Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn số 8 của LTTK Education

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài
    I. ĐỌC HIỂU
    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó có là tiếng thở dài não ruột của một người đang ở nơi xa, hay ngay cả “tiếng vô thanh” của dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn hối hả vội vàng, nên dễ khiến ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để ta tự suy ngẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim… Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác. Vậy từ bây giờ ta hãy tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để tập nghe rõ lại từng bước chân và hơi thở của mình. Đó là những âm thanh rất gần gũi và quan trọng mà ta đã quên lãng từ lâu. Ngoài ra, ta hãy cố gắng tập im lặng lắng nghe từng dòng cảm xúc nhớ nhung hay khát khao, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lắng để ta nhận ra từng thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta có cơ hội hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn… Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình. Làm chủ được chính mình cũng chính là làm chủ được cuộc đời mình. Khi làm chủ được cuộc đời mình, ta mới đủ bản lĩnh mời người khác cùng tham dự mà không gây khổ lụy cho nhau, đủ sức dắt nhau đi qua những quãng đời gian khó.
    (Trích “Hiểu về trái tim”, Minh Niệm, NXB Trẻ 2013)
    Câu 1.Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào?
    Câu 2.Theo tác giả, khi nào người ta sẽ nghe được cả “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống?
    Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào là “lắng nghe chính mình”?
    Câu 4.Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác không? Vì sao?
    II.LÀM VĂN
    Câu 1.

    Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của sự im lặng.
    Câu 2.
    Suy nghĩ của anh/chị về quá trình thay đổi nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 1). Liên hệ với nhận thức của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Kịch “Vũ Như Tô” – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11, tập 1); từ đó trình bày nhận thức của anh/chị về mối liên hệ giữa nghệ thuật và đời sống.
    Lời giải chi tiết
    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1:

    Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích gồm: nghị luận, biểu cảm.
    Câu 2:
    Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối ta sẽ nghe được “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống
    Câu 3:
    “Lắng nghe chính mình” có thể hiểu là:
    _ Lắng nghe để biết, để biết bản thân mong gì, muốn gì.
    _ Lắng nghe chính mình để sống thành thực với những cảm xúc của bản thân.
    _ Lắng nghe chính minh cũng là cách bạn hiểu được giá trị của bản thân với thế giới.
    Câu 4:
    _ Đồng tình với quan điểm của tác giả
    _ Lí giải:
    Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.
    II.LÀM VĂN
    Câu 1:
    Giới thiệu vấn đề
    Giải thích vấn đề
    Im lặng là gì?
    Im lặng là trạng thái não và các dây thần kinh vẫn hoạt động bình thường nhưng con người không có bất cứ hành động, lời nói nào. Đó là khoảng không gian tĩnh mịch hoàn toàn.
    ⟹ Im lặng để lắng nghe, để thấu hiểu chính mình và những người xung quanh
    Bàn luận vấn đề
    _ Biểu hiện của sự im lặng:
    + Im lặng là không tham gia tranh luận, không can thiệp vào sự việc nào đó.
    + Im lặng còn có thể được hiểu là thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng với những gì đang xảy ra xung quanh.
    _ Giá trị của sự im lặng
    + Im lặng là khoảng thời gian giúp chúng ta tĩnh tâm, suy nghĩ lại những hành động của bản thân và rút ra cho mình những bài học cuộc sống.
    + Im lặng cũng là lắng nghe những người xung quanh để hiểu họ hơn, đó là một cách quan tâm đặc biệt, giúp bạn có cách ứng xử phù hợp với các cá thể khác trong xã hội.
    _ Nhưng im lặng không có nghĩa là thơ ờ, vô trách nhiệm trước cái xấu, cái ác.
    _ Trước những hiện tượng tiêu cực chúng ta vẫn cần lên tiếng để bảo vệ công lý và lẽ phải.
    Liên hệ bản thân: Sự yên lặng đem đến cho em những lợi ích gì?
    Câu 2:
    Giới thiệu tác giả, tác phẩm
    _Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Chặng đường sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.
    _Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – năm 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.
    Giới thiệu nhân vật Phùng
    _Phùng là một người lính của một thời rực lửa anh hùng.
    _Trở về thời bình, anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một người nghệ sĩ tài hoa, nhạy cảm trước cái đẹp, có tâm với cuộc đời và luôn day dứt về thiên chức của mình.
    Quá trình nhận thức của nhân vật
    * Nhận thức qua hai phát hiện ban đầu:
    _ Phát hiện về cái đẹp, cái thiện: “Cái đẹp chính là đạo đức”.
    _ Phát hiện về cái xấu, cái ác đằng sau cái đẹp, cái thiện.
    ⟹ Chiếc thuyền ngoài xa chính là hình ảnh cuộc đời khi nhìn ở tầm xa, khi qua sát với cái nhìn hời hợt
    ⟹ Cần nhìn nhận con người, sự việc thấu đáo, toàn diện.
    _ Phê phán vị trưởng phòng ⟶ phê phán những quan điểm nghệ thuật đang tồn tại nhan nhản trong thời kì trước đổi mới– nghệ thuật vô tâm, không quan tâm đến đời sống con người ⟶ người nghệ sĩ phải thay đổi, trước hết là thay đổi tư tưởng.
    * Nhận thức qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài:
    _ Cuộc đời và con người rất phức tạp đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, phải dùng cái tâm của mình để cảm nhận, khám phá mới thấu hiểu hết được.
    * Nhận thức mới khi đứng trước tấm ảnh của chiếc thuyền ngoài xa:
    Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống.
    Liên hệ với nhận thức của nhân vật Vũ Như Tô
    *Giới thiệu tác giả, tác phẩm
    _Nguyễn Huy Tưởng là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử và có đóng góp nổi bật ở thể loại tiểu thuyết và kịch. Văn phong của ông vừa giản dị, trong sáng, vừa đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.
    _Vũ Như Tô là một trong những vở kịch nổi tiếng của ông.
    _Phân tích nhận thức của Vũ Như Tô: Vũ Như Tô sai lầm trong nhận thức và hành động.
    + Mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện giấc mộng Cửu Trùng Đài ⟶ đó chính là tiền bạc, công sức của nhân dân ⟶ không nhận ra đằng sau của việc làm mà chỉ nhìn thấy bề nổi.
    + Sẵn sàng ra lệnh chém giết những thợ bỏ trốn để duy trì kỷ luật trên công trường ⟶ hành động tàn nhẫn, đặt công trình ấy lên trên tính mạng của vạn thợ ⟶ Vũ Như Tô lại trở thành đáng sợ.
    ⟹ Vũ Như Tô là một thiên tài nhưng không phải là một hiền tài. Công trình mà Vũ Như Tô đang xây dựng lên là một bông hoa nhưng đồng thời lại là một bông hoa ác – không phải là hiện thân của cái thiện.
    +Đến cuối cùng bi kịch của chính mình, Vũ Như Tô vẫn chưa hề thức tỉnh về những lầm lạc trong suy nghĩ, trong hành động của mình.
    ⟶ Với bi kịch này của nhân vật, tác giả vở kịch muốn dành sự cảm thông lớn cho tài năng của ông đồng thời muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải là nghệ thuật vị nhân sinh.
    *Điểm tương đồng và khác biệt trong nhận thức giữa hai nhân vật:
    _Giống: Cả hai nhân vật đều là người nghệ sĩ tài năng, biết trân trọng giá trị nghệ thuật.
    _Khác nhau:
    +Nhân vật Phùng đã biết nhận thức đúng đắn và dùng nghệ thuật của mình để phục vụ cuộc đời.
    +Vũ Như Tô đã không nhận biết được điều đó và ông đã biến cả cuộc đời mình thành bi kịch không lối thoát.
    Tổng kết