Nhu cầu lao động ngành công nghệ thông tin trong tương lai như thế nào?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Năm nay ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ở các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng như nhiều trường thu hút rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Vậy nhu cầu của ngành này trong tương lai sẽ như thế nào?

    - PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:
    Theo thế giới, cụ thể là Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ dự đoán, tới năm 2020 nước này sẽ có 1,4 triệu việc làm cho lĩnh vực công nghệ phần mềm (CNTT).

    Tuy nhiên, theo phân tích của Tổ chức Code.org, sẽ chỉ có khoảng 400.000 sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp vào năm 2020. Nhật Bản cũng cần “nhập khẩu” thêm khoảng 30.000 kỹ sư CNTT trong 4 năm tới, đặc biệt là từ Việt Nam.

    01.jpg
    Mức lương trung bình của kỹ sư CNTT ở Mỹ là khoảng 85.000 USD/năm, tăng khoảng 6% so với 10 năm trước, EU ước tính rằng sẽ thiếu đến 913.000 vị trí về CNTT vào năm 2020, CEO Kunal Bahl của Công ty Snapdeal - công ty hàng đầu Ấn Độ về thương mại điện tử - cũng thốt lên rằng nước này không tìm được đủ kỹ sư CNTT mà họ cần.

    Ngày 30-1-2016, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ban hành Sáng kiến CNTT cho mọi người với mục tiêu là cung cấp cho học sinh trên cả nước cơ hội được học CNTT trong trường học. Hãng Microsoft tài trợ 110 triệu USD cho ĐH Washington nhằm nâng chỉ tiêu tuyển sinh từ 300 lên 600 kỹ sư/năm, Microsoft cũng đóng góp 40 triệu USD cho ĐH Tsinghua xây dựng Viện Đào tạo và Nghiên cứu công nghệ có trụ sở đặt tại thành phố Seattle nhằm thu hút sinh viên giỏi về CNTT từ Trung Quốc qua học. Ngoài ra, Google, Oracle, Facebook... cũng đầu tư các khoản vào đào tạo CNTT.

    Các phân tích trên cho thấy, có một khoảng cách lớn giữa nhu cầu về nguồn lực CNTT đến từ các doanh nghiệp so với năng lực đào tạo của các trường đại học trên thế giới từ nay đến năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước EU đã đề xuất nhiều giải pháp để thu hẹp khoảng cách về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT, xoay quanh liên kết 3N gồm: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng.

    Thực tế tại Việt Nam, cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ thiếu một lượng lớn kỹ sư CNTT, ít nhất là từ nay tới 2020. Nhu cầu của thị trường thế giới lớn nhưng Việt Nam chỉ chiếm thị phần nhỏ nên có nhiều tiềm năng phát triển. Sự phối hợp giữa 3N: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng chưa có kế hoạch rõ ràng, chưa phát huy được hết sức mạnh. Các doanh nghiệp CNTT chưa thực sự quan tâm đầu tư, hợp tác tham gia đào tạo với các trường đại học.

    Để thu hút đầu tư mạnh mẽ nước ngoài trong lĩnh vực CNTT thì tài nguyên của chúng ta là nguồn nhân lực phải dư thừa. Nếu chỉ đào tạo đủ thì sẽ khó có sự đột phá. Còn có sự chênh lệch về chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất giữa các trường đại học. Giáo dục về CNTT ở bậc phổ thông cũng chưa được quan tâm đúng mức. Về ngắn hạn, chúng ta phải xây dựng nền tảng liên kết giữa nhà trường, nhà tuyển dụng và Nhà nước. Thông qua đó, vận hành một số cơ chế, chính sách đảm bảo số lượng (tăng 10% chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường thuộc khối ĐH Quốc gia TPHCM) và chất lượng cho nguồn cung nhân lực CNTT.

    Về trung hạn, chúng ta phải chia sẻ mô hình giải pháp cho các trường thuộc khối ngoài ĐH Quốc gia TPHCM. Về dài hạn, chúng ta sẽ phát triển gốc CNTT từ bậc trung học phổ thông.