Giải thích câu tục ngữ: Lời chào cao hơn mâm cổ

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải thích câu tục ngữ: Lời chào cao hơn mâm cổ


    14.jpg
    • Mở bài:
    Người xưa thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nghĩa là trước học lễ nghĩa, làm người mẫu mực, sau mới học đến những phẩm đức tốt đẹp khác. Trong đó, chào hỏi là một trong những lễ nghi đầu tiên mà con người phải thực hiện một cách nghiêm khắc. Bởi lời chào thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người. Tuy đó chỉ là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, làm thân thiện và gắn kết tình cảm bền chặt. Bởi thế, nhân dân ta từng khuyên rằng: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là vậy.
    • Thân bài:
    Lời chào là gì?

    Lời chào tức là lời chào hỏi lẫn nhau. Lời chào là một hình thức lễ nghi bắt đầu một cuộc trò chuyện nào đó mà con người tiến hành trong giao tiếp hàng ngày. Chào hỏi biểu hiện sự tran trọng, cung kính của mình đối với người khác. Trong cuộc sống, nó trở thành một quy tắc ứng xử lịch sự giữ con người với con người.

    Mâm cỗ là gì?

    Mâm cỗ là những món ăn được bày thành mâm để cúng tổ tiên, thần phật có ý nghĩa thiêng liêng hoặc dùng để thết đãi khách khứa theo phong tục truyền thống. Mâm cỗ theo nghĩa thường hiểu là một bàn ăn thịnh soạn với nhiều món ngon. Trong câu tục ngữ trên, có thể hiểu, mâm cỗ là những vật chất có sức thu hút con người.

    Tại sao nói “Lời chào cao hơn mâm cỗ”?

    Dân tộc ta từ xưa vốn rất trọng lễ nghĩa. Trong nguyên tắc ứng xử truyền thống, người Việt lấy lễ nghi làm trọng, xem thường vật chất. Người được xem là cao quý khi họ biết ứng xử đúng mực, trọng nghĩa khinh tài, lấy cái tình, cái nghĩa làm trọng, không vì vật chất mà bán rẻ lương tâm. Những người bất lễ, bất nghĩa bị mọi người xem thường, xa lánh, phỉ báng. Lời chào là biểu hiện của thái độ đề cao lễ nghi, xem trọng con người. Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, con người phải biết chào nhau để thể hiện điều thành kính ấy.
    Trong một bữa tiệc tùng, lời chào đặc biệt quan trọng. Bởi nó có ý nghĩa cao quý. Biết chào hỏi nhau trước khi ăn uống là biểu hiện thái độ gắn kết thân thiết, tôn trọng lễ nghi, xem thường việc ăn uống. Điều ấy thể hiện cách ứng xử tế nhị của con người, không vì miếng ngon mà quên đi nghĩa cử tôn kính trong cuộc sống này.
    Tế nhị, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau trong một bữa ăn sang trọng thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Nó giúp con người cảm thấy thoải mái và hòa hợp với mọi người có ở xung quanh, cùng thưởng thức những món ngon trong niềm vui lớn. Đến một bữa tiệc đâu phải chỉ để được ăn mà là để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui với gia chủ và những vị khách được mời. Bữa tiệc chỉ là một hình thức, là một lời cảm ơn, là tấm lòng nòng hậu của người chủ muốn gửi đến mọi người. Cho nên, chào hỏi trước là để thể hiện sự cung kính đối với gia chủ, sau là để làm mềm mại tình cảm với mọi người, biến lạ thành quen, biến sơ thành thân, cùng ăn uống trò chuyện vui vẻ.
    Thế nhưng, “Lời chào cao hơn mâm cỗ” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn nữa. Lời chào chính là nhũng phẩm đức tốt đẹp của con người. Mâm cỗ là vật chất cao sang. Câu tục ngữ khuyên ta rằng không vì những vật chất tầm thường mà đánh mất đi những phẩm đức quý báu của con người. Đó chính là bài học mà người xưa muốn gửi gắm đến con người.

    Chúng ta cần rèn luyện cách chào hỏi như thế nào?

    Trước hết là phải nhận thức rõ vai trò của lời chào hỏi trong cuộc sống đã đươc nhân dân quy định thành nguyên tắc ứng xử.
    Người trẻ tuổi biết chào hỏi người lớn tuổi và các bậc đáng kính. Người vai dưới phải chào người vai trên theo đúng vai vế xã hội. Nếu người vai dưới gặp gỡ người vai trên mà không chào hỏi là vô lễ, bất kính. Nếu người vai trên không đáp lại lời chào của người vai dưới là mất lịch sự, kiêu căng, khinh người.
    Không những chào hỏi những người thân thuộc, quen biết mà cũng cần phải chào hỏi những người chưa quen biết nhưng được gặp gỡ. Bởi hành vi chào hỏi giúp gắn kết con người trong một mối quan hệ thân thiện, làm câu chuyện sau đó trở nên thân mật, dễ dàng hơn.
    Chào hỏi phải là thói quen diễn ra hằng ngày với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Khi chào hỏi phải thể hiện thái độ niềm nở, thân mật, tôn trọng người khác. Không chào lấy có, chào kiểu xã giao với thái độ hững hờ hay bất cần. Những kiểu chào như thế không những vô ích mà còn gây điều phản cản đối với người khác.
    Chúng ta có thể chào theo kiểu hỏi thăm với những người thân thuộc hay quen biết. Làm như thế vừa thể hiện sự lịch sự vừa đi vào câu chuyện một cách tự nhiên.
    Với người tôn kính, việc chào hỏi phải đúng phép tắc. Vừa có lời chào tôn quý bằng kính ngữ vừa có cử chỉ khiêm nhường, kính cẩn (cúi đầu, khoanh tay,…)

    Phê phán:
    Chào hỏi là nguyên tắc ứng xử trong xã hội. Nó được quy đinh như một trách nhiệm vf bổn phận của con người. Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn có rất nhiều người không biết chào hỏi nhau khi gặp gỡ. Thay vì nói những lời đẹp đẽ làm vui lòng nhau, họ lại có những lời thô lỗ, hống hách. khi bị nhắc nhở thì ngụy biện để che đậy thói hư tật xấu của mình. Họ cũng không hề thấy xấu hổ. Họ không có lòng tự trọng nên cũng chẳng tôn trọng người khác. Bởi thế họ thường bị mọi người khinh ghét và xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.

    Bài học nhận thức:
    Muốn được người khác tôn trọng, yêu thương thì phải biết chào hỏi khi gặp gỡ. Nên thực hiện hành động chào hỏi mọi lúc, mọi nơi và với mọi người. Không nên vì sự ích kỉ cá nhân mà quên đi điều tốt đẹp ấy.
    • Kết bài:
    “Một chào, hai dạ, ba thưa
    Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường”.

    Để việc chào hỏi trở thành hành động tự nhiên ở con người không phải là một việc dễ làm. Bởi vì, con người thường sống với những điều bất mãn và sự vị kỉ. Không phải ai cũng làm cho ta hài lòng trong cuộc sống. Khi không hài lòng về ai đó ta thường không chào hỏi một cách lịch sự và đúng lễ nghi. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, việc chào hỏi chân thành có thể hàn gắn tình cảm tốt hơn mọi lời xin lỗi.