Địa lý 9 Bài 18: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (tt)

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết

    IV. Tình hình phát triển kinh tế

    1. Công nghiệp

    • Nhờ có nguồn thuỷ năng và nguồn than phong phú nên công nghiệp năng lượng có điều kiện phát triển mạnh, bao gồm cả thuỷ điện và nhiệt điện.
    • Với nhiều khoáng sản, rừng nên sản xuất công nghiệp chủ yếu của vùng là khai thác khoáng sản và chế biến lâm sản.
    • Phân bố công nghiệp chủ yếu ở tiểu vùng Đông Bắc.
    2. Nông nghiệp

    • Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng (nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới)
    • Lúa và ngô là cây lương thực chính.
    • Do điều kiện tự nhiên của vùng nhiều đồi núi nên thế mạnh chính trong nông nghiệp của vùng là trồng cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn.
    • Cây chè chiếm tỷ trọng lớn về diện tích và sản lượng so với cả nước.
    • Chăn nuôi trâu chiếm 57,3% tỉ trọng so với cả nước (2002).
    • Lâm nghiệp : nghề rừng phát triển mạnh theo hướng nông – lâm kết hợp.
    3. Dịch vụ

    • Hệ thống đường sắt, đường ôtô, cảng biển phát triển, là điều kiện thông thương với Đồng bằng sông Hồng và các nước láng giềng.
    • Hoạt động du lịch trở thành thế mạnh kinh tế của vùng.
    V. Các trung tâm kinh tế

    • Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, Lạng Sơn là những trung tâm kinh tế quan trọng.
    Bài tập minh họa

    Câu hỏi 1:

    • Nêu ý nghĩa của việc phát triển nghề rừng theo hướng nông – lâm kết hợp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.
      • Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có địa hình dốc, thường xảy ra lũ quét, trượt lở đất vào mùa mưa nhiều, thiếu nước vào mùa đông. Nhiều dân tộc ít người của vùng còn tập quán đốt rừng làm rẫy, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phát triển nghề rừng theo hướng nông – lâm kết hợp sẽ:
      • Nâng cao độ che phủ rừng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, hạn chế lũ quét, trượt lở đất, khô hạn, điều tiết dòng chảy của các sông suối, giúp cho các nhà máy thủy điện hoạt động được tốt hơn, giảm lũ lụt, hạn hán cho vùng hạ du.
      • Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của dân cư.
      • Tăng nguồn nguyên liệu lâm sản cho ngành chế biến lâm sản, nguồn vật liệu và chất đốt cho sinh hoạt.
      • Góp phần phát triển du lịch sinh thái.
    Câu hỏi 2:

    • Vì sao khai thác khoáng sản là thế mạnh của tiểu vùng Đông Bắc, còn phát triển thuỷ điện là thế mạnh của tiểu vùng Tây Bắc.
      • Khai thác khoáng sản là thế mạnh của tiểu vùng Đông Bắc vì đông bắc là vùng giàu khoáng sản nhất nước ta, các khoáng sản quan trọng là:
        • Than (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn)
        • Sắt (Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang)
        • Thiếc, mangan, bô xít (Cao Bằng)
        • Chì, Kẽm (Bắc Cạn)
        • Apatit, đồng – vàng (Lào Cai)
        • Đá vôi và đá xây dựng có ở nhiều nơi.
      • Phát triển thủy điện là thế mạnh của vùng Tây Bắc vì sông Đà có trữ năng thủy điện rất lớn (khoảng 6 triệu KW, chiếm 20% nguồn thủy năng của cả nước).