Đây thôn vĩ dạ – Hàn Mạc Tử

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đây thôn vĩ dạHàn Mạc Tử
    I. Tìm hiểu chung
    1. Tác giả: (1912 – 1940)

    Hàn Mạc Tử là người có số phận bất hạnh (mắc bệnh phong, qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ).Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng Hàn Mạc Tử là một trong những nhà thơ có sứ sáng tạo mạnh mẽ nhất của phong trào Thơ mới. Thơ ông đầy bí ẩn nhưng luôn khắc khoải một tình yêu đau đớn hướng về trần thế.
    Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ Thơ điên, Gái quê, Duyên kỳ ngộ (kịch thơ),…

    2. Tác phẩm: Đây Thôn Vĩ Dạ

    Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác.
    Đây Thôn Vĩ Dạ sáng tác 1938, được in trong tập Thơ điên (về sau đổi thành Đau thương)
    Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mạc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên sông Hương, nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình.

    Nội dung và nghệ thuật: (ghi nhớ)

    Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng cảu một con người tha thiết yêu đời yêu người.

    II. Tìm hiểu văn bản
    1. Cảnh ban mai nơi thôn Vĩ Dạ xứ Huế và tình người tha thiết (khổ thơ 1):

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Câu thơ đầu là một câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái nghĩa. Nó như lời mời gọi nhắn nhủ, như lời trách móc giận hờn. Đặt trong hoàn cảnh ra đời bài thơ có thể hiểu đó là lời của người con gái Huế trách bạn sao lâu quá không về thăm lại quê xưa. Đó cũng có thể là lời tự vấn của tác giả, tự hỏi chính mình.
    Câu thơ thể hiện khao khát lúc trở về thôn Vĩ; tâm trạng nhớ thương tiếc nuối của nhà thơ
    Cách dùng từ “về chơi” gợi sắc thái thân mật, gần gũi tình cảm của nhà thơ đối với thôn Vĩ sâu sắc.
    Cảnh ban mai thôn Vĩ bắt đầu hiện ra với sắc màu lộng lẫy, tươi xanh. Cảnh vườn thôn Vĩ: “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Hình ảnh độc đáo: điệp từ “nắng”: nắng hàng cau, nắng mới lên nhấn mạnh cái nắng sáng sớm, trong trẻo tràn ngập trong không gian. Sự kết hợp hài hòa giữa hàng cau, ánh nắng sáng bóng, xanh tươi thật đẹp.
    Lối so sánh gợi tả, gợi cảm: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc gợi lên vẻ đẹp tươi tốt, đầy sức sống.
    Người con gái thôn Vĩ xuất hiện phía sau “lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
    Hình ảnh “lá trúc che ngang” gợi lên nét đẹp thanh tú, kín đáo, duyên dáng. “mặt chữ điền” với nét ngay thẳng, biểu hiện của tính cương trực và phúc hậu của con người.
    Nhận xét: Cảnh và người hai hòa trong vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cũng nỗi băn khoăn, day dứt của tác giả.

    2. Cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa (khổ thơ 2):


    Gió theo lối gió, mây đường mây,

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
    Có chở trăng về kịp tối nay?

    Hình ảnh: gió mây chia lìa:dùng nhịp thơ 4/3, phép tiểu đối và phép điệp tạo thành một vòng tròn khép kín chia gió mây thành hai ngả gợi nỗi buồn vì sự phân li, xa cách.
    Biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu…” gợi cảnh dòng nước sông Hương lững lờ trôi và nỗi buồn trĩu nặng trong lòng người.
    Hình ảnh: “bến sông trăng”, “thuyền chở trăng” là sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử khiến cho cảnh đẹp thơ mộng huyền ảo, lung linh như hư, như thực.
    “kịp tối nay”: câu hỏi tu từ gợi cảm giác băn khoăn, lo sợ, khắc khoải.
    Giọng thơ da diết, trầm lắng, hình ảnh gợi cảm xúc, chứa chan tâm trạng, cách dùng từ sáng tạo, độc đáo → không những bộc lộ được vẻ đẹp thơ mộng, trầm mặc suy tư của xứ Huế mà còn gợi được khát vọng tha thiết lẫn nỗi sợ, hoài nghi, khắc khoải trong lòng thi nhân.

    3. Nỗi niềm thôn Vĩ (khổ thơ cuối):


    Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra…
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?
    Hai câu đầu: khát vọng tình yêu
    “mơ” → khao khát, ao ước.

    “khách đường xa” lặp lại hai lần nhấn mạnh niềm khát khao khách đường xa là có thật, nhưng khách đường xa là ai thì không cụ thể. Sự mơ ước xa vời, càng ngày càng xa.
    Từ “em” gợi nghĩ người thiếu nữ Huế
    “áo em trắng quá” → nhấn mạnh sự trong trắng, tinh khiết, thanh cao → trở thành cao xa, khó với tới → mặc cảm.
    “nhìn không ra” là bởi trắng xóa, nhòa đi không nhìn rõ. Đó cũng là nét kín đáo của thiếu nữ Huế.
    Hai câu cuối: sự cô đơn của thi nhân
    “Ở đây” là ở xứ Huế: thế giới bên ngoài. “Ở đây” cũng là ở trại phong Quy Hòa: thế giới bên trong
    Sự tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi cảnh vật dường như xa cách với tác giả.
    “sương khói” chính là thời gian xa xôi, khoảng cách xa vời. Thời gian trôi chảy làm nhạt nhòa hình ảnh.
    Đại từ “ai” là cách nói quen thuộc, cụ thể dù vẫn mang tính khách quan
    “không biết” → nỗi khát khao giao cảm với đời → bộc lộ sự cay đắng, xót xa.
    Nỗi hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời.
    • Nghệ thuật
    – Trí tưởng tượng phong phú
    – Nghệ thuật so sánh nhân hóa; thủ pháp lấy đọng gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ.
    – Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
    • Câu hỏi luyện tập
    1. Cảm nhận của anh/chị về khổ 1 của bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ
    2. Cảm nhận của anh/chị về khổ 2 của bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ
    3. Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh/chị cảm nghĩ gì?
    4. Anh/chị có cảm nhận gì về ý nghĩa của 2 câu thơ: “gió theo lối gió, mây đường mây – Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”?
    5. Khổ thơ thứ 2 có câu: “thuyền ai đậu bến sông trăng đó – có chở trăng về kịp tối nay”? chữ kịp gợi lên điều gì về mối tương tư đầy uẩn khúc của tác giả?
    6. Câu thơ “ai biết tình ai có đậm đà?” có chút hoài nghi. Theo anh/chị đó là nỗi hoài nghi của sự chán đời hay của niềm tha thiết với cuộc đời? tại sao?