Phân tích lời nhắc nhở về thái độ sống uống nước nhớ nguồn, thủy chung với quá khứ nghĩa tình qua bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích lời nhắc nhở về thái độ sống uống nước nhớ nguồn, thủy chung với quá khứ nghĩa tình qua bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy


    3.jpg
    • Mở bài:
    Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước. Bài thơ Ánh trăng được sáng tác năm 1978. Bài thơ là một khoảnh khắc đối diện quá khứ nghĩa tình để tự vấn lương tâm; và cũng từ đó nhắc nhở mọi người về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung cùng quá khứ. Chắc chắn rằng, khổ thơ 4 và 6 chứa đựng chủ đề và cảm xúc của toàn bài thơ. Đó là hai khổ thơ có sức ám ảnh trong lòng người đọc.
    • Thân bài:
    Cả bài thơ có sự kết hợp giữa hình thức tự sự và chiều sâu cảm xúc. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc ở các khổ 1, 2, 3 bằng lặng trôi nhưng khổ thứ 4 “đột ngột” xuất hiện một sự kiện tạo nên bước ngoặt để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, thê hiện chủ đê tác phàm. Vầng trăng hiện ra soi sáng không chỉ không gian hiện tại mà còn gợi nhớ kỉ niệm trong quá khứ chẳng thể nào quên. Cái “giật mình” ở khổ thơ thứ 6 là lời nhắc nhở thủy chung.

    “Thình lình đèn điện tắt
    phòng buyn-đinh tối om
    vội bật tung cửa sổ
    đột ngột vầng trăng tròn “.
    Vầng trăng là một hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn tri kỉ suốt thời tuổi nhỏ rồi thời chiến tranh ở rừng, ngỡ như không bao giờ quên được vầng trăng nghĩa tình ấy. Thế nhưng, khi hoàn cảnh thay đổi, tất cả mọi thứ dường như chao đảo. Con người vô tình quên đi người bạn thân thiết, quên đi nghĩa tình năm xưa.
    “Thình lình”, “tắt”, “vội”, “đột ngột”: Những từ gợi sự bất chợt đặt liền nhau khiến giọng thơ tràn đầy cảm xúc ngỡ ngàng, thảng thốt. Cái cảm giác thảng thốt đó chính là sự thức tỉnh của tác giả vì đã dửng dưng với vầng trăng nghĩa tình (như người dưng qua đường).
    Sự xuất hiện bất chợt của vầng trăng thực này đã đánh thức vầng trăng bị lãng quên, nghĩa là cái quá khứ nghĩa tình mà đã bị “ánh điện”, “cửa gương” xóa nhòa, vầng trăng không chỉ là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình mà còn là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng (cứ tròn vành vạnh, im phăng phắc) như là nhân chứng nhắc nhở con người.
    “Trăng cứ tròn vành vạnh
    kể chi người vô tình
    ánh trăng im phăng phắc
    đủ cho ta giật mình”.

    Sự lặng im “phăng phắc” đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự thủy chung. Người ta phải giật mình vì suốt cả thời bình, sống ở thành phố, đầy đủ tiện nghi (ánh điện,cửa gương), đã có lúc không còn nhớ đến những gian lao, nghĩa tình.
    Trong một bài thơ khác, Nghe tắc kè kêu trong phố (1978), Nguyễn Duy cũng có giây phút “giật mình”như vậy:

    “Tôi giật mình
    Nghe
    Trên cành me gốc đường Công Lý cũ
    Cái âm thanh của rừng lạc về”

    Sự gặp gỡ tình cờ với trăng (chỉ khi đèn điện làm ùa dậy bao kỉ niệm khiến con người nhận ra sự vô tình của mình. Vầng trăng tròn là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc thể hiện một quá khứ nghĩa tình mà hôm nay vẫn nguyên vẹn, tròn đầy, không hề thay đổi. Đây là khổ thơ dẫn dắt người đọc đi vào suy ngẫm của nhân vật trữ tình trước người bạn tri kỉ ngày nào (ánh trăng).

    Đánh giá chung:
    Bài thơ như một câu chuyện, có sự kết họp hài hòa tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ. Nhịp thơ khi thì trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư. Kết cấu, giọng điệu bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo tính chân thực, chân thành, sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

    Liên hệ, suy nghĩ về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung cùng quá khứ:
    Mỗi người đều có một quá khứ. Trong quá khứ có quê hương, có người thân, có bạn bè … tất cả một thời gắn bó với ta ân tình, ân nghĩa. Do đó, phải biết trân trọng quá khứ nghĩa tình của mình, biết cài hoa vào quá khứ, biết hướng về tương lai để tiếp tục hành trình sống tốt đẹp hơn. Điều này thể hiện thái độ sống “uống nước nhớ nguồn” của mỗi người.
    • Kết bài:
    Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân tình thủy chung cùng quá khứ.