Miêu tả cây mai ngày tết lớp 6 hay nhất

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Miêu tả cây mai ngày tết lớp 6 hay nhất


    11.jpg
    Sắc đẹp thanh cao, phú quý của loài hoa mai​


    • Mở bài:
    Thật không có loài hoa nào có vẻ đẹp cao sang và lộng lẫy như hoa mai. Trong mỗi dịp tết đến xuân về, hoa mai bung nở vàng cả thôn làng, dệt nên sắc xuân tươi thắm. Sắc vàng rực rỡ làm không gian tết trở nên sống động khác thường.
    • Thân bài:
    Nếu người miền Bắc yêu chuộng cái sắc hồng son phơn phớt của hoa đào thì người miền Nam lại say mê cái sắc vàng ươm tươi tắn của hoa mai. Cả hai loài hoa đều mang đến cho cái tết cổ truyền Việt Nam nét xuân quyến rũ và sức sống mãnh liệt trong nghìn năm qua.
    Ở nước ta, mai có hai loại: mai xuân và mai tứ quý. Mai xuân chỉ nở khi mùa xuân đến. Mai tứ quý là hoa mai nở rải rác quanh năm. Mai tứ quý là một loại hoa mai vàng nhưng sau khi rụng cánh hoa còn lại đài hoa đỏ và hạt xanh (khi chín hạt sẽ chuyển thành màu đen). Bởi vậy khi hoa đã tàn mà người ta còn ngỡ như cây mai đang chuyển sang một vận hội khác.
    Còn có một loại hoa mai khác nở hai lần trong năm. Chính vì vậy loài mai này còn có tên là “Nhị độ mai” (tức “mai nở hai lần”). Loài mai này tuy nhiều lần ra hoa nhưng hoa nở lác đác, hòa lẫn trong lá xanh, không mấy ấn tượng. Bởi thế ít được trồng.
    Cây mai có dáng vẻ thanh cao đến kì lạ. Thân cây mềm mại, lá xanh thắm biếc dịu dàng, hoa tươi rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Để cho hoa nở đúng vào ngày mùng một đầu năm người ta thường bẻ lá đồng loạt và tưới cây. Việc làm ấy nhằm kích thích nụ hoa bung nở và lộc biếc vươn cành. Ngày đầu năm mới, một vài đóa mai nở chen lẫn trong lộc non chồi biếc là dấu hiệu của sự an lành, thịnh vượng, niềm may mắn sẽ đến.
    Hoa mai nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa mai thường có năm cánh. Cá biệt có hoa tới những chín cánh, mười cánh. Những cánh hoa vàng kết dính vào tâm, xếp đều trên đài hoa màu xanh khỏe khoắn tạo nên nét tương phản hài hòa làm nổi bậc sắc vàng tươi. Nhị hoa bé xíu rung rinh trong gió. Từng chùm lá non khoe khuẩy trong nắng. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của an lành, của một năm thịnh vượng, an khang.
    Ấn tượng nhất là khi hoa mai nở. Mới đêm qua, búp nụ còn e ấp, thế mà sáng ra, cả cây mai rực rỡ sắc vàng. Nhìn xa xa giống như một chiếc đèn lồng khổng lồ. Những cánh hoa bé xíu dịu dàng đu đưa trước gió cho ta cảm giác thanh bình, ấm áp ngày xuân. Có lẽ, hoa mai là loài hoa thắng thế trong cuộc đua sắc màu. Nó là loài hoa nở trong ngày đầu tiên của năm, là loài hoa nhiều hoa và rực rỡ nhất.
    Tươi đẹp là thế. Rực rỡ là thế. Tuy nhiên, hoa mai nhanh nở chóng tàn. Hoa nở trong tuần là bắt đầu rụng cánh. Từng cánh hoa thưa thớt rụng xuống. Rồi bỗng một sớm nào đó, toàn bộ cây mai trút bỏ chiếc áo vàng chỉ còn trơ trọi cành. Mấy búp chồi xanh cũng đứng trầm tư trong im lặng như tiếc nuối sắc hoa. Thế nên, người xưa hoa mai thường ví như cái đẹp mỏng manh, dễ vỡ.
    Nếu hoa cúc bình dị, hoa đào tươi tắn thì hoa mai lại mang vẻ đẹp cao sang hiếm có. Thế nhưng, cái cao sang ấy không kiêu hãnh như hoa hồng, thược dược, lay ơn,… mà âm thầm lặng lẽ đến khiêm nhường. Bởi thế, hoa mai rất dễ hòa hợp với mọi không gian. Từ vườn quê thanh bình đến phố thị náo nhiệt, hoa mai luôn giữ vị trí không thể thay thế được trong mọi gia đình vào ngày tết đến xuân về.
    Có mai là có xuân. Xuân đến tết về. Một cành mai cắm vào lọ độc bình để ở chính giữa nhà là đã có cả một mùa xuân rực rỡ, một cái Tết đầy hi vọng đang ngự trị trong gia đình. Người ta chơi mai không phải chơi để thưởng ngoạn. Chơi mai là để trân quý cái đẹp của đất trời xứ sở. Mỗi cành hoa mai còn biểu hiện cả cuộc sống gia đình sum vầy trong năm mới sắp đến.
    Bằng một cây mai, người Việt đã đưa vũ trụ nhân sinh vào trong thú chơi tao nhã này. Một cành mai như thế phải có đủ cả thượng, hạ, tả, hữu; bao gồm cả thiên, địa, nhân. Lại có cả ngũ hành tương sinh tương khắc hòa quyện triết lí Đông phương. Nếu phần thân rễ biểu hiện cho cốt cách cứng cỏi của người quân tử thì phần hoa thịnh khai nở rộ trong ba ngày tết thêm lá non nẩy lộc tươi mát là nguồn hạnh phúc, là tài lộc vượng phát, sung túc của gia đình trong năm mới đang lần lần đi tới với gia chủ.
    • Kết bài:
    Đến rồi đi, nở rồi tàn nhanh chóng theo thời gian. Đời hoa ngắn ngủi vô thường. Bởi vậy, hoa mai được xem như là biểu trưng sâu sắc cho cái vòng xoay tuần hoàn đầy khắc nghiệt của vũ trụ. Từ nghìn năm qua, hoa mai vẫn giữ một vai trò trọng yếu trong tâm linh người Việt. Hoa mai trở thành biểu tượng của mùa xuân, của cái đẹp đất trời, của tâm hồn Việt Nam bình dị mà hòa thắm yêu thương.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài làm 2:
    • Mở bài:
    Yêu hoa mến cảnh, vui thú điền viên, sống hòa hợp với thiên nhiên cây cỏ vốn là bản sắc văn hóa và lối sống của người Việt từ xưa đến nay. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người Việt ta yêu chuộng hoa mai đến thế. Hoa mai tượng trưng cho ý niệm về cái đẹp và sự may mắn, tốt lành trong cuộc sống. Bởi thế, trong ngày tết đến xuân về, mà trong nhà không có một cành mai vàng thì cái tết cổ truyền cũng thiếu phần long trọng và ý nghĩa.
    • Thân bài:
    Trước sân nhà ông tôi có một gốc mai già. Nó thực sự rất già bởi tôi thấy gốc nó đã rất to, cằn cỗi và hết sức uy nghi. Ông tôi bảo, tuổi của cây mai ấy còn lớn hơn cả tuổi của tôi. Đó là tính về tuổi đời. Còn nói về số cánh hoa nở, có lẽ là một con ố rất lớn.
    Buổi sớm, tiết xuân lành lạnh, tôi ngồi trên thềm ba nhìn ngắm cây mai. Cây mai đĩnh đạc ngự giữa sân nhà. Một vài cánh hoa nở sớm đã lác đác rụng xuống như muốn điểm tô cho phần nền còn đơn điệu sắc màu. Những chùm hoa xòa to ở gốc và thu nhỏ dần nhỏ ngọn. Nhìn xa xa, cây mai già giống như một chiếc đèn lồng vàng khổng lồ lung linh ánh sáng.
    Gốc mai cằn cỗi, xù xì lớp vỏ. Những đường gân rắn chắc nổi lên phô diễn sức mạnh của cội rễ. Thân cây phân thành bốn nhánh vươn thẳng lên cao. Khi nói về cây mai, người ta cứ hình dung thân cây uốn lượn ngoằn ngoèo theo kiểu bosai. Nhưng kì thực, đó là do tạo tác của người trồng mai mà thôi. Cây mai dáng thẳng, thanh cao, vươn lên chứ ít khi cong quẹo. Cúng ít khi cây mai có một thân. Thân của mai thường là nhiều nhánh lớn. Từ nhánh lớn phân ra vô số nhánh nhỏ khẳng khiu nhưng dẻo dai, rắn chắc. Lá mai, hoa mai phát triển ở thân, cành và nhánh mai.
    Nổi bậc nhất ở cây mai chắc chắn là hoa. Hoa mai có màu vàng tươi sáng. Mỗi hoa thường có năm cánh, được gắn kết vững chắc trên đài hoa màu xanh lá. Nhiều loài mai có hơn năm cánh. Nhụy hoa bé xíu điểm tô sắc vàng cho tòa hoa thêm lộng lẫy.
    Trước khi có được cái sắc vàng tươi óng ánh ấy, cây mai đã trải qua một quá trình đầy khắc nghiệt. Suốt mùa đông giá rét, cây mai im lìm, không hề có sự chuyển dịch nào. Sắc lá dần dần sậm màu, gân lá có lại như đã cố hết sức đến hồi cạn kiệt sinh lực. Cho đến cuối mùa đông, sau một đêm sương đậm, lá hoa từ biệt cành nhánh, thả mình rơi xuống nằm im trên đất. lúc này, cây mai trơ trọi cành. Mọi nguồn sống như dừng lại. Nhìn thấy thấy cảnh ấy, ai chẳng nao lòng. Ấy thế mà, sau một vài đêm sương nữa, người ta thấy trên những cành nhánh gầy ốm kia bắt đầu nhú lên những chồi, những nụ non rúc rích.
    Thì ra, sau một giấc ngủ đông, cây mai cựa mình thức dậy. Nó thu mình tĩnh lặng là để chuẩn bị cho một cuộc hồi sinh mãnh liệt khi tiết trời chớm bước sang xuân. Một hơi ấm của mùa xuân cũng có thể làm bừng dậy sắc màu. Bởi thế mà, đêm ba mươi, sáng mùng một, hoa đã nở. Ban đầu lác đác một vài đóa, sau đó là cả một tòa hoa rực rỡ.
    Hoa nở, ong bướm cũng bay về rập rờn. Nhiều nhất là mấy chú ong mật cứ bay đi, bay lại ve vãn cánh hoa. Các cô bươm bướm cũng tìm đến như muốn so đọ xem sắc màu ai sặc sỡ hơn. nhiều lức vô tình chạm vào cánh hoa, sợ hoa rụng các cô bay lên cao quan sát. Thấy không có chuyện gì lại sà xuống, rập rờn không thôi. Bởi thế mà dù trời không có gió mà cánh hoa không ngừng lay động.
    Hoa mai nở vội vàng rồi rụng rơi cũng mau chóng. Sau ba ngày tết, từng cánh hoa héo rũ, rơi xuống và cuống bay theo gió. Sự tàn héo ấy khiến tôi ngỡ ngàng. Ông tôi xoa đầu tôi bảo bởi hoa tươi sắc nên ông trời ghen với hoa mà cho nó một cuộc đời ngắn ngủi đấy thôi.
    Tôi trầm tư suy nghĩ, cái đẹp là cái mong manh, càng đẹp càng mong manh. Đất trời quả thực cũng có lúc không công bằng. Càng tươi đẹp, càng khó gìn giữ. Cây mai đã đợi chờ cả một năm trời để có thể tỏa sáng trong mấy ngày ngắn ngủi. Nó đã vượt qua biết bao kham khổ, gió rét,sự tàn phai để nở. Nó dành tất cả sinh lực của mình để sống đẹp đẽ trong khoảnh khắc. Càng suy ngãm, tôi càng thêm khâm phục. Có lẽ, bởi thế mà người xưa thường ví nhân cách của người quân tử như cành mai nở trong gió tuyết, cốt cách người quân tử như thân mai cằn cỗi nhưng cuộn tràn sức sống.
    Hoa mai vàng chi chít trên cành là biểu tượng của sự thịnh vượng, phúc đức. Sắc vàng tươi là biểu tượng của sự phồn vinh, thắng thế. Mỗi đóa mai nở khiến người ta tin rằng tài lộc sẽ đến, may mắn tràn đầy, niềm vui nảy nở. Màu vàng còn là màu của hành Thổ, hành trung tâm trong ngũ hành. Bởi thế, người Việt chọn hoa mai (màu vàng) chứ không chọnhoa đào (màu hồng) làm tín vật đầu năm là thể hiện khát vọng làm chủ cuộc sống, làm chủ đất trời vũ trụ này.
    • Kết bài:
    Có mai là có xuân. Mấy nghìn năm qua, dân tộc ta luôn dành cho cây hoa mai một sự tôn quý danh dự. Và tình yêu ấy tôi tin chắc rằng sẽ còn gìn giữ đến mai sau.