Hóa học 8 Bài 37: Axit Bazơ Muối

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1. Axit
    1.1. khái niệm
    • Phân tử axít gồm một hay nhiều nguyên tử hiđrô liên kết với gốc axít, các nguyên tử hiđrô này có thể thay thế bằng các nguyên tử kim loại.
    • Ví dụ: HCl (1 nguyên tử H + gốc axit -Cl); H2SO4 (2nguyên tử H và gốc axit =SO4)
    1.2. Công thức của axít
    Công thức: CHnA

    • n: là chỉ số của nguyên tử H
    • A: là gốc axít
    1.3. Phân loại
    • Axit không có oxi: HCl, H2S...
    • Axit có oxi: HNO3, H2SO4, H3PO4 …
    1.4. Tên gọi
    *Axít có oxi

    • Cách gọi tên: Tên axit: axit + tên Phi kim +ic
    • Ví dụ: HNO3 (Axit nitric), H2SO4 (Axit sunfuric)...
    *Axít không có oxi

    • Cách gọi tên: axit + tên phi kim +hiđic
    • Ví dụ: H2S (axit sunfuhiđric), HCl (axit clohiđric)...
    *Axít có ít oxi

    • Cách gọi tên: axit + PK + ơ
    • Ví dụ: H2SO3 (axit sunfurơ). Gốc =SO3 có tên là sunfit
    2. Bazơ
    2.1. Khái niệm
    • Ví dụ một số bazơ: NaOH, KOH, Ca(OH)2, Al(OH)3...
    • Nhận xét:
      • Có một nguyên tử kim loại.
      • Một hay nhiều nhóm OH (hidroxit).
      • Vì nhóm - OH luôn có hoá trị I.
      • Số nhóm - OH được xác định bằng hoá trị của kim loại.
    • Kết luận: Bazơ là một phân tử gồm một nguyên tố kim loại liên kết một hay nhiều nhóm hiđroxit(-OH).
    2.2. Công thức hóa học
    Công thức: M(OH)n

    • M: là nguyên tố kim loại
    • n: là chỉ số của nhóm (-OH)
    2.3. Phân loại bazơ
    • Bazơ tan (kiềm), tan được trong nước: NaOH; Ca(OH)2...
    • Bazơ không tan, không tan được trong nước: Fe(OH)3; Cu(OH)2…
    2.4. Tên gọi
    • Tên bazơ = Tên kim loại( nếu kim loại có nhiều hoá trị gọi tên kèm theo tên hoá trị) + hiđroxit.
    • Ví dụ: Ca(OH)2 Canxi hidroxit; Fe(OH)3 sắt (III) hiđroxit.
    3. Muối
    3.1. Khái niệm
    • Phân tử muối gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết một hay nhiều gốc axít.
    • Ví dụ: NaCl, KBr, Na2SO4, Fe(NO3)3
    3.2. Công thức hóa học
    Công thức: MxAy

    • M: là nguyên tố kim loại
    • x: là chỉ số của M
    • A: là gốc axít
    • y: là chỉ số của gốc axít
    3.3. Cách đọc tên muối
    • Tên muối = tên kim loại (kèm hoá trị kim loại có nhiều hoá trị) + tên gốc axít
    • Tên một số gốc muối: -Cl (clorua), =SO4 (sunfat), -NO3 (Nitrat), =CO3 (Cacbonat), -HCO3(Hiđrocacbonat), -HSO4 (Hiđrosunfat)
    • Ví dụ: NaCl (Natri clorua), CaCO3 (Canxi cacbonat), Fe2(SO4)3 Sắt (III) sunfat, KHCO3 (Kali hiđrocacbonat)...
    3.4. Phân loại muối
    • Muối trung hoà: Là muối mà trong gốc axít không có nguyên tử “ H” có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại như ZnSO4; Cu(NO3)2…
    • Muối axít: Là muối mà trong đó gốc axít còn nguyên tử “H” chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại như NaHCO3; Ca(HCO3)2…
    4. Tổng kết
    [​IMG]

    Hình 1: Sơ đồ tư duy bài Axit - Bazơ - Muối


    Bài tập minh họa
    Bài 1:
    Lấy ví dụ về một số axit đã biết. Em hãy nhận xét điểm giống và khác nhau trong các thành phần phân tử trên.

    Hướng dẫn:
    Một số axit là: HCl, H2SO4, HNO3, H3PO4

    • Giống: đều có nguyên tử H.
    • Khác: các nguyên tử H liên kết với các nhóm nguyên tử (gốc axit) khác nhau.
    Bài 2:
    Viết công thức hoá hóa học của các axit sau:

    a) axit sunfuhidric.

    b) axit cacbonic.

    c) axit photphoric.

    Hướng dẫn:
    a) axit sunfuhidric có công thức là H2S

    b) axit cacbonic có công thức là H2CO3

    c) axit photphoric có công thức là H3PO4

    Bài 3:
    Viết công thức hoá học của các axít có gốc axít cho dưới đây và cho biết tên của chúng. (-Cl, = SO3, = SO4, = S, -NO3.)

    Hướng dẫn:
    Các axit với công thức và tên gọi tương ứng là:

    • Ứng với gốc -Cl ta có axit clohiđric HCl
    • Ứng với gốc = SO3 ta có axit sunfurơ H2SO3
    • Ứng với gốc = SO4 ta có axit sunfuric H2SO4
    • Ứng với gốc = S ta có axit sunfuhiđric H2S
    • Ứng với gốc -NO3 ta có axit nitric HNO3
    Bài 4:
    Viết công thức hoá học bazơ tương ứng với các oxít sau: BaO; MgO; FeOvà đọc tên các Bazơ trên.

    Hướng dẫn:
    Các bazơ tương ứng là: Ba(OH)2; Mg(OH)2; Fe(OH)2

    Tên gọi của bazơ Ba(OH)2 là: Bari hiđroxit

    Tên gọi của bazơ Mg(OH)2 là: Magie hiđroxit

    Tên gọi của bazơ Fe(OH)2 là: Sắt (II) hiđroxit

    Bài 5:
    Công thức hóa học ứng với các tên gọi sau là:

    Kẻm clorua, Nhôm sunfat, Sắt (III) nitrat, Kalihiđrocacbonat, Natrihiđrosunfat.

    Hướng dẫn:
    • Kẽm clorua: ZnCl2
    • Nhôm sunfat: Al2(SO4)3
    • Sắt (III) nitrat: Fe(NO3)3
    • Kalihiđrocacbonat: KHCO3
    • Natrihiđrosunfat: KHSO4
    Bài 6:
    Trong các muối sau muối nào là muối axit, muối nào là muối trung hoà:

    NaH2PO4, BaCO3, Na2SO4, Na2HPO4, K2SO4, Fe(NO3)3

    Hướng dẫn:
    • Muối trung hoà: Là muối mà trong gốc axít không có nguyên tử “ H” có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại là: BaCO3, Na2SO4, K2SO4, Fe(NO3)3
    • Muối axít: Là muối mà trong đó gốc axít còn nguyên tử “H” chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại là: NaH2PO4, Na2HPO4