Giỏi suy luận như Sherlock Holmes cũng phải bó tay trước điều này

  1. Tác giả: LTTK CTV20
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    [​IMG]
    “Chưa có đủ hết chứng cứ mà đã đặt ra giả thuyết là một sai lầm nghiêm trọng” – Sherlock Holmes.
    Ai đã từng ham mê truyện trinh thám thì có lẽ không thể không biết đến Sherlock Holmes và phương pháp suy luận của anh ta. Holmes là nhân vật chính hư cấu trong series truyện “Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes” của nhà văn bác sĩ người Scotland Athur Conan Doyle. Nhân vật này được xây dựng thành công đến nỗi, cứ nhắc đến thám tử là người ta nghĩ ngay tới Sherlock Holmes. Holmes nổi tiếng đến độ, căn nhà anh thuê trọ là 221B phố Baker bao nhiêu năm qua đã trở thành bảo tàng triển lãm những hiện vật, tình tiết trong truyện. Căn nhà lúc nào cũng đông đảo du khách đến tham quan.
    Với dáng người cao cao gầy gò, chiếc mũi hơi khoằm, vầng trán cao rộng, ánh mắt quan sát và tư duy sắc bén với chiếc tẩu thuốc thường trực trên môi, hình ảnh cương nghị ấy của Holmes đã đi vào lòng bao nhiêu thế hệ độc giả trên toàn thế giới. Người ta tặng cho anh danh hiệu “Người đàn ông chưa từng sống nhưng không bao giờ chết”. Holmes chính là một biểu tượng của phương pháp suy luận của người phương Tây theo những nguyên tắc của khoa học thực chứng.
    Trong tập đầu tiên: “Chiếc nhẫn tình cờ”, có một chi tiết đáng suy ngẫm. Trên đường đi đến hiện trường một vụ án, bác sĩ Watson – người kể chuyện, thấy Holmes cứ say sưa nói chuyện về vĩ cầm (violin), có vẻ không chút để tâm đến vụ án, bác sĩ Watson hỏi:
    “Coi bộ anh chẳng bận tâm gì mấy đến vấn đề đang cấp thiết”.
    “Đã có dữ kiện nào đâu”, Holmes đáp. “Chưa có đủ hết chứng cứ mà đã đặt ra giả thuyết là một sai lầm nghiêm trọng đấy.”
    Nguyên tắc suy luận của Holmes hết sức khoa học và chặt chẽ. Từ những dữ kiện đã có bằng điều tra thực tế, anh tiến hành các thực nghiệm, đặt ra các giả thuyết và kiểm chứng. Sử dụng phép loại trừ để bỏ đi những trường hợp không thể xảy ra. “Khi bạn đã loại trừ mọi khả năng không thể xảy ra, bất cứ cái gì còn lại, dù vô lý, phải là sự thật” là câu nói nổi tiếng của Holmes. Đấy là cơ sở của tư duy khoa học thực chứng.

    [​IMG]

    (Ảnh: canales.okdiario.com)​
    Tư duy này cũng được thể hiện trong 6 bước xử lý một vấn đề của tỷ phú công nghệ Elon Musk, ông chủ của Tesla, Space X và Solar City. Theo tạp chí Entrepreuner, một tạp chí về kinh doanh nổi tiếng của nước Mỹ chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Elon Musk sẽ giải quyết một vấn đề như sau:
    Bước 1: Trước một vấn đề chưa rõ, Musk không vội đưa ra câu trả lời. Ông ta đặt ra câu hỏi. Câu hỏi này sẽ nhắm vào việc làm sao để ông có thể làm được tốt nhất, chứ không phải chỉ tốt hơn người khác.
    Bước 2: Thu thập dữ kiện càng nhiều càng tốt. Bước này không phát triển các giả thuyết, thay vào đó là thực hiện các nghiên cứu. Với nhà khoa học, là thực hiện các thí nghiệm. Với doanh nhân, là phỏng vấn các chuyên gia am tường nhất về lĩnh vực mình đang quan tâm.
    Bước 3: Bây giờ mới đến xây dựng các giả thuyết dựa trên bằng chứng và tính toán xác suất chúng có thể xảy ra.
    Bước 4: Đưa ra các kết luận và gắn một mức độ khả tín cho mỗi kết luận đó.
    Bước 5: Dù kết luận của bản thân có thể chắc chắn đến đâu, hãy tự phản biện hay tìm kiếm sự phản biện từ những người xung quanh để có thể tìm ra vấn đề mình không nhận biết được từ góc nhìn chủ quan.
    Bước 6: Nếu không ai có thể chứng minh mình sai, thì có lẽ kết luận của mình là tạm thời đúng trong thời điểm đó. Bởi sự vật luôn vận động, nhận thức khoa học cũng phải luôn tiến lên.
    Chúng ta thấy rằng, cả Holmes – nhân vật tiểu thuyết và Musk – tỷ phú đời thực, không hề hồ đồ đưa ra giả thuyết và kết luận một cách chóng vánh. Họ luôn phải tự tìm những bằng chứng. Do vậy, trong khi Musk tìm tới các chuyên gia am hiểu vấn đề, thì Holmes cũng không ngồi nhà và vẽ ra các kết luận thông qua suy diễn của mình hay nghe được của ai đó. Anh ta trực tiếp đi vào hiện trường, gặp người này, hỏi người nọ, sục sạo tìm các dấu vết, các bằng chứng. Anh ta không suy diễn lung tung khi chưa tự mình tìm hiểu, thu thập các thông tin mà chúng ta gọi là dữ liệu sơ cấp. Dữ liệu sơ cấp là những dữ liệu chưa có sẵn, được thu thập lần đầu, do chính người nghiên cứu thu thập.

    [​IMG]

    (Ảnh: nerdist.com)​
    Ở một tập khác, Holmes nói đùa về ông anh trai của mình: “Nếu nghề cảnh sát là một nghề mà chỉ cần ngồi một chỗ và suy luận thì anh Mycroft của tôi sẽ là một cảnh sát giỏi nhất thế giới”.
    Holmes cũng nhắc nhẹ Watson trong vụ án “Scandal xứ Bohemia”: “Anh đang nhìn chứ không phải quan sát. Sự khác biệt là rất rõ ràng”. Ý Holmes là Watson không nên dùng định kiến chủ quan của mình để đánh giá sự việc.
    Đó rõ ràng là tư duy logic của những người làm khoa học thực chứng.
    Nhưng khi vấn đề liên quan đến Quỷ Thần, tức là đến những thế lực Ác hay Thiện siêu nhiên mà thế gian con người đa phần (không phải tất cả) không thể nhìn thấy, không thể sờ thấy, không thể làm thực nghiệm như những thực nghiệm hóa học hay khoa học mà Holmes vẫn làm, cũng không thể lý luận được, thì anh bó tay.
    Lúc đó tất cả những hiểu biết, những lập luận logic hay khoa học của anh chẳng thể làm được gì. Đó là quan điểm của anh trong tập truyện dài “Con chó của dòng họ Baskerville”. Holmes nói: “cho đến nay tôi chỉ điều tra trong phạm vi trần thế. Nói một cách khiêm tốn, tôi đã từng chống lại điều ác, nhưng đối đầu với chính Ác Quỷ thì chắc tôi không kham nổi…”. Nếu đó là âm mưu của con người thì Holmes có thể giải quyết, còn nếu con chó là sứ giả của siêu nhiên hắc ám thì anh bó tay.
    Ở Phương Đông, trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử cũng đã từng viết rằng: “Kính quỷ thần nhi viễn chi”. Vì Khổng Tử vẫn chủ trương đi vào xã hội nhân quần, đem cái sở học nhập thế của mình mà giúp cho việc xây đời, trị quốc. Ông không phải là một người tu luyện xuất thế thực sự để có nhận thức về thế giới quỷ thần. Ông biết mình không hiểu rõ về thế giới đó nên thái độ của ông không phải là khinh miệt với những đối tượng ấy, mà là kính trọng nhưng không gần gũi (“nhi viễn chi” – nhìn từ xa) và không dám phát biểu gì thêm.

    [​IMG]

    Khổng Tử chủ trương đi vào xã hội nhân quần, đem cái sở học nhập thế của mình mà giúp cho việc xây đời, trị quốc. (Ảnh: Pinterest)​
    ***
    Gần đây, có nhiều thông tin hơi ồn ào về hoạt động của một tôn giáo, người viết bài này chưa tự điều tra, chưa có dữ liệu sơ cấp nên chưa dám phát biểu cụ thể hay nhận định gì hết. Nhưng nhân đà câu chuyện về tư duy đánh giá khách quan, thiết nghĩ để rút ra kết luận về các tổ chức tương tự cần thực hiện theo hai bước:
    Bước 1: Sử dụng tư duy logic, giống như Sherlock Holmes đã làm
    Tức là gặp những người trong cuộc hoặc người có liên quan trực tiếp, trao đổi với họ. Tự mình tìm hiểu các biểu hiện của các tín đồ trong cuộc sống.
    Họ có làm gì sai pháp luật hay trái với đạo đức truyền thống hay không?
    Họ có lừa ai không?
    Họ có gây rối trật tự xã hội không?
    Họ có phá hoại gia đình mình và gia đình người khác không?
    Họ có biểu hiện bất thường về sức khỏe hay tinh thần không?
    v.v…
    Bước điều tra này làm càng kỹ thì càng tốt, nghe càng nhiều phía càng hay. Có thể coi báo chí là một kênh tham khảo, nhưng như trên đã nói, đó chỉ là dữ liệu thứ cấp đã qua xử lý. Sử dụng dữ liệu thứ cấp để rút ra kết luận về một hiện tượng thực tế là thiếu sót và phiến diện. Hay nói như Sherlock Holmes: “Chưa có đủ hết chứng cứ mà đã đặt ra giả thuyết là một sai lầm nghiêm trọng đấy”.
    Nhưng thế vẫn chưa đủ, vì có thể một số tín đồ làm sai nhưng quy định của môn tu luyện của họ không sai. Vì cái sự hiểu và hành của mỗi người là khác nhau. Cùng một thầy ấy, một sách ấy mà có người làm đúng, có người làm sai. Ví dụ trong cuộc sống riêng, ta biết có một số sư tăng đã làm sai với giáo lý của Đức Phật, thì đâu phải vì thế mà ta có thể kết luận ẩu hay phạm thượng rằng Phật làm sai hay bất chính.
    Nhưng nếu một tôn giáo mà các tín đồ làm sai chiếm số lượng đông đảo thì dù ông thầy, hay ông Giáo Chủ mà dạy đúng, chí ít ông ấy cũng mắc tội quản giáo không nghiêm. Nhất là nếu ông ấy còn tại thế. Và không ngoại trừ khả năng cái tôn giáo đó cũng không ổn (tuy nhiên chưa đặt kết luận tại đây).
    Tiến tới một bước cao hơn. Nếu ngay trong sách vở giáo lý hay giáo quy mà đã sai thì không cần phải tìm hiểu thêm nữa, tôn giáo đó là tà rồi. Chẳng hạn, nếu giáo quy có yêu cầu mỗi đệ tử tham gia môn phái phải mua cái này, mua cái kia để tăng điểm, tích công đức. Hay kêu gọi tín đồ đóng góp, tàng trữ tài vật để các chức sắc trong tôn giáo đó sử dụng. Hay tự biến thành một tổ chức kinh tài, kinh doanh tôn giáo. Hay tự biến thành một tổ chức chính trị, tìm cách để tranh giành quyền lực chính trị với người thế tục. Hay lôi kéo, tìm đủ mọi cách để đưa người ta vào tôn giáo đó. Khi vào rồi thì gây khó dễ, bắt chẹt khi tín đồ muốn rời bỏ môn phái… Thì cái đó có thể khẳng định là tà giáo. Tất cả những điều đó đều trái với tôn chỉ của người tu chân chính.
    Một tôn giáo tốt, thì giáo lý phải khiến người ta hướng Thiện, dạy người ta sống thật, nói thật, làm thật. Phải có lòng thương xót và giúp đỡ với đau khổ của chúng sinh. Phải biết coi nhẹ danh lợi, phải biết nhẫn nhịn chịu thương chịu khó. Phải sống công chính ngay thẳng ở mọi nơi mọi lúc…
    Đấy là địa hạt mà cái trí tuệ và đạo đức của chúng ta phải hoạt động hết công suất để đo lường, đánh giá.
    Bước 2: Đánh giá về mức độ cao thâm của triết lý tôn giáo. Nơi này Sherlock Holmes xin dừng bước vì đó là lĩnh vực siêu thường
    Cho nên, chỉ có thể dựa vào ngộ tính, tức là năng lực nhận biết trực tiếp không thông qua lý luận và diễn giải. Có người dựa vào hiểu biết phong phú của mình về các tôn giáo để nhận định về một tôn giáo khác. Hiểu biết đó đôi khi cũng có tác dụng để phân loại sàng lọc. Nhưng phần lớn là không dùng được.
    Chẳng hạn, kinh sách Phật Giáo nói thế này, nhưng kinh sách của Đạo Giáo nói thế kia, của Thiên Chúa Giáo lại nói khác. Vì con đường tu tập của họ là khác nhau. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ quan điểm chết cứng về một tôn giáo mà ta biết để đánh giá về một tôn giáo khác, thì như thế có phải là hẹp hòi hay không? Rằng sao Phật Thích Ca Mâu Ni nói thế này mà tôn giáo của anh lại làm thế kia? Cách đặt vấn đề như vậy quả là không ổn. Để phù hợp với năng lực tiếp thụ của người thời đó, của văn hóa dân tộc đó mà các bậc Giác Giả phải có những cách truyền đạt khác nhau. Ví như trong khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về ngộ, thì Chúa Jesus giảng về đức tin. Phật Thích Ca giảng về lòng từ bi thì Chúa Jesus giảng về tình yêu thương. Vì văn hóa và cách nhận thức của những dân tộc được các ngài truyền đạo là khác nhau.
    Tất nhiên, có những tôn giáo rất thấp, chẳng có giáo lý gì cao siêu, chỉ hoàn toàn là bái vật giáo, bùa chú, phù thủy, đồng cốt, có những giáo phái kêu gọi giáo đồ tự sát tập thể… thì có thể kết luận ngay rằng đó không phải là Chính Giáo.
    Hơn nữa, nghiên cứu và có nhiều kiến thức về các tôn giáo cũng chưa hẳn là đã hiểu biết thực sự về tôn giáo đó. Chỉ có người thực tu, tức là kiên định thực hành những lời dạy trong kinh sách mới vượt qua những ý nghĩa bề mặt của câu chữ mà tìm đến những chân lý, nội hàm ngày càng cao thâm hơn. Đó là điều mà người nghiên cứu tôn giáo không thể có được. Vì thế, đánh giá về tính triết lý của giáo lý cần hết sức thận trọng.
    Cho nên xưa nay, chưa từng thấy ai nói thái tử Tất Đạt Đa đọc sách gì mà đắc Đạo thành Phật Như Lai. Lý Đam hay Đức Lão Tử đọc sách gì mà đắc Đạo thành ông tổ của Đạo Gia Trung Hoa. Chúa Jesus đọc sách gì để trở thành Thần. Moses đọc sách gì để thành nhà tiên tri, vị Thánh của dân Do Thái. Đọc kinh sách tôn giáo chỉ biết được nghĩa bề mặt mà thôi, không làm theo sách dạy thì làm sao hiểu được hàm nghĩa thật sự của Kinh Phật hay Kinh Thánh?
    Nếu như chúng ta không thể trở thành người tu luyện để hiểu sâu sắc về giáo lý nhưng vẫn muốn đánh giá tôn giáo, thì ta chỉ có thể dừng ở bước 1: Dùng cái trí, hiểu biết và nền tảng đạo đức của riêng mình mà xét đoán hành vi của đa số các tín đồ. Chúng ta đều được Tạo Hóa ban cho một linh hồn độc lập và duy nhất, hãy để nó nói lên chính kiến của mình.
    Việc tu tập của họ ta không hiểu được, nhưng hành vi biểu hiện của họ thì ta xét đoán được. Những tác động của việc tu tập, theo đuổi tôn giáo hay tín ngưỡng đó lên sức khỏe, tinh thần của tín đồ thì ta có thể nhìn thấy ngay. Chẳng hạn, nếu việc tu luyện đó mà khiến đa số các tín đồ khỏe mạnh hơn, có đạo đức hơn, mạnh mẽ hơn, chính trực ngay thẳng hơn thì khẳng định là tôn giáo tốt. Nếu ngược lại thì là tà giáo. Có thể đánh giá được mà không sợ lầm.
    Lúc đó thì những kinh nghiệm, trí xét đoán, hiểu biết của Sherlock Holmes mới thực sự có giá trị.
    Còn nếu quyết định làm kẻ ngoại đạo, thế thì ta học tập kinh nghiệm của Khổng Tử: “Kính quỷ thần nhi viễn chi”. Đừng phát biểu lung tung theo cảm tính khi chưa thực sự tìm hiểu mà mang khẩu nghiệp.