Nghị Luận lòng biết ơn

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nghị Luận lòng biết ơn


    28.jpg
    Sống có lòng biết ơn là lối sống cao đẹp​


    • Mở bài:
    Lòng biết ơn vốn là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Sống biết ơn thể hiện sâu sắc lối sống trọng tình trọng nghĩa, cưu mang tương trợ lẫn nhau. Biết ơn người khác là một phẩm chất cần có ở mỗi con người.
    • Thân bài:
    Biết ơn là gì?

    Biết ơn là ghi nhớ và trân trọng những gì có giá trị mà mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là cơ sở khẳng định phẩm chất của con người.
    Biểu hiện của lòng biết ơn:

    Người có lòng biết ơn là người luôn biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác trao tặng hay để lại cho mình. Họ luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống. Mỗi một sự giúp đỡ ý nghĩa đều khiến họ cảm động và hàm ơn.
    Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với các chuẩn mực đạo lí làm người. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.
    Ngày 27/7 hằng năm, trở thành ngày lễ trọng đại tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình bảo về và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc. Truyền thống ấy đã được duy trì và phát huy trong mấy chục năm qua và ngày càng trở nên lớn mạnh.
    Chúng ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh công ơn của các thầy cô giáo vào ngày 20/11. Và ngày 20/11 hằng năm trở thành dịp để các em học sinh và phụ huynh thể hiện sâu sắc lòng biết ơn những người thầy đã hết lòng giáo dục các em nên người.
    Lòng biết ơn trở thành truyền thống văn hóa ăn sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống cao đẹp ấy đã biến thành hành động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống hiện nay. Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành chuẩn mực đạo đức của mỗi con người Việt Nam.

    Tại sao sống cần phải có lòng biết ơn?

    Không ai có thể một mình mà gây dựng nên cả thế giới. Những gì chúng ta có được hôm nay là do công sức và trí tuệ của biết bao người đã dày công sáng tạo nên. Kế thừa thành quả lao động của các thế hệ đi trước là bản chất của xã hội. Sự phát triển của xã hội loài người là tiếp nhận và phát huy các thành quả sẵn có và sáng tạo ra cái mới.
    Dù chúng ta dùng tiền hay vật chất để có được nó nhưng nếu nó không được tạo ra thì dù có thật nhiều tiền ta cũng không thể có được. Bởi thế, khi được thụ hưởng một giá trị nào, ta phải biết ơn những người đã tạo ra thành quả ấy.
    Lòng biết ơn là một đức tính cần có ở mỗi con người. Bởi nó là biểu hiện cao nhất của tâm hồn lối sống tình nghĩa. Nếu một người không biết ơn những gì anh ta đang có, thì anh ta cũng sẽ không có cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được. Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ơn với những điều tích cực trong cuộc sống của mình, hơn là việc lo lắng về những gì mình không có.
    Sống có lòng biết ơn thể hiện lối sống văn hóa, tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xem trọng lối sống thân tình, hữu ái. Nó không những biểu hiện ở lối sống nghĩa tình mà trở thành văn hóa ứng xử của cộng đồng. Biết ơn người khác làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hiền hòa, ngày càng khăng khít, tốt đẹp hơn
    Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực, mẫu mực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.

    Phải làm gì để rèn luyện và thể hiện lòng biết ơn trong cuộc sống?

    Trước hết, phải biết ơn những người đã mang lại cho mình những giá trị lợi ích. Hãy biết ơn và tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã không quản khó nhọc nuôi dạy chúng ta nên người. Luôn biết nói lời cảm ơn khi nhận một điều tốt đẹp từ người khác.
    Tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong xã hội. Lòng biết ơn không nên nằm ở lời nói hay thái độ mà biểu hiện thành những hành dộng cụ thể, thiết thực, thực sự đem lại tác động tích cực đối với xã hội.
    Thường xuyên thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của bản thân đối với những người đã tạo dựng ra các thành qủa lao động trong xã hội. Tuyên dương, ca ngợi và tôn vinh kịp thời, đúng lúc những hành động tốt đẹp trong cuộc sống xung quanh mình.
    Trân trọng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do cha ông để lại. Không ngừng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ấy trong thời đại mới.
    Phấn đấu học tập tốt, rèn luyện nhân cách nhân phẩm trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.

    Phê phán những biểu hiện của lòng vô ơn:

    Trong cuộc sống còn có nhiều người sống vô ơn. Họ sống cá nhân, ích kỉ, chỉ biết nhận lấy mà không biết ơn. Họ tự tách mình ra khỏi các quy luật của đời sống, tách biệt với cộng đồng,. Thậm chí là chà đạp lên các thành quả lao động do người khác để lại. Những người như thế thật đáng chê trách.
    Tục ngữ ta có nhiều câu nói về sự vô ơn: “ăn cháo đá bát”; “qua cầu rút ván”; “vong ơn bội nghĩa”… Thái độ sống ấy không những thể hiện sự kém cỏi của nhân cách con người mà còn khiến họ bị người người khác xa lánh ghét bỏ.

    Bài học:
    Sống có lòng biết ơn là lối sống văn hóa, khẳng định phẩm chất cao quý của con người. Là học sinh chúng ta phải biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô giáo. Phấn đấu học tập và rèn luyện mình để không phụ lòng người khác đã kì vọng, mong đợi.
    • Kết bài:
    Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói: “Các gốc rễ của tất cả việc tốt đến từ nguồn gốc của sự hiểu rõ giá trị của lòng tốt”. Hiểu rõ và hành động để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn nữa trong cuộc sống là trách nhiệm của mỗi con người. Bởi vậy, sống biết ơn người khác là lối sống cao thượng cần được đề cao và tôn vinh trong cuộc sống này.