Giáo án Địa 9 - Chương 3 - VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ.
    - Diện tích: 39 734 km2.
    - Dân số: 16,7 triệu người (năm 2002)
    - Vị trí: Nằm ở vị trí liền kề phía tây vùng Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông nam là Biển Đông.
    => Ý nghĩa: Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Công, có 3 mặt giáp biển, có nhiều quan hệ với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công, gần với vùng kinh tế năng động Đông Nam bộ nên thuận lợi cho giao lưu trên đất liền và biển với các vùng và các nước.

    2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
    * Thuận lợi:
    Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp:
    - Đồng bằng rộng lớn, diện tích khoảng 4 triệu ha và khá bằng phẳng, đất phù sa châu thổ màu mỡ.
    - Khí hậu cận xích đạo gió mùa nóng ẩm quanh năm, lượng mưa dồi dào.
    => Thuận lợi để phát triển sản xuất lương thực (đặc biệt là cây lúa nước).
    - Sông Mê Công đem lại nguồn lợi lớn về thuỷ sản, hệ thống kênh rạch chằng chịt, có nhiều vùng nước mặn nước lợ cửa sông, ven biển rộng lớn.
    => Thuận lợi phát triển giao thông đường thuỷ và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt.
    - Sinh vật phong phú, đa dạng. Rừng ngập mặn chiếm diện tích lớn.
    - Biển và hải đảo có nguồn hải sản phong phú, biển ấm, ngư trường rộng, nhiều đảo
    => Thuận lợi đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
    * Khó khăn:
    - Diện tích đất phèn, đất mặn lớn cần được cải tạo, thiếu nước ngọt trong mùa khô.
    - Lũ gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa với diện rộng và thời gian dài.
    * Phương hướng phát triển:
    - Phát triển thủy lợi, các dự án thoát lũ để cải tạo đất phèn, đất mặn và cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.
    - Chủ động sống chung với lũ, khai thác các lợi thế kinh tế do lũ mang lại.

    3. Đặc điểm dân cư, xã hội.
    * Đặc điểm:
    - Đông dân, chỉ đứng sau đồng bằng sông Hồng.
    - Thành phần dân cư: ngoài người Kinh, còn có người Khơ-me, người Chăm, người Hoa.
    - Trình độ dân trí chưa cao.
    - Tỉ lệ dân thành thị thấp (17,1% năm 2002).
    * Thuận lợi:
    - Nguồn lao động dồi dào.
    - Người dân cần cù, linh hoạt, có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hàng hoá, thị trường tiêu thụ lớn.
    * Khó khăn:
    - Mặt bằng dân trí thấp.
    - Cơ sở vật chất hạ tầng ở nông thôn chưa hoàn thiện.
    * Biện pháp: Để phát triển kinh tế vùng trước hết chú ý việc nâng cao mặt bằng dân trí, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hoàn thiện, phát triển đô thị.

    4. Tình hình phát triển kinh tế.
    a) Nông nghiệp.
    - Là vùng trọng điểm lúa lớn nhất của cả nước (chiếm 51,1% diện tích và 51,4% sản lượng lúa cả nước).
    + Bình quân lương thực theo đầu người đạt 1066,3 kg; gấp 2,3 lần trung bình cả nước (năm 2002).
    + Là vùng xuất khẩu gạo chủ lực của nước ta.
    - Vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới lớn nhất nước ta: xoài, dừa, cam, bưởi …
    - Nghề nuôi vịt đàn phát triển mạnh.
    - Tổng sản lượng thủy sản chiếm hơn 50% cả nước, nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nghề nuôi tôm, cá nước ngọt xuất khẩu phát triển mạnh.
    - Nghề rừng cũng giữ vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trồng rừng ngập mặn ven biển và trên bán đảo Cà Mau.
    b) Công nghiệp.
    - Tỉ trọng sản xuất công nghiệp còn thấp (khoảng 20% GDP toàn vùng năm 2002).
    - Các ngành công nghiệp quan trọng: chế biến lương thực thực phẩm (chiếm tỉ trọng cao nhất), vật liệu xây dựng, cơ khí nông nghiệp và một số ngành công nghiệp khác.
    - Công nghiệp phân bố chủ yếu ở các thành phố, thị xã, đặc biệt là Cần Thơ.
    c) Dịch vụ.
    - Các ngành chủ yếu: xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm, vận tải thủy và du lịch sinh thái bắt đầu phát triển.
    + Hoạt động xuất khẩu: hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, thủy sản đông lạnh, hoa quả.
    + Giao thông đường thủy giữ vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động giao lưu kinh tế.
    + Du lịch sinh thái phát triển: du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo.

    5. Các trung tâm kinh tế.
    - Các thành phố: Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Cà Mau là những trung tâm kinh tế của vùng.
    - Cần Thơ là trung tâm kinh tế lớn nhất.