Phân tích nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài

    Bài làm:
    Tô Hoài là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực văn xuôi đương đại. Bằng tài năng của mình ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đầy ý nghĩa. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Ông đã khắc hoạ rất thành công nhân vật Mỵ với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt dưới ách thống trị của cường quyền, thần quyền và hủ tục phong kiến.
    Nhân vật Mỵ là một cô gái mang đầy đủ vẻ đẹp của cô gái vùng Tây Bắc. Cô xinh đẹp, đảm đang, và đặc biệt “cô thổi lá hay như thổi sáo”. Nhưng trên đời lại có câu “hồng nhan bạc phận”, một cô gái như Mỵ lại phải trở thành món hàng vô tri vô giác để gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Trở thành “cô dâu gạt nợ” Mỵ phải sống như con trâu, con ngựa quanh năm trong nhà thống Lý. Mỵ nhiều lần muốn ăn lá ngón để tử tự nhưng vì chữ hiếu, vì cha nên Mỵ bỏ đi suy nghĩ ấy.
    Cùng cực, vất vả dần dần khiến cho Mỵ cam chịu đến mức thích nghi với nó. Mỵ quen khổ rồi, quen tới mức từ một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên, đa cảm trở thành một người đàn bà lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi, ngồi quay sợi bên “tảng đá trước cửa”, “cạnh tàu ngựa” của nhà thống lý Pá Tra. Mỵ sống âm thầm, lặng lẽ, lúi húi như “con rùa nuôi trong xó cửa”.
    Bên cạnh việc đày đoạ về thể xác, Mỵ còn bị đày đoạ về tinh thần. Mỵ đau khổ nhưng không dám chết để giải thoát, chết chỉ làm cho Mỵ thêm khổ hơn. Mỵ biết rằng mình bị cái hủ tục phong kiến lâu đời của người dân miền núi trói buộc. “nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ đợi đến ngày rũ xương ở đây thôi”. Cách đối xử tàn bạo, bất công của cha con nhà thống lý đã khiến Mỵ khổ cực, trầm mặc. Cô lặng lẽ ra vào như cái bóng, không có người bạn chia sẽ tâm linh, nổi cô đơn bao trùm lấy cô. Cô chỉ có người bạn duy nhất là ngọn lửa trong đêm đông dài và lạnh lẽo. Thân xác Mỵ héo úa, tâm hồn Mỵ cô đơn, trống vắng, nếu không có bếp lửa sưởi ấm thì Mỵ cũng càng trở nên héo mòn hơn. Chính ngọn lửa ấy là người bạn xua đi những bóng tối u ám, đang bao phủ cuộc đời cô.
    Bao năm sống trong nhà thống lý Pá Tra, sống trong căn phòng kín, tối tăm chỉ có một cửa sổ nhỏ như bàn tay để nhìn ra bên ngoài nhưng thật mờ ảo. Đau khổ kéo dài khiến cho Mỵ quên mất mình, đánh mất ý chí đấu tranh. Mỵ chỉ biết mình là con trâu, con ngựa sống trong nhà thống Lý. Dường như mọi cảm xúc, khát khao đã bị dập tắt từ lâu. Kỳ diệu thay, trong lúc cuộc đời của Mỵ dần dần mất đi ánh sáng thì một ngọn lửa yêu đời mãnh liệt bổng vụt sáng lên trong tâm trí của Mỵ, khát khao sống tuôn chảy trong người Mỵ. Mùa xuân về, Mỵ lén uống rượu, say và cô hát, hát vì khát khao bản thân được yêu thương. Nhưng niềm vui ấy chỉ mới bắt đầu thì lại bị những trận đòn roi, rồi bị trói vào cột như khiến Mỵ chết đi thêm một lần nữa, một lần nữa cô lại trở về với hiện thực và đành phải đi phục vụ chồng như một con trâu, con ngựa.
    Và nhìn thấy hình ảnh giot nước mắt của A Phủ, Mỵ nghĩ về cuộc sống bế tắc u ám của mình. Cô không thể cam chịu được nữa, cô muốn giải thoát, muốn sống như thôi thúc, như trổi dậy trong Mỵ, Mỵ căm thù cha con nhà thông lý Pá Tra đã giam cầm cuộc đời Mỵ. Chính giọt nước mắt của A Phủ đã trở thành ngòi nổ kích hoạt cảm xúc của Mỵ. Nó đã đưa Mỵ đến một quyết định táo bạo, mà nếu là Mỵ trước kia, cô sẽ không bao giờ nghĩ đến, không bao giờ dám làm,“Mỵ đã cắt dây trói và bỏ trốn cùng A Phủ”.
    Đó là kết quả tất yếu của việc bị dồn nén quá mức. Cắt dây trói cho A Phủ cũng là cắt đứt sợi dây trói của cường quyền, thần quyền lên con người Mỵ. Mỵ chạy theo A Phủ vì biết rằng ở lại Mỵ sẽ chết. Mỵ chạy theo tiếng gọi của tự do, của sức sống mãnh liệt. Đây chính là lúc cô tìm lại cuộc đời, tìm lại định nghĩa của cuộc sống tươi đẹp.
    Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mỵ trong hoàn cảnh đau thương. Nhà văn Tô Hoài muốn khẳng định rằng dù bạo lực đen tối, dù thần quyền, cường quyền có to lớn, mạnh mẽ như thế nào cũng không thể vùi dập khát khao sống của con người. Đồng thời, tác giả muốn nói lên rằng, hạnh phúc luôn nằm trong tay của mỗi người, chính bản thân chúng ta mới tạo nên được hạnh phúc cho chúng ta. Đây chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm này.