Đại số 7 Bài 9: Nghiệm của đa thức một biến

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    Nghiệm của đa thức một biến:
    Nếu tại x=a đa thức P(x) có giá trị bằng 0 thì ta nói a là một nghiệm của đa thức đó.

    Nhận xét:

    • Một đa thức (khác đa thức 0) có thể có một nghiệm, hai nghiệm,…hoặc không có nghiệm nào.
    • Người ta chứng minh được rằng số nghiệm của một đa thức (khác đa thức 0) không vượt quá bậc của nó.
    Ví dụ 1:
    Kiểm tra xem mỗi số 1; 2; -1 có phải là 1 nghiệm của đa thức \(f(x) = {x^2} - 3x + 2\) hay không?

    Hướng dẫn giải:
    Ta có đa thức \(f\left( x \right) = {x^2} - 3x + 2\)

    * Tại x=1 thì \(f\left( 1 \right) = {1^2} - 3.1 + 2 = 1 - 3 + 2 = 0\) nên x=1 là một nghiệm của đa thức f(x).

    * Tại x=2 thì \(f\left( 2 \right) = {2^2} - 3.2 + 2 = 4 - 6 + 2 = 0\) nên x=2 là một nghiệm của đa thức f(x).

    * Tại x=-1 thì \(f\left( { - 1} \right) = {( - 1)^2} - 3.( - 1) + 2 = 1 + 3 + 2 = 6 \ne 0\) nên x=-1 không là nghiệm của đa thức f(x).

    Ví dụ 2:
    Chứng tỏ rằng đa thức sau không có nghiệm.

    a. \(P(x) = {x^2} + 1\)

    b.\(Q(x) = (2{y^4} + 5)\)

    Hướng dẫn giải:
    a. Vì \({x^2} \ge 0\) nên \({x^2} + 1 \ge 1\). Do đó:

    \(P(x) = {x^2} + 1 > 0\) nên đa thức P(x) không có nghiệm.

    b. Vì\({y^4} \ge 0\)nên \(2{y^4} + 5 \ge 5.\). Do đó:

    \(Q(x) = 2{y^4} + 5 > 0\) nên đa thức Q(x) không có nghiệm.

    Ví dụ 3:
    a. Giả sử a, b, c là những hằng số, sao cho a + b + c = 0. Chứng minh rằng đa thức \(f(x) = {a^2} + bx + c\) có một nghiệm là x=1.

    Áp dụng để tìm một nghiệm của đa thức \(f(x) = 8{x^2} - 6x - 2.\)

    b. Giả sử a, b, c là những hằng số, sao cho a - b + c = 0. Chứng minh rằng đa thức \(f(x) = a{x^2} + bx + c\) có một nghiệm là x=-1.

    Áp dụng để tìm một nghiệm của đa thức \(f(x) = 7{x^2} + 11x + 4.\)

    Hướng dẫn giải:
    a. Ta có: \(f(1) = a{.1^2} + b.1 + c = a + b + c = 0\)

    Vậy x = 1 là một nghiệm của đa thức f(x)

    Ta có 8+(-6)+(-2)=0, nên: \(f(x) = 8{x^2} - 6x - 2\) có một nghiệm x = 1.

    b. Ta có: \(f( - 1) = a.{( - 1)^2} + b.( - 1) + c = a - b + c = 0\)

    Vậy x = -1 là một nghiệm của đa thức f(x).

    Ta thấy \(7 - (11) + 4 = 0,\) nên:

    \(f\left( x \right) = 7{x^2} + 11x + 4\) có một nghiệm x = -1.


    Bài tập minh họa
    Bài 1:
    Tìm nghiệm của đa thức:

    a. \({x^2} - 2003x - 2004 = 0\).

    b. \(2005{x^2} - 2004x - 1 = 0\).

    Hướng dẫn giải:
    a. Đa thức \({x^2} - 2003x - 2004\) có các hệ số a = 1, b = -2003, c = -2004 và vì

    a – b + c = 1 – (-2003) + (-2004)

    =1 + 2003 – 2004 = 0

    Nên đa thức \({x^2} - 2003x - 2004 = 0\) có một nghiệm là x = -1

    b. Ta có a = 2005, b = -2004, c = -1

    nên a + b + c = 2005 + (-2004) + (-1)

    =2005 – 2005 = 0

    Vậy đa thức \(2005{x^2} - 2004x - 1 = 0\) có một nghiệm là x = 1.

    Bài 2:
    Cho đa thức \(f(x) = {x^3} + 2{x^2} + {\rm{ ax}} + 1.\)

    Tìm a biết rằng đa thức f(x) có một nghiệm x = -2.

    Hướng dẫn giải:
    Đa thức f(x) có một nghiệm x = -2 nên f(-2) = 0.

    Hay: \(\begin{array}{l}{( - 2)^3} + 2.{( - 2)^2} + a.( - 2) + 1 = 0\\ = - 8 + 8 - 2a + 1 = 0 \Rightarrow a = \frac{1}{2}\end{array}\)

    Vậy \( \Rightarrow a = \frac{1}{2}\) thì f(x) có nghiệm x = -2.

    Bài 3:
    Cho đa thức \(f(x) = {a_n}{x^n} + {a_{n - 1}}{x^{n - 1}} + ... + {a_1}x + {a_0}.\) Trong đó các hệ số \({a_1},{a_2},...,{a_n}\) và số hạng độc lập \({a_0}\) nhận các giá trị là các số nguyên. Chứng minh rằng nếu f(x) có một nghiệm \(x = {x_0}\) nhận giá trị nguyên thì \({x_0}\) phải là một ước của \({a_0}\).

    Hướng dẫn giải:
    Giả sử \(x = {x_0}\) là một nghiệm nguyên của f(x)

    Ta có: \(f({x_0}) = {a_n}x_0^n + {a_{n - 1}}{x^{n - 1}} + ... + {a_1}x + {a_0} = 0\)

    Trong đẳng thức này, các số hạng của tổng là \({a_n}x_0^n,{a_{n - 1}}{x^{n - 1}},...,{a_1}\)đều chia hết cho \({a_0}\). Vậy \({a_0}\) cũng phải chia hết cho \({x_0}\) hay \({x_0}\) phải là một ước của \({a_0}\).