ĐIỀU BỊ XEM NHẸ: Cách sử dụng nhà vệ sinh tiết lộ rất nhiều về tính cách một con người

  1. Tác giả: LTTK CTV20
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    [​IMG]
    Giữa những bộn bề của cuộc sống vốn không bao giờ hoàn toàn như ý muốn, đôi khi ta quên mất và xem nhẹ những điều rất đỗi quan trọng. Đặt mình vào vị trí người khác, xem chừng là công việc hơi xa xỉ khi cuộc sống của bản thân ta còn đang có quá nhiều điều phải lo toan.
    Nhưng đặt mình vào vị trí người khác lại chính là phẩm chất tối thiểu của một người tự tại. Là cứu cánh cho rất nhiều mối quan hệ, là tấm ba-ri-e hạn chế những phiền toái không đáng có cho người khác và cho cả chính bạn.
    Chuyên mục Điều bị xem nhẹ sẽ giúp bạn có các trải nghiệm khác nhau, để thấy rằng, đặt mình vào vị trí người khác không hề khó và nó có thể hóa giải nhiều phiền toái như thế nào. Bởi “Coi người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi”, và từ bi sẽ sinh ra Phúc Thiện.

    ***
    Khi con người biết nghĩ cho nhau thì cuộc sống mới thông thuận và dễ chịu. Khi con người chỉ nghĩ tới bản thân mình thì sẽ vô tình gây bất tiện và cảm giác không thoải mái cho người khác. Hóa ra học cách chung sống với người khác cần bắt đầu để tâm tới những điều nhỏ bé như sử dụng nhà vệ sinh.
    Cô bạn Đài Loan đáng yêu và lịch thiệp

    Mới sớm tinh mơ, Nga đã kéo chiếc va-li lọc cọc từ trong con hẻm sâu hun hút ra ngoài đường lớn. Chiếc taxi đỏ đã đợi sẵn bên đường. Nga nhanh nhẹn lên xe, chiếc xe phóng vun vút giữa con đường rộng thênh thang, im phăng phắc chạy thẳng ra sân bay. Cô khấp khởi mong đợi một chuyến du lịch thú vị nơi đảo ngọc Đài Loan.
    Từ lúc bắt xe đến sân bay, làm thủ tục hải quan, chờ đợi ở sân bay, ngồi trên máy bay, rồi lại bắt xe về đến khách sạn ở Đài Loan, cho đến khi nhận được phòng Nga cũng đã thấm mệt. Nghe nói lần này Nga sẽ ở cùng phòng với một cô bạn Đài Loan mà cô chưa biết mặt, Nga cũng có đôi chút tò mò. Từ những nẻo đường khác nhau Nga lại có dịp quen biết thêm người bạn mới trong chuyến đi du lịch của mình.
    Khi nhận được chìa khóa phòng Nga mới biết mặt Tú Quyên, cô bạn người Đài Loan nhỏ nhắn, với khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và làn da trắng mịn. Dẫu mới lần đầu gặp gỡ Tú Quyên mà Nga đã thấy như quen nhau từ lâu lắm rồi. Hai cô gái rảo bước vào khách sạn. Về đến phòng Nga nằm vật xuống chiếc giường êm ái, trắng muốt, tận hưởng những khoảnh khắc dễ chịu sau một hành trình dài.
    Bỗng Tú Quyên thỏ thẻ: “Cậu có dùng nhà vệ sinh không? Tớ vào tắm sơ sơ một chút nhé!”.
    “Ừ, cậu vào đi!” – Nga thoáng chút ngạc nhiên, pha lẫn chút thích thú với câu hỏi tưởng như quá đỗi bình thường và rất lịch sự của cô bạn mới quen. Mấy hôm ngắn ngủi ở bên nhau, mỗi lần dùng đến nhà vệ sinh Tú Quyên đều hỏi xem Nga có cần dùng trước không. Nga chợt thấy thật ấm áp bởi sự ý nhị và lịch sự của cô bạn ngoại quốc. Dẫu chỉ là lời nói giản đơn nhưng Nga cảm nhận được Tú Quyên luôn biết nghĩ tới người khác trong những việc làm nhỏ nhất của mình. Điều ấy tưởng như thật đơn giản nhưng nếu không để ý có thể sẽ gây bất tiện và làm lỡ lịch trình của những người ở cùng phòng.

    [​IMG]

    Những câu hỏi thật đơn giản khi dùng nhà vệ sinh nhưng lại là sự quan tâm và biết nghĩ đến người khác trước. (Ảnh: vietnewspro.com)​
    Những giây phút quan trọng trước giờ đi làm
    Còn nhớ mấy năm trước, Nga chân ướt chân ráo về làm ở công ty mới và ở ghép với một em gái nhỏ hơn cô 5, 6 tuổi. Cô bé có gương mặt tròn và túm tóc đuôi gà rất nhí nhảnh, đáng yêu, cứ tươi cười hồ hởi hỏi han Nga hết chuyện này tới chuyện khác. Nga tủm tỉm cười khi nhìn thấy những mẩu giấy vẽ khuôn mặt cười và những lời tự dặn dò mình của cô gái nhỏ tên Chi: “Nhóc ơi cố lên!”, “Không được lề mề”…
    Ngày đầu tiên, theo thói quen Nga dậy thật sớm và ra công viên chạy bộ. Cô căn trước nửa tiếng để kịp về phòng rửa lại cái mặt, trang điểm nhẹ và thay đồ rồi đi làm. Sếp của Nga rất kỹ tính về giờ giấc làm việc. Cứ đúng 8 giờ mà chưa thấy bóng người là sếp khóa cửa văn phòng lại. Lần nọ trời mưa phùn, không may Nga bị kẹt xe nơi ngã tư đường phố. Đến khi bước tới cổng văn phòng thì đã thấy cậu em lái xe ngồi ngoài cửa.
    Vừa thấy Nga bước tới, cậu lái xe chạy tới, cười nhăn nhó bảo: “Chị ơi sếp khóa cửa không cho vào!”. Nga cứ tưởng cậu đùa nên chẳng để tâm, gọi điện vào văn phòng nhờ mở cửa. “Xoạch! xoạch!”. Cánh cửa vừa mở ra thì sếp đứng sừng sững ngay trước mặt Nga bảo: “Sao giờ này cháu mới tới? Cháu có biết mấy giờ bắt đầu làm không?”. Nga lí nhí: “8h ạ. Cháu xin lỗi, cháu bị kẹt xe!”. Sếp nhìn thẳng vào mặt Nga, giận dữ nói: “Giờ đã là 8h20 phút rồi, cháu về đi, hôm nay không làm nữa!”. Nói rồi sếp quay về văn phòng riêng và đóng sập cửa lại.
    Nga khá bất ngờ trước sự nghiêm khắc của sếp, cô định lủi thủi đi về thì chị đầu bếp bảo: “Cứ ở lại làm đi em ạ, sếp đang giận thì vậy thôi. Lát nữa ông ý lại quên ngay ý mà”. Mới chân ướt chân ráo vào công ty thử việc Nga cũng phát hoảng với phản ứng của sếp. Cô nem nép lặng lẽ bật máy làm việc. Đến trưa ngồi ăn cơm cùng sếp Nga lén nhìn xem sếp còn tức giận không thì đúng như chị đầu bếp nói, sếp đã quên tự bao giờ. Nhưng từ đó trở đi chẳng bao giờ Nga dám đi làm muộn dẫu chỉ một phút. Để tránh tắc đường, cô bước chân ra khỏi cửa nhà khá sớm.
    Để tiết kiệm thời gian đi lại và tránh tắc đường, Nga quyết định dọn đến ở chung với Chi. Nga vừa về đến phòng thì mới thấy Chi lục đục chui từ trên giường xuống và đi thẳng vào nhà vệ sinh. 10 phút trôi qua, vẫn chưa thấy cô bé bước chân ra, Nga bắt đầu sốt ruột gọi: “Chi ơi, xong chưa em?”. “Dạ em sắp xong rồi ạ”. Lại 10 phút nữa trôi qua, Nga giục giã: “Em ơi, nhanh lên giúp chị với, chị sắp muộn giờ làm rồi!”. “Vâng, chị đợi em một chút!”.
    10 phút nữa qua đi mà vẫn chưa thấy Chi có động tĩnh gì, Nga sốt ruột nhìn đồng hồ, thầm nghĩ: “Không khéo hôm nay sếp lại khóa cửa cho ở ngoài! Giờ mình không đi thì muộn mất. Đang thử việc mà thế này chắc sếp đuổi cổ!”. Thế là Nga đành phải mặc nguyên bộ đồ thể thao và vác cái mặt mộc phóng vội xe đi làm. Vừa đi Nga vừa nghĩ: “Em ấy còn đang đi học, chưa hiểu chuyện nên mới vô tư mà “cao su” như vậy, thôi kệ!”. Nga chợt nhớ tới chuyến du lịch tới Đài Loan, nhớ tới cô bạn Đài Loan cùng phòng, chợt thở dài: “Quả là một sự khác biệt không nhỏ!”

    [​IMG]

    Nhớ lại những tình cảnh dở cười dở khóc so với khi ở chung với cô bạn Đài Loan làm Nga cảm thấy thật là khác nhau xa quá. (Ảnh: tinbandoc.com)​
    Hãy giữ nhà vệ sinh sạch sẽ cho những người phía sau
    Con người gặp gỡ là duyên mà chia ly cũng là duyên. Sau này Chi đi lấy chồng, hai em gái mới lại dọn về ở chung với Nga. Ngoài trời mưa lất phất, chẳng thể ra ngoài công viên chạy bộ buổi sớm, Nga bèn vắt chân ngay ngắn, ngồi thiền theo tiếng nhạc du dương, nhè nhẹ. Cô cố tập trung suy nghĩ của mình vào những tiếng nhạc để đầu óc không bị những suy nghĩ bấn loạn kéo đi.
    Khi tâm dần lắng xuống như vào cõi tĩnh lặng hư vô, Nga bỗng giật mình vì tiếng nước đổ ào ào, xối xả. Hồng ngồi vắt vẻo trên thành bồn tắm gội đầu và đổ nước ào ào, cô quên đóng cửa nên tiếng nước chảy nghe càng rõ. My dụi dụi mắt tỉnh dậy, thế là hai cô nàng líu lo tâm sự hết chuyện mẹ dặn uống nước chanh với mật ong mỗi buổi sáng tới chuyện tối qua đi chợ sinh viên mua được chiếc váy vừa rẻ vừa đẹp. Tiếng cười hồn nhiên của hai em giòn tan khắp căn phòng. Cả hai đều nhìn thấy Nga đang ngồi thiền đấy, cũng biết rằng ngồi thiền cần sự tĩnh lặng đấy, nhưng vui miệng quên cả nghĩ đến người khác. Giá mà sự vui vẻ ấy đặt đúng chỗ thì đáng yêu biết bao!
    Đả tọa xong, Nga vội vào nhà tắm làm vệ sinh cá nhân thì phát hiện ra tóc vương đầy sàn nhà, nền nhà ướt nhẹp, nước bắn tung tóe cả vào nắp bồn cầu. Chẳng may mà sơ ý là ngã bổ chửng, ngồi xuống còn ướt cả quần nữa. Nga định bụng lấy tờ giấy lau qua mặt bồn cầu thì phát hiện ra giấy vệ sinh cũng đã hết nhưng cuộn giấy mới thì chưa được lấy vào, dẫu chúng chỉ cách đó vài bước chân. Những cô bé hồn nhiên ấy nếu rèn luyện cho mình thói quen nghĩ tới người khác, thì có lẽ sẽ càng đáng yêu hơn.
    Những căn nhà vệ sinh trên hòn đảo ngọc và văn hóa biết nghĩ cho người khác
    Nga nhớ rằng điều cô vô cùng ấn tượng với con người nơi đảo ngọc Đài Loan là sự sạch sẽ và luôn biết nghĩ tới người khác. Trong một lần xếp hàng đợi vào nhà vệ sinh, Nga vừa ngạc nhiên vừa thấy thú vị với những lời nhắc nhở ngắn gọn dán trên cửa phòng vệ sinh: “Tha thứ cho người khác sẽ mang lại niềm vui cho bản thân mình”, “Thiên nhiên là người bạn tốt của con người, hãy chung tay bảo vệ môi trường”… Đến khi tới lượt mình bước vào nhà vệ sinh, Nga cảm thấy thật dễ chịu với lời nhắn nhủ: “Cẩn thận nền nhà trơn trượt!” “Vui lòng giữ bồn cầu khô ráo, sạch sẽ!” Nhìn quanh cô đã thấy có một chiếc bệ để đồ và móc treo đồ gắn nơi cánh cửa.

    [​IMG]

    Nhà vệ sinh công cộng tại Đài Loan. (Ảnh: baomoi.com)​
    Thật không ngờ ngay cả những góc nhỏ bé nơi đây cũng khiến con người cảm thấy dễ chịu. Từng tiểu tiết đều khiến người sử dụng cảm thấy ấm áp cõi lòng. Đó cũng là cách giáo dục nhẹ nhàng và cách rèn luyện thói quen biết nghĩ cho người khác của người dân nơi đây. Điều thú vị là không chỉ những nhà vệ sinh trong các nhà hàng lớn hay ở sân bay quốc tế mới sạch sẽ và chu đáo như vậy, hầu như những nơi Nga đặt chân đến đều cùng một nét văn hóa ấy. Ở Đài Loan, Nga thấy biển hiệu chỉ dẫn nhà vệ sinh có mặt ở khắp nơi, nên mỗi khi ra ngoài ai nấy đều thấy rất yên tâm, không phải nháo nhác đi tìm nhà vệ sinh như ở “nhà mình”.
    Còn nhớ có lần Nga ghé vào một ngôi trường khá tiếng tăm giữa đất Hà Thành, Nga phát hoảng cả lên, lúng túng mãi không biết phải làm thế nào. Loay hoay tìm chỗ để ba lô mà không có, suy đi tính lại, Nga bất đắc dĩ đành lòng đặt chiếc ba lô xuống sàn nhà vệ sinh rồi đóng cửa lại. Nhưng ngộ nghĩnh là chốt cửa đều hỏng và hoen gỉ, cánh cửa chỉ có thể khép lại. Tấm bình phong thông gió trên cánh cửa nhựa cũng bật tung cả ra, trông toang hoác như chốn không người, đứng lên là nhìn ngay thấy mặt mình trong chiếc gương đối diện. Nga chạy sang hai phòng vệ sinh bên cạnh cũng chung một tình cảnh như vậy. Có lẽ chẳng ai để tâm tới cái nhà vệ sinh ấy nên các em học sinh nữ phải tự xoay sở thôi.
    Nga bật cười nhớ tới câu chuyện người Nhật coi việc giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ là giữ gìn sự may mắn và nghênh đón tài lộc cho bản thân mình và gia đình. Chẳng vậy mà từ sếp lớn cho đến nhân viên đều hăm hở tự mình cọ rửa bồn cầu và nhà vệ sinh cho tới khi chúng sạch bong.
    Quả là những quan niệm và thái độ khác nhau tạo nên những căn nhà vệ sinh và cách hành xử khác nhau một trời một vực. Có lẽ ở Việt Nam những chiếc nhà vệ sinh vẫn chưa được coi trọng đúng mức chăng?
    Câu chuyện sử dụng nhà vệ sinh tưởng như đơn giản mà chẳng hề đơn giản chút nào. Khi con người biết nghĩ cho nhau thì cuộc sống mới thông thuận và dễ chịu. Khi con người chỉ nghĩ tới bản thân mình thì sẽ vô tình gây bất tiện và cảm giác không thoải mái cho người khác. Hóa ra học cách chung sống với người khác cần bắt đầu để tâm tới những điều nhỏ bé như sử dụng nhà vệ sinh.