Hình học 10 Chương 1 Bài 3 Tích của vectơ với một số

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1. Định nghĩa của một vectơ và một số
    Xem hình vẽ minh họa và ta có các nhận xét sau:

    [​IMG]

    Xét hai vectơ \(\vec{a}\) và \(\vec{b}\) ta nhận thấy rằng:

    Chúng có giá song song với nhau và cùng hướng, độ lớn về chiều dài của \(\vec{b}\) gấp 2 lần độ lớn chiều dài của \(\vec{a}\)

    Lúc đó, ta viết rằng: \(\vec{b}=2\vec{a}\)

    Xét đến hai vectơ \(\vec{c}\) và \(\vec{d}\) ta có nhận xét:

    Chúng có giá song song và ngược hướng, độ lớn về chiều dài của \(\vec{d}\) gấp 3 lần độ lớn chiều dài của \(\vec{c}\)

    Lúc đó, ta viết rằng: \(\vec{d}=-3\vec{c}\)

    Định nghĩa:

    Tích của vectơ \(\vec{a}\) với số thực k là một vectơ, kí hiệu là \(k\vec{a}\), được xác định như sau:

    • Nếu \(k\geq 0\) thì vectơ \(k\vec{a}\) cùng hướng với vectơ \(\vec{a}\).
    • Nếu \(k<0\) thì vectơ \(k\vec{a}\) ngược hướng với vectơ \(\vec{a}\).
    • Độ dài của vectơ \(k\vec{a}\) bằng \(|k|.|\vec{a}|\).
    2. Các tính chất của phép nhân vectơ với số
    [​IMG]

    3. Điều kiện để hai vectơ cùng phương
    Chúng ta cùng xem qua hình ảnh sau:

    [​IMG]

    Một cách tổng quá, ta có:

    Vectơ \(\vec{b}\) cùng phương với vectơ \(\vec{a}\neq \vec{0}\) khi và chỉ khi tồn tại số k sao cho \(\vec{b}=k\vec{a}\)

    Ứng dụng vào ba điểm thẳng hàng:

    Điều kiện cần và đủ để ba điểm A, B, C thẳng hàng là có số k sao cho \(\vec{AB}=k\vec{AC}\)

    4. Biểu thị một vectơ qua hai vectơ không cùng phương
    [​IMG]

    Dựa vào hình trên, ta có định lí sau:

    Cho hai vectơ không cùng phương \(\vec{a}\) và \(\vec{b}\). Khi đó mọi vectơ \(\vec{x}\) đều có thể hiển thị một cách duy nhất qua hai vectơ \(\vec{a}\) và \(\vec{b}\), nghĩa là có cặp số duy nhất m và n sao cho:

    \(\vec{x}=m\vec{a}+n\vec{b}\)


    Bài tập minh họa
    Bài 1:
    Cho tam giác OAB vuông cân với \(OA=OB=a\). Tính độ dài của các vectơ \(\vec{OA}+\vec{OB}\); \(3\vec{OA}+4\vec{OB}\)

    Hướng dẫn:
    [​IMG]

    Do tam giác OAB vuông cân tại O có cạnh là a. Dễ dàng tính được \(\vec{OA}+\vec{OB}\) theo quy tắc hình bình hành, \(\vec{OA}+\vec{OB}=\vec{OD}\)

    Độ lớn của \(|\vec{OD}|\)=\(a\sqrt{2}\)

    Tương tự, ta tính \(3\vec{OA}+4\vec{OB}\)

    Nhận thấy rằng \(3|\vec{OA}|=3a;4|\vec{OB}|=4a\)

    Theo quy tắc hình bình hành và theo hình vẽ, ta có \(3\vec{OA}+4\vec{OB}=\vec{OC}\)

    Độ lớn của \(|\vec{OC}|=5a\) theo định lý Pytago.

    Bài 2:
    Chứng minh rằng với tứ giác ABCD bất kì, ta luôn có hệ thức: \(\vec{AB}-\vec{AD}=\vec{CB}-\vec{CD}\)

    Hướng dẫn:
    [​IMG]

    Đề yêu cầu cần chứng minh \(\vec{AB}-\vec{AD}=\vec{CB}-\vec{CD}\)

    Ta viết lại: \(\Leftrightarrow \vec{AB}+\vec{DA}=\vec{CB}+\vec{DC}=\vec{DB}\Rightarrow dpcm\)

    Bài 3:
    Cho hình chữ nhật có \(AB=5cm\), \(BC=10cm\). Tính \(|\vec{AB}+\vec{AC}+\vec{AD}|\).

    Hướng dẫn:
    [​IMG]

    Như hình trên, chúng ta có thể viết lại như sau:

    \(\vec{AB}+\vec{AC}+\vec{AD}=\vec{DC}+\vec{AC}+\vec{AD}=\vec{AC}+\vec{AC}=2\vec{AC}\)

    Vậy \(|\vec{AB}+\vec{AC}+\vec{AD}|=2|\vec{AC}|\)

    Bằng Pytago, ta dễ dàng tính toán được \(2|\vec{AC}|=10\sqrt{5}(cm)\)

    Bài 4:
    Cho tam giác ABC. M là điểm thuộc đoạn BC sao cho \(MB=2MC\). Chứng minh rằng: \(\vec{AM}=\frac{1}{3}\vec{AB}+\frac{2}{3}\vec{AC}\)

    Hướng dẫn:
    [​IMG]

    Theo giả thiết, \(MB=2MC\).

    Trên AB lấy điểm D sao cho \(AD=\frac{1}{3}AB\), trên AC lấy điểm E sao cho \(CE=\frac{1}{3}AC\)

    Vậy, theo đề được viết lại như sau: \(\frac{1}{3}\vec{AB}=\vec{AD};\frac{2}{3}\vec{AC}=\vec{AE}\)

    Cần chứng minh ADME là hình bình hành.

    Thật vậy, với tỷ lệ đề cho, ta tìm được các cặp cạnh đối song song nhờ định lí Thales đảo.

    Vậy: \(\left\{\begin{matrix} AD//ME\\ AE//DM \end{matrix}\right.\) hay ADME là hình bình hành

    Nên \(\vec{AM}=\frac{1}{3}\vec{AB}+\frac{2}{3}\vec{AC}\).