Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích ý nghĩa và giá trị bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương


    Bài làm:
    • Mở bài:

    Hồ Xuân Hương là một “thiên tài kỳ nữ’ nhưng cuộc đời lại gặp nhiều bất hạnh. Chủ đề trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu viết về người phụ nữ với giọng thơ vừa trào phúng vừa đậm chất trữ tình. Thơ Hò Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ. Bài thơ Tự tình là một trong những tác phẩm đặc sắc của Hồ Xuân Hương tự viết về mình.

    • Thân bài:

    Tự tình (bài II) nằm trong chum thơ Tự tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương. Nhan đề bài thơ biễu hiện rõ nỗi lòng của nhà thơ trước cảnh vật đêm khuya thanh vắng. “Tự tình” có nghĩa là giải bày, thổ lộ nổi lòng. Bài thơ bày tỏ nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong cảnh lẽ mọn, thể hiện thái độ chống đối lại số phận và khao khát hạnh phúc của nhà thơ.
    Bốn câu thơ đầu vẽ nên hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình với nỗi cô đơn, buồn tủi, đau đớn, xót xa, chán chường cho cuộc đời bất hạnh, duyên phận hẩm hiu:

    Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
    Trơ cái hồng nhan với nước non.

    Thời gian là “đêm khuya” gợi nhiều tâm trạng. Không gian vắng lặng được gợi tả qua âm thanh tiếng trống canh “văng vẳng”. Từ “dồn” gợi tả bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng
    Nổi cô đơn, buồn tủi và bẻ bàng về duyên phận của Hồ Xuân Hương thể hiện qua từ “trơ”. “Trơ” có nghĩa là vô cảm, là chai sạn, mất hết cảm giác, không hề có phản ứng gì trước khong gin, thời gian. “Trơ” còn là tủi hổ, bẽ bàng, dãi dầu, thách thức. Cách ngắt nhịp 1/3/3, biện pháp đảo ngữ đưa từ “trơ” lên đầu câu có tác dụng nhấn mạnh.
    Tác giả sử dụng từ “cái hồng nhan” với từ “nước non” gợi sự dãi dầu, cay đắng của thân phận đồng thời cũng bộc lộ bản lĩnh ngang tang, mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương.
    Trong cái trơ trọi rợn ngợp ấy, Hồ Xuân Hương thêm chán chường, mệt mỏi:

    Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

    Trước nỗi cô đơn, buồn tủi, nhà thơ mang rượu ra uống. Tưởng rằng rượu có thể mang nỗi sầu đi xa. Nhưng trái lại, người càng uống càng thấy tỉnh, càng uống càng thấy buồn hơn.
    Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên cái vòng quẩn quanh, càng cảm nhận rõ nổi đau thân phận. Hình ảnh vầng trăng “bóng xế” mà vẫn “khuyết”, “chưa tròn” vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng: tuổi xuân đã qua đi mà nhân duyên chưa trọn vẹn. Nỗi phẫn uất trước cuộc đời càng thêm gay gắt:

    Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
    Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

    Đến đay, lời thơ trở nên mạnh mẽ, cuonj trào như từng đợt sóng nổi. Biện pháp đảo ngữ, phép đối từ đối câu làm nổi bật sự phẫn uất của cỏ cây cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Sử dụng động từ mạnh “xiên” “đâm” kết hợp với bổ ngữ “ngang” , “toạc” độc đáo thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, thái độ phản kháng.
    Hình ảnh sự vật tuy nhỏ bé, hèn mọn: rêu, đá nhưng ẩn chứa trong mình sức mạnh trỗi dậy. Đó cũng là nguồn sức mạnh của khát vọng muốn được sống một cuộc đời đúng nghĩa mà Hồ Xuân Hương luôn tìm kiếm.
    Thế nhưng, dù có cố gắng đến thế nào, thực tế luôn phủ nhận con người. hai câu thơ cuối thể hiện tâm trạng chán chường, buồn tủi, bất lực tột cùng:

    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
    Mảnh tình san sẻ tí con con!

    Từ “ngán” gợi tả tâm trạng chán nản, ngán ngẩm, không muốn là gì hơn nữa. Từ “xuân” mang hai nghĩa, vùa là “mùa xuân” vừa là “tuổi xuân”. Từ “lại lại” là hai từ đồng âm nhưng khác nghĩa. Từ “lại” thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ “lại” thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân của đất trời đi qua rồi trở lại với nguồn sống mới, sắc màu mới. Còn mùa xuân đời người một lần đi qua thì mãi mãi không bao giờ trở lại.
    Nhận ra nghịch lí ấy, nữ sĩ buồn đến tan nát tâm can. Cũng có thể hiểu ý thơ thơ một nghĩa khác. Biết bao mùa xuân đã di qua, nhưng cuộc đời không có gì đổi mới. Hồ Xuân Hương vẫn thân phận ấy, vẫn nỗi buồn ấy kéo dài hết mùa xuân này đến mùa xuân khác. Đó cũng là tiếng nói phản kháng lại cái chế độ phong kiến với những ràng buộc bất công, khắt khe đối với thân phận người phụ nữ mà Hồ Xuân Hương đã âm thầm gửi gắm trong những câu thơ tự thán này.
    Thủ pháp tăng tiến: mảnh tình – san sẻ – tí con con…nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, gợi nổi, xót xa tội nghiệp. Nhưng đằng sau những câu chữ là khao khát mảnh liệt về hạnh phúc lứa đôi, khao khát được yêu thương, chia sẻ.
    Hồ Xuân Hương đã có cách sử dụng từ ngữ độc đáo, đắc địa rất khác biệt, đúng với bản lĩnh của bà chúa thơ Nôm. Cách tả cảnh cũng hết sức sinh động. Ngôn từ giản dị, trong sáng, kết hợp với nhịp thơ linh hoạt thể hiện chân thực và cảm động tâm trạng buonf chán, bế tắc của con người trước cuộc đời.

    • Kết bài:

    Tự tình thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương, vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Bài hơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm”, trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng

    • Câu hỏi và đề luyện tập:

    1. Bốn câu đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào?
    2. Hình tượng thiên nhiên tỏng hai câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?
    3. Cảm nhận của anh/chị về bài thơ “Tự tình” (bài II) của Hồ Xuân Hương.
    4. Bản lĩnh Hồ Xuân Hương được thể hiện như thế nào trong những vần thơ buồn tê tái này?