Đặc sản mùa mưa Sài Thành: Muốn trị dứt ngập lụt, phải tìm đúng nguyên nhân

  1. Tác giả: LTTK CTV20
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    [​IMG]
    Một mùa mưa nữa lại bắt đầu, và đó là khi người dân Sài Gòn phải đối diện với những khó khăn cũ nhưng chưa bao giờ giảm về độ phiền hà và khắc nghiệt.
    Cơn mưa lớn hôm 19/5 khiến người ta nhớ lại trận mưa lớn nhất 40 năm gây ngập lụt nặng tại thành phố này vào năm 2016. Nhiều tuyến đường đã thành sông với mức ngập sâu, gây cản trở giao thông và đời sống sinh hoạt bình thường của người dân.
    Đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng dường như cứ đến mùa mưa, thành phố lại phải lo đối phó với những cơn mưa dù lớn dù nhỏ. Bởi nhiều biện pháp khắc phục ngập lụt đều chưa triệt để.
    Những yếu tố khách quan đầy bất lợi
    Thành phố có địa hình đồng bằng thấp, độ cao trung bình của khu vực cao nhất là từ 10–25m. Vùng thấp trũng có độ cao trung bình từ 0–2m. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nhưng độ dốc nhỏ. Bề mặt lại bị chia cắt bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc.
    Hơn nữa, thành phố nằm ở lưu vực hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, chế độ thủy văn của kênh rạch, sông ngòi không những chịu ảnh hưởng của địa hình thành phố (phần lớn thấp dưới 2m) mà còn chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều.
    Với hệ thống sông rạch chằng chịt, phần địa hình thấp trũng có độ cao dưới 2m và mặt nước chiếm 61% diện tích tự nhiên, lại nằm trong vùng cửa sông với nhiều công trình điều tiết lớn ở thượng nguồn nên nguy cơ ngập úng lớn.
    Tổng lượng mưa trung bình tại đây cũng vào loại cao (từ 1.800mm đến 2.700mm) tập trung vào 7 tháng trong năm.
    Cộng với tình hình sụt lún, với tốc độ lún lớn trên 10cm trong vòng 10 năm tại các quận như Bình Chánh, Nam quận Bình Tân, Quận 8, Quận 7, Đông Quận 12, Tây quận Thủ Đức, Bắc huyện Nhà Bè với tổng diện tích 239 km2 (theo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).
    Như chưa đủ các yếu tố bất lợi, Sài Gòn còn phải lo ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng lên hàng năm đang đe dọa nhiều lãnh thổ trên toàn thế giới.
    Điều này khiến tình hình thoát nước khi có mưa lớn và nguy cơ ngập do triều cường lên cao của thành phố trên lý thuyết sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

    [​IMG]

    Địa hình trũng lại thấp hơn mặt bằng chung cũng là nguyên nhân ngập úng thời gian lâu mà nước rút chậm. (Ảnh: trithuctre.vn)​
    Nhưng không chỉ là bởi điều kiện thiên nhiên, nên chăng cần xác định lại cách tiếp cận vấn đề
    Từ khoảng 10 năm nay, các nhà chức trách đã có những biện pháp nhất định để khắc phục tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và phát triển của thành phố năng động nhất Việt Nam. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chưa thật sự hiệu quả. Có thể xuất phát từ việc cần xác định lại nguyên nhân và hướng tiếp cận vấn đề.
    Báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP. HCM vào năm 2010 xác định địa hình và triều cường là hai nguyên nhân chính của tình trạng ngập lụt của thành phố.
    Cuối tháng 6/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) khởi công dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”. Theo Chủ tịch HĐQT Trungnam Group, trước mắt dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập úng do triều cường kéo dài trong nhiều năm qua, đồng thời hỗ trợ việc chống ngập do mưa.
    Có thể thấy, nếu nguyên nhân chính được xác định là do triều cường, lượng mưa lớn, địa hình thấp trũng và biến đổi khí hậu, thì các giải pháp công trình như xây đê dọc sông Sài Gòn, lắp đặt van ngăn triều cường tại các cửa xả cống ra kênh rạch là rất hợp lý.
    Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ có vậy. Theo thống kê, số điểm ngập do triều cường trên địa bàn thành phố đã liên tục giảm trong những năm gần đây. Từ 95 điểm (năm 2006) giảm còn 33 điểm (năm 2011) và 7 điểm (năm 2015), nhưng nó không tỷ lệ thuật với sự giảm đi của tình trạng ngập lụt. Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Quy hoạch sư trưởng, Công ty tư vấn Thanh Bình, 75% các điểm ngập tại thành phố nằm tại vị trí cao hơn ít nhất 1m so với mực nước cao nhất ghi nhận tại trạm Phú An. Và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm, dù mực nước ở Phú An có ở mức thấp hay cao.

    [​IMG]

    Điểm ngập đã giảm nhưng mức độ thì vẫn vậy. (Ảnh: ydan.org)​
    Sau khi mưa ngớt, mực nước triều tương đối thấp nhưng nước vẫn thoát rất chậm. Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường – Chuyên ngành Tài nguyên nước và Môi trường: “Điều này chứng tỏ hệ thống thoát nước của thành phố rất kém. Nhiều khu vực, khoảng 40% đường không có hệ thống cống thoát nước, hoặc không nối đấu cống trong hẻm ra ngoài hệ thống chung”.
    Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, sự gia tăng dân số của thành phố đã dẫn đến việc đô thị hóa vùng ven đô vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
    “Hiện tượng này sau đó lại dẫn tới ngập lụt theo 2 cách: Trước hết, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Sau đó, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bị bê-tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất”.
    “Bản tin về một hội thảo chống ngập lụt tại Tp. HCM cung cấp những con số gây sốc: Quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 hecta, san lấp 7,4 hecta hồ Bình Tiên, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất của khu vực (Tuổi Trẻ ngày 27/05/2010). Một báo cáo khác tại cuộc hội thảo nêu rõ trong vòng chỉ 8 năm 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần” – (Trích ‘Ngập lụt tại TP. HCM: Đi tìm căn nguyên’ đăng trên dothivietnam của ông Nguyễn Đỗ Dũng).
    Như vậy tỷ lệ bê tông hóa bề mặt tăng lên đồng nghĩa với việc thu hẹp hệ thống ao hồ chứa nước tạm thời sau các trận mưa, đồng thời làm giảm khả năng thấm nước trên bề mặt. Từ đó giảm lượng nước ngầm và có nguy cơ gây lún nhiều hơn cho thành phố. Bên cạnh đó, tỷ lệ bê tông hóa cao khiến nhiệt độ thành phố tăng cao, có thể tác động làm tăng số lượng và độ lớn của các cơn mưa trong khu vực.

    [​IMG]

    Như vậy tỷ lệ bê tông hóa bề mặt tăng lên đồng nghĩa với việc thu hẹp hệ thống ao hồ chứa nước. (Ảnh: Trungnamsmc)​
    Ngoài ra, việc phát triển thành phố về phía Nam vốn từ lâu đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến những vấn đề về môi trường sinh thái.
    Là một trong những đồ án khu đô thị mới được quy hoạch hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam và là “thành phố được quy hoạch tổng thể theo chuẩn mực thế giới lớn nhất ở châu Á” (báo cáo của Michael Waibel, giảng viên khoa Địa lý Kinh tế tại đại học Hamburg, CHLB Đức), Nam Sài Gòn nói chung và Phú Mỹ Hưng nói riêng đã nhận được những đánh giá cao và ghi nhận của giới chuyên môn.
    Đồ án đã đạt Giải thưởng Kiến trúc đô thị lần thứ 42 do Tạp chí Progessive Architecture (PA, Hoa Kỳ) trao tặng. Tạp chí PA thuộc Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) cũng trao cho đồ án Giải thưởng danh dự về thiết kế đô thị năm 1997, đây cũng là đồ án khu đô thị đầu tiên ở châu Á nhận được vinh dự này.
    Tuy nhiên, dự án vẫn gặp phải những phản đối ngay từ thời kỳ đầu bởi lo ngại về ảnh hưởng tới khả năng thoát nước của thành phố.
    Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghệ TP. HCM cho rằng, việc phát triển Nam Sài Gòn có thể dẫn tới những hệ lụy cho môi trường. Đó là việc bê tông hóa vùng đệm sinh thái của Sài Gòn khiến gia tăng rủi ro ngập lụt cho toàn thành phố; Quá trình đô thị hóa vùng đất phèn có thể dẫn đến khả năng xì phèn, dẫn đến thoái hóa đất đai trên diện rộng; Đặc tính của đất với độ mặn cao và nền đất yếu sẽ khiến cho kết cấu công trình và hạ tầng bị ăn mòn và kém ổn định.
    Và như đã nói ở trên, Sài Gòn có độ dốc từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam, nên trên nguyên tắc nước sẽ thoát ra từ phía Đông Nam của thành phố. Nơi đây cũng đồng thời là lưu vực của sông Sài Gòn và rất nhiều kênh rạch. Nhưng khi dự án Nam Sài Gòn trong đó có Phú Mỹ Hưng ở phía Đông Nam thành phố được triển khai. Nền đất tại đây được gia cố chắc chắn hơn và tôn cao hơn để tránh ngập lụt cho khu dân cư cao cấp thuộc siêu dự án. “Khi xây dựng đô thị, hướng thoát nước bị chặn nên nước cứ chảy lòng vòng” – (Dân trí, 27/10/2014).
    Giáo sư Volker Martin, thuộc Đại học Brandenburg (CHLB Đức), một chuyên gia về quy hoạch đô thị, cũng có đồng quan điểm. Ông cho rằng hướng Nam và khu vực phía Nam của thành phố cần hạn chế phát triển đô thị. “Không nên xây dựng dàn trải, vừa tốn kinh phí xử lý nền móng vừa lấn chiếm hết đất của hệ thống kênh rạch… Và nên nhớ, hướng Nam là hướng thoát nước cho toàn bộ thành phố”.

    [​IMG]

    Nam Sài Gòn là khu vực nhiều hệ thống kênh rạch và cũng là hướng nước trũng, là hướng thoát nước cho cả thành phố, nhưng hiện nay lại bị đô thị hóa bởi các dự án, tòa nhà cao ốc, khu đô thị. (Ảnh: Zing.vn)​
    Giải pháp không phải là chống lại tự nhiên
    Theo GS. Lê Huy Bá, con người ta phải tìm cách sống chung với thảm họa môi trường, biết nương theo thiên nhiên và hạn chế rủi ro một cách tối đa. Nhưng chúng ta không thể chống lại thiên nhiên. Vì thế những biện pháp đối phó với ngập lụt tại Sài Gòn chắc chắn không thể chỉ là những giải pháp công trình đồ sộ, tiêu tốn tiền của và kém linh hoạt.
    Bản báo cáo của ICEM (2009) thực hiện cho UBND TP. HCM cũng đã đưa ra đánh giá về tác dụng của hệ thống đê bao bờ Tây sông Sài Gòn. Trong đó mô tả hệ thống đê bao sẽ bê tông hóa bờ sông và dần dần phá hủy khả năng lọc nước của hệ thống tự nhiên trong vùng.
    Đồng thời kết luận rằng nếu “không có những nâng cấp đáng kể hệ thống thoát nước, thì hệ thống đê bao ngăn triều chỉ có vai trò không đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ngập lụt tại TP. HCM, nhất là dưới áp lực gia tăng lượng mưa cục bộ”.
    Câu chuyện Đại Vũ trị thủy vẫn còn nguyên giá trị. Cha của ông là Cổn vốn là người được cử ra phụ trách việc trị thủy, tránh ngập úng cho dân chúng ở lưu vực sông Hoàng Hà. Cổn trị thủy suốt chín năm trời mà không có kết quả gì, vì ông chỉ biết đắp đê và đắp đập để ngăn nước. Khi nước dâng cao, làm vỡ đê đập, tai họa còn lớn hơn trước.
    Sau này vua Thuấn lên ngôi, cho Đại Vũ lên thay cha mình. Ông đã thay đổi cách làm của cha, dùng biện pháp khơi thông sông ngòi để dẫn nước ra biển. Trong quá trình quan sát cha trị thủy, Vũ thấu hiểu rằng việc xây dựng những con đập sẽ không thể ngăn chặn dòng nước lũ. Chính vì vậy, ông đã thực hiện theo những nguyên lý thuận theo quy luật thiên nhiên: xẻ núi, đào kênh, thuận theo thế nước để dẫn nước ra biển lớn. Chỉ với ba năm, vấn đề đã được giải quyết, người dân bên sông Hoàng Hà lại có thể trồng trọt, sinh sống yên ổn.

    [​IMG]

    Điểm cốt lõi trong câu chuyện Đại Vũ trị thủy đó chính là con người, lòng người thuận theo tự nhiên thì mới thuận được dòng nước. (Ảnh: iFuun)​
    Quay lại câu chuyện về đặc sản mùa mưa của Sài thành. Mặt bằng thành phố không phải là nằm hẳn ở dưới mức nước biển như Hà Lan và các điểm bị ngập do triều cường đã giảm đáng kể nên chưa cần đến hệ thống đê bao khổng lồ, tốn kém. Dù có độ dốc không lớn, nhưng thành phố thấp dần về phía lưu vực sông Đồng Nai. Khả năng thoát nước là có, chỉ cần có hệ thống chứa nước tạm thời khi mưa lớn đủ để chứa nước trong thành phố và mạng lưới thoát nước thông thoáng, rộng khắp.
    Nhiều chuyên gia đã đưa ra biện pháp được gọi là “mềm” để giải quyết linh hoạt vấn đề ngập lụt của Sài Gòn.
    Trong đó có việc bảo tồn khu hệ thống hồ tự nhiên và bổ sung hồ điều hòa nhân tạo. Như cho xây dựng các hồ điều hòa chìm, hở ở nơi có điều kiện địa hình cho phép như công viên và các khu vực công cộng.
    Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM cho biết hệ thống cống xây dựng theo quy hoạch 752 không còn phù hợp. Tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh rạch), 85,36mm (cống cấp 2) và 75,88mm (cống cấp 3). Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 30 trận mưa (bình quân 3 lần/năm), đặc biệt, trong 2 năm 2013 và 2014 có đến 3 trận mưa mà chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100-122 mm.
    Như vậy, thành phố cần từng bước thay thế dần dần ống thoát nước với đường kính lớn hơn.
    Cũng có ý kiến cho rằng, đối với khu vực ngập do mưa, không do triều cường, thì cần làm thêm các đường cống nối từ nơi này sang nơi khác, tạo thành mạng thoát nước. Hệ thống này sẽ lấy và dẫn nước mưa vùng phía Bắc trực tiếp ra sông Sài Gòn, không cho đi qua vùng trung tâm nữa…

    [​IMG]

    Dường như đường ống đã quá cũ và quá hẹp cho một hạ tầng đô thị hóa nhanh chóng. (Ảnh: Zing.vn)​
    Dù đã được đem ra bàn luận từ lâu và cũng đã có những biện pháp khắc phục nhất định được triển khai. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xác định đúng nguyên nhân căn bản, không thật sự hiểu và chịu hợp tác với thiên nhiên mà vội vàng chống lại thiên nhiên bằng những biện pháp mạnh mẽ và tốn kém, thì hiệu quả thu được sẽ không cao mà còn có thể dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm khác.