Nữ Sinh - Dazai Osamu

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪


    Đọc “Nữ sinh” của Dazai, hẳn nhiều người phải lầm tưởng đây là tác phẩm của một nữ tác giả chứ không phải của một nhà văn nam. Dazai Osamu là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Nhật, với các tác phẩm được nhiều người biết tới như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”,… Dazai là một nhà văn đoản mệnh, cuộc đời ông đầy đau khổ và toàn những bi kịch. Dazai từng tự tử 5 lần nhưng không thành. Chính từ những trải nghiệm đau thương mà cuộc đời mang đến đã tạo nên một giọng văn độc đáo chưa từng có. Các tác phẩm của Dazai đều ẩn chứa một nỗi buồn, buồn sâu thẳm xuất phát từ chính bản thân con người, từ những tranh đấu nội tại và những day dứt bên ngoài. Con người trong văn của ông mới nhỏ bé, đáng thương và đau xót biết bao. Nếu như trong “Thất lạc cõi người”, nhân vật Yozo loay hoay và chật vật với cách làm người, tuyệt vọng trong việc hòa nhập với xã hội thì trong tác phẩm “Nữ sinh”, Dazai khắc họa những người phụ nữ Nhật, chưa bao giờ được sống cho chính mình. Tập “Nữ sinh” được xuất bản với 8 truyện ngắn khác nhau. Thế nhưng dưới ngòi bút của Dazai, những người phụ nữ Nhật Bản hiện lên vô cùng sống động, từ dáng dấp của họ, vẻ ngoài nhún nhường đến nội tâm phức tạp, buồn bã, mâu thuẫn… Sự tinh tế của Dazai ở chỗ, ông đã phác họa xuất sắc suy nghĩ của người phụ nữ, cảm thấu được những thiệt thòi và hi sinh mà họ phải chịu đựng. Đó là người vợ có chồng ngoại tình, dù biết nhưng vẫn cố gắng vui vẻ như thường, thậm chí tìm cách quan tâm chăm lo cho chồng hơn. Cô còn chẳng dám nghĩ đến chuyện ly hôn rồi cho đến một ngày, cô bi ai nhận tin đi nhặt xác người chồng tự tử bên cạnh cô nhân tình kia. Hay tâm lý thất thường của một cô nữ sinh 14 tuổi. Ở cái tuổi dậy thì dở dở ương ương ấy, có bao nhiêu suy nghĩ kỳ quặc, bao nhiêu băn khoăn và lo lắng… Tác giả đều miêu tả trọn trong một ngày của cô bé. Hay một cô gái có khả năng văn chương và được đăng báo, nhưng cuối cùng những yếu tố xung quanh, thay vì khuyến khích cô bé phát triển thì lại bóp chết tài năng của cô bé ngay từ trong trứng nước. Đến nỗi sau này, cô nghĩ không biết cái tác phẩm từng làm cô nổi tiếng kia có phải khả năng thật sự hay không, và giờ cô bắt đầu thì có muộn hay không? “Nữ sinh” sau khi được đăng tải trên tạp chí “Văn học giới” năm 1939 đã nhanh chóng gây tiếng vang với độc giả. Năm 1940, “Nữ sinh” đạt giải thưởng văn học Kitamura Tokoku. Từ đó đến nay, “Nữ sinh” được tái bản vô số lần và trở thành một trong những tác phẩm được nữ giới lựa chọn và yêu thích.

    29.jpg

    ✪ ✪ ✪ ✪ ✪