Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo


    07.jpg
    Chính Thị Nở đã chiếu một tia sáng vào cuộc đời Chí Phèo trước khi hắn rơi vào bóng tối mãi mãi​


    Bài làm:
    • Mở bài:
    Năm 1941, tác phẩm Chí Phèo (lúc đầu có tên là Đôi lứa xứng đôi) ra đời, đánh dấu một móc son chói lọi trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao. Tác phẩn phản ánh chân thực bộ mặt tàn bạo, bất nhân của xã hội phong kiến đương thời và cuộc sống khốn cùng của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Họ khao khát vươn lên tìm lấy nguồn sống nhưng bị cuộc đời vùi dập cho đến mất cả nhân tính và tìm đến cái chết trong cơn tuyệt vọng.
    Tác phẩm Chí Phèo thực sự đã gây nên một “cơn địa chấn” dữ dội trong nền văn học hiện thực Việt Nam thế kỉ 20. Bên cạnh Chí Phèo, một kẻ lưu manh khốn cùng, nhân vật Thị Nở cũng được nhà văn quan tâm biểu hiện khá sâu sắc. Có thể nói, nhân vật Thị Nở chính là niềm tin cuối cùng của con người vào cơ hội được thức tỉnh để rồi chìm đắm trong u mê mãi mãi.
    • Thân bài:
    Nhân vật Thị Nở xuất hiện khá muộn trong tác phẩm. Thị Nở đến nhẹ nhàng như một cơn gió nhưng gây được những biến đổi to lớn đối với nhân vật Chí Phèo. Có thể nói, thị chính là tác nhân phục thiện trong nhân vật dữ dằn này. Thị xuất hiện tình cờ, để rồi mang linh hồn của Chí Phèo ra đi mãi mãi. Nhà văn cũng chẳng chuẩn bị cho Thị Nở xuất hiện. Ông cứ làm như tình cờ. Thị được phát hiện trong cơn say, được tìm thấy trong niềm u uẩn của con người.
    Cuộc gặp gỡ của hai con người dưới đáy xã hội bất ngờ, khá đặc biệt. Lúc đầu chỉ là chuyện bản năng của một gã đàn ông say rượu. Nhưng về sau đã khơi lên ở Chí Phèo những cảm xúc rất người, từ đó khao khát hoàn lương. Cứ tưởng Chí sẽ mãi sống kiếp thú vật rồi chết bờ chết bụi ở cái xó nào đấy không ai biết tới. Nhưng không! Bằng tài năng và con tim của mình, Nam Cao đã để cho Chí trở về với kiếp người một cách tự nhiên.
    Tình cờ một đêm trăng, Chí Phèo lần vô nhà Tư Lãng, tên hoạn lợn kiêm nghề thầy cúng, để uống rượu. Hai người uống hết cả ba chai rượu, Chí Phèo lảo đảo ra về. Hắn nhìn thấy Thị Nở đang ngủ say bên buội chuối, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Cái dáng nằm mất nết cùng da thịt lộ liễu của Thị Nở khiến Chí không thể cầm lòng được. Hắn nhảy vào ôm chầm lấy Thị như con thú vồ lấy con mồi. Mặc cho Thị kêu la. Thị la đã to, hắn la còn to hơn. Cả cái làng Vũ Đại đã quá quen với tiếng la hét và gào thét của hắn rồi, chẳng mấy ai quan tâm.
    Đêm ấy, Chí Phèo đã ăn nằm với Thị Nở. Chí đến với thị hoàn toàn bằng bản năng. Nhưng Nam Cao đã không dừng lại ở đó khi đã kì công sắp đặt tình huống ấy. Ông tiếp tục đẩy câu chuyện đi vào gây cấn, đầy bất ngờ.
    Thị Nở bị Chí Phèo cưỡng bức nhưng thị không giận. Có lẽ, đối với người phụ nữ xấu xí đến ma chê quỷ hờn, tính tình tưng tửng ấy thì đây phải chăng là một phần thưởng của tạo hóa? Chỉ có Chí Phèo, một kẻ điên cuồng, lại trong cơn say, trong bóng tối, mới phát hiện cái chất đàn bà của thị chăng?
    Đâu phải chỉ riêng Chí Phèo bị cuộc đời bỏ rơi. Cả Thị Nở nữa, dường như thế gian cũng đã quên thị là một con người. Ở hai nhân vật ấy, tính người, chất người dường như không được công nhận. Và cuộc đời đã sắp đặt cho họ đến với nhau, tuy tình cờ nhưng thắm thiết, đầy rung cảm.
    Sau cái đêm đáng nhớ ấy, Chí Phèo đã bị cảm. Nam Cao đã thật tinh tế khi để cho Chí Phèo bị cảm. Là cái cơ thể hắn bị cảm hay cái tinh thần của hắn đã cảm được tính người? Rõ ràng, buổi sớm hôm ấy, hắn đã nghe được tiếng gió thổi, tiếng người chài gõ vào mạn thuyền. Âm thanh cuộc sống rộn ràng bên tai hắn. Âm thanh ấy vẫn từng ngày vọng đến nhưng trước đây hắn nào nghe thấy.
    Sau bát cháo hành của Thị Nở, tình yêu cuộc sống của hắn đã sống dậy. Hắn yêu cuộc đời và yêu con người hơn. Mùi thơm phưng phức của bát cháo hành khiến hắn bâng khuâng nhớ lại một thời trai trẻ. Hắn muốn cùng thị làm thành một cặp rất xứng đôi.
    Chí Phèo khao khát làm người lương thiện. Hắn muốn làm người lương thiện như trước đây hắn đã có. Hắn muốn làm hòa với mọi người. Có thể hắn muốn xin lỗi mọi người và bước vào cuộc sống của mọi người một cách hiền lành và chân thật.Chí Phèo mong đợi được thu nhận lại xã hội “bằng phẳng, thản thiện của những người lương thiện”. Và thị Nở sẽ mở đường cho hắn, là cầu nối để hắn trở lại với đời.
    Thị Nở đã mở cửa cho Chí Phèo bước vào với cuộc đời. Đối với hắn, đây là điều hoàn toàn bất ngờ nhưng hắn rất hào hứng.
    Sự thức tỉnh của Chí Phèo trước cuộc đời được Nam Cao miêu tả chi tiết. Sau bao năm không còn ý thức được bản thân, giờ đây Chí thấy lòng bâng khuâng, mơ hồ buồn. Chí tỉnh táo lắng nghe tiếng âm thanh bình thường của cuộc sống, tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài khua mái chèo đuổi cá, tiếng người nói chuyện … Những âm thanh này có sức vang động sâu xa trong lòng Chí. Tiếng đời đang dội vang thiết tha trong tâm hồn một con quỷ.
    Lần đầu tiên, Chí nhìn lại cuộc đời mình. Những mơ ước từ xa xưa “hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ: chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ một con lợn nuôi làm vốn tiếng” vọng tiếng về làm cho thực tại càng đáng buồn hơn. Vì “hắn chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ”. Hắn cảm thấy buồn, lo sợ khi nghĩ đến tuổi già, sự cô độc, đói rét, ốm đau. Một trận ốm làm biến đổi cả sinh lý lẫn tâm lý. Lần đầu tiên Chí thoát khỏi cơn say, đối diện với chính mình và nhận ra tình trạng bi đát của bản thân.
    Có thể thấy, Thị Nở đã đánh thức cả phần thể xác và linh hồn của Chí Phèo. Thị Nở đã khơi nguồn sự sống và làm bùng lên khát vọng sống của Chí Phèo. Thị Nở, bằng tình yêu đã phá bỏ cái nhà tù tăm tối đã giam hãm linh hồn Chí Phèo trong bao năm. Tình yêu của Thị Nở đã hàn gắn những vết thương lòng, làm vơi bớt thù hận và vực dậy niềm tin con người, niềm tin cuộc sống trong chí phèo.
    Đây không hẳn là sự tình cờ mà là cả một sự cố gắng chấp nhận của Thị Nở. Đối với kẻ đã làm hại đời mình, đáng ra Thị Nở sẽ giận. Thị không giận mà còn ở lại chăm sóc Chí Phèo, lo lắng cho hắn. Thị thấy thương kẻ cô đơn ấy. Thị nghĩ, giờ mà mình bở đi, ai lo cho hắn. Thị thấy tội hắn hơn là ghét hắn.
    Thị Nở đã làm được điều phi thường mà người khác không làm được. Đó là dám ở gần và chấp nhận Chí Phèo trong cuộc đời mình. Bát cháo hành của Thị Nở như một liều tiên được đánh thức bản tính con người trong trái tim một con quỹ dữ và mong muốn chấm dứt đoạn đời thú vật. Bát cháo hành không phải là bát cháo bình thường, mà trong đó hàm chứa cả tình yêu thương chân thành của thị dành cho hắn.
    Thị làm điều ấy một cách tự nhiên, không hề miễn cưỡng. Có lẽ Thị là người không tính toán. Trong sâu thẳm tâm hồn người đàn bà ấy là niềm cảm thông sâu sắc đối với con người khốn cùng. Thị cũng khao khát có một gia đình, một mái ấm, một nơi nương tựa. Nhưng cái thế gian bạc bẽo ấy có ai thèm để ý đến thị. Chí Phèo đã ăn nằm với thị chứng tỏ Chí đã không chê. Thì thôi, nồi nào úp vung nấy, thói đời đã thế rồi, chấp nhận cũng là lẽ thường.
    Tưởng chừng như Thị Nở đã hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của mình. Tưởng rằng đôi lứa xứng đôi, hai tâm hồn sẽ cùng nhau đi về hạnh phúc. Nào ngờ, đến hôm thứ sáu, thị nghĩ bụng: hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã. Một ý nghĩ ngu ngơ nhưng hoàn toàn có lí. Thì ra, dù đã bất chấp dư luận để “yêu” nhưng Thị Nở vẫn không vượt qua được đạo lí ở đời. Thị không muốn vượt mặt bà cô để liều lĩnh yêu Chí Phèo. Thị Nở cũng không ngờ bà cô lại cản trở, kịch liệt phản đối thị.
    Bị bà cô mắng xối xả, bực quá, thị ton ton chạy sang lều trút tất cả giận dữ lên mặt nhân ngãi. Chí Phèo ngẩn mặt ra không hiểu gì. Rồi hắn chạy theo Thị Nở. Hắn muốn tường tận mọi điều để níu kéo tình yêu. Hắn muốn làm người lương thiện và đây là cơ hội duy nhất. Nhưng lại bị nhân tình giúi cho một cái ngã lăn khoèo xuống đất đau quá. Lòng hắn cũng đau quá. Tình yêu chưa kịp đơm hoa kết trái mà đã bị phủ nhận. Hắn toan đập đầu ăn vạ nhưng hắn chưa thật say nên không thể làm thế.
    Trong bi kịch tinh thần của Chí Phèo sau đó, hình ảnh bát cháo hành liên tục lặp lại nhiều lần. Trong cơn đau đớn bị cự tuyệt, Chí nhớ đến mùi bát cháo hành thoảng thoảng, nồng nàn. Chí cũng nhớ đến Thị Nở, nhớ đến năm ngày hạnh phúc bên thị. Hắn cay đắng nhận ra thị thực sự muốn bỏ hắn. Hắn không còn cơ hội để sống tốt hơn. Chắc chắn Thị Nở sẽ rời xa hắn. Quá đau đớn, hắn lại đi uống. Chỉ có rượu mới giúp hắn quên hết sự đời. Nhưng rượu cũng đã làm con quỷ trong hắn sống dậy. hắn muốn chửi mắng. Hắn muốn đi đâm chém. Hắn muốn đi trả thù.
    Có thể thấy, Thị Nở đã mang đến cho Chí Phèo tình yêu sự sống và khát vọng làm người lương thiện. Nhưng cũng chính Thị Nở lại giết chết cái mầm lương thiện nhỏ nhoi ấy và làm dữ dằn hơn tính ác ở trong hắn.
    Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về với xã hội loài người.Cái chết chứng tỏ niềm khao khát sống lương thiện còn cao hơn cả tính mạng. Cái chết của Chì Phèo chính là bằng chứng đanh thép và chân thực tố cáo xã hội vô nhân đạo, đểu cán đẩy những người lương thiện như y vào con đường tội lỗi. Để rồi cuối cùng phải lấy cái chết như một sự giải thoát.
    Có thể nói, Thị Nở là một phát hiện lớn nhất của Nam Cao. Từ phía dân làng, Thị Nở đến với Chí Phèo. Từ xã hội loài người với những ràng buộc khắt khe, thị dũng cảm đến với Chí. Nhưng vì định kiến ác ôn mà thị phải từ chối Chí để trở về với dân làng. Kẻ rút cây cầu trở lại làm người của Chí không phải là bà cô thị, chính thị, hay dân làng Vũ Đại. Chính những định kiến đầy tàn nhẫn của xã hội thực dân phong kiến đương thời đã gây nên điều tàn nhẫn ấy. Đó là một xã hội vô cảm, mất nhân tính. Đó là một xã hội tàn bạo đã không cho con người phục thiện, hoàn lương khi họ đã trót lầm lổi, tước đi ở họ quyền sống, quyền làm người.
    Thị Nở là niềm tin cuối cùng về lòng tốt và sự đồng cảm của con người trước những cảnh đời bất hạnh. Xã hội dù khô héo tình người nhưng nhân tính trong Chí Phèo, trong Thị Nở vẫn chưa vơi cạn. Chí khóc khi được ăn cháo hành của thị Nở chính là minh chứng sinh động cho bản chất lương thiện trỗi dậy của y. Chí trở lại lương thiện bằng nước mắt.
    • Kết bài:
    Tình thương của Thị Nở đã giúp bản tính thiện lương của Chí hiện hình. Chính Thị Nở cũng là phát hiện lớn nhất về Chí Phèo. Thị chính là sợi dây liên kết, là chiếc cầu nối giữa chí với cuộc đời. Thị là xứ giả dẫn Chí về với mọi người. Thị dở hơi, thị đần độn, thị là lỗi làm của tạo hóa nhưng thị có cái mà cả một xã hội lạnh lùng kia không có. Đó chính là tình thương. Đó chính là sự chấp nhận. Đó chính là sự cảm thông thánh thiện mà trong những kẻ bình thường kia không có được.
    Tình thương của Thị Nở đánh thức lương tâm Chí Phèo. Tình yêu thương của người đàn bà ấy đã chiếu một tia sáng vào cuộc đời Chí Phèo, để Chí Phèo sống đúng nghĩa một kiếp người, dù chỉ có năm ngày ngắn ngủi như một giấc mơ, trước khi Chí mãi mãi rơi vào bóng tối vô tận.