Kế hoạch của tôi trong những ngày lễ

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Những ngày lễ đang trôi qua. Ý tôi là “trôi qua” theo đúng nghĩa đen. Tôi chôn chân ở nhà với một lịch trình “Chẳng làm gì cả”. Chẳng làm gì không hẳn là ở không, đúng hơn là dành thời gian bình tâm và suy nghĩ. Thiền định, ngồi trên sofa và thưởng thức vị của trà, tôi còn viết ra mọi ý tưởng mình có trên hai chiếc bảng lớn treo trong nhà.

    Hai cái bảng trắng đó đã tồn tại hơn mười lăm năm, nó ghi lại biết bao kế hoạch và ý tưởng của tôi. Không có chúng, chắc tôi cũng không ở đây giờ này.
    Trên những chiếc bảng ấy, tôi vẫn thường tự phân tích và đặc biệt chú tâm vào việc tạo ra những thói quen mới, đồng thời cải thiện các thói quen cũ tốt hơn. Đối với tôi, một người thành công chỉ đơn giản là có nhiều thói quen tốt.

    Khi những ngày nghỉ kết thúc và công việc quay trở lại, thật ngạc nhiên là tôi cảm thấy rất tuyệt. Tôi đã lên kế hoạch cho cả năm, đọc được vài cuốn sách tuyệt vời. Tôi hoàn toàn không bị kiệt sức vì phải chạy đi chạy lại từ hàng quán này đến khách sạn kia liên tục vì các cuộc hẹn. Những ngày lễ tiếp theo tôi vẫn sẽ chẳng làm gì như thế.


    [​IMG]
    Quay lại thời thơ ấu ở Canada, tôi từng dành nhiều năm trên lưng ngựa “meandering” trong rừng. “Meandering” là một từ cổ và hiếm gặp của người Anh mà cha tôi vẫn thường dùng. Nó có nghĩa là “vơ vẩn loanh quanh mà không ý thức rõ bản thân muốn gì”. Nhiều người hẳn nghĩ: “Sao nghe quê mùa thế”. Nhưng sự thật thì, trưởng thành theo cách ấy góp một phần lớn vào sự phát triển óc sáng tạo, tính độc lập, khả năng giải quyết khó khăn cũng như không ngần ngại đương đầu thách thức.

    Quanh quẩn trong rừng suốt hơn mười lăm năm, đó là một tuổi thơ yên bình. Bất cứ khi nào rảnh rỗi tôi lại lao ngay ra rừng mà không có bất kì mục đích hay điểm đến nào cả, chẳng có “phải đi từ A đến B”, chẳng có con đường vạch sẵn. Mỗi ngày, đơn giản là một hành trình mới.
    Đôi khi, tôi bắt buộc phải bước xuống ngựa và xem rằng mình đang ở đâu. Tôi nhìn lên Mặt trời, nhìn xuống dưới chân, rồi lại tiếp tục.
    Trên lối mòn cuộc đời cũng thế, bạn không nhất thiết phải bước từ A đến B một cách tỉ mỉ. Không cần, nếu bạn đã phát triển được thói quen nhìn trước nhìn sau mỗi khi bước đi, biết dừng lại để suy nghĩ và điều chỉnh, tìm ra một hướng đi mới tốt hơn. Điểm đến tiếp theo có thể là C chứ không phải B như dự tính.

    Thế giới đang biến đổi xung quanh chúng ta, chậm rãi nhưng chắc chắn. Điều tốt nhất ta có thể làm là học cách tư duy và đưa ra sự điều chỉnh, không ngừng học hỏi, biến đổi bản thân cùng với thế giới; giống như từng giọt từng giọt nước từ dòng suối nhỏ xuống, từng chút bồi đắp cho dòng sông.
    Điều tuyệt vời nhất của việc chọn bước trên con đường còn chưa được khai hoang hoặc như khi mò mẫm đi trong rừng rậm, ta sẽ quen dần với việc phải đối mặt với những bất ngờ và chướng ngại mới, nhờ thế tính cách được xây dựng và sự linh hoạt được tạo nên. Rừng thực sự rất quan trọng. Nó nắm giữ tất cả những uyên thâm của thời đại trước khi Internet và smartphone ra đời, trước khi công nghệ sinh ra và tước đi quyền khám phá của thế giới. Mọi thứ đã từng rất nguyên sơ, rất hoang dại, mặc dù khá nguy hiểm nhưng cũng cực kì kích thích.

    Sự “tư duy” cũng không thể tránh khỏi lối mòn đó, cũng đang lao xuống con đồi suy giảm. Với sự khởi đầu của công nghệ, bộ não ta không còn nhiều cơ hội được tận dụng nữa. Mọi thứ đều được lập trình và lên kế hoạch sẵn. Tất cả những gì chúng ta đang làm là trôi theo dòng chảy.
    Tôi thường cố dành một lượng thời gian mỗi ngày để cho não tư duy. Bắt buộc phải tiếp tục tư duy và tự lên kế hoạch là cách duy nhất để ép bản thân tôi phải tự lực, tránh khỏi lối sống lập trình. Cũng giống như lúc tôi từng cưỡi ngựa trong rừng, tôi thường phải dừng lại, suy nghĩ và chọn ra một hướng đi mới.

    Tôi có thói quen ít nhất mỗi tuần một lần, dành ra vài giờ suy nghĩ về cuộc sống, về tương lai, các mối quan hệ, những thói quen tốt và xấu của bản thân. Tôi viết ra những gì mình thích, những thứ cần phải cải thiện, vạch ra những chiến lược cho cuộc sống để tôi có thể tiếp tục tận hưởng sự thoải mái mình đang có. Tôi thích ví bản thân giống như một vị tướng giữa chiến trường, liên tục đưa ra chiến lược. Nếu ta chiến đấu một cách mù quáng mà không có chiến lược gì cụ thể, việc bại trận là điều hiển nhiên. Chiến lược là thứ cần được cập nhật liên tục sau mỗi động thái trên chiến trường. Chẳng khác cho lắm so với chuyện lang thang trong rừng với đầy những con nhện khổng lồ, nếu không có kế hoạch gì cụ thể, khả năng cao là bạn sẽ kết thúc với một quả đầu đầy nhện.

    Tư duy của ta khá giống với việc quanh quẩn ở rừng. Ý tưởng sáng tạo nhất sẽ đến vào lúc ít mong đợi nhất, khi bạn hoàn toàn không đeo đuổi nó. Mỗi khi viết, tôi thường tập trung vào màn hình, gõ hết chữ này đến chữ khác, suy nghĩ câu cú và kiểm tra ngữ pháp. Nhưng thật ra, quá trình sáng tạo đã hoàn tất ngay từ trước khi tôi đặt mông vào ghế. Sáng tạo diễn ra khi tôi ngồi nghỉ hoặc đi dạo, vào lúc tâm trạng thư thái nhất và tôi đơn giản chỉ là để tâm trí được quanh quẩn.

    Một lời khuyên mà tôi thường chia sẻ với bạn bè là: “Hãy dành nhiều thời gian hơn để ngồi xuống và suy nghĩ”.
    Bạn không nhất thiết phải liên tục bước đi. Tư duy sáng tạo và việc vạch chiến lược đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Bạn không thể có năng lượng nếu cứ tiếp tục cố sức chạy đua với công việc và cuộc sống. Vì vậy, khi có ngày nghỉ, cứ ngồi xuống, thư giãn, suy nghĩ, tái lập lại tư duy và chọn hướng đi mới. Đi bất cứ nơi nào bạn thích, đến một vị trí C “thần thánh” nào đó chẳng hạn.