏi khiến cho người đọc cảm thấu được cái khát vọng làm người, khát vọng được sống giữa loài người của hắn: “Tao muốn làm người lương thiện (…) Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không!”.
    Chí Phèo phải chết vì xã hội ấy không còn chấp nhận hắn nữa. Không ai cho hắn cơ hội làm lại cuộc đời. Bàn tay ấm áp của Thị Nở chỉ là một sự ảo tưởng của nhà văn. Nhưng rồi chính ông cũng phủ nhận nó vì nhận ra rằng cái định kiến cổ hủ của xã hội thực dân nửa phong kiến còn quá nặng nề. Tác phẩm kết thúc trong u ám tột cùng. Chí Phèo đã chết. Con quỷ dữ làng Vũ Đại đã chết. Tiếng gào thét cũng không còn vang lên mỗi sớm mỗi tối nữa. Làng Vũ Đại lại yên bình trong cái ngột ngạt. Thị Nở phát hiện mình có mang. Một tương lai u ám lại đến với người đàn bà đáng thương ấy.
    Nam Cao đã rất thành công khi phát hiện ra kiểu nhân vật như Chí Phèo. Một thành công khác của Nam Cao là ông đã gián tiếp phê phán về nhà tù thực dân. Nhà tù có chức năng giúp con người cải hóa tội lỗi. Thế nhưng, nó không thực hiện chức năng ấy. Nó đã biến những con người lương thiện thành những kẻ lưu manh, mất hết cả nhân hình, lẫn nhân tính. Nó đẩy con người vào chỗ khốn cùng.
    Nam Cao cũng đã tạo nên một giọng văn phức điệu, đa thanh khi xen lẫn giữa tự sự với độc thoại, đối thoại; kết hợp giữa lời nhân vật và lười của nhà văn có tác dụng bộc lộ tâm lí phức tạp của nhân vật.
    • Kết bài:
    Tác phẩm Chí Phèo mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ; đồng thời là lời kết tội đanh thép xã hội thực dân – phong kiến đẩy con người vào bi kịch cùng cực, bế tắc, tuyệt vọng. Cuộc sống không có gì khởi sắc dưới góc nhìn của nhà văn. Ở điểm này, truyện ngắn Chí Phèo không khác gì so với Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Nhưng từ khi Chí Phèo nghệch ngưỡng bước ra từ trang văn thì y đã trở thành hình tượng điển hình bất hủ cho bi kịch của người nông dân trong xã hội tăm tối trước 1945.