Sách bài tập Ngữ văn lớp 12 - Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX SBT Ngữ Văn 12 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3 trang 5 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1.

    1. Phân tích những thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975.
    Trả lời:

    Những thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975.
    - Nói qua về hoàn cảnh đặc biệt của xã hội từ năm 1945 đến năm 1975 (cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt ba mươi năm, công cuộc xây dựng cuộc sống mới, con người mới ở miền Bắc,... đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc ; điều kiện giao lưu văn hoá với nước ngoài bị hạn chế). Trong hoàn cảnh đó, văn học vẫn phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.
    - Về thành tựu nổi bật, nhấn mạnh mấy điểm chính sau đây :
    + Đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một nền văn học trong thời đại mới. Đó là nền văn học cách mạng chủ yếu hướng về đại chúng nhân dân, một nền văn học vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
    + Xây dựng được một đội ngũ nhà văn đông đảo thuộc nhiều thế hệ, đã được rèn luyện và thử thách trong cuộc sống chiến đấu vĩ đại của dân tộc.
    + Đã tiếp nối và phát huy những truyền thống tư tưởng lớn của văn học dân tộc: chủ nghĩa nhân đạo, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.
    + Phát triển mạnh mẽ và đồng bộ các thể loại văn học. Văn học giai đoạn này đạt được nhiều thành tựu về nghệ thuật ở nhiều thể loại, đặc sắc hơn cả là thơ trữ tình và truyện ngắn.
    2. Phân tích từng đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975.
    Trả lời:

    Về đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến- năm 1975, có 3 đặc điểm cơ bản:
    - Đặc điểm thứ nhất nói về khuynh hướng vận động chủ yếu của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 : Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nền văn học mới được khai sinh, gắn bó với vận mệnh của nhà nước nhân dân còn non trẻ, lại trải qua ba mươi năm chiến tranh ác liệt, nên sớm được kiến tạo theo mô hình “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh) cùng với kiểu nhà văn mới : nhà văn - chiến sĩ. Khuynh hướng tư tưởng chủ đạo của nền văn học mới là tư tưởng cách mạng, văn học trước hết phải trở thành một thứ vũ khí phục vụ sự nghiệp cách mạng.
    Gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước nên quá trình vận động, phát triển của nền văn học mới ăn nhịp với từng chặng đường lịch sử của dân tộc, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước. Sáng tác văn học tập trung vào hai đề tài : Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội.
    - Đặc điểm thứ hai nói về đối tượng phản ánh và phục vụ chủ yếu, đồng thời cũng là nguồn cung cấp lực lượng sáng tác cho văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 : Nền văn học hướng về đại chúng.
    - Đặc điểm thứ ba nói về khuynh hướng thẩm mĩ của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 : Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đây là đặc điểm mà anh (chị) cần phải hiểu sâu và nắm chắc để vận dụng khi học những tác giả và tác phẩm văn học giai đoạn này. Cụ thể, cần nắm vững những khái niệm : khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn ; chỉ ra được những biểu hiện cụ thể của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng.
    3. Bài tập trang 19, SGK.( Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi viết: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta".)
    Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên
    Trả lời:

    Khi bình luận ý kiến của Nguyễn Đình Thi về nền văn nghệ mới, cần phải hiểu những ý chính sau :
    - Một mặt là “Văn nghệ phụng sự kháng chiến” (ở đây là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp). Điều này nói lên mục đích, lí tưởng nghệ thuật của nền văn nghệ mới từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
    - Mặt khác là “nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới”. Đây chính là sự khẳng định tác động to lớn, sâu sắc của kháng chiến đối với văn nghệ. Chính hiện thực đời sống cách mạng và kháng chiến đã đem đến cho văn nghệ (trong đó có văn học) một nguồn cảm hứng mới, một sức sống mới. Chính cuộc kháng chiến đã cung cấp cho văn nghệ những đề tài mới, những nhân vật mới, công chúng mới.
    Nguyễn Đình Thi khẳng định với niềm tin mãnh liệt mối quan hệ máu thịt giữa văn nghệ với thời đại, với hiện thực đời sống của dân tộc.