Một Nền Giáo Dục Việt Nam Hiện Đại - Kỷ Yếu Hội Thảo - Tự Học - Tự Giáo Dục - Tập thể tác giả Nhóm Cánh Buồm

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪


    Ban đầu, đây chỉ là một văn bản giải thích cho các thành viên nhóm Cánh Buồm về việc viết sách giáo khoa. Bởi vì, muốn viết lại dù chỉ một cuốn sách giáo khoa ở lớp thấp nhất cho chỉ một môn học, thì cũng cần có lập luận toàn diện, rành mạch và đầy đủ, trước hết là đủ thuyết phục chính người viết lại một cuốn sách đó – chưa nói tới một bộ sách với nhiều cuốn sách do nhiều người viết.
    Như vậy, việc viết lại sách giáo khoa theo một định hướng khác cũng có nghĩa là đề xuất một phương án Cải cách Giáo dục (CCGD) với mong muốn áp dụng càng sớm càng tốt những sản phẩm CCGD mới (ở đây mới chỉ là sách giáo khoa) vào công cuộc giáo dục của đất nước.
    Nền giáo dục nước ta đã tiến hành nhiều đợt cải cách. Song những cải cách đó thực chất mới chỉ là những cuộc sửa chữa hoặc thay sách giáo khoa đầy nhược điểm :
    1. Không cải cách về nguyên lý, chỉ cải tiến vụn vặt ;
    2. Không có “tác giả” rõ ràng – thiếu một tư tưởng và thiếu một người chịu trách nhiệm ; và
    3. Không có một cái “van an toàn” – những thực nghiệm triển khai trước, trong và sau công việc “cải cách” hoặc thay sách.
    Trong bản đề án này, tác giả đưa tới độc giả những quan điểm, ý tưởng không chỉ của riêng mình, mà còn tập hợp quan điểm, ý tưởng của nhiều bậc trí thức khác đầy tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
    Đây cũng chỉ là một bản dự thảo đề án, không phải là phương án duy nhất hoặc phương án cuối cùng. Bản đề án là mặt lý thuyết (hướng đi, cách làm) tương ứng với mặt sản phẩm (chương trình học, sách giáo khoa). Để cho lý thuyết này hiển hiện một cách “thị phạm”, dễ hiểu, tác giả đề án tổ chức biên soạn mẫu một bộ sách giáo khoa bậc Tiểu học (theo đề án sẽ được đổi tên thành bậc Phổ thông Cơ sở kéo dài 10 năm)**
    Nguyên lý cải cách của bản đề án này là gì ? Đó là nguyên lý hiện đại hóa. Nền giáo dục của mỗi thời đại được quyết định bởi trình độ sản xuất và trình độ tư duy tương ứng. Cách đây trăm năm, vài trăm năm, ta còn chấp nhận được cách dạy học của nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công nghiệp. Nhưng trong cuộc sống ngày hôm nay, khi cạnh tranh và hòa nhập là điều áp đặt cho mọi dân tộc, thì không thể chấp nhận được cách dạy học cũ. Do đó, hiện đại hóa là nguyên lý mang tính chất bắt buộc.
    Hiện đại hóa bằng cách nào ? Bằng cách thay thế nguyên lý cũ “giảng giải áp đặt – ghi nhớ sao chép” bằng nguyên lý mới tổ chức việc học của trẻ em theo định hướng tự học – tự giáo dục. Bản đề án vận dụng những thành quả nghiên cứu của tâm lý học, với cái trục trung tâm là ba nhà tâm lý học hiện đại : Jean Piaget, Hồ Ngọc Đại và Howard Gardner. Cái lõi của toàn bộ công cuộc giáo dục là hệ thống việc làm của người học, “học bằng việc làm – học thì làm – làm thì học” như vẫn nói trong cụm từ quen thuộc “learning by doing”.
    Bản Dự thảo này mang tính chất “mở”. Để tiếp nhận những ý kiến phê phán, đóng góp, tác giả đã cùng nhóm Cánh Buồm lập website hiendai.edu.vn. Địa chỉ này hoan nghênh mọi ý kiến trao đổi vì một cuộc Cải cách Giáo dục mà dân tộc không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu hơn nữa.
    Tuy khẩn trương đấy, nhưng thuyết phục dư luận xã hội đối với một định hướng giáo dục mới là điều không dễ dàng. Tác giả đề án này dùng giải pháp thị phạm để lôi cuốn các chuyên gia và cả những người không phải là chuyên gia tham gia vào phương án Cải cách Giáo dục qua một bộ sách thể hiện rõ việc học của con em – đó là lý do sự ra đời của nhóm Cánh Buồm.
    Nhóm Cánh Buồm gồm những giáo viên trẻ tình nguyện cùng nhau biên soạn sách giáo khoa và thực nghiệm những tài liệu biên soạn đó để nghiên cứu quá trình sư phạm hóa rộng rãi sản phẩm của mình.
    Trong chừng mực nhất định, tác giả đề án này, cùng với nhóm Cánh Buồm, cùng với những sản phẩm của nhóm Cánh Buồm, ba thành phần đó cần được đánh giá như một thực thể bao gồm công việc nghiên cứu và triển khai Cải cách giáo dục dưới góc độ khơi mào, đưa ra một đường hướng với những sản phẩm cụ thể. Việc làm này là sự phản biện cả trên phương diện lập luận và trên phương diện chứng minh tính khả thi của lập luận đó.


    1 (294).jpg

    ✪ ✪ ✪ ✪ ✪


    Link tải tài liệu:

    LINK TẢI TÀI LIỆU