Hiền tài là nguyên khí của quốc gia-Thân Nhân Trung

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hiền tài là nguyên khí của quốc gia-Thân Nhân Trung

    Bài làm:

    Mở bài:

    Xưa nay, trọng hiền mến sĩ, chiêu mộ nhân tài cho đất nước luôn được các nhà lãnh đạo quan tâm. Đất nước không thể ổn định và phát triển nếu như không thu hút được những người có trí tuệ và tài năng góp sức vào sự nghiệp lớn của quốc gia. Thân nhân Trung, một hiền sĩ đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó.

    Thân bài:

    Hiền tài là gì?
    Hiền tài là người có kiến thức, có tài năng và phẩm chất tốt đẹp. Họ luôn có tâm huyết và khát vọng cống hiến xây dựng cho đất nước, cho dân tộc. Ở một hiền tài có sự kết hợp chặt chẽ giữa tài năng và đức độ ở mức cao độ. Chính điều đó tạo nên một khí chất cao thượng, đáng kính hiếm có.
    Hiểu theo nghĩa tren, hiền tài phải là người có cả tài năng và đức hạnh. Họ hết lòng đem hết tài năng và đức hạnh ấy phục vụ cho Tổ quốc. Hiền tài vừa là bậc hiền đức lại vừa là người có tài năng. Hiền tài không những là người học rộng hiểu nhiều mà còn có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
    Mỗi hiền tài phải là người gương mẫu về đạo đức suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân. Theo Thân Nhân Trung, đó là người: “Lấy trung nghĩa mà rèn luyện cho danh thực hợp nhau. Thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết. May ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công phu học tập thường nhật”.
    Nguyên khí là gì?
    Nguyên khí có nghĩa là khí chất, phẩm chất, năng lực, sức mạnh được khởi sinh từ nguồn cội. Nguyên khí có tính bền vững, bất biến. Theo triết học phương đông “khí” chính là yếu tố quyết định sức mạnh của vạn vật. Không có “khí” vật sẽ sớm suy kiệt mà lụi tàn. Còn “nguyên” có nghĩa là khởi đầu, trường tồn, bất biến.
    Nguyên khí chỉ cái khí đầu tiên, khi trời đất hỗn độn chưa phân, vũ trụ chưa hình thành. Nguyên khí cũng chỉ tinh thần, tinh khí của con người. Nguyên khí cũng chỉ cả lực lượng vật chất, tinh thần của quốc gia, xã hội: “Đạo trị nước, trước tiên là bồi dưỡng nguyên khí” (Trị quốc chi đạo, tiên tại dưỡng kỳ nguyên khí).
    Trong câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì nguyên khí chính là tinh thần, tinh khí, hoặc lực lượng tinh thần (và cả lực lượng vật chất) của quốc gia.

    Coi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một quan điểm vô cùng đúng đắn:

    Thời đại nào có bậc lãnh đạo anh minh, người hiền tài hết lòng phụng sự, đất nước tất hưng thịnh. Ngược lại, lãnh đạo mưu cầu danh lợi, hiền tài, nhân sĩ giấu mình ẩn cư, đất nước tất loạn lạc, suy tàn. Đó cũng là bài học của muôn đời đến nay còn nguyên ý nghĩa.
    Hiền tài là người luôn định hướng chính trị sáng suốt. Họ là những người xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạt định đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng đất nước.
    Hiền tài là người kết tinh tinh hoa của văn hóa của xã hội và dân tộc. Họ là những người định hướng văn hóa cho xã hội, định hướng tư tưởng cho đất nước. Họ dẫn dắt dư luận, xây dựng diện mạo văn hóa của xã hội. Công việc và hành động của họ có đóng góp to lớn trong việc xây dựng nên một xã hội văn minh. Tiến tới xây dựng một xã hội vì con người.
    Hiền tài chính là động lực của mọi tiến bộ của xã hội. Họ là những người phát minh ra khoa học và tư tưởng. Họ đưa khoa học phục vụ các chương trình phát triển xã hội. Họ giúp cải thiện điều kiện vật chất, cải thiện thương mại và công nghiệp. Họ vận dụng tri thức vào giáo dục con người. Chính qua giáo dục, họ đào tạo nên những hiền tài mới cho đất nước.
    Hiền tài là động lực của tăng trưởng kinh tế. Họ dùng khoa học để chế ngự thiên nhiên, mở rộng và nâng cao sản xuất. Họ là những người đề ra những phương pháp tiên tiến trong sản xuất tạo ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Ở đâu có nhiều tri thức, ở đó nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Những công ty, đơn vị nào có nhiều tri thức sẽ phát triển mạnh hơn… Trong thời đại kinh tế hiện nay, tri thức được coi là thành phần mang lại giá trị kinh tế lớn nhất.
    Hiền tài là lực lượng nồng cốt trong quản lí xã hội. Họ là những người có khả năng phán đoán và nhận định sáng suốt. Họ nhạy bén xử lý các tình huống và đề ra lối sách thích hợp để vận hành tốt công việc. Đặc biệt huy động được nhiều tài năng trong lĩnh vực mình phụ trách. Hiền tài luôn giải quyết được các vấn đề ở tầm cao.
    Tóm lại, hiền tài có quan hệ tới sự thịnh suy của đất nước. Họ chính là nguyên khí, là nguồn sức mạnh của quốc gia. Họ phụ trách và gây ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực. Nguyên khí thịnh thì đất nước giàu mạnh, nguyên khí suy thì nước yếu và càng ngày càng xuống cấp. Bài học ấy quả thực rất đúng đắn.

    Ý kiến của Thân Nhân Trung thể hiện sự quan tâm đến giáo dục và trọng dụng nhân tài của nhà nước phong kiến đương thời:

    Rõ ràng hiền tài đóng vai trò rất quan trọng đối với đất nước. Nhưng làm thế nào để có những bậc hiền tài như thế? Làm thế nào để hiền tài cống hiến vì đất nước. Đó là một vấn đề đáng suy nghĩ. Tìm kiếm hiền tài để xây dựng đất nước luôn là nhiệm vụ cấp bách. Bởi thế, mỗi triều đại hình thành đều chăm lo cho đạo học trước tiên. Đạo học phát triển thì hiền tài cũng xuất hiện giúp đời. Phong hóa được chấn chỉnh thì hiền tài cũng nhiều hơn.
    Trước hết theo Thân Nhân Trung phải có một hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Ông nói: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân”.
    Giáo dục là phương thức hiệu quả để tìm kiếm và bồi dưỡng hiền tài. Bởi mục đích lớn nhất của giáo dục đó là rèn luyện con người cả tri thức lẫn nhân cách. Con người có tri thức sâu rộng, có nhân cách cao cả, có lý tưởng lớn lao ắt là hiền tài của đất nước.
    Trân trọng, tôn vinh, ca ngợi và trọng dụng hiền tài trong xã hội. Đây cũng là một cách để làm khởi phát hiền tài trong cuộc sống. Hiền tài cũng chỉ là một con người. Đôi khi, họ bị chìm khuất trong cuộc sống bởi nhiều lí do khác nhau. Muốn hiền tài xuất hiện đem tài năng phụng sự cho đất nước trước tiên phải trân trọng họ. Phải lên tiếng kêu gọi họ cùng chung tay xây dựng và đãi ngộ họ xứng đáng.
    Việc dựng bia đá nhằm mục đích vinh danh hiền tài thuở trước. Không những họ được phát hiện, trọng dụng mà còn được tôn vinh. Điều ấy khiến cho họ đem tài năng ra cống hiến và giúp sức cho nước nhà. Việc làm ấy còn khuyến khích mọi người noi gương hiền tài; ngăn ngừa điều ác. Dựng bia đá tôn nghiêm, khắc tên bảng vàng còn là cách tôn vinh và tri ân quá khứ. Những tấm gương sáng ngời về tài năng và đức độ trở thành gương sáng cho thế hệ soi chung, tạo dựng truyền thống hiếu học.
    Việc dựng bia đã thể hiện tư tưởng lớn về đào tạo và sử dụng nhân tài đất nước của các bậc minh quân. Lấy truyền thống tốt đẹp, cao cả để giáo dục con người là cách làm hiệu nghiệm nhất xưa nay

    Ý kiến của Thân Nhân Trung còn là lời nhắc nhở các nhà lãnh đạo của các thế hệ sau phải biết coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ.

    Việc sử dụng nhân tài trọng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.

    Trong thời phong kiến, tầng lớp trí thức rất được coi trọng. Họ đứng đầu trong các tầng lớp xã hội (sĩ, nông, công, thương). Thời Lí, năm 1075, mở trường đại học đầu tiên là Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài. Khoa cử thời Lí, Trần góp phần phát triển văn minh Đại Việt. Đến thời Lê sơ, Năm 1442 mở khoa thi Hội đầu tiên để chọn Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Từ năm 1462, đời vua Lê Thánh Tông, việc thi cử càng được coi trọng. Từ xưa, hiền tài vốn đã được xem là tinh hoa của xã hội.
    Trên bia tiến sĩ đã ghi “việc chính trị lớn của đế vương không gì cần bằng nhân tài”. Lời dụ của vua Lê Hiến Tông (1498- 1504) có ghi: “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh mẽ thì trị đạo mới thịnh”. Nhiều bậc trí thức đã làm vẻ vang cho đất nước. Tên tuổi của họ còn lưu thơm đời đời.
    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của tri thức. Bác cũng đặc biệt coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Bác cho rằng: “Kiến thiết phải có nhân tài”. Bác nhận định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Học theo cổ nhân, bác lấy nhân tài làm động lực phát triển đất nước.
    Trong công cuộc đổi mới, đội ngũ trí thức cũng liên tục được xây dựng và bồi dưỡng. Hiện số lượng thanh niên tri thức khá đông được đào tạo ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ… Họ đem kiến thức về nước để phục vụ trong các kĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch,… Nhiều doanh nhân thường xuyên ra nước ngoài để nâng cao trình độ, kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, tìm đối tác, kêu gọi đầu tư, v.v…
    Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, đời sống còn khó khăn nên lực lượng hiền tài chưa toàn tâm, toàn ý cho công việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kĩ thuật. Đó là một hạn chế lớn cần phải thay đổi.
    Bài học về phát hiện và trọng dụng nhân tài
    Một đất nước hùng mạnh là đất nước hội tụ được năng lực của toàn dân tộc. Trong đó, hiền tài là lực lượng có vai trò tạo động lực rất lớn. Cần phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc. Đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ tri thức. Quyết liệt ngăn ngừa nạn chảy máu chất xám. Cụ thể là cần có chính sách giúp đỡ, phát hiện, đánh giá, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài. Đồng thời cũng cần quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con người. Cần trân trọng và tôn vinh những người có công chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục, giúp đỡ hiền tài.
    Đối với bản thân, mỗi học sinh phải học tập chăm chỉ, nghiêm túc để nâng cao trình độ tri thức. Không ngừng nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực làm việc. Đồng thời rèn luyện nhân cách tốt đẹp để trở thành hiền tài góp phần xây dựng đất nước.

    Kết bài:

    Ngày nay, dân tộc ta đang cùng cả nhân loại bước vào một thời kỳ phát triển mãnh liệt chưa từng có trong lịch sử. Các quốc gia đang đi vào tiến trình hội nhập kinh tế rộng lớn trong xu hướng toàn cầu hóa. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang từng bước định hình trật tự thế giới. Sự kỳ diệu của trí tuệ con người đã nhanh chóng mở rộng sự phát triển của mọi ngành khoa học. Đặc biệt là công nghệ thông tin, điện tử, sinh học…
    Một cuộc chạy đua gay gắt để sinh tồn và phát triển đang diễn ra trên toàn thế giới. Sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo đang diễn ra quyết liệt. Trong tình hình nói trên, Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế và phát huy cao nhất trí tuệ, tài năng, nhanh chóng nắm được những thành tựu tinh thần của thời đại để có một tầm cao trong suy nghĩ và sáng tạo. Chính vì thế mà chưa lúc nào bằng lúc này rất cần có hiền tài xây dựng đất nước. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiền tài trên đất nước ta lại được đặt ra một cách cấp thiết và cực kỳ quan trọng.