Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Văn mẫu lớp 8

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Bài làm 1

    Bài làm:
    Ngày nay, cả nhân loại đang trên đường hướng đến một xã hội học tập. Vì vậy, sách trở thành một phương tiện quan trọng để con người đến với tri thức. Càng ngày sách càng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của mình với đời sống nhân loại.
    Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống: khoa học, nghệ thuật, đời sống,… Sách được phân loại chảng những theo thể loại, lĩnh vực mà còn theo độ tuổi, sở thích của từng đối tượng. Sách được in với nhiều thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mang đến bất kì đâu trên thế giới.
    Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới.
    Sách lưu giữ những thông tin, những giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại. Như vậy, sách chứa đựng toàn bộ những giá trị nhân loại trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để các thế hệ sau tiếp nối và phát triển. Những phát minh của người Ai Cập, Hi Lạp cổ đại,… những phát minh của các nhà bác học lỗi lạc,… tất cả được lưu lại trong những mảnh da, những mai rùa hay những trang giấy trắng… đều đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại.
    Sách không chỉ dùng để luu trữ những giá trị đời sống mà sách còn cung cấp tri thức cho con người. Nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhờ có sách mà con người thật sự người hơn. Sách cho ta những tri thức cần thiết trong học tập, trong công việc và trong đời sống. Ông cha ta từng dạy: “Một kho vàng không bằng một nang sách”, sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là của kho vô tận. Sách đã trở nên vô giá với nhân loại. Những phát minh của Ê-đi-sơn, Niu-tơn,… nhờ được lưu giữ lại trong sách mà thế hệ sau có thể hiểu được những gì cha ông đâ làm được từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển những lĩnh vực khác.
    Bên cạnh đó, sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm,… của mình vào những trang giấy. Một quyển sách dù mỏng hay dày đều chất chứa bao nỗi lòng của tác giả. Không chỉ thế, khi đọc sách người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đó chính là những vui, buồn, hờn giận hay căm ghét, bực bội… mà cảm xúc của ta hướng đến khi đọc những câu chuyện, những trang thơ.
    Đặc biệt, sách còn có tác dụng lớn đối với việc giáo dục. Đó là giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục ý thức thẩm mĩ,… Sách văn chương cho ta những tình cảm yêu thương con người, cho ta những kiến thức về thẩm mĩ,… như những bài ca dao, những tác phẩm văn học (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm,…). Sách đời sống lại cho ta những bài học đạo đức giá trị như câu chuyện “Cô bé bán diêm”, “Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ri,..
    Khi đọc sách, chúng ta cần chú ý lựa chọn loại sách phù hợp với bản thân. Đó là sự phù hợp về lứa tuổi, về nhu cầu phát triển, thẩm mĩ. Trong quá trình đọc, cần có sự chuyên tâm và tập trung để đạt hiệu quả lớn nhất. Sách giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Nhờ có sách nhân loại mới tiến lên, xã hội mới phát triển. Với biết bao ích lợi từ việc đọc sách, mỗi người chúng ta đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết chăm chỉ, chuyên tâm vào việc đọc sách.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Bài làm 2

    Bài làm:
    Không có sách không có tri thức
    Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao tầm quan trọng của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: "Để vàng để bạc chẳng bằng để sách cho con" (Ngạn ngữ Việt Nam). Danh ngôn thế giới cũng ghi nhận sự quý báu không thể thiếu của sách đối với đời sống tinh thần của con người, chẳng hạn, ví sách như bánh mì của tinh thần, ví căn nhà không có sách giống như cơ thể không có linh hồn, coi sách là người bạn tốt nhất, đặc biệt là một cuốn sách tốt được coi như một người bạn chân thực không bao giờ phản bội.
    Có thực là sách quan trọng đến thế không? Trong lớp tôi, trong nhóm bạn cũ, họ hàng và hàng xóm, tôi thấy có nhiều người không thích đọc sách, họ đọc rất ít, mỗi năm có lẽ chi đọc chưa đến một quyển sách. Mà cuộc sống của họ vẫn trôi đi bình thường, vui vẻ, thậm chí nhiều người rất giàu có và hạnh phúc. Họ bảo, thiếu tiền, thiếu gạo thì chết chứ thiếu sách không chết được đọc làm gì cho lắm, thành "con mọt sách" vô tích sự. Ý kiến của bạn thế nào bạn có nghĩ như vậy không? Riêng tôi, tôi không tán thành quan niệm coi thường sách của những người không ưa sách đó. Tại sao trẻ con phải đến trưòng học? Từ xưa đến nay, nếu không có sách lưu giữ cả một kho tàng kinh nghiệm, tri thức của nhiều thế hệ đi trước thì khi nắm xương người đã mục nát cùng cây cỏ, cái gì còn lại cho các thế hệ đến sau học hỏi, tiếp nối? Thử tưởng tượng, ở thời đại văn minh công nghiệp ngày nay mà thế giới không có thư viện, không có sách, con người sẽ tồn tại theo cách nào?
    Bạn hãy trả lời tôi vài câu hỏi đơn giản ấy, chúng ta sẽ ngay lập tức khẳng định được vai trò quan trọng và vị trí không thể thiếu của sách trong đời sống nhân loại từ xưa đến nay.
    Từ khi con người có chữ viết là có sách ra đời. Chỉ có điều cách đây vài nghìn năm, sách được làm bằng mai rùa, xương thú, rồi tiến tới bia đá, thẻ tre… Những cuốn sách đầu tiên mang hình hài gần giống ngày nay có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỉ XV khi con người phát minh ra kĩ thuật in ấn. Như vậy, trong suốt quá trình tiến hóa, loài người đã đánh dấu các giai đoạn phát triển văn minh của mình bằng chính sự tiến hóa của sách. Sách ngày càng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Học sinh đến trường có sách giáo khoa, sách tham khảo. Người tri thức có sách giáo khoa, sách chuyên môn. Người làm nghề liên quan đến nghệ thuật, văn chương, ngôn ngữ thì có sách truyện, tiểu thuyết, thơ, sách nghiên cứu phê bình,…. Ngoài ra, còn nhiều các loại hình sách khác phục vụ mọi đối tượng độc giả khác nhau như: sách phổ biến kiến thức, sách giải trí, sách bói toán, sách dạy đối nhân xử thế, nữ công gia chánh, võ thuật… và loại sách nào cũng có tác dụng riêng của nó, nói nhu một triết gia: "Sách trí cũng có lợi cho sức khỏe như tập thể dục". Sách giúp con người nâng cao hiểu biết, bồi bổ trí tuệ, quan trọng hơn nữa là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn để con người thực sự "người" hơn. Đối với lứa tuổi chúng ta, những tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi thế giới như: Không gia đình, Túp lều bác Tám, Những tấm lòng cao cả… dạy chúng tôi biết sống yêu thương, nhân ái, đùm bọc sẻ chia. Hai vạn dặm dưới biển hay Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoay-ơ chúng tôi đến với những miền đất lạ vói bao hồi hộp khám phá và khát vọng thế hiện bản lĩnh vượt khó những cuốn sách quý đó luôn ờ bên tôi, thực sự an ủi động viên hay khích lệ tôi như một người bạn và chính là một phần hành trang giúp tôi bước vào đời.
    Cô giáo tôi thường xuyên khuyên chúng tôi, khi đọc sách nên có một tư duy độc lập và phản biện: Không nên tin tưởng tuyệt đối vào tất cả những điều được viết trong sách mà nên luôn luôn đặt câu hỏi vì sao, giả thiết ngược lại thi nào: đọc sách như thế mới mang lại hiệu quả mong muốn. Đúng như một triết gia nhận xét, cách đọc thông minh là cách đọc của người "suy nghĩ nhiều" để thấy mình "biết ít" mà gắng "đọc thêm nữa": "nếu đọc nhiều mà không suy nghĩ thì anh sẽ tương tượng rằng mình biết nhiều, còn nếu suy nghĩ nhiều trong lúc đọc thì hẳn anh sẽ thấy mình biết ít". Mẹ tôi cũng thường nhắc nhờ khi thấy tôi đọc truyện kinh dị hoặc truyện phù thủy mà cứ một mực tin vào những sự việc kì quái để đến nỗi mất hồn vía, mẹ mượn lời một người xua: “ đọc sách mà cả tin ở sách thì chăng bằng không có sách". Mẹ bảo tôi, đọc sách phải chọn lọc, phải biết điều khiển hứng thú của mình, cuốn sách đó cũng giống như người bạn xấu, sẽ có lúc làm hại bạn. Còn cuốn sách tốt giống như người bạn chân thực, không bao giờ phản bội, mở ra thì gợi niềm hi vọng và gấp lại thì đem đến hữu ích cho ta. Chọn được những cuốn sách tốt và biết kết hợp hài hòa điều đọc được trong sách với thực tiễn cuộc sống đời thường chúng ta sẽ tránh khỏi tình trạng "mọt sách" đáng tiếc.
    Những năm gần đây, internet phát triển nhanh chóng làm xã hội thay đổi nhiều. Có mặt tốt lên nhưng không phải không có mặt xấu đi. Một trong những mặt xấu đi đó là tình trạng độc giả giảm đáng kể. Tôi chưa biết có một cuộc khảo sát xã hội học nào thống kê hứng thú đọc sách của độc giả Việt Nam mấy năm lại đây song nghe tin tức từ đài phát thanh truyền hình, từ báo chí hoặc nhà trường thì có vẻ như việc đọc của học sinh, sinh viên đặc biệt là sinh viên chuyên ngành xã hội nhân văn đang giảm sút đáng kể. Thế nên, các chuyên gia văn hóa giáo dục mới phải tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu sách với câu danh ngôn hàng đầu: "Không có gì có thể thay thế văn hoá đọc". Và những câu chuyện tiếu lâm đại loại như học sinh trả lời thầy giáo số năm sinh, năm mất (1766 – 1820) viết đằng sau tên Nguyễn Du là số điện thoại nhà riêng của ông ấy, khộng còn là hiếm. Nguyên nhân chủ yếu đầu tiên phải kế đến là sự hấp dẫn của thế giới ảo, các bạn trẻ bị hút vào nhũng chương trình, trò chơi sự kiện của internet đến nỗi không còn thời gian và niềm say mê dành cho sách nữa. Điều đó góp phần dẫn đến hậu quả tâm hồn xơ cứng, tình cảm lạnh lùng – lí do sâu xa của những hành động bạo lực nghiêm trọng hay những hành vi vi phạm pháp luật xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên: đâm chém người khi bị trái ý, trả thù thay, cô khi bị phạt, tổ chức lạm dụng tình dục tập thể, bắt cóc tống tiền, giết người cướp của… Đương nhiên, còn nhiều nguyên nhân xã hội khác cùng lúc "phối hợp" làm méo mó cách ứng xử của thế hệ trẻ ngày nay. Nhưng rõ ràng, nhìn từ góc độ nhà trường và gia đình, việc giảm sút văn hóa đọc cả vế số lượng và chất lượng là nguyên cơ sâu xa dẫn đến các hành tội ác. Hầu hết những trẻ em phạm tội đều sinh ra và lớn lên trong một môi trường rất thiếu sách tốt, hoặc không có người định hướng chọn sách, hoặc không được giáo dục hứng thú với sách từ khi còn bé thơ… Thiếu những cuốn sách tốt ngay trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, đó là một bất hạnh lớn rất cần được xã hội quan tâm giúp đỡ khi mà gia đình và nhà trường đã "bó tay”
    Thời đại công nghệ thông tin hẳn không phải là "kẻ thù" của văn hóa đọc. Càng ngày càng có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới hay những cuốn sách khoa học nghiên cứu chuyên môn sâu có uy tín được đăng tải trên mạng internet. Chỉ cần chúng ta cân đối thời gian, điều chỉnh hứng thú là có thế dễ dàng "vào thư viện" đọc những cuốn sách quý ngay tại nhà hoặc tại "cà phê nét" chi với chiếc máy tinh nhỏ.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Bài làm 3

    Bài làm:
    Sách có từ bao giờ? Có lẽ sách chỉ ra đời khi con người có nhu cầu ghi lại những gì mà người ta nhận thức về thế giới xung quanh, nhằm lưu giữ và truyền lại cho hậu thế.
    Ta được biết, ban đầu sách có nguồn gốc là những chiếc mai rùa, xương thú có ghi chữ viết, sau đó là thẻ tre, da động vật. Chỉ đến khi nền công nghiệp giấy ra đời, công nghệ in phát triển, ta mới có những quyển sách được in giấy như bây giờ. Sự có mặt của sách trên thế gian này là như thế.
    Trước khi có sách, tri thức của nhân loại được tích lũy bàng con đường truyền khẩu. Những kinh nghiệm gieo trồng, cách đoán biết về thời tiết, những phát hiện về đời sống về vũ trụ, về giới tự nhiên… tất cả đều đã được lưu giữ trong những ca dao tục ngữ, thậm chí cả trong những truyện ngụ ngôn, cổ tích…, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
    Cùng với chữ viết, sách là phương tiện để con người ghi lại những nhận thức của mình về thế giới. Sự ghi lại ấy lại được chia thành những lĩnh vực khác nhau: khoa học, triết học, thơ ca… Mỗi lình vực lại là một cuộc hành trình dài của con đường chiếm lĩnh và khám phá thế giới tự nhiên và tâm hồn con người. Các thế hệ nối tiếp nhau đã ghi lại những thành quả lao động, học thuật của mình. Vì thế, Chu Quang Tiềm cho rằng: sách là “kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, củng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại" (Bàn về đọc sách)
    Cũng với ý nghĩa này, sách đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người các thế hệ tiếp nối nhau, trong hành trình tìm hiểu, chiếm lĩnh thế giới, vừa tiếp thu những thành quả nhận thức của các thế hệ cha anh, vừa không ngừng làm dày thêm kho tàng tri thức nhân loại bằng những phát hiện của mình, làm cho sách ngày càng trở thành tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Chúng ta, những người đọc thế hệ sau, có thể nhìn thấy qua sách hình ảnh con đường mà xã hội loài người đi dến tương lai.
    Bên cạnh vai trò là phương tiện tri thức nhân loại, sách còn là phương tiện để con người tim hiểu về thế giới quanh mình. Đối với mỗi cá nhân, sách luôn mở ra những chân trời mới (chữ dùng của Lê-nin). Những tư tưởng khoa học, những phát hiện, những dự đoán, những đánh giá., của thế hệ trước là những gợi ý quý giá để con người tiếp tục khát vọng chinh phục vũ trụ của mình.
    Tuy nhiên, cũng có khi, sách với tất cả những kết tinh quý giá của tinh thần nhân loại, lại chỉ là đối tượng thưởng lãm của con người. Cũng giống như một bức tranh, một tia nắng hay một bài thơ, sách mang lại cho con người cảm giác thư thái, bình yên. Trong những thú vui tao nhã của nhà Nho, không thể không kể đến thú vui đọc sách. Nguyễn Trãi – nhà Nho, nhà tư tưởng thế kỉ XV đã từng có câu thơ rằng: “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn. Khách tục không ai bén mảng gần”. Đây là một cách để tạo ra một không gian đầy thú vị cho thú đọc sách, ngâm thơ của minh.
    Ngày nay, cùng với sách, các phương tiện thông tin ngày càng trở nên đa dạng. Văn hóa đọc hình thành từ khi có sách, đến nay không còn giữ nguyên ý nghĩa là đọc trong sách mà mở rộng thêm: đọc trong báo, đọc trên mạng… Sách tồn tại trong cuộc sống không chỉ là sách được bán ở hiệu sách mà sách được đưa lên mạng… Dù dưới hình thức nào, đối với con người, nhu cầu tìm hiểu thế giới tự nhiên và thế giới con người không bao giờ vơi cạn. Vì thế, sách mãi mãi vẫn giữ vai trò quan trọng của mình trong đời sống nhân loại, là phương tiện giúp con người nhận thức về thế giới và khám phá thế giới.
    Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu nhận thức về thế giới và thưởng thức vẻ đẹp của trí tuệ, chừng nào loài người còn biết đề cao văn hóa, và các giá trị tinh thần, thì chừng ấy sách vẫn còn là một công cụ hữu hiệu và vô giá trong công cuộc khai hóa nền văn minh.
     
  4. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Bài làm 4
    Bài làm:
    Gorki từng nói “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để đi tới gần con người”. Nhận xét này đã khái quát một cách chính xác vai trò của sách đối với cuộc sống nhân loại. Mỗi cuốn sách mở ra trước mắt con người những chân trời mới.
    Sách là sản phẩm của xã hội văn minh, sự ra đời của sách chứng tỏ một bước tiến quan trọng của xã hội loại người. Trước đây khi chữ viết, giấy viết chưa ra đời, con người chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng lời nói, cử chỉ và hành động. Hình thức giao tiếp ấy chỉ có thể dễn ra trong phạm vi hẹp, khoảng cách ngắn, hẹp về thời gian và không gian. Khi chữ viết, giấy viết và nhất là kỹ thuật in ra đời, xã hội loài người đã được tận hưởng một thành tựu vô cùng quý giá của khoa học kĩ thuật. Chúng ta có thể ghi lại những điều chúng ta nghĩ và có thể truyền nó đến cho rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Sách ra đời như vây và đã mang đến nhiều lợi ích cho con người. Thử tưởng tượng thế giới chúng ta đang sống không có một cuốn sách nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu và lưu giữ vốn kiến thức khổng lồ của loài người ở đâu? Có lẽ xã hội loài người sẽ lại chìm trong mông muội và u tối.
    Tất nhiên, sách không phải là phương tiện duy nhất để ghi lại và truyền đạt thông tin từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày xưa, cha ông ta đã dùng hình thức truyền miệng. Tuy “Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” nhưng hìmh thức truyền miệng bao giờ cũng có dị bản theo quy luật “tam sao thất bản”. Có thể đối với văn học dân gian, với những sáng tác của tập thể nhân dân thì không sao song với những tri thức khoa học, xã hội, tư tưởng… dị bản gây ra những tác động tiêu cực. Vì thế, các tri thức về lịch sử, thiên văn, khoa học tự nhiên và xã hội đều xảy ra sự mất mát, sai hụt, thiếu chính xác. Khi những tri thức ấy được ghi lại bằng văn bản và được gìn giữ một cách có ý thức thì người đời sau sẽ nhận được nhhững tri thức chính xác do thế hệ trước truyền lại. Ngày nay, chúng ta có truyền thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác, song tất cả đều không thể thay thế được sách. Mỗi phương tiện truyền thông tin có những ưu, nhược điểm riêng và chúng không thể thay thế nhau. Cùng một nội dung cốt truyện nhưng xem phim và đọc tiểu thuyết lại mang lại hai kết quả cảm nhận khác nhau. Đối diện với trang sách, người đọc được hoàn toàn độc lập và tự do phát huy tưởng tượng và suy luận của mình. Sách giúp con người phát triển trí tưởng tưởng, tư duy sáng tạo và độc lập suy nghĩ. Mỗi trang sách sẽ mang đến cho người đọc những tri thức thú vị. Ngồi trước trang sách là người đọc đang thực hiện cuộc đối thoại với tác giả. Với hình thức ngôn ngữ chữ viết – phương tiện giao tiếp quan trọng nhất – sách giúp người đọc có điều kiện nghiền ngẫm, suy nghĩ và tiếp nhận chính xác, đầy đủ nội dung thông tin. Hơn thế nữa, sách là phương tiện có khả năng truyền đạt thông tin rộng rãi và tiện lợi nhất bởi hình thức tiếp nhận thông tin đơn giản là đọc.
    Dù xã hội có phát triển đến đâu, có thêm nhiều hơn nữa các phương tiện truyền đạt thông tin hiện đại, nhưng sách vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống. Đọc sách là một hoạt động có tính chất văn hoá của người đọc. Đọc sách gì và đọc như thế nào cũmg là một phương diện của văn hoá mà chúng ta vẫn gọi là văn hoá đọc. Ngày nay, vì có quá nhiều và quá sẵn những hình thức tiếp nhận thông tin tiện lợi và hiện đại dẫn đến việc nhiều người coi thường vai trò của sách. Đó là một thực tế đáng buồn. Thờ ơ với sách sẽ dẫn đến những lối sống thụ hưởng, buông thả, những tâm hồn nghèo nàn và cằn cỗi. Lạm dụng các phương tiện tiếp nhận thông tin quá tiện dụng như băng hình, phim ảnh.. . con người dễ rơi vào tình trạng tiếp nhận thông tin thụ động.
    Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế của sách đối với đời sống hiện đại. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải biết quý trọng những trang sách, bởi đó là nơi kết tụ tâm hồn, trí tuệ và tâm huyết của bao người thuộc bao thế hệ. Khi viết lên mỗi trang sách, người viết đã gửi gắm vào đó tất cả tình cảm và trí tuệ của mình. Hãy trân trọng những trang sách “mênh mông trí tuệ” của nhân loại, sách sẽ mang đến cho các bạn những món quà vô giá.
     
  5. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Nghị luận về Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại – Bài làm 5

    Bài làm:
    "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Đó là lời khẳng định đanh thép, hùng hồn của M.Gorki mà tôi vô cùng tâm đắc. Chúng ta hãy thử hình dung cuộc sống sẽ ra sao nếu như thiếu vắng những cuốn sách? Đối với đời sống nhân loại ở mọi thời đại thì sách luôn là nguồn tri thức vô tận, là người bạn tốt, giữ vai trò tuyệt đối quan trọng. Sách được coi là "chất vàng mười” được kết tinh từ khối óc và linh hồn của nhân loại. Các bạn trẻ thân mến! Chắc hẳn các bạn đều nhận thức được tâm quan trọng của sách chứ?
    Sách quả là một sản phẩm tinh thần kì diệu lớn lao trong nhũng điều kì diệu. Loài người phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi công sức mới tôi luyện được những cuốn sách quý giá để phục vụ chính cuộc sống của nhân loại, có được một cuốn sách quý trong tay như có được một người bạn tri âm. Không chỉ đến ngày nay nhân loại mới thấy được vai trò của sách mà từ thuở xa xưa, mỗi dân tộc đã có một hình thức văn tự riêng ghi trên mai rùa, xương thú, da cừu, đồng đá, gỗ… cũng được con người coi là những sách quý. Bởi đó là sự kết tinh, hội tụ của nhưng hiểu biết, kinh nghiệm mà thế hệ trước lưu truyền cho các thế hệ sau.
    Ở nước ta, trải qua hàng nghìn năm nô lệ, bọn thực dân đã dùng nhiều thủ đoạn dã man để nhằm tiêu huỷ đời sống tinh thần của nhân dân ta. Trong đó thủ đoạn “đốt sách chôn nho" là tiêu biểu hơn cả. Song thật đáng tự hào biết bao khi người dân ta bằng mọi cách đã bảo vệ và lưu giữ được những cuốn sách quý dù chỉ bằng tre, bằng da thú… bởi vậy, những cuốn sách như "Đại Việt sử lược”, "Đại Việt sử kí toàn thư”… đã “vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn "sống mãi với thời gian. Đến tận ngày nay, chúng ta đọc lại những cuốn sách đó thì như được sống cùng thời kì lịch sử hào hùng thuở xa xưa đó. Chẳng thế mà Ngô Sĩ Liên đã khẳng định: "Ngày xưa, sách (sử) làm tin là điều lớn của đất nước, để ghi chép quốc thống lúc chia lúc hợp, để tỏ rõ trị hoá khi thịnh khi suy. Ấy là muốn treo gương răn cho đời sau, há chi chép về dĩ vãng. Ắt là thiện ác phải làm rõ ràng trong khen chê thì người sau mới biết ý khuyên răn, ắt là bút mực phải phục vụ nhiều cho tâm chí thì trước thuật mới gọi là xem được, không thể làm cẩu thả, há đâu nói dễ dàng”.
    Xã hội loài người ngày càng thay da đổi thịt, do đó chữ viết và kĩ nghệ in cũng phát triển. Hơn thế nữa trình độ học vấn ngày càng nâng cao, nhu cầu về đời sống tinh thần được chú trọng. Vì vậy sách trở thành phương tiện tối ưu để nâng cao hiểu biết, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân loại. Sách là vật gối đầu giường của con người. Mỗi khi mở một cuốn sách ra thì con người như lạc vào một thế giới bao la, vô tận của thiên nhiên, lịch sử và con người như được du hành trên vũ trụ. Nhân loại có thể tìm thấy cả một chân trời tri thức thông qua sách như: khoa học, giáo dục, chính trị, văn hoá, y học… Sách đem đến cho nhân loại biết bao điều kì thú, hấp dẫn. Sách là hành trang cần thiết không thể thiểu để con ngươi sống tốt, sống thực sự có ý nghĩa. Đồng thời sách còn góp phần đặc biệt quan trong để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Nghề phát hành sách cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho xã hội. Chỉ có thể nhận thức đúng vai trò của sách trong đời sống thì chúng ta mới trân trọng những quyển sách giống như sự trân trọng của nhân vặt ông giáo trong tác phẩm "Lão Hạc" của Nam Cao. Ông giáo dù bị gánh nặng cơm áo ghì sát đất cũng nhất định không chịu bán những cuốn sách. Đến cùng đường ông giáo phải bán đi những quyển sách quý trong sự dằn vặt đau đớn. Thế mới biết sách có tầm quan trọng như thế nào đối với con người. Hãy nâng niu trân trọng những cuốn sách như chính sự sống của mình vậy!
    Thử hỏi xã hội loài người làm sao có thể mở rộng tầm hiểu biết nếu không có những cuốn sách? Chỉ có thể qua sách vở con người mới được thoả sức tìm tòi, nghiên cứu và phát minh ra những cái vĩ đại như tên lửa hạt nhân, tàu vũ trụ…. Sách vở đem đến cho con người vốn hiểu biết vô tận. Đó không chỉ là những hiểu biết của hiện tại hay tương lai mà đáng quý hơn cả còn là những hiểu biết trong quá khứ. Những sự kiện xảy ra cách đây hàng mấy ngàn năm, tưởng chừng bị thời gian băng hoại, xoá nhòa, vùi lấp, nhưng trái lại nhờ những dòng chữ, những trang sách mà cả một kho kiến thức được hiển hiện, lung linh toả sáng, thu hút sự tìm tòi phát hiện của con người. Mỗi trang sách mở ra là một trang đời với biết bao ý nghĩa sâu xa làm rung động bao trái tim độc giả.
    Vai trò của sách ngày càng được nâng lên ở tầm vĩ mô bởi chỉ có chữ viết trên những trang sách mới có thể lưu giữ được tất cả những tinh hoa được chắt lọc từ cuộc sống nhân loại. Từ những vấn đề lớn lao như nguồn gốc vạn vật trong vũ trụ, nguồn gốc loài người, những phát minh vĩ đại trong khoa học tự nhiên… cho đến diện mạo tinh thần của thế giới hay của từng dân tộc đều được lưu lại trong sách vở. Cho nên, sách được đánh giá là kho tàng kiến thức phong phú và quý giá nhất của nhân loại.
    Thật đáng quý biết bao khi sách không chỉ mang đến cho con người nguồn tri thức vô tận mà còn là phương tiện giao lưu rất hữu ích giữa các dân tộc trên thế giới. Qua sách mà các tác phẩm nỗi tiếng cũng như tên tuổi của các tác giả nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới đều được đông đảo độc giả trên toàn thế giới đón nhận một cách nồng nhiệt. Ngày nay chúng ta biết đến L.Tônxtôi với “Chiến tranh và hoà bình", biết đến M.Sôlôkhôp với "Song Đông êm đềm hay biết đến sử thi Hi Lạp… cũng nhờ có sách. Những cuốn sách ấy mở ra cho nhân loại một chân trời mới, giúp chúng ta hình dung ra sự phong phú, độc đáo của tất cả các lĩnh vực trên thế giới. Ẩn đằng sau mỗi hàng chữ của mỗi trang sách có biết bao điều kì diệu làm mê hoặc lòng người.
    Trong điều kiện sống hiện nay, không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Do đó chúng ta cần tận dụng khả năng và sự đáp ứng tuyệt vời của sách. Những trang giấy mỏng manh kia đủ sức đưa bạn vượt trùng dương đến với những xứ sở kì lạ của những kim tự tháp Ai Cập cổ xưa, những đền đài kiến trúc lộng lẫy ở châu Âu, Vạn Lí Trường Thành hùng vĩ ở Trung Quốc và những cảnh quan tuyệt vời mà tạo hoá ban tặng cho con người. Nào mời các bạn cùng tôi đi vào vũ trụ bao la chứa bao điều bí ẩn hay ngụp lặn dưới lòng đại dương qua những trang sách để tìm thấy cái nôi của sự sống. Chắc chăn bạn và tôi sẽ có những ấn tượng sâu sắc chẳng thể nào quên. Tôi tin rằng sách sẽ chắp đôi cánh khổng lồ cho trí tưởng tượng của nhân loại bay cao bay xa.
    Sách còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Nhờ sách mà chúng ta hiểu được lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên, hiểu được nguyên nhân nào đem lại sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của một dân tộc nhỏ bé như dân tộc ta. Có thể nói, mọi tinh hoa của đời sống vật chất, đời sống tinh thần của dân tộc Việt đều được phản ánh trong từng trang sách. Từ những hiểu biết do sách đem lại, chúng ta thêm tự hào và có ý thức sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ông cha ta.
    Trong điều kiện xã hội loài người phát triển, các phương tiện truyền thông hiện đại như đài, ti vi, internet,..rất phát triển. Song sách vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến và cần thiết đối với nhân loại. Đặc biệt đối với lứa tuổi thanh niên Việt Nam hiện nay thì những cuốn sách như: "Mãi mãi tuổi 20", "Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm"… trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi chắc hẳn bất cứ ai khi đọc những trang sách ấy cũng đều phải nghẹn ngào xúc động. Để rồi từ đó trong mỗi người chúng ta đều phải sống có trách nhiệm với mình và với xã hội. Như vậy sách còn có vai trò hoàn thiện nhân cách con người và đưa con người đạt tới đỉnh cao của cái chân – thiện – mĩ.
    Có thể nói vai trò to lớn của sách đối với đời sống nhân loại thì bất cứ một phương tiện nào cũng không thể thay thế được. Tất cả những lợi ích do sách đem lại là sự thật hiển nhiên mà ai cũng phải công nhận. Sách góp phần quan trọng vào cuộc sống con người trong hiện tại và tương lai.
    Chúng ta cần khai thác và phát huy triệt để vai trò của sách. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt để nhận biết và loại bỏ lập tức những cuốn sách mang tính chất đồi trụy do một số phần tử xấu nào đó tạo ra. Cần tránh xa những cuốn sách xấu chứa đựng nội dung độc hại, làm suy thoái đạo đức khiến nhận thức của người đọc trở nên sai lầm lệch lạc. Bời vậy, vấn đề đặt ra đối với độc giả trong muôn ngàn loại sách là chúng ta phải biết lựa chọn những cuốn sách tốt có giá trị nội dung và nghệ thuật. Chúng ta cần phải tự nghiêm khắc đối với mình trong việc tiếp nhận sách. Đó là tiếp nhận sách một cách có chọn lọc.
    Sách là hành trang không thể thiếu đối với mỗi con người. Đọc sách vừa là một công việc cần thiết suốt cuộc đời của mỗi chúng ta, vừa là một thú vui lành mạnh. Sách là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Có được một cuốn sách tốt là ta có thêm một người bạn tốt. Tất cả mọi người trên thế giới hãy tự lựa chọn cho mình những người bạn đồng hành thật tin cậy để cùng nhau tiếp bước đến một tương lai rạng ngời.