Giáo án Sử 12 - Chương 7 - SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BA TỔ CHỨC CÁCH MẠNG

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    I. SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BA TỔ CHỨC CÁCH MẠNG
    1. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên

    a, Sự thành lập
    - Năm 1924 tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ thành các chiến sĩ cách mạng, bí mật đưa về nước “truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”, gửi người học tại trường Đại học phương Đông ở Mát xcơ va (Liên Xô) và trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
    - Tháng 2/1925, chọn một số thanh niên trong Tâm tâm xã lập ra Cộng sản đoàn.
    - Tháng 6/1925, lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm “tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tay sai để tự cứu lấy mình”. Cơ quan cao nhất là Tổng bộ, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, trụ sở đặt tại Quảng Châu.
    b, Hoạt động
    - Báo Thanh niên của Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925.
    - Năm 1927: Tác phẩm “Đường Kách mệnh”, trang bị lý luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ Hội nhằm tuyên truyền cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân.
    - Năm 1927, Hội đã xây dựng cơ sở khắp cả nước: các kỳ bộ Trung, Bắc, Nam. Năm 1928 Hội có gần 300 hội viên, đến 1929 có khoảng 1700 hội viên và có cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan).
    - Ngày 09/7/1925, Nguyễn Ái Quốc và một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.
    - Năm 1928, chủ trương “vô sản hóa”, tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân.
    - Năm 1929, bãi công của công nhân nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy AVIA (Hà Nội), hãng buôn Sác-ne, hãng dầu Hải Phòng…, có sự liên kết giữa các ngành và các địa phương thành phong trào chung.
    - Các tầng lớp khác cũng diễn ra rất sối nổi.
    c, Vai trò của tổ chức đối với việc thành lập Đảng
    - Chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
    - Đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân => thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển.
    - Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là tiền thân của Đảng vô sản.

    2. Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ)
    a. Thành lập
    - Từ cơ sở hạt nhân đầu tiên là Nam đồng thư xã, ngày 25/12/1927 Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính thành lập VNQDĐ
    - Đây là chính đảng theo xu hướng cách mạng dân chủ tư sản, đại biểu cho tư sản dân tộc Việt Nam.
    b, Chương trình hành động
    - Chương trình hành động: công bố năm 1929: “Tự do – Bình đẳng – Bác Ái”. Chương trình họat động của Đảng chia thành 4 thời kỳ. Thời kỳ cuối là bất hợp tác với Pháp và nhà Nguyễn; cổ động, bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.
    - Chủ trương: tiến hành cách mạng bằng bạo lực, giác ngộ lực lượng binh lính người Việt trong quân đội Pháp.
    - Địa bàn hoạt động: chủ yếu ở Bắc Kỳ còn ở Trung Kỳ và Nam Kỳ không đáng kể.
    c, Họat động
    - Tháng 2/1929, VNQDĐ tổ chức ám sát trùm mộ phu Ba danh (Bazin)ở Hà Nội, bị Pháp khủng bố dã man.
    - Bị động, lãnh đạo chủ chốt của VNQDĐ quyết định dốc hết lực lượng thực hiện bạo động cuối cùng “không thành công cũng thành nhân”.
    - Ngày 9/2/1930 khởi nghĩa nổ ra ở Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình… ở Hà Nội có đánh bom phối hợp.
    Nhận xét:
    - Ý nghĩa: Khởi nghĩa thất bại nhanh chóng song đã cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhân dân Việt Nam đối với Pháp và tay sai, tiếp nối truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.
    - Vai trò lịch sử: VNQDĐ với tư cách là một chính đảng cách mạng trong phong trào dân tộc, vừa mới xuất hiện đã chấm dứt cùng sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái.