Rèn luyện kĩ năng ghi nhớ

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    00.jpg
    Ghi nhớ là hoạt động tự học nhằm cung cấp những dữ liệu đã đọc, đã học, đã nghe, đã nhìn thấy, đã nghĩ,... trước đó để đáp ứng các mục tiêu sử dụng cụ thể. Chẳng hạn, để hiểu sâu sắc một câu văn, câu thơ, muốn viết được câu văn sinh động,... rất cần việc nhớ lại nghĩa của từ hoặc cụm từ, ý nghĩa của nhịp điệu hoặc/ và hình ảnh; đọc một cuốn sách hay một câu chuyện, một đoạn văn, muốn biết giá trị riêng hoặc đặc sắc của nó thì cần phải so sánh với những gì đã đọc,... khi đó phải sử dụng trí nhớ. Muốn sử dụng trí nhớ một cách hiệu quả, trước hết phải có kĩ năng ghi nhớ theo các gợi ý sau:

    1. Trước hết, muốn ghi nhớ, cần phải có thói quen tập trung chú ý để quan sát. Bài thơ/ đoạn thơ hay bài văn/đoạn văn đang đọc tên là gì? của tác giả nào? nội dung có câu, có từ, có ý gì đáng chú ý?...Đọc xong, cần ghi lại các ý chính, lập dàn ý về đặc điểm, giá trị nghệ thuật và nội dung của bài văn/ đoạn văn, bài thơ/đoạn thơ đó.

    2. Học thuộc lòng cả đoạn văn, đoạn thơ hoặc tìm và đánh dấu câu văn, câu thơ đặc sắc nhất trong bài, đoạn vừa đọc. Muốn học thuộc lòng, cần tìm ra lô-gic, đặc điểm riêng của đoạn văn, đoạn thơ đó.

    3. Rèn thói quen viết tắt hoặc vẽ sơ đồ để trống. Ví dụ: bài văn, bài thơ có 3 ý, khi đọc xong, cần vẽ ô chính là tên bài, chia ra 3 nhánh, nhưng chỉ để 1 hoặc 2 nhánh điền ý chính, nhánh còn lại để trống, sau đó tự kiểm tra khả năng ghi nhớ bằng cách điền đủ ô trống còn lại.

    4. Muốn ghi nhớ sâu, ghi nhớ kĩ, cần huy động những liên tưởng, tưởng tượng về khung cảnh, hoạt động, con người, sự vật mà đoạn văn đoạn thơ nói tới và liên hệ, so sánh sự giống và khác nhau so với các dữ liệu đã từng nghe, từng đọc trước đó.

    5. Liệt kê và sắp xếp các chi tiết đặc sắc, sắp xếp ý tưởng hoặc nhận xét về đoạn văn đoạn thơ hay cuốn sách vừa đọc theo thứ tự từ khái quát đến cụ thể hoặc ngược lại, nhưng nhất thiết phải xác định được ý chính.

    Để ghi nhớ có hiệu quả, cần rèn luyện thói quen đọc/ nghe/ nhìn và ghi chép theo một cách của riêng mình. Đồng thời, các em cần thường xuyên tự kiểm tra trí nhớ bằng cách tự nêu ra với chính mình (hoặc với bạn) một yêu cầu, sau đó tự mình (hoặc mời bạn) hoàn thiện các ý tưởng. Đây là một công việc rất quan trọng nhằm xây dựng dữ liệu cho các hoạt động tư duy tích cực trong quá trình học tập hằng ngày.