Ngành Công nghệ chế tạo máy

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Được xem là chuyên ngành mũi nhọn trong nhóm ngành Cơ khí, ngành Công nghệ chế tạo máy được đánh giá cao, đây là ngành quyết định trình độ kỹ thuật và công nghệ của một đất nước. Để giúp bạn tìm hiểu về ngành học này, bài viết xin chia sẻ thông tin tổng quan về ngành Công nghệ chế tạo máy.

    1. Ngành Công nghệ chế tạo máy là gì?

    • Công nghệ chế tạo máy (tiếng Anh là Manufacturing Engineering) là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí…
    • Ngành có vai trò tham gia trong hoạt động sản xuất thực tế, nơi các kỹ sư công nghệ chế tạo máy tham gia việc vận hành toàn bộ quy trình chế tạo ra các sản phẩm (cơ khí), đồng thời tối ưu hóa quá trình sản xuất đảm bảo tính hiệu quả, tính kinh tế nhất có thể.
    • Cơ khí chế tạo máy thường tạo ra các giả lập mô phỏng hoạt động của các đối tượng, như quy trình chế tạo thực tế theo trình tự tối ưu hóa sự thực hiện, hiệu quả kinh tế và chi phí năng lượng trước khi quyết định lựa chọn một thiết kế cụ thể.
    • Chương trình đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy cung cấp cho sinh viên kỹ năng thiết kế chế tạo máy và chi tiết máy, hệ thống sản xuất và các loại sản phẩm là thiết bị phục vụ nền kinh tế quốc dân và cộng đồng; kỹ năng tự tổ chức thực hiện các quá trình gia công, sản xuất chi tiết máy và máy, từ khâu chuẩn bị đến gia công, chế tạo ra thành phẩm; kỹ năng quản lý, điều hành các quá trình gia công, điều hành hệ thống sản xuất cơ khí và hệ thống sản xuất công nghiệp có liên quan; kỹ năng về vận hành thiết bị, bảo quản, bảo dưỡng máy móc, thiết bị…; kỹ năng thu thập xử lý thông tin, phân tích cách yêu cầu, giới hạn mục tiêu thiết kế qua các điều kiện ràng buộc; kỹ năng tìm lời giải qua các bước phân tích và các công cụ hỗ trợ… để có thể đáp ứng yêu cầu công việc của kỹ sư chế tạo máy sau khi tốt nghiệp.
    01.jpg

    2. Ngành Công nghệ chế tạo máy thi khối gì?

    - Mã ngành: 7510202
    - Ngành Công nghệ chế tạo máy xét tuyển các khối thi sau:
    • A00: Toán - Vật lý - Hóa học
    • A01: Toán - Vật lý - Tiếng Anh
    • B00: Toán - Hóa học - Sinh học
    • D07: Toán - Hóa học - Tiếng Anh
    • C01: Ngữ văn - Toán - Vật lý
    • D01: Ngữ văn - Toán - Tiếng Anh
    Theo thay đổi phương án tuyển sinh của Bộ Giáo dục, ngành Công nghệ chế tạo máy được tuyển sinh theo nhiều khối xét tuyển khác nhau. Để tìm hiểu khối thi cụ thể, thí sinh nên tham khảo tại thông tin tuyển sinh của trường xét tuyển.

    3. Điểm chuẩn ngành Công nghệ chế tạo máy như thế nào?


    Điểm chuẩn của ngành năm 2018 như sau:
    • Theo phương thức xét học bạ THPT: điểm chuẩn dao động trong khoảng 18 - 21 điểm.
    • Theo phương thức xét điểm thi THPT Quốc gia: điểm chuẩn dao động trong khoảng 14 - 18 điểm.
    4. Trường đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy

    - Khu vực miền Bắc:
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
    • Đại học Hải Phòng
    • Đại học Thủy lợi
    • Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên
    • Đại học Công nghệ Đông Á
    • Đại học Bách khoa Hà Nội
    - Khu vực miền Trung:
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh
    • Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng
    • Đại học Nha Trang
    - Khu vực miền Nam:
    • Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
    • Đại học Công nghiệp TP.HCM
    • Đại học Công nghệ Đồng Nai
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
    • Đại học Công nghệ Đồng Nai
    5. Học Công nghệ chế tạo máy ra làm gì?

    Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết để đáp ứng một số vị trí công việc dưới đây:
    • Làm các công việc kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất tại các đơn vị sản xuất cơ khí chế tạo máy.
    • Tư vấn, thiết kế, vận hành, điều khiển hệ thống sản xuất chế tạo máy, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, quản lý, tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
    • Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
    • Thi công hoặc giám sát việc thi công và hoàn tất các máy và thiết bị sản xuất đã thiết kế.
    • Tham gia bộ phận vẽ kỹ thuật cơ khí, đòi hỏi phải có kiến thức về cơ khí, các phần mềm CAD
    • Lập trình gia công máy CNC
    • Tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu...
    • Tham gia công việc khai thác hệ thống sản xuất công nghiệp: vận hành, bảo trì, xử lý sự cố các thiết bị công nghiệp
    • Tham gia thiết kế các sản phẩm cơ khí, giám sát quá trình sản xuất ra các thiết bị cơ khí đó
    • Giảng dạy các môn học của chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy ở các trường Đại học, Cao đẳng.
    • Nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo máy ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm, các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học, Đại học và Cao đẳng.
    6. Mức lương ngành Công nghệ chế tạo máy

    Ngành Công nghệ chế tạo máy có mức lương cạnh tranh, tùy thuộc vào vị trí công tác và năng lực chuyên môn. Mức lương phổ biến của ngành dao động trong khoảng 8 - 15 triệu.

    7. Tố chất cần có để học Công nghệ chế tạo máy


    Để có thể theo học ngành Công nghệ chế tạo máy, người học cần có một số tố chất dưới đây:
    • Có tư duy sáng tạo và tư duy logic
    • Yêu thích máy móc và công nghệ máy
    • Ham học mỏi và tìm hiểu
    • Có sức khỏe tốt, có khả năng chịu áp lực công việc
    • Có khả năng làm việc độc lập
    Trên đây là thông tin tổng quan về ngành Công nghệ chế tạo máy. Bài viết hy vọng đã cung cấp tin tức hữu ích, giúp thí sinh tìm hiểu ngành học hiệu quả.