Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách
    • Mở bài:
    Từ ngàn xưa, với tinh thần trọng tình trọng nghĩa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, dân tộc ta đã truyền tụng câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Câu tục ngữ thẻ hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn của dân tộc ta. Đó là một truyền thống tốt đẹp và cao quý, cần phải gìn giữ đến đời đời.
    • Thân bài:
    Câu tục ngữ là sự kết tinh, hun đúc mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con ngựời. Đó là mối quan hệ tương thân tương ái, trợ giúp, thấu hiểu, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hiểm nguy, họa nạn. Trải bao thời gian, tinh thần ấy, mối quan hệ tốt đẹp đầy tình người ấy đã trở thành nền tảng tinh thần bền vững trong cộng đồng xã hội chúng ta.
    Tấm lòng nhân ái ở đây gắn với một việc làm cụ thể, hành động cụ thể.Nhân ái chính là đùm bọc, cưu mang, cùng nhau vượt qua khôn khó, bần hàn. Với ý tưởng đó, câu tục ngữ đối với những người gặp cảnh bất hạnh chính là ánh sáng của ngọn lửa ấm áp, tiếp thêm tình yêu thương cho con người.
    Cha ông ta xưa nay vẫn thế. Những điều lớn lao lại được thể hiện một cách bình dị đôi khi nhỏ nhẹ như một lời khuyên chân tình. Hình ảnh chiếc lá với hai tình trạng khác nhau: rách – lành, cùng đùm bọc, tương trợ nhau lại có sức thuyết phục thật lớn. Chúng dựng lại mối quan hệ thân thiết giữa người với người, nối kết họ với nhau bằng một hành động đầy tình ái. Đó là hành động đùm bọc, giúp đỡ nhau, vượt qua hoạn nạn.
    Ý tưởng thật lớn lại được khơi nguồn, truyền chảy thật nhẹ nhàng qua hình ảnh, bằng hình ảnh đến tận mọi tâm hồn: đánh thức, lay động mọi người hãy sống với nhau tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi một nơi nào đó trên đất nước gặp cảnh tai ương là tất cả mọi người đều nghĩ đến câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi “một con ngựa đau”, cả tàu bỏ cỏ cùng hướng về nó.
    Sức sống của câu tục ngữ tràn ngập lòng nhân ái này, tự thân được mọi người cùng hiểu như một nghĩa cử. Một nghĩa cử cao đẹp có khả năng tụ tập lòng người, xây dựng tình thân ái rất cần thiết cho sự tồn tại và hoàn thiện cộng đồng. Câu tục ngữ nhẹ nhàng nhắc nhở rằng mỗi con người không thể sống cô lập, cắt đứt, biệt lập như những ốc đảo. Sự tồn tại cá nhân gắn bó mật thiết trong sự ràng buộc, liên trợ lẫn nhau, càng trở nên mật thiết và cao cả hơn với tinh thần: “Lá lành đùm lá rách”.
    Có thấy được đạo lý trên từ tinh thần nhân ái bao la của câu tục ngữ, chúng ta mới hiểu được những tấm lòng, những nghĩa cử thật sự, không vụ lợi, vì hạnh phúc của con người. Không phải là lời nói chính họ, với những biểu hiện thật cụ thể, những việc làm kịp thời, phần nào xoa dịu vết thương của con người trước tai ương, hiểm họa.
    Hiểu được giá trị, sức mạnh của đạo lý “Lá lành đùm lá rách”, những đoàn cứu trợ, những đội công tác xã hội, hội từ thiện đã không quản ngại gian lao, vất vả đến nơi đầu sóng ngọn gió, vùng sâu, vùng cao, trao tận tay những người đang gặp cảnh Lá rách những bức thông điệp sáng lên một điều quý nhât, đó là tình thương.

    Có gì đẹp trên đời hơn thế.
    Người yêu người sống để yêu nhau.
    (Tố Hữu)

    Đó cũng là điều gửi gắm đã có từ rất xưa, thể hiện truyền thống của một dân tộc luôn sẵn sàng đùm bọc, cưu mang, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau khi gặp bất trắc, tai ương.Mất mùa: bão lụt, nắng hạn, nạn nhân chất độc màu da cam, chống đói nghèo, dịch bệnh,… là những khó khăn mà nhân dân ta đã vượt qua bằng sức mạnh của truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
    Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện đó là biết quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác và sẵn sàng chia sẻ cùng người khác. Vượt lên trên tất cả, cái cao quý và có giá trị nhất ở trên đời này chính là lòng yêu thương con người. Không có tình yêu thương, đời sống của con người cũng không khác gì các loài động vật khác: vô cảm và tàn bạo.
    Ngày nay, trong xã hội ta, mối quan hệ sống trong cộng đồng ngày càng trở nên tốt đẹp. Sự ưu việt của xã hội chính là nguồn động lực thúc đẩy, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Sức sống của câu tục ngữ, do vậy, càng trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết. Nói câu tục ngữ này phù hợp với thời đại cũng có nghĩa là nó phù hợp với lòng nhân ái của dân tộc đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ và phát huy rực rỡ trong xã hội ta ngày nay.
    • Kết bài:
    Tục ngữ là trí tuệ, là con tim, hóa thân của một đạo lí, một lối sống, một cách sống, một suy tư của con người. Đạo lí ấy, lối sống ấy, cách sống ấy và suy tư ấy sẽ ở mãi trong tâm trí của bao thế hệ và trở thành truyền thống đạo lí cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Đến muôn đời sau, ý nghĩa câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” vẫn còn nguyên giá trị và mãi là nguồn động lực giúp ta tiến lên phía trước, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái và vị tha.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Đề bài: Suy nghĩ về ý nghĩa câu tuc ngữ:

    • Mở bài:

    Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này, dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai dịch họa vô cùng ác liệt. Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn, điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời: “Lá lành đùm lá rách?”
    • Thân bài:
    Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lý làm người, đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.
    Đọc câu tục ngữ ấy lên, chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta. Đó là dùng lá cây – lá chuối chẳng hạn – để gói hàng. Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.
    Đó chính là nghĩa đen, nghĩa thực của câu tục ngữ. Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao? Hình ảnh lá lành, lá rách ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau. Lá lành chỉ con người lúc yên ổn, thuận lợi, cuộc sông xuôi chèo mát mái.
    Trái lại, lá rách chỉ con người lúc khó khăn, sa cơ lỡ vận. Bằng lối nói tượng trưng, dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quẫn, gieo neo.
    Với nội dung vừa nói, câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội. Thật vậy, đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, người xưa còn truyền đời các câu: “Chị ngã em nâng”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng” , ” Bầu ơi! Thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một già”
    Các câu tục ngữ trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che người khó khăn, thất thế.
    Những người giàu nên thương yêu giúp đỡ những người nghèo khổ, nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội, cháy nhà, bệnh tật… Những người có địa vị cao, trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện, giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy:

    “Thấy ai đói rách thì thương
    Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”

    Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công, khi thất bại. Có cái tính thương người như thể thương thân ấy, thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái. Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu, một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.
    Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.
    Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ để khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lý làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao thời Bắc thuộc, Pháp thuộc và Mỹ thuộc, nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.
    Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận định, đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này. “Lá lành đùm lá rách” nghĩa là người khỏe mạnh, bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên.
    Cả người được giúp đỡ cũng vậy, không nên ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng lười. Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.
    Tóm lại, tình yêu thương, đùm bọc nhau là một truyền thông đẹp đẽ về đạo lý làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước nhất là trong khó khăn, hoạn nạn, dịch họa, thiên tai.
    • Kết bài:
    Ngày nay, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cần được kế thừa và phát Huy mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ nhau trong sinh hoạt, học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.