Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

    Bài làm:

    Mở bài:

    Đầu năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng’’. Ở miền Bắc nước ta, bọn phát xít Nhật bắt nhân dân ta phải nhổ lúa và hoa màu để trồng đay, phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Trong khi đó, bọn thực dân Pháp cũng tăng thuế, ra sức bóc lột, vơ vét của cải. Hậu quả bi thảm của chính sách bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp đã giết chết hơn 2 triệu nhân dân ta. Hàng triệu người khác người khác sống trong tình trạng ngắc ngoải.
    “Vợ nhặt” truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Tác phẩm được xây dựng trên bối cảnh đời sống nói trên đã tái hiện chân thực nạn đói năm l945. Từ bối cảnh đó, tác giả đi sâu miêu tả đời sống nhân dân nước ta. Những kiếp người bần cùng, khổ cực đang ngày đêm mong chờ, khát khao ánh sáng Cách Mạng.

    Thân bài:

    Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm:

    Dưới sự thống trị của thực dân Pháp và Nhật, năm 1945, hơn 2 triệu người dân Việt Nam đã bị chết đói. Sự kiện bi thảm này đã được đề cập tới trong nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như: Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng,…
    Ngay sau sự kiện ấy, nhà văn Kim Lân đã viết tập truyền dài có nhan đề truyện “Xóm ngụ cư”. Thế nhưng, truyện chưa được in thì bản thảo thất lạc. Hòa bình lặp lại năm 1954, dựa trên cốt truyện cũ Kim Lân đã viết lại truyện ngắn với nhan đề “Vợ nhặt ”. Truyện ngắn này đã được in trong tập truyện “Con chó xấu xí’’ năm 1962

    Ý nghĩa nhan đề tác phẩm:

    Với nhan đề độc đáo này, Kim Lân đã gợi được sự quan tâm, chú ý của người đọc. Đồng thời cũng làm nổi bật rõ được tư tưởng, chủ đề của truyện ngắn. Ở đây, từ “nhặt” vốn là một động từ đã được nhà văn sử dụng như một tính từ.
    Chỉ qua tiêu đề “Vợ nhặt” thôi, Kim Lân cũng nói lên được việc bế tắc, đen tối của xã hội và thân phận rẻ rúm của con người. Xưa nay, việc dựng vợ gả chồng là công việc của cả đời người. Thế nhưng vào thời điểm này, người ta có thể dễ dàng “nhặt” vợ, giống như là nhặt cái rơm cọng rác bên đường vậy.
    “Vợ nhặt” có tiền thân là truyện “Xóm ngụ cư’’ – nơi tập trung của những con người đói nghèo phải rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực, mong tìm được miếng cơm manh áo.

    Tình huống truyện độc đáo:

    Nhà văn Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, mới lạ. Đó là tình huống nhân vật Tràng (con trai bà cụ Tứ) lấy vợ hay nói đúng hơn là nhặt được vợ: “giữa cái cảnh đói sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều, người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa”.
    Việc dựng vợ gả chồng là một quy luật bình thường của cuộc sống con người. Nhưng đặt vào bối cảnh của Tràng thì lại là một chuyện lạ đời. Bởi lẽ Tràng là một anh nông dân nghèo, xấu trai, lại là dân ngụ cư. Nạn đói đang hoành hành dữ dội, người chết đầy đường đầy chợ. Trong khốn khó con người còn có thể nghĩ về nhau.
    Có lẽ chính tình huống truyện đặc sắc như trên đây đã giải thích vì sao nhà văn Kim Lân lại lấy nhan đề là “Vợ nhặt ”. Qua cái nhan đề này, tác giả không chỉ nói lên là sự đen tối của xã hội cũ mà còn gợi lên được rất nhiều về hoàn cảnh, số phận người nông dân trong tác phẩm.
    Phân tích nhân vật Tràng:
    Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả Kim Lân đã dựng được bức tranh ảm đạm của làng quê Việt Nam vào thời kì đói kém. Từng đoàn người lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên thành phố. Những bóng dáng xanh xám như những bóng ma. Hoặc là nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết đói như ngả rạ. Nhiều đến nỗi cứ đi làm đồng về, người ta lại bắt gặp ba, bốn cái thây nằm cong queo bên đường. Tiếng quạ gào lên từng hồi “thê thiết”. Không khí vẫn lên mùi khen khét của đống rấm, mùi thối của rác rưởi và mùi gây gây của xác người…
    Có thể nói vào thời điểm đó, không ai là không nghĩ đến cái chết. Ngay cả lũ trẻ con thường ngày vốn nghịch ngợ vô tư, giờ cũng ủ rũ không buồn nhúc nhích. Một hớp cháo cám nhạt cầm hơi lúc này cũng là niềm ước ao của chúng. Cuộc sống “tối sầm” lại vì đói khát và chết chóc. Cảnh trần gian mà cứ ngỡ như chốn địa ngục tối tăm.
    Trong hoàn cảnh túng đói ngặt nghèo đấy, tình yêu, hạnh phúc cũng trở nên đượm màu chua chát, xót xa. Như anh Tràng – một thanh niên nhà nghèo xấu xí thậm chí còn có vẻ ngoài ngờ nghệch, dở hơi mà còn “nhặt” được vợ. Mà đúng là “nhặt được thật”. Anh hỏi vợ bằng mấy lời chọc ghẹo, bông đùa vu vơ. Bốn bát bánh đúc thay cho lễ cưới đơn sơ đến chua chát. Thế là Tràng được vợ. Quả thực, trong nạ đói, giá trị con người quá ư rẻ rúng.
    Ngày anh Tràng có vợ không bình thường nên buồn hay nên vui? Cảnh bửa cơm ngày đói đón nàng dâu mới thật thảm hại, tội nghiệp. Ai cũng thấy ngượng ngùng . Đuốc tân hôn, của đôi vợ chồng trẻ là ngọn đèn dầu yếu ớt. Cả nồi chè khoán (không phải nhà nào cũng có) của cụ bà Tứ trong thật tội nghiệp. Tràng ăn thấy đắng ngắt và nghẹn ứ trong cổ,…
    Toàn những chi tiết cười ra nước mắt của một cảnh túng đói đến sâu sắc tội ác của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật. Mặc dù trong suốt cả truyện ngắn, đã không hề thấy bóng dáng của một tên thực dân hay phát xít nào. Thế nhưng tội ác của chúng vẫn hiện lên rất rõ nét.
    Việc lấy vợ của Tràng lại trở thành một sự kiện lớn của xóm ngụ cư nghèo. Tràng lấy vợ vào thời điểm khó khăn, cùng quẫn nhất. Khi mà người ta không biết có thể qua nổi cơn đói kém này không thì anh lại lấy vợ. Cái anh nông dân nghèo, xấu xí, dở hơi, lại là dân ngụ cư ấy lại lấy được vợ. Xóm ngụ cư chưa hết ngạc nhiên thì lại xót xa cho đôi vợ chồng trẻ ấy. Một cuộc gắn kết thầm lặng khiến ai cũng thấy ngâm ngùi, không biết nói gì hơn.

    Giá trị hiện thực của truyện ngắn:

    Nhà văn đã tái hiện sâu sắc, chân thực xã hội Việt Nam vào thời kì đen tối, cùng quẫn nhất. Toàn bộ cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của những người nông dân bị dồn đến bước đừng cùng, không có lối thoát được dụng lại sinh động hết sức.
    Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã hắt vào truyện thứ ánh sáng của hoàng hôn xám xịt. Theo bước chân Tràng từ phố chợ đến miền quê. Người chết rải rác nằm cong queo bên lề đường. Người sống thì đi lại dật dờ, mặt mày xanh xám như những bóng ma. Những đứa trẻ của xóm ngụ cư ngồi ủ rũ ở những xó đường không buồn nhúc nhích. Không khí vấy lên mùi ẩm thối.
    Trên cây gạo đầu làng tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết. Cả một vùng như biến thành bãi tha ma trong không gian đầy mùi tử thi. Mội cõi dương có hơi ám cõi âm.
    Thời gian và không gian nghệ thuật là một tín hiệu thẩm mĩ đặc sắc. Nó báo rằng đó là thời điểm con người đang đứng ở ranh giới giữa ánh sáng với bóng tối, giữa trần gian với địa ngục. Cả dân tộc đang đứng trước hoàng hôn của cuộc đời, đứng mấp mé bên bờ vực thẳm. Điều đó cho thấy sự tàn phá ghê gớm của nạn đói, một hiện thực thê thảm.
    Trong hoàn cảnh ấy, thân phận con người thật là bèo bọt. Người đàn bà Tràng gặp ngoài kho thóc quần áo rách tả tơi, thân hình gầy sọp vì đói. Người đàn bà này theo không Tràng mà chẳng còn chút sĩ diện, danh dự. Đó là một sự thật, một hiện thực mỉa mai, cay đắng mà cũng đầy xót xa. Thân phận con người chẳng khác gì cỏ rác. Mẹ con Tràng chỉ chòn cháo cám cầm hơi. Nhà cửa chẳng khác gì gia cảnh của chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố). Họ đứng trước tương lai mờ mịt, nạn đói đang đe dọa đến sinh mạng. Đó là hiện thực về thân phận bọt bèo, hẩm hiu của người lao động trước Cách mạng.
    Theo bước chân Tràng, truyện mở ra một hiện thực thê thảm. Đó là một thế giới điêu tàn xác xơ vì sự phá hoại của nạn đói. Số phận cả dân tộc thật hắt hiu, buồn não.

    Giá trị nhân đạo:

    Truyện ngắn “Vợ nhặt” còn mang một giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong tác phẩm này, Kim Lân đã nói lên được nổi khổ của người dân lao động. Ông bày tỏ nổi niềm đồng cảm, chia sẻ với họ. Nhưng điều đáng quí nhất ở đây là nhà văn vẫn thấy trong những con người đáng thương ấy vẫn có đời sống tâm hồn phong phú, những phẩm chất tốt đẹp. Họ vẫn yêu thương, đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn. Giữa lúc khó khăn, đói kém nhất, việc anh Tràng cưu mang và nhận một cô gái về làm vợ. Trong khi cô gái có hoàn cảnh quần áo rách tả tơi, mặt gầy xọp hẳn đi vì đó. Đó là một cử chỉ cao thượng, hào hiệp, không phải ai cũng làm được.
    Như vậy, chuyện thành vợ thành chồng của họ rõ ràng không phải là chuyện tầm phào mà là có tình có nghĩa. Nó đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của Tràng, của gia đình anh. Hình như có một cái gì đó thức dậy trong tâm hồn Tràng: “Hẳn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt sáng lên lấp lánh”. Lần đầu tiên anh cảm thấy niềm hạnh phúc của cuộc đời. Một cái gì mới mẻ, lạ lẫm, chưa từng thấy ở người nông dân nghèo khổ ấy. Nó “ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng”.
    Và điều ấy lớn hơn, mạnh hơn với sự đói khổ. Nó giúp cho người ta vượt lên trên những khó khăn, cơ cực đang rình rập, chờ đón của cuộc sống nhưng cũng hứa hẹn biết bao. Điều ấy giúp Tràng có thêm sức mạnh để quên đi hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày. Giúp anh quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa để mà vui, hi vọng.

    Kết bài:

    Như vậy, cho dù luôn bị cái chết rình rập, đe dọa, phải sống như loài vật nhưng nó không thể dập tắt được cái phần rất con người ở Tràng, ở bà cụ Tứ cũng như người “Vợ nhặt”. Họ vẫn hướng tới tương lai, khát khao hạnh phúc của cuộc sống gia đình.