Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    1. Tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông:
    1.1. Đối tượng và phương thức tuyển sinh:

    - Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.
    - Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.
    Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập (trừ trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia). Không được đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.

    1.2. Chế độ ưu tiên, khuyến khích:

    1.2.1. Chế độ ưu tiên:
    a) Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng:
    - Con liệt sĩ;
    - Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
    - Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
    - Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.
    b) Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng:
    - Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
    - Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;
    - Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;
    - Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.
    c) Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng:
    - Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;
    - Người dân tộc thiểu số;
    1.2.2. Chế độ khuyến khích.
    a) Đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hoá:
    - Giải nhất cấp tỉnh: cộng 2,0 điểm;
    - Giải nhì cấp tỉnh: cộng 1,5 điểm;
    - Giải ba cấp tỉnh: cộng 1,0 điểm;
    b) Đạt giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học cơ sở trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; văn hay chữ tốt; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn vật lí, hóa học, sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn.
    - Giải cá nhân:
    + Đạt giải quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng: cộng 2,0 điểm;
    + Đạt giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc: cộng 1,5 điểm;
    + Đạt giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng: cộng 1,0 điểm;
    - Giải đồng đội (bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca...):
    + Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia;
    + Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của ban tổ chức từng giải;
    c) Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp trung học cơ sở:
    - Loại giỏi: cộng 1,5 điểm;
    + Loại khá: cộng 1,0 điểm;
    + Loại trung bình: cộng 0,5 điểm.
    d) Những học sinh đạt nhiều giải khác nhau trong các cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.

    01.jpg
    1.3. Môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm thi tuyển:
    a) Môn thi:
    Thi viết ba môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.
    b) Lịch thi:
    Ngày thiBuổiBài thiThời gian làm bàiGiờ mở túi đựng đề thiGiờ phát đề thiGiờ bắt đầu làm bài
    02.6.2017Sáng
    Chiều
    Ngữ văn
    Ngoại Ngữ
    120 phút
    60 phút
    7 giờ 40
    13 giờ 40
    7 giờ 55
    13 giờ 55
    8 giờ 00
    14 giờ 00
    03.6.2017SángToán120 phút7 giờ 407 giờ 558 giờ 00
    c) Thời gian làm bài thi:
    - Môn Ngữ văn, môn Toán: 120 phút/môn thi.
    - Môn Ngoại ngữ: 60 phút.
    d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:
    - Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
    - Hệ số điểm bài thi:
    + Môn Toán, môn Ngữ văn: hệ số 2.
    + Môn Ngoại ngữ: hệ số 1.
    đ) Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 5 điểm.
    e) Điểm thi tuyển là tổng điểm ba bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).
    Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.

    1.4. Đề thi:

    a) Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hoá được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
    b) Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.
    c) Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
    1.5. Hội đồng ra đề thi, in sao đề thi, gửi đề thi:
    a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập một hội đồng ra đề thi, in sao và gửi đề thi tuyển sinh trung học phổ thông.
    b) Tổ chức, nhiệm vụ của hội đồng ra đề thi, công tác ra đề thi, in sao, gửi đề thi vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành.
    1.6. Ban coi thi, ban chấm thi, ban phúc khảo:
    a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập ban coi thi. Việc thành lập ban coi thi và công tác tổ chức coi thi vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành.
    b) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập ban chấm thi. Việc thành lập ban chấm thi và công tác tổ chức chấm thi vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành.
    c) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập ban phúc khảo. Việc thành lập ban phúc khảo và công tác tổ chức phúc khảo vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành.

    2. Tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của các trường, lớp chuyên:
    2.1. Đối tượng và phương thức tuyển sinh:

    - Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và có thêm các điều kiện sau:
    + Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên.
    + Tốt nghiệp trung học cơ sở loại giỏi.
    - Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.

    2.2. Môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển và cách xét tuyển:

    a) Môn thi:
    Thi viết bốn môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên.
    b) Thời gian thi:

    02.png

    c) Thời gian làm bài thi:
    - Các bài thi không chuyên: Môn Ngữ văn và môn Toán là 120 phút; môn Ngoại ngữ là 60 phút.
    - Các bài thi chuyên: mỗi môn là 150 phút.
    d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:
    - Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
    - Hệ số điểm bài thi:
    + Điểm các bài thi không chuyên: hệ số 1.
    + Điểm bài thi môn chuyên: hệ số 2.
    đ) Điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển và cách xét tuyển:
    - Điểm xét tuyển:
    + Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng điểm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (điểm môn chuyên x 2)+ điểm khuyến khích (nếu có).
    Điểm khuyến khích: Học sinh đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn học lớp 9 cấp Thành phố được cộng điểm khi tuyển vào lớp chuyên nếu môn đạt giải là môn chuyên mà học sinh đăng kí dự thi.
    Mức điểm được cộng như sau: Giải nhất: 2 điểm; Giải nhì: 1,5 điểm; Giải ba: 1 điểm.
    + Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng điểm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán.
    - Nguyên tắc xét tuyển:
    Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
    - Cách xét tuyển:
    + Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên.
    + Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên.
    e) Lưu ý:
    - Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong được nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở các tỉnh khác dự thi nếu có đủ điều kiện theo quy định của kỳ thi.
    - Học sinh đăng ký 4 nguyện vọng ưu tiên:
    + Nguyện vọng ưu tiên 1, 2 vào lớp chuyên.
    + Nguyện vọng ưu tiên 3, 4 vào lớp không chuyên tại 2 trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.
    - Nếu không trúng tuyển vào các trường, lớp chuyên, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.

    2.3. Hội đồng ra đề thi, ban coi thi, ban chấm thi, ban phúc khảo:

    Thực hiện như thi tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông.

    3. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường tiếng Anh:

    - Khuyến khích các trường trung học phổ thông có điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất mở lớp 10 tăng cường tiếng Anh.
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng cường tiếng Anh được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường với các yêu cầu sau:
    + Điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh trở lên hoặc có chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 70/100 hoặc FCE từ 45/100 điểm trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL Junior đạt từ 785/900 điểm trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương.
    + Tốt nghiệp trung học cơ sở loại Khá, Giỏi.

    4. Tuyển sinh vào lớp 10 chương trình tích hợp:

    - Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (hệ công lập) tại Thành phố Hồ Chí Minh có tham gia học Chương trình Cambridge được dự tuyển vào lớp 10 chương trình tích hợp.
    - Căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông và điểm thi Chương trình Cambridge, những học sinh này sẽ được ưu tiên bố trí vào 1 trong 4 trường theo thứ tự điểm tuyển, đó là trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa, trường Trung học phổ thông Gia Định, trường Trung học phổ thông Trưng Vương.
    - Cách tính điểm tuyển như sau:
    Điểm tuyển = (Điểm trung bình tuyển sinh 10) x 2 + Điểm trung bình của Chương trình Cambridge (trong đó điểm trung bình tuyển sinh 10 có tính đến chế độ ưu tiên, khuyến khích).
    - Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 chương trình tích hợp, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.

    5. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường tiếng Trung:

    - Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, trường Trung học phổ thông Trần Quang Khải và trường Trung học phổ thông Nam Kỳ Khởi Nghĩa tuyển sinh lớp 10 tăng cường tiếng Trung.
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng cường tiếng Trung được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường với điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Trung đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Trung trở lên.

    6. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1):

    - Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, trường Trung học phổ thông Trưng Vương và trường Trung học phổ thông Marie Curie tuyển sinh lớp 10 tiếng Nhật Ngoại ngữ 1.
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường và đã học trung học cơ sở tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 hoặc trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 đồng thời có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Nhật từ 5,0 trở lên.

    7. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Đức (Ngoại ngữ 2):

    - Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến và trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền tuyển sinh lớp 10 tiếng Đức (Ngoại ngữ 2).
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng Đức (Ngoại ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường.

    8. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Pháp:

    a) Tuyển sinh vào lớp 10 chương trình tiếng Pháp song ngữ:
    - Sau khi được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh các lớp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ phải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    - Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông và thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ, những học sinh này sẽ được ưu tiên bố trí vào 1 trong 3 trường theo thứ tự điểm tuyển, đó là trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, trường Trung học phổ thông Marie Curie.
    - Cách tính điểm tuyển như sau:
    Điểm tuyển = (Điểm trung bình tuyển sinh 10) x 2 + Điểm trung bình cộng của các bài thi môn tiếng Pháp và bài thi môn Toán bằng tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ (trong đó điểm trung bình tuyển sinh 10 có tính đến chế độ ưu tiên, khuyến khích và điểm trung bình cộng của các bài thi môn tiếng Pháp và bài thi môn Toán bằng tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ từ 5,0 trở lên).
    - Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 chương trình tiếng Pháp song ngữ, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.
    b) Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường tiếng Pháp:
    - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai và trường Trung học phổ thông Marie Curie tuyển sinh lớp 10 tăng cường tiếng Pháp.
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng cường tiếng Pháp được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường và theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 1) đã học xong chương trình tiếng Pháp song ngữ cấp trung học cơ sở và có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Pháp từ 5,0 điểm trở lên.
    c) Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2):
    - Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu tuyển sinh lớp 10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2).
    - Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường.

    9. Tuyển sinh vào trường Trung học phổ thông Chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định:

    - Gồm các bộ môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, võ, cầu lông, quần vợt, bơi lội.
    - Điều kiện xét tuyển:
    + Tốt nghiệp trung học cơ sở và có đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10.
    + Đạt giải thể dục thể thao cấp quận, cấp Thành phố, hội khoẻ Phù Đổng.
    - Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ ngày 25 tháng 5 hàng năm đến ngày 20 tháng 6 hàng năm (theo hướng dẫn của trường).
    - Được nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các tỉnh khác nếu có đủ điều kiện theo quy định.
    - Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 chuyên năng khiếu thể dục thể thao, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển. Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh chuyên đã tốt nghiệp trung học cơ sở từ trường Trung học phổ thông chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.

    10. Tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc:

    - Điều kiện tuyển sinh:
    + Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt loại Khá, Giỏi và có đủ trình độ tiếng Anh để theo học;
    - Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm (theo hướng dẫn của trường).
    11. Tuyển sinh vào trung cấp chuyên nghiệp - Hệ sau trung học cơ sở:
    - Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có thể đăng ký xét tuyển vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Thành phố có tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
    - Căn cứ xét tuyển:
    + Điểm tốt nghiệp trung học cơ sở;
    + Điểm tổng kết các môn học 4 năm trung học cơ sở;
    + Điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp trung học cơ sở.
    - Nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường theo các đợt tuyển sinh trong năm do trường quy định.