Giáo án Toán 7 - Chương 4 - ĐƠN THỨC

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    I. Các kiến thức cần nhớ
    1. Đơn thức

    Đơn thức là biểu thức đại số chỉ gồm một số, hoặc một biến, hoặc một tích giữa các số và các biến.
    Số \(0\) được gọi là đơn thức không.
    Ví dụ: 1; \( - \dfrac{3}{4}{x^2}y\left( { - 7x} \right)\); $2xy;…$

    2. Đơn thức thu gọn
    Đơn thức thu gọn là đơn thức chỉ gồm tích của một số với các biến mà mỗi biến đã được nâng lên lũy thừa với số mũ nguyên dương. Số nói trên gọi là hệ số, phần còn lại gọi là phần biến của đơn thức thu gọn.

    3. Bậc của đơn thức
    + Bậc của đơn thức có hệ số khác $0$ là tổng số mũ của tất cả các biến có trong đơn thức đó.
    + Số thực khác $0$ là đơn thức bậc không.
    + Số $0$ được coi là đơn thức không có bậc.

    4. Nhân hai đơn thức
    Để nhân hai đơn thức, ta nhân các hệ số với nhau và nhân các phần biến với nhau.
    Ví dụ: Ta có \( - 4{x^3}{y^2}\dfrac{5}{4}x{y^3} \)\(= \left( { - 4.\dfrac{5}{4}} \right)\left( {{x^3}x} \right)\left( {{y^2}{y^3}} \right) \)\(= - 5{x^4}{y^5}\)
    + Hệ số: \( - 5\)
    + Phần biến: \({x^4}{y^5}\)
    + Bậc của đơn thức: $9$

    II. Các dạng toán thường gặp
    Dạng 1: Nhận biết đơn thức

    Phương pháp:
    Để nhận biết một biểu thức đại số là đơn thức, ta căn cứ vào định nghĩa đơ thức (một số, một biến hoặc tích giữa các số và các biến)

    Dạng 2: Tính giá trị của đơn thức
    Phương pháp:
    Thay giá trị của các biến vào đơn thức rồi thực hiện các phép tính

    Dạng 3: Tính tích các đơn thức
    Phương pháp:
    Để nhân hai đơn thức, ta nhân các hệ số với nhau và nhân các phần biến với nhau.
    * Khi viết đơn thức dưới dạng đơn thức thu gọn, ta cũng áp dụng quy tắc nhân đơn thức nêu trên.