Nghị luận: vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của học sinh hiện nay

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nghị luận: vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của học sinh hiện nay


    17.jpg
    Ngôn phong của học sinh ngày nay có xu hướng suy thoái nghiêm trọng​


    • Mở bài:
    Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế, từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những từ ngữ mới, tiến bộ thì không ít những từ ngữ tối nghĩa, tục tĩu cũng xuất hiện. Kèm với nó là thái độ giao tiếp của học sinh hiện nay cũng xuống cấp trầm trọng đến mức báo động. Ngôn ngữ giao tiếp của học sinh ngày nay là vấn đề cần phải quan tâm sâu sắc.
    • Thân bài:
    Ngôn ngữ là gì?

    Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu đồng thời là phương tiện để con người tư duy và giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ trong xã hội.
    Một định nghĩa khác coi ngôn ngữ là một hệ thống hình thức của các dấu hiệu được điều chỉnh bởi các quy tắc kết hợp theo ngữ pháp để truyền tải ý nghĩa. Định nghĩa này nhấn mạnh rằng ngôn ngữ con người có thể được mô tả như hệ thống kết cấu khép kín. Hệ thồng này bao gồm các quy tắc ánh xạ các dấu hiệu đặc biệt tới các ý nghĩa đặc biệt.

    Giao tiếp là gì?

    Giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe nhằm đạt được một mục đích nào đó. Mục đích của giao tiếp là nhằm thiết lập và củng cố các mối quan hệ xã hội. Hoạt động giao tiếp có thể tiến hành bằng ngôn ngữ hoặc bằng các hệ thống kí hiệu khác. Trong đó, giao tiếp bằng ngôn ngữ là hoạt động giao tiếp chủ đạo trong đời sống con người.

    Thực trạng văn hóa ngôn ngữ giao tiếp ở giới trẻ hiện nay

    Hiện nay, nảy sinh vấn đề lệch chuẩn trong giao tiếp của giới trẻ. Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
    Một thực trang cho thấy ngày nay năng lực sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của học sinh rất kém. Tình trạng này còn biểu hiển cả trong học tập. Không những sử dụng không đúng chức năng ngôn ngữ mà lối giao tiếp còn bộ lộ sự thô lỗ, thiếu lịch sự tế nhị.
    Học sinh ngày nay làm dụng quá nhiều tiếng lóng, tiếng bồi trong giao tiếp. Điều này trước đây ít thấy hoặc không thấy xuất hiện. Việc giao tiếp kém còn thể hiện cả tròn hành vi và lối sống.
    Không thể đổ lỗi cho quá trình hội nhập quốc tế hay sự phát triển công nghệ thông tin. Trước đây, khi nền văn hóa phương Tây ồ ạt xâm nhập vào nước ta thông qua các nhà truyền giáo, người Pháp hay người Mỹ, có làm cho ngôn ngữ giao tiếp nước ta thay đổi nhưng theo chiều hướng tích cực. Nó bổ sung vào hệ thống từ vựng và làm trong sáng thêm Tiếng Việt dựa trên các nguyên tắc chuẩn mực. Còn ngày nay, với ý thức sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm của giới trẻ làm cho ngôn ngữ giao tiếp bị xáo trộn, tối nghĩa, dung tục.
    Có thể đưa ra một vài minh chứng rõ ràng về hiện tượng này. Thay vì nói “đồng ý” họ lại dùng “oke”, “tình yêu” thành “tềnh iu”, biến đơn vị ngàn trong tiền tệ thành “k”. Chê bai ai thì gọi là “cùi bắp”, “cục gạch”, “sến”. Lại còn lối bắt chước thành ngữ tạo nên những cụm từ vô nghĩa như: “chán như con gián”, “ghét như con bọ chét”, “nhỏ như con thỏ”,“chán như con gián“… Hay lối chơi chữ dung tục, khiếm nhã như: “tốc độ bàn thờ” (tốc độ chết người), “báo lá cải” (tờ báo tự phát), “tin vịt” (không đáng tin cậy), “óc chó”(ngu ngóc), “hại não” (khó hiểu), “thiếu muối” (ngu dốt),…
    Lại còn có kiểu ghép từ nửa tây nửa ta hết sức khập khiễng: “Ugly tiger” (xấu hổ), “bye nhé” (tạm biệt), “4U” (For you – cho bạn), “2NT” (Tonight – tối nay), “G92U” (Good night to you). “y2k” (thế hệ năm 2000)…
    Không những thế, học sinh ngày nay còn nảy sinh lối viết tắt hết sức buồn cười: “dzạy là zui ròi đó”, “bjo mk di dau”, “vk ck vs nhau ko nen to tieng”, “m wen no tu bjo”,…

    Hậu quả của việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay:

    Nhiều kiểu nói và viết như vậy dần làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. Hiện tượng ấy còn gây ảnh hưởng nguy hại đối với văn hóa ứng xử của con người. Có thể nói trong những năm gần đây, Tiếng Việt đã đánh mất đi sức mạnh biểu đạt của mình. Nhiều từ ngữ tốt đẹp không còn được sử dụng nữa. Thay vào đó là lớp từ ngữ mới có kết cấu ngữ pháp lỏng lẻo. Ý nghĩa lời nói thiếu rõ ràng, trong sáng. Cách sử dụng ngôn ngữ cẩu thả, tùy tiện không phù hợp với hình thức giao tiếp. Từ đó hàm nghĩa cũng không mấy tích cực.
    Tiếng Việt đang bị nhiễm bẩn bởi nói tục, chửi bậy. Hiện tượng nói tục thì quốc gia nào cũng có. Nhưng nước ta có lẽ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nói tục trở thành thói quen, nhu cầu, sự “khoái khẩu” ở mọi đối tượng, trừ trẻ chưa biết nói. Đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, vấn đề nói tục chửi thề đang bị lạm dụng đến mức đáng báo động. Họ lợi dụng những từ ngữ mới đểu trêu đùa hay xúc phạm nhau một cách quá đáng. Chẳng hạn như “đm”, “v*”, “đm*”, “sm*”, “tđ*”,… Hàm nghĩa của từ mới này chưa được xác nhận nên việc hiểu nó đối với người khác khá hạn chế.
    Nói bậy, chửi thề có thể do giới trẻ thấy người xung quanh nói nhiều, lại không được ai nhắc nhở rằng việc đó là sai trái, nên cứ quen miệng học theo. gần như, giới trẻ hiện nay đã miễn nhiễm với hiện tượng này. Họ thấy nó quen tai, thấy thú vị, cũng muốn làm theo.
    Việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm nảy sinh bạo lực trong xã hội .Chỉ vì lời nói mà làm nảy sinh mâu thuẫn ,dẫn đến nhiều cuộc xung đột quyết liệt để lại hậu quả đáng tiếc. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hơn 60 số vụ đánh nhau hiện nay có liên quan đến vấn đề lời nói.
    Tóm lại, trước trào lưu sử dụng tiếng lóng, lạm dụng tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ khiến tiếng Việt đang có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc sử dụng tiếng lóng cũng có tác dụng nhất định đối với giới trẻ như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo…làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.

    Nguyên nhân sử dụng ngôn ngữ tùy tiện trong giao tiếp của giới trẻ:

    Do sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng. Trước hết là truyền hình. Đây là loại phương tiện thông tin đại chúng phổ biến nhất trong xã hội. Truyền hình ảnh hưởng lớn nhất đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ. Các kênh truyền hình góp phần phát tán các trường hợp lệch chuẩn trong giao tiếp ngôn ngữ. Mục đích là tạo ra sự khác lạ để thu hút người xem. Việc tiếp cận các văn hóa phẩm lệch lạc dễ dàng khiến cho giới trẻ mất kiểm soát bản thân. Từ đó, có những hành vi lệch chuẩn sau một thời gian tiếp cận nó.
    Một số tờ báo cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước.
    Mặt khác, các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát có khả năng gây sosk ở bất kỳ một người có học vấn nào. Các nhà quảng cáo bán hàng cũng lợi dụng tiếng lóng, tiếng bồi, tiếng ghép để thu hút người tiêu dùng. Đó là nguyên nhan chủ yếu tạo nên xu thế ngôn ngữ lệch chuẩn này.
    Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội và các thông tin quảng cáo. Người tham gia không cần biết người đối thoại là ai. Họ sẵn sàng văng lời tục tĩu, thô thiển để thóa mạ, dìm “hàng” người khác.
    Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…). Bởi giao tiếp gián tiếp nên người nói rất mạnh miệng, không hề nể sợ, tôn trọng hay giữ phép lịch sự đúng mức nên ngôn ngữ có phần quá đáng.
    Trào lưu, “mốt” sử dụng tiếng lóng, tiếng nhại, ngoại ngữ, ngôn ngữ @ để giao tiếp trở thành yếu tố để muốn tự khẳng định đẳng cấp của mình đang xâm nhập và lan tỏa ở giới trẻ hiện nay.

    Giải pháp khắc phục hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện trong giao tiếp của giới trẻ:

    Trước hết, bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài. Những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ khiến trẻ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.
    Nhà trường giáo dục học sinh thức bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội. Học sinh tự trau dồi và làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy. Dạy và học đúng chuẩn tiếng Việt. Thầy cô giáo không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh… Không sử dụng sách giáo khoa, từ điển kém chất lượng và có nhiều sai sót. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường.
    Ngành Giáo dục và Đào tạo phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Cơ quan quản lí văn hóa phải kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kĩ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận.
    Và trên hết là mỗi học sinh phải biết tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó tiếp thu tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình.

    * Phê phán: Nhiều học sinh dù được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn cố chấp sử dụng Tiếng Việt lệch chuẩn, thiếu trong sáng trong giao tiếp. Họ xem việc nói tục chửi thề, tiếng lóng, tiếng ngoại là bình thường. Họ vận dụng những kiểu nhại âm, cắt âm một cách tối nghĩa trong giao tiếp. Điều đó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và lệch lạc trong giao tiếp. Những người như thế thật đáng chê trách.

    * Bài học: Luôn rèn luyện ngôn ngữ giáo tiếp. Luôn vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Đặc biệt là đối với lứa tuổi hóc sinh. Khi nhân cách chưa định hình thì cần phải rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp. Tránh lệch lạc nhân cách dẫn đến các hành vi sai trái.
    • Kết bài:
    Như vậy, vấn đề văn hóa ngôn ngữ và giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho thế hệ trẻ nhất là cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Trong đó bản thân giới trẻ – chủ thể của nhận thức và hành động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”