Ngữ cảnh - Ngữ văn 11

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt bài
    1. Khái niệm
    • Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ mà ở đó một yếu tố ngôn ngữ được sử dụng hoặc được tạo ra trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, đồng thời người nghe (người đọc) dựa vào bối cảnh đó mà lĩnh hội được lời nói, câu văn
    2. Các nhân tố của ngữ cảnh
    a. Nhân vật giao tiếp
    • Gồm người nói/ người nghe; người viết/ người đọc.
    • Mỗi nhân vật giao tiếp đều có những đặc điểm về nhiều mặt: lứa tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, cá tính, địa vị xã hội, quan hệ xã hội, địa phương sinh sống...
    • Những đặc điểm này luôn luôn chi phối lời nói của cá nhân, và chi phối việc lĩnh hội lời nói của người khác.
    b. Bối cảnh ngoài ngôn ngữ
    • Bối cảnh giao tiếp rộng: đó là bối cảnh xã hội, lịch sử, địa lí, tập quán, phong tục, thể chế chính trị,... ở bên ngoài ngôn ngữ. Những yếu tố đó tạo nên môi trường giao tiếp, chi phối cả người nói và người nghe, cả quá trình tạo lập và quá trình lĩnh hội lời nói câu văn.
    • Bối cảnh giao tiếp hẹp: Đó là thời gian, địa điểm cụ thể, tình huống giao tiếp cụ thể.
    • Hiện thực được nói tới: Tạo nên đề tài nghĩa sự việc cho câu nói. Đối với từ ngữ, hiện thực được nói tới tạo nên phần nghĩa biểu vật, là cơ sở cho việc qui chiếu của từ ngữ.
    c. Văn cảnh
    • Bao gồm các yếu tố ngôn ngữ cùng có mặt trong văn bản, đi trước hoặc đi sau một ngôn ngữ nào đó.
    • Văn cảnh có ở dạng ngôn ngữ viết và dạng ngôn ngữ nói, cả ở văn bản đơn thoại và văn bản đối thoại.
    3. Vai trò của ngữ cảnh
    • Ngữ cảnh đóng vai trò quan trọng ở hai phương diện
      • Đối với người nói (người viết) và quá trình sản sinh lời nói, câu văn: Ngữ cảnh chính là môi trường sản sinh ra lời nói, câu văn
      • Đối với người nghe (người đọc) và quá trình lĩnh hội lời nói, câu văn: Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích,... của lời nói, câu văn.